RỪNG XUÂN BAO GIỜ THÔI KHÓC
(Đọc Rừng khóc giữa mùa xuân của Phạm Tín An Ninh)
Truyện ngắn Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, được Phạm Tín An Ninh viết trau chuốt, có nhiều tình huống éo le, và mẫu thuẫn nội tâm nhân vật nhất, tác giả để rất nhiều cảm xúc riêng chi phối, khi giải quyết những mâu thuẫn nội tâm đó. Hay tác giả đẩy bi kịch lên cao độ, khi người con trai bao năm lưu lạc một mực muốn ở lại cao nguyên với người Thượng, không chịu theo mẹ về Nha Trang, hay sang Nauy đoàn tụ. Thật ra còn nhiều cách kết thúc câu chuyện theo lẽ thông thường khác. Có lẽ do yêu, và nhiều cảm xúc với câu chuyện này nhất, nên tác giả đã lấy tên, đặt tựa đề cho cả tập truyện ngắn thứ hai của mình, bao gồm hai mươi truyện ngắn và truyện ký.
Nhưng khi đọc kỹ lại toàn bộ tập truyện, tôi thấy truyện ngắn Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, không phải là tiểu biểu, linh hồn cho tập truyện. Hồn vía của cả tập truyện này lại nằm trong truyện ký đơn giản, mộc mạc, tác giả “ít đầu tư thời gian nhất. Chuyện Người Lính Trinh Sát“.
Đọc truyện ký – Chuyện Người Lính Trinh Sát - tôi cứ bị ám ảnh bởi câu kết “Trong cuộc chiến này, quả thật, có những điều mà người ta không thể nào hiểu được”. Dường như đó là câu hỏi cho cả tập truyện này. Ai hiểu được tâm trạng của một người vợ có chồng theo cộng sản, bị lính Việt Nam Cộng Hòa bắn chết và có một người con trai duy nhất đi lính VNCH lại bị bộ đội giết? Sự đau đớn không thể làm một phép tính so sánh, nhưng sự giằng xé, đau đớn, âm thầm của bà nhân lên gấp bội vì không có người sẻ chia, cảm thông. Có lẽ tác giả đã nhìn thấy bà là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến hai mươi năm, anh em tương tàn. Nhưng rất tiếc tác giả chưa khai thác hết mâu thuẫn nội tâm của người vợ, người mẹ đau khổ này.
Nếu như tác giả khoét sâu vào khía cạnh này, tôi cho rằng truyện hay lên gấp nhiều lần, và câu chuyện không dừng lại chỉ một người lính trinh sát can trường. Có thể tác giả phải đặt lại tên “Chuyện Về Mẹ” thay cho truyện “Chuyện Người Lính Trinh Sát” không chừng.
Cuộc chiến hai mươi năm được đặt lên đôi vai gầy của mẹ. Có cái đau nào bằng nỗi đau nhìn chồng chết mà không dám nhận, không dám khóc, không dám vấn khăn tang? Và có những nỗi đau chồng lên nỗi đau, khi bà mẹ nhìn con trẻ chết tan xác vì hỏa tiễn đồng đội của chồng, mà nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai?
Đọc xong truyện – Chuyện Người Lính Trinh Sát - tôi cứ phân vân tự hỏi, nếu có ghi tên bà vào trang sử của cuộc chiến, bà thuộc về những người lính chiến VNCH, hay là của những anh Bộ đội?
Có phải đó là nỗi đau chung, nỗi đau khó xóa nhòa?
Cả tập truyện còn nhiều truyện hay và cảm động như “Nghỉ Hè Ở Mallorca”, nói mối tình éo le của cô cán bộ lâm nghiệp với người sĩ quan VNCH đang bị tù đầy. Hay truyện Cô Gái Quá Giang Đêm Mùng Một Tết, khắc sâu về thân phận con người trong chiến tranh, bi lụy dai dẳng đến mấy chục năm sau, kết thúc bằng cái chết của cô sinh viên đại học. Những truyện hoài tưởng quê hương về tuổi thơ cứ man mác hiện về, với những đoạn văn thật rung động, tả về đồng quê, như truyện: Những Đám Mây Trên Đỉnh Núi Phổ Đà vàTiếng Sáo. Hồn nhiên nhí nhảnh, nhưng sâu sắc để lại cho người đọc nhiều đều suy ngẫm trên quê hương xứ người với ký, Đứa Cháu Nội.
Có lẽ thời gian đẹp, nhiều kỷ niệm nhất của anh là lúc mặc áo lính, nên truyện của anh chính yếu viết về lính, viết về chiến tranh. Nhưng có điều đặc biệt trên trang sách của anh, tôi ngửi thấy mùi khét của bom, nghe thấy tiếng súng, nhưng tôi không thấy có địch, có ta, không có hận thù và những cảnh khát máu giết người, mà chỉ thấy ngun ngút tình người trong đó.
Gấp tập sách lại, tôi cứ miên man suy nghĩ: Có thật trong cuộc chiến này có những điều khó hiểu đến vậy? Nếu bạn nào không tin, hãy đọc thử tập truyện ngắn Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, của Phạm Tín An Ninh xem có cảm giác như tôi không?
Leipzig ngày 12-5-2011
Đỗ Trường
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!