Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

ÁM ẢNH -Nguyễn Hưng Quốc


ÁM ẢNH

Trong status cách đây mấy ngày, tôi thú nhận có thể tôi bị chứng hậu chấn tâm lý (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD), tức những khủng hoảng sau một số biến động lớn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ tôi là trường hợp cá biệt. Nhìn quanh, tôi thấy hầu hết bạn bè tôi ở hải ngoại đều thế. Đều bị ám ảnh về Việt Nam.

Trước đây, tôi thường qua Mỹ, chủ yếu ở California, trên danh nghĩa là để tham dự một cuộc hội nghị nào đó, trên thực tế là để có dịp gặp gỡ bạn bè trong giới viết lách. Ngày nào cũng lê lết cà phê cà pháo từ sáng đến tối. Thường, sáng và trưa: cà phê. Chiều và tối: bia và rượu. Lâu lâu mới có dịp gặp nhau, ai cũng ham nói. Nói đủ thứ chuyện. Tuy nhiên, có một chuyện phổ biến nhất: Chuyện chính trị Việt Nam. Nói gì thì nói, cuối cùng, câu chuyện vẫn quay về Việt Nam. Có lần, tôi đề nghị: Thôi, chỉ nói chuyện văn học nghệ thuật, thử “kiêng” chuyện Việt Nam vài bữa. Mọi người đồng ý. Nhưng lát sau, chỉ lát sau thôi, câu chuyện lại quay về Việt Nam. Lại chuyện độc tài. Chuyện độc đảng. Chuyện nhân quyền. Chuyện dân chủ. Chuyện Việt Nam và thế giới. Vân vân. Nói say sưa. Một lúc nào đó, chợt nhận ra mình phá vỡ lời hứa. Cười ồ. Rồi tiếp tục nói chuyện Việt Nam.

Mà nhìn rộng trong sinh hoạt văn học Việt Nam ở hải ngoại từ 1975 đến nay, chúng ta cũng thấy rõ điều đó; Hầu hết, từ thơ đến truyện, đều tập trung vào đề tài Việt Nam. Ngay Nguyễn Thanh Việt, nhà văn Việt Nam đầu tiên đoạt giải Pulitzer ở Mỹ, qua Mỹ lúc còn nhỏ, nhỏ xíu, vậy mà, lớn lên, viết sách, từ tiểu thuyết đến nghiên cứu, đều châu tuần chung quanh chuyện Việt Nam.

Không phải chỉ người Việt Nam không đâu. Theo giới nghiên cứu về Lưu vong học (Diaspora Studies), nỗi nhớ cố hương và tâm trạng lạc lõng là hai trong số những đặc điểm nổi bật nhất của các cộng đồng di dân. Từ người giàu đến người nghèo, từ người thành công đến người thất bại, ai ai cũng đau đáu nhớ về gốc gác cũ. Thế hệ thứ nhất như vậy. Thế hệ thứ hai cũng vậy. Thậm chí các thế hệ cháu chút xa lơ xa lắc vẫn muốn quay về nguồn.

Không ai xa quê hương mà giữ được sự thanh thản. Đó là số phận của những người lưu vong. Đông cũng như Tây. Với giới cầm bút, nó lại càng nặng nề.

Nguyễn Hưng Quốc


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!