Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

CUỘC LỮ VÔ TRỤ XỨ -Tâm Nhiên


CUỘC LỮ VÔ TRỤ XỨ

"Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng

Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu"

Tuệ Sỹ đã thốt lên lời thơ như thế giữa muôn trùng cuộc lữ. 

Cuộc lữ phiêu lưu, phiêu bồng không mục đích, không chỗ trụ, không mong cầu chi hết, vì thi nhân biết rằng, chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu “vô sở tòng lai diệc vô sở khứ” đấy thôi. 

Phương trời lưu viễn chơi rong, thõng tay vào chợ, thở cùng điệu thở thênh thang giữa thiên địa tuần hoàn. Chỉ còn sáng tạo và sáng tạo trên cung bậc thi ca… 

Hòa cùng nhịp bước lãng du của người thi sỹ kỳ tuyệt đó, du tử này chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình, chí cốt của Tuệ Sỹ: 

“Một con người vừa là Thi sỹ vừa là Thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ tát. 

Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng.

Vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng. 

Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sỹ, thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng. 

Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương… 

Tuệ Sỹ là bậc Long Tượng của Phật giáo Việt Nam…

Đôi mắt Tuệ Sỹ lúc nào cũng sáng rực. Sáng rực được bên ngoài vì đã sáng rực bên trong, đã sáng rực bên trong vì đã sáng rực không ở trong cũng chẳng ở ngoài. Rực sáng như ngàn mặt trời. 

Tôi gọi Thầy Tuệ Sỹ là Bồ tát, là Long Tượng, một bậc Đại sỹ…”

Phạm Công Thiện đã hùng hồn tuyên bố như thế, khi phát biểu trong buổi giới thiệu tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật của Tuệ Sỹ bên Hoa Kỳ và kẻ viết bài này cũng thấy như vậy, nên mần bài thơ Đôi Mắt Tuệ Sỹ khi gặp nhà thơ ở Hương Tích thư quán, Sài Gòn, vào một chiều phiêu lãng cuối mùa xuân:

Như Long Tượng mắt mở trùng sáng rực

Một hôm gầm sấm dậy khắp nhân gian

Làm chấn động khắp sơn hà đại địa

Rền ngân vang tận rú thẳm non ngàn

Đôi mắt ấy cháy ngời xanh ánh lửa

Thiêu rụi tàn ngàn bóng tối u minh

Vô lượng quang sáng bừng lên trí tuệ

Đại bi tâm hàm dung chứa bao tình

Đôi mắt đó trầm sâu màu đáy biển

Hòa chan nhau máu lệ nỗi đau đời

Từ nhãn thị chúng sinh đầy thương cảm

Mà đọa đày trong cuộc lữ chao ơi!

Ôi đôi mắt lặng nhìn xuyên tam thế

Cõi tồn lưu huyễn mộng khói sương lồng

Lòng trăng hiện giữa đêm dài sinh tử

Thõng tay vào phố chợ bước dung thông

Thõng tay vào phố chợ bước dung thông là bước đi kỳ cùng, lý sự viên dung của một kẻ cô hành độc lữ. 

Chúng ta hãy lắng nghe Phạm Công Thiện nói tiếp về thơ Tuệ Sỹ:

“Thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim bay từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính mệnh quê hương…

Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”

Bắt chước Phạm Công Thiện, kẻ lang thang này cũng muốn ca ngợi, tán thán Tuệ Sỹ, một Thiền sư Thi sỹ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại, vô úy, nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động, rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ, mười phương rồi. 

Thôi thì, chỉ xin đọc tặng bài thơ Im Lăng Sấm Sét, khi một chiều bữa nọ, bất ngờ tái ngộ thi nhân đang ẩn cư ở vùng biển xanh Vạn Giã, trong một ngôi cổ tự rêu phong trầm tịch mịch:

Những phương trời viễn mộng đi

Thi ca tư tưởng bước kỳ tuyệt qua

Đọa đày một thuở ta bà

Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng

Ôi! Giấc mơ Trường Sơn rung

Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ

Kinh thiên động địa sững sờ

Đâu chân diện mục của Thơ với Thiền?

Mặc như lôi ngồi tịch nhiên

Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm

Những điệp khúc cho dương cầm

Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm

Niềm hân hoan bát ngát hơn nữa, lại trùng ngộ nhà thơ trên đồi cao Vô Trú Am, vào ngày 25. 5. 2018 tại hải đảo Lại Sơn, Kiên Giang, ngút ngàn ngoài ven trời vạn dặm. 

Thi nhân vân hành ra đó nghỉ ngơi, an cư ba tháng hạ và du sỹ này làm thị giả, được hân hạnh sống kề cận, gần gũi, vui vẻ bên tách trà, sớm chiều tiêu dao vô sự…

Cùng uống trà, ngắm biển, lội suối, băng rừng, leo núi, dạo chơi với thi nhân là đủ cảm hứng vô ngần trên tinh thần sáng tạo, nên mấy chục bài thơ làm xong trong thời gian tràn đầy thơ mộng đó.

Xin chép lại đây một bài Trùng Ngộ Ở Nơi Này, gởi tặng biển núi thanh lương giữa nghìn năm trầm biếc xanh ngời thăm thẳm:

Ngoài hải đảo ngút ngàn vạn dặm

Giữa muôn trùng sóng vỗ mênh mông

Sớm mai bát ngát nhìn vũ trụ

Thấy càn khôn trong một giọt sương lồng

Trên tuyệt đỉnh rừng cao hùng vĩ

Thật không ngờ xuất hiện bóng Thiền sư

Hùng tâm tráng khí vang đầu gậy

Diệu huyền âm rền tâm khúc đại từ

Đại hỷ xả hòa vô công dụng hạnh

Rúng ngân dài tận góc bể chân mây

Biển núi bừng reo theo sỏi cát

Hát mừng vui trùng ngộ ở nơi này

Rồi bây giờ, ngày đầu xuân năm mới giữa trời thơ đất mộng Long Thành, Đồng Nai lại gặp Thầy, lại tái ngộ Thiền sư Thi sỹ đi về trên mặt đất trần gian...

Tâm Nhiên

Hình ảnh:Tác giả Tâm Nhiên với Thầy Tuệ Sỹ ngồi bên một tịnh thất trong khuôn viên chùa Phật Ân ở Long Thành, Đồng Nai sáng 6. 2. 2022


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!