Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

VŨ ĐỨC SAO BIỂN ĐÃ VỀ VỚI HẠC VÀNG CỦA GỐC SIM GIÀ THU XƯA VĨNH CỬU -Trần Mạnh Hảo


VŨ ĐỨC SAO BIỂN ĐÃ VỀ VỚI HẠC VÀNG 

CỦA GỐC SIM GIÀ THU XƯA VĨNH CỬU 

-Trần Mạnh Hảo

Sáng sớm nay, vào FB, chợt biết tin nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu Kim Dung Vũ Đức Sao Biển đã trút hơi thở vào lúc 23 h 25 phút ngày 6-5-2020 để trở về với đồi sim của mùa thu vĩnh cửu, theo đôi cánh hạc vàng Đường thi bất tử.

Trên WEBSITE báo “Thanh Niên” viết Vũ Đức Sao Biển sinh năm 1947. Dòng tiểu sử trên sai ở năm sinh Vũ Đức Sao Biển : ông sinh 12-2-1948, nhưng vẫn còn là năm Đinh Hợi, chứ không phải sinh năm 1947 như báo viết.

Hợi ơi, mới 72 tuổi đầu, bạn nỡ bỏ chúng tôi, bỏ gò đồi Duy Xuyên, bỏ mối tình đơn phương với Thu xưa, bỏ gia đình vợ con, bỏ trời mây Ghềnh Hào với điệu buồn Phương Nam thắt lòng…để theo hạc vàng Thôi Hiệu tìm gốc sim già cô đơn bên trời quan tái phiêu du ?

Tôi bèn mở kiệt tác “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển nghe hàng chục danh ca từ Anh Ngọc, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Cẩm Vân, Bảo Yến, Quang Dũng, Bằng Kiều…hát mà xúc động khôn cùng.

Chừng như “Thu hát cho người” là bài ca được nhiều danh ca Việt Nam hát nhất kể từ năm 1968, năm nó ra đời? Xin mọi người cùng thầm hát lên giai điệu của thiên thai trong ca từ tuyệt diệu sau :

“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt

Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó

Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư

Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió

Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ?

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,

Trong mênh mông chiều sương

Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín

Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay…

Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người

Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi

Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi

Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người…”

Năm 1968 là năm cuộc chiến khốc liệt nhất, tang thương nhất, bi thảm nhất đang diễn ra trên quê hương ta. “Thu, hát cho người” chợt vút lên từ tâm hồn Võ Hợi ( từ đây xin được gọi Vũ Đức Sao Biển bằng tên thật của ông : Võ Hợi) như một bài thánh ca về tình yêu, một vẻ đẹp hình như chỉ có trong mơ, trong thơ Đường xưa thấp thoáng cánh hạc vàng thiên giới ?

Đây là lời tâm sự của Hợi về nguyên nhân ra đời bài hát này, theo lời kể của một nhà báo trên website “Người lao động” :

Xin trích một bài viết ( không thấy đề tác giả) trên báo hay website “Người Lao Động” như sau : 

“Tôi rời nhà anh về tới cơ quan, mở máy thì đã có sẵn email của Vũ Đức Sao Biển. Anh kể miên man... Xin chép lại một đoạn dưới đây (tôi cũng từng kể trên giai phẩm Xuân Quảng Nam 2018):

"Thu" trong ca khúc nói trên là một nữ sinh xinh đẹp, học Trường Trần Quý Cáp (Hội An, Quảng Nam) từ năm 1961-1968. Người ấy học dưới ông hai lớp, ở cùng làng, thường đi học chung trên con đường từ quê Duy Vinh (vùng đông Duy Xuyên) qua Cẩm Kim (Hội An). Cứ chiều thứ Bảy, họ từ Hội An về lại làng, chiều Chủ nhật lại từ làng qua Hội An. Đường xa 5 cây số, qua hai lần đò, họ cùng đi bộ với nhau 4 năm.

Cô gái này luôn luôn giành đi trước nên trong nhạc phẩm "Đôi mắt", Vũ Đức Sao Biển mô tả: "Đường tre xanh mát qua bãi dâu/ Em giành đi trước bỏ tôi lại sau/ Những chiều qua sông không có nhau/ Tôi về bên bãi dâu xanh chờ em, em có biết".

Vũ Đức Sao Biển nhấn mạnh: "Thu" chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Tên thật đi học của cô gái này là H.

Do vậy, "Thu, hát cho người" là niệm khúc cuối của một mối tình trong sáng, hồn nhiên, kết thúc không có hậu. Khi từ Sài Gòn trở về cố hương vào năm 1968, Vũ Đức Sao Biển không tìm ra người bạn gái cũ được nữa. Danh tác "Thu, hát cho người" đã ra đời ngay sau đó, vào năm 1968, trong nỗi nhớ khôn nguôi ấy.

Không vơi tình xưa, tác giả còn sáng tác tiếp bài "Phố giáng hương" với những câu êm đềm, da diết: "Phố giáng hương tôi về/ Ngàn thu mắt biếc em đang ở đâu?/ Lá vẫn xanh bên đời/Mùa xuân vẫn hát vang bên ngàn dâu".

...

Thật sự thì hai người đã chia tay 55 năm nay, chưa một lần gặp lại. Anh vẫn nhớ rõ bóng hình ấy, mỗi khi ai nhắc lại, mắt vẫn đượm chút buồn sâu kín, bởi "biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi".

https://nld.com.vn/.../vai-chuyen-bay-gio-moi-ke-ve-vu...

(hết trích)

Trước khi Hợi được nhiều đài truyền hình mời làm một chương trình giới thiệu riêng về kiệt tác “Thu, hát cho người”, Hợi bảo : tôi nghĩ đến ông, người có khả năng cảm thụ và bình phẩm bài ca này, theo tôi là tốt nhất. Hợi đã để cả một buổi café sáng tâm sự với tôi về nguyên nhân ra đời bài hát.

Hợi bảo năm 1968 về lại quê hương Quảng Nam tìm người trong mộng xưa, nhưng nàng đã có bến đỗ. Buồn vô hạn. Mình lên đồi sim như một kẻ mộng du, may mà trong tay còn có cây ghita để ôm. Cả trời mây cây cỏ quê hương chừng như nhòe vào gương mặt nàng. Với nàng, Hợi chưa hề có giao kèo gì, chưa hề nắm tay, chưa hề tỏ tình, chỉ là tình yêu đơn phương của chàng trai mới lớn.

Nàng như ma nhập vào hồn tôi. Tôi, Hợi không còn là Hợi nữa. Tôi như vừa bị biến thành nàng. Tôi là Hợi lại là Thu. Tôi là cá nhân mình mà cũng là da thịt nàng, mùi hương nàng, ánh mắt thôi miên nàng… Tôi không còn là mình nữa. Tôi điên cuồng búng vào cây guitar. Không phải tôi búng, mà chính nàng đang búng. Tôi bị tẩu hỏa nhập ma rồi. Tiếng đàn cất lên từ vô thức, không phải chính là Hợi, mà chính từ miệng Thu, môi Thu ứa ra câu hát đầu tiên của “Thu, hát cho người” :

““Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt

Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa”

Cứ như thần nhập, bài hát từ trong vô thức tuôn chảy ra ngón tay, qua hồn tôi, qua miệng tôi hay chính từ miệng của Thu, miệng của người trời…Tôi mê đi, rồi tỉnh dậy ghi lại giai điệu và lời bài hát trên miếng giấy trong túi.

Trời ơi, bài hát bất hủ này là của Vũ Hợi hay của Hồ Thị Thu, người con gái trong mộng của Vũ Đức Sao Biển ? 

Tôi hỏi Hợi : nếu hồi ấy ông tán được cô Hồ Thị Thu, liệu có bài hát “Thu, hát cho người” không ? Hợi bảo không, dứt khoát không !

Thu, chính là mộng ước, là thiên đường tình yêu mà Hợi không bao giờ với tới. Chỉ là vọng tưởng, chỉ là ảo ảnh, là nỗi khát chết người không bao giờ được …uống.

Chính nỗi khát ấy, niềm say mê cuồng dại âm ỉ sống trong hồn Hợi ấy, chợt gặp thiên cơ, gặp hoàn cảnh, liền trào ra thiên khúc “Thu hát cho người”…

Chị Hồ Thị Thu ơi, nếu chị còn sống mà đọc được những dòng này, xin chị nhớ cho lời Vũ Đức Sao Biển ứa nước mắt nói với tôi hôm đó : cha mẹ đã tạo ra hình hài Hợi, chính trời mây cây cỏ Quảng Nam thu nhỏ trong Hồ Thị Thu đã làm nên tâm hồn Hợi, hơn nữa là làm nên ca khúc dâng tặng quê hương Việt Nam : “Thu, hát cho người”.

Tôi đã gọi hai kiệt tác của Cung Tiến : “Hương xưa” & “Hoài cảm” là hai bản thánh ca của tình yêu quê hương. Giờ tôi cần phải gọi “Thu, hát cho người” là thánh ca của tình yêu lứa đôi, một tình yêu mê đắm và trong sáng vô ngần, một tình yêu như thuở Ađam chợt thấy Eva xuất hiện trong vườn địa đàng xưa.

Chúa ơi, nếu không có hình ảnh chị Thu trong tâm hồn anh Hợi, thì làm sao chúng ta có bài ca tuyệt trần về đôi lứa này, khúc hát “Dâng đời” rất Tagore này, ám ảnh “Hoàng hạc lâu” rất Thôi Hiệu này, đồi sim Duy Xuyên rất Bùi Giáng này ?

Hợi ơi, tôi có thể chết đuối trong bài hát của bạn ! Cám ơn Hợi đã cho tôi một Quảng Nam, một Việt Nam thơ mộng đến thần tiên, diệu vợi và liêu trai đến nhập đồng, da diết và đắm say đến mọi cảnh giới thiêng liêng nơi hồn tôi. 

Làm sao đừng để chiến tranh, để những tham vọng cường quyền chà đạp, bôi bẩn lên gương mặt quê hương trong thi ca, trong âm nhạc, đẹp như gương mặt tình nhân trong mơ của Hợi xưa !

Vĩnh biệt Hợi, chàng đã để lại cho dân cho nước Việt một bản thánh ca của tình yêu đôi lứa, một Serenade Việt Nam. Chỉ cần một tình khúc mê hoặc và thiêng liêng này thôi, Võ Hợi ơi, bạn đã thành nhạc sĩ lớn Vũ Đức Sao Biển trong lòng người thưởng ngoạn.,.

  Sài Gòn 7-5-2020

T.M.H.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!