TRĂNG MỜ BÊN SUỐI
-Trương Quang Đệ
Đó là bài hát tôi biết từ đầu những năm 50 thế kỷ trước, gần như cùng thời gian vói những bài ca lãng mạn khác như Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Sơn nữ ca của Trần Hoàn và Nụ cười sơn cước của Tô Hải. Suốt hơn 70 năm qua tôi thỉnh thoảng ngân nga vài đoạn mà chẳng quan tâm tìm hiểu cội nguồn bài hát ra sao. Gần đây trên facebook bạn Trần Công Tín chia sẻ bài viết của Quang Thịnh về nhạc sỹ Lê Mộng Nguyên, tác giả bài hát, tôi mới thông tỏ được đôi điều.
Lê Mộng Nguyên năm nay 92 tuổi, đang sống ở Pháp. Ông không phải là nhạc sỹ chuyên nghiệp, chuyên ngành của ông là luật và chính trị học. Ông là một trí thức danh tiếng người Pháp gốc Việt, viết nhạc, làm thơ theo kiểu tài tử mà thôi. Ông sinh năm 1930 tại Huế, theo học tiểu học rồi trung học cũng ở thành phố này. Năm 1950 sau khi có bằng tú tài toàn phần ông đi du học ở Pháp. Suốt hơn 70 năm qua ông chưa trở lại quê nhà.
Tháng 11 năm 1949, trong một buổi chiều buồn, ông sáng tác bài “Trăng mờ bên suối” tại nhà riêng của ông ở đường Gia Long (nay là Phan Đăng Lưu). Cảm xúc bắt nguồn từ nỗi buồn chia ly sắp diễn ra với một thiếu nữ hoàng tộc mà ông yêu mến, hai người từng hẹn hò gặp nhau bên bờ Sông Hương, một nơi trung gian giữa hai ngôi trường danh tiếng Khải Định (nay là Quốc học) và Đồng Khánh (nay là Hai Bà Trưng), khi họ học xong giờ cuối buổi chiều. Với cây đàn ghi ta và một cuốn vở nháp chi chít những bài tập vật lí, hóa học, ông vừa đàn vừa viết trong vòng chưa đến nửa giờ cả nhạc lẫn lời của một bài ca mà ông không ngờ sống mãi với thời gian.
Khi ông vừa soạn thảo xong bài hát, anh ruột ông (sau này là đạo diễn điện ảnh Lê Mộng Hoàng) đi đâu đó trở về, thấy bản nhạc liền cất tiếng hát thử. Hai anh em vui mừng thấy bài ca gợi cảm sâu sắc. Với niềm tin vào chất lượng của công trình sáng tác của mình, Lê Mộng Nguyên gửi ngay cho một ca sỹ quen biết làm việc ở Đài phát thanh Pháp-Á và đài này ngay lập tức cho lan tỏa bài ca khắp cả nước. Bài ca không chỉ lan truyền nhanh chóng trong vùng đô thị do Pháp tạm chiếm mà lan truyền đến các vùng do các lực lượng kháng chiến kiểm soát. Bản thân tôi biết hát bài này khi đang ở một vùng chiến khu heo hút ở tỉnh Quảng Trị.
Lê Mộng Nguyên sáng tác bài ca này khi mới 19 tuổi. Tuổi này chưa thật già dặn với đời sống tình cảm lứa đôi nhưng là tuổi mơ màng với những mối tình thoáng qua và những nỗi đau xa cách chia ly. Vì thế bài ca thấm đậm nhanh chóng vào tâm tư lứa trẻ, vào tâm tư những kẻ mơ màng.
Trường hợp Lê Mộng Nguyên cho ta một ý tưởng về tài năng và tuổi trẻ. Chỉ cần có tài năng và có cảm xúc mạnh thì có thể sản sinh những tác phẩm nghệ thuật giá trị, sống mãi với thời gian. Mà có riêng gì nghệ thuật, khoa học cũng vậy. Everiste Galois của nước Pháp khi mới 20 tuổi đã có một công trình về lý thuyết nhóm đặt nền móng cho toán học hiện đại. Cũng do một mối tình mà ông qua đời sớm trong một cuộc đấu súng, tiếc thay!
Xin ghi lại đây để qúi bạn tham khảo lời của bài ca “Trăng mờ bên suối”.
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào?
Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy
Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà
Suối mơ, lời hẹn ước bên bờ suối xưa
Nhớ chăng người phương xa trong khói điêu tàn?
Suối ơi, vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh
Nào những lúc trên thuyền say sưa nhìn trăng vừa lên
Ai hay chia lìa, sương khói biên thùy
Hiu hắt người đi sa trường xa
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây xa cách người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ.
(Nguồn: Fb Đệ Trương Quang)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!