ĐÔI DẤU VÀNG SON RƠI VÀO QUÊN LÃNG
Trước khi bước về hành trình dài nhất của đời người ở thế giới bên kia, hẳn đã có nhiều lần nữ sĩ Ngân Giang thong thả bên tách trà chiêm nghiệm đời mình, vàng son không ít mà phong ba cũng trải đủ cả. Từ thuở là cô bé lên 6 tuổi ngồi nơi ga tàu, bà gieo đôi câu thơ khiến người ta không khỏi giật mình, bởi nhỏ vậy mà hiểu lẽ đời sớm quá, lại có nét duyên buồn với thi ca:
“Tàu về rồi tàu lại đi
Khối vô hình ấy nhớ gì sân ga”
Nữ sĩ sớm nổi tiếng trên văn đàn đương thời với nhiều tác phẩm xuất sắc gắn với nhiều giai thoại và bạn bè trong giới nghệ thuật. Sau đây xin phép nhắc lại trong trầm ngâm:
1. Ngân Giang và Nguyễn Tuân cùng cung nữ Vương Tường
Ngày tiền chiến, bà có mở Salon Litte’raire, nơi tiếp đón những người bạn yêu thích văn chương. Nhà văn Nguyễn Tuân mỗi bận ghé qua đều làm “thủ tục” đầu tiên là rắc thêm bột trầm vào lư trầm, và đọc khổ thơ đầu của bài thơ "Vương tường" do Ngân Giang viết, kể phận nữ nhi gởi thân mình sau những bức tường đỏ cao vút, tráng lệ, chốn cung cấm thêu vào tuổi xuân bốn chữ “ngóng chờ vô vọng”:
“- Khơi đỉnh trầm lên kìa thái giám!
Cho hương tỏa quyện điệu tì bà.
Nối thêm bạch lạp chờ thiên tử,
Vườn ngự trăng về ngả bóng hoa”.
Sau đó, ông trao chiếc đàn cho nữ sĩ bằng hai tay, như gợi lại không gian cung đình trong khổ tiếp theo của bài thơ:
Thái giám cúi dâng đàn trước kỷ,
Rắc thêm trầm ngát xuống lư vàng.
Lung linh bạch lạp soi nhan sắc,
Mười ngón tay ngà nắn phím loan.
"Thủ tục" này làm nhiều người hiếu kỳ, thấy bóng dáng của người sành chữ như Nguyễn Tuân ít khi kính cẩn đến thế, lại thấy cả bóng dáng nữ sĩ "quốc sắc thiên hương" kì tài.
2. Ngân Giang và Đông Hồ cùng Trưng nữ vương
Bà cho ra đời tác phẩm "Trưng nữ vương" vào năm 1939, được người đời từ Bắc chí Nam hết lòng ngợi ca. Bởi giữa bạt ngàn những thi phẩm về Trưng Nữ vương do nam giới viết đậm màu hùng tráng, đến Ngân Giang người ta mới tỏ tường nỗi đồng cảm ám màu bi ai. Bài thơ viết về sự đơn độc, lẻ loi chôn chặt trong lòng nữ anh hùng Hai Bà Trưng để làm việc lớn. Khi dân tộc hát khúc Khải hoàn ca, cũng là lúc thi sĩ tấu lên một khúc giãi bày thay nữ chủ tướng tài giỏi, nhưng góa bụa cô đơn và lạnh lẽo. Cuối cùng, bật ra tiếng nấc nghẹn ngào:
“Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”
(Trưng nữ vương- Ngân Giang)
Nhà thơ Đông Hồ đứng trên giảng đường của Đại học Văn khoa Sài Gòn bình bài thơ này cho học trò. Phút thăng hoa nhập tâm vào bài giảng ông bật tiếng kêu “Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá” rồi tắt nghẹn qua đời. Ngân Giang ngậm ngùi, đau xót tiễn bạn bằng đôi vần thơ:
Trăng lên từ phía biển Đông
Trăng chìm đáy nước trăng rung sóng Hồ
Trăng về đẹp những câu thơ
Trăng đi đã để gió mưa lạc loài
Đường vào dứt nẻo trăng ơi…
Bao giờ lại gặp một người say trăng?
(Viếng bạn Đông Hồ- Ngân Giang)
Ròng rã con tạo xoay vần, ít ai có thể đạt được những vinh quang trên văn đàn điển hình trong thời đại Thơ Mới, như nữ sĩ Ngân Giang. Nhưng nét son ấy phai lạt, nhòe mờ đi phải chăng vì "thời thế thế thời, thế thời phải thế"?
-------------------
Tài liệu tham khảo:
Vương Tường- Ngân Giang
Trưng nữ vương- Ngân Giang
Viếng bạn Đông Hồ - Ngân Giang
Người nhặt lá thành thi sử - Quốc Việt
Bên đỉnh trầm, phiếm đàm với Ngân Giang nữ sĩ, trích Kẻ sĩ trước thời cuộc - Hoàng Quốc Hải
________________
Chấp bút: Minh Châu
Ảnh: Phix Nguyen on Unsplash
Thiết kế: Vừng
________________
Vui lòng không repost khi chưa có sự đồng ý của Tầm.
(Nguồn: Fb Tầm Chương Trích Cú)
HN sang thăm anh xem bài
Trả lờiXóaChúc anh tuần mới nhiều may mắn vui khỏe nhé anh!
https://i.pinimg.com/originals/51/2e/26/512e263dc43416743c8598f17a45838f.gif
Cảm ơn HN.
XóaChúc em luôn được gặt hái được thành quả mỹ mãn trong công việc.