VĂN HỌC GIÚP TA KHÁM PHÁ CÁI GÌ? -
Toán học và các khoa học tự nhiên có những khám phá cực kỳ quan trọng, ví như thuyết tương đối của Einstein, bảng tuần hoàn các nguyên tố của Mendeleev, thuyết vi sinh vật của Pasteur. Những khám phá đó đã giúp cho nhân loại có những bước đột phá trong việc hiểu biết thiên nhiên và cải thiện đời sống vật chất.
Còn văn học thì sao? Theo tôi, văn học từ thời “Iliad và Odyssey” của Homer đến “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Marquez cũng có những khám phá không kém phần quan trọng. Thực vậy, nhờ các tác phẩm văn học mà người ta “ sáng ra" nhiều chuyện. Tác giả Dai Sijie (Đới Tư Kiệt – người Pháp gốc Hoa) trong cuốn “Balzac và cô thợ may Trung Hoa bé nhỏ” chỉ ra rằng nhờ đọc lén được tiểu thuyết “Ursule Mirouët” của Balzac mà giới trẻ Trung Hoa phát hiện ra ở nước ngoài con người có thể sống tự do theo ý mình, không sợ ai, một người có thể chống lại trăm người, khác hẳn với đời sống Trung Hoa. Cô thợ may bé nhỏ vốn cam chịu thân phận hèn kém của mình, sau khi được nghe kể về Ursule bỗng ý thức được sắc đẹp của mình là vô giá, cô rời bỏ máy khâu, làng quê để ra đô thị tìm lối sống riêng cho mình. Phần lớn tác phẩm văn học cho ta hiểu biết về thân phận con người, về những mối tình say đắm như trong “Anna Karenina” của Tolstoï hay “Những đau buồn của chàng Werther” của Goethe. Có những tác phẩm văn học giúp ta khám phá tính cách con người của các dân tộc khác nhau trong những bối cảnh lịch sử phức tạp. Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn nói về hai tác phẩm “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn - nhà văn danh tiếng Trung Quốc - và vở kịch “Cậu Vania” của nhà văn Nga Sekhov.
Cách đây đúng 100 năm, năm 1922, Lỗ Tấn cho đăng “AQ chính truyện” thành nhiều kỳ trên báo. Nhân vật trung tâm câu chuyện là AQ - một cố nông không đất đai không nhà cửa, ngày đi làm thuê, tối ngủ nhờ trong một ngôi đền hoang vắng. Con người AQ có nhiều điểm khá đặc biệt. Một là niềm tự hào hoang tưởng, cho rằng mình có gốc gác gia tộc cao sang hơn hẳn bất kỳ ai anh tiếp xúc hàng ngày. Anh thấy ai cũng thua kém mình về gốc gác. Hai là phép thắng lợi tinh thần, tức là khi ẩu đả với ai đó anh thua nhưng vẫn cho là mình thắng. Anh nghĩ: nó đánh mình chẳng qua như nó đánh cha nó, khốn nạn thay! Anh bao giờ cũng thua trong mọi tranh chấp nhưng anh vẫn tự hào là mình thắng. Thằng Cu Don, đối thủ của anh biết cái phép thầm kín đó của anh nên mỗi lần quật ngã anh, nó tiếp tục nện anh và bắt anh phải thú nhận bằng lời rõ ràng là thua. Ba là anh rất bảo thủ, không chấp nhận cái gì khác với môi trường của mình. Anh ghét dân làng Mùi bên cạnh vì họ xào hành không giống nơi anh cư trú. Cuối cùng Cách mạng Tân Hợi nổ ra, anh hồ hởi tìm cách tham gia, tưởng rằng cách mạng đó do những người nghèo khổ chủ xướng. Nhưng những người trong đội ngũ cách mạng lại là những người giàu, những người có học như “lão Tây giả”, không ai chấp nhận anh. Trong cơn bế tắc anh làm cách mạng theo kiểu anh hiểu: đi cướp của nhà giàu. Thế là chính quyền cách mạng khép anh vào tội chết.
Ngay những trang đầu, “AQ chính truyện” đã thu hút đông đảo người hâm mộ. Mọi người đều hiểu rằng AQ là hiện thân của người Trung Hoa thời đó, một hình ảnh mà ai cũng muốn xóa bỏ. Nhưng buồn thay AQ vẫn còn đó với thể chế dân quốc rồi thể chế Mao ngày nay.
“Cậu Vania” của Sekhov diễn tả cuộc sống của một gia đình Nga trung bình, sống dựa vào thu hoạch của một trang trại nông nghiệp. Vania có bà mẹ già, có cô em gái lấy một ông chồng giáo sư tên là Serebryakov. Sonya là con gái của cặp vợ chồng này. Lao động chính trong gia đình là Sonya và người cậu Vania. Viên giáo sư chỉ có hư danh, không có thu nhập gì, sống bám víu vào nhà vợ và được bà mẹ vợ tôn sùng ngưỡng mộ hết mực. Lão gần như là niềm tự hào của gia đình nông thôn này. Vợ Serebryakov qua đời nhưng viên giáo sư vẫn sống bám vào gia đình vợ, ngay cả khi ông ta lấy một bà vợ mới trẻ trung xinh đạp tên là Helena. Cậu Vania và Sonya ra sức làm việc để nuôi cặp vợ chồng vô tích sự đó. Vania căm giận, bất bình nhưng chỉ biết than thở với bạn bè và láng giềng. Đến một hôm Serebryakov tuyên bố sẽ bán trang trại để lấy tiền đầu tư vào một mối làm ăn mới chỉ có ông ta biết. Vania hỏi Serebryakov nếu bán trang trại thì Vania, mẹ già và Sonya sẽ ở đâu? Serebryakov không tính đến chuyện đó, tảng lờ. Bất bình cực điểm, Vania lấy súng lục nhằm viên giáo sư bóp cò nhưng đạn đi chệch hướng. Mọi người ra sức can ngăn, cuối cùng đâu vẫn vào đấy. Vania và cô cháu tiếp tục cần mẫn khai thác trang trại không bị Serebryakov bán để tiếp tục nuôi viên giáo sư vô cảm, ích kỷ, hư danh và cô vợ trẻ.
Thông điệp mà Sê khốp muốn nhắn nhủ qua vở kịch này là những kẻ cần cù, hiền lành, lương thiện phải chịu suốt đời phục dịch những kẻ hư danh, vô cảm, ích kỷ. Vania và Sonya là hiện thân của những người Nga bình thường, lương thiện, cam chịu cuộc đời tẻ nhạt không có hạnh phúc cá nhân.
Những vở kịch của Sê khốp như “Chim hải âu”, “Vườn anh đào”, Ba chị em” đều thấp thoáng bóng dáng những kiểu người như Vania và Sonya. Nhiều nhà văn, nhà thơ bạn bè của Sê khốp sau khi xem những vở kịch này đều có tâm tư bức xúc, muốn vùng lên phá vỡ một cái gì đó hoặc kêu lên một tiếng vang vọng thấu trởi xanh.
(Nguồn: Fb Truong Quang De)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!