TẮM PHẬT
–Thích Thanh Thang
Hôm qua sư đệ đưa tôi từ Lâm Đồng về cốc. Ngày mai 8/4 âm lịch, chùa sẽ diễn ra Lễ tắm Phật. Sự đệ nói, nhất định anh phải về dự lễ tắm Phật đấy.
Tôi bảo, cũng chưa biết có về Sài gòn hay không. Sự đệ nói anh đừng kiếm cớ nữa, nhất định phải về đấy!
Sau khi sư đệ quay xe về Sài gòn. Tôi ở lại với 2 cái tôi, một cái tôi (sư huynh) sẽ phải về hân hoan với Lễ Tắm Phật và một cái tôi muốn ở vườn chăm cây, rang trà. Phân thân ra thế nào nhỉ?
Vừa quét sân vừa nghĩ, có bao nhiêu cái tôi và cái của tôi phân thân đi khắp chốn. Nhưng tôi phút trước và tôi phút sau chỉ là sự kết nối không nguyên vẹn thì những cái gọi là của tôi kia thật cũng chẳng mấy ý nghĩa.
Lâu lâu tôi cứ lôi cuốn sách ra đọc lại, trích dẫn để làm gì nhỉ. Để làm mới ký ức hay một vùng ký ức đã qua ư? Tôi là bộ não của tôi, là tâm tôi hay tôi là cuốn sách của tôi. Bộ não cần cuốn sách để nhớ về một quãng thời gian ngồi viết trong trí tưởng tượng hay chỉ là làm dáng với sự tự mãn của cái biết? Tâm khi ấy và tâm lúc này phóng chiếu đi đâu?
Vậy thì những đoạn ký ức cũ mèm kia liên quan gì tới cái tôi đang là hôm nay, ở giờ phút này? Đôi khi đang buồn nẫu ra đây, mà cuốn sách thì cứ vui và thâm sâu một cách gớm ghiếc.
Đã vậy, lâu lâu thấy Fb nhắc lại hình ảnh của mình từ chục năm về trước. Ồ hình ấy nó đâu phải mình “đang là”, đem nó ra nhắc tới làm gì? Để vui buồn với ký ức ư?
Vậy mà ông Hoà thượng 80 tuổi chỉ tấm hình mình năm 20 tuổi bảo, thầy đấy!
Ừ thì đúng vẫn là “thầy đấy”! Nhưng nó là một đoạn ký ức còn lưu giữ thông qua một dạng vật chất (ảnh, tượng, sách, tên…), chứ còn thầy đang ngồi với thầy đây ai biết đang như thế nào, có cao đạo như sách nói không hay bụng chỉ đang buồn đánh rắm?
Vật chất vô tình như ảnh, tượng, sách, kinh, tên tuổi, vạn vật được tạo hình hay không cũng đưa cả vào Pháp thân mà tồn tại cùng sinh diệt, mới cũ.
Phật là nhục thân thì 80 năm trụ thế trần hoàn. Phật là pháp thân thì nắng mai mỗi buổi sớm, có tuổi như không tuổi, sinh mà vô sinh…
Lễ tắm Phật là tắm cái Pháp thân, chứ chớ nên nghĩ là tắm cho sạch bụi nơi một cái tượng nhỏ. Pháp thân là diệu cực của tương quan sinh diệt. Pháp thân cũng là bất sinh bất diệt.
Phật thân Pháp thân bao trùm hư không. Phật thân là thân bất nhiễm. Bất nhiễm vì phá được cảnh giới của có - không, uế - tịnh, chứ không phải da thịt không có tế bào chết và không dính đất bùn. Pháp thân là vô số hiện hữu của chúng hữu tình và vô tình, nên Pháp thân thường trụ.
Bùn cũng là Pháp thân nên sen từ đó mọc và đơm hoa. Mỗi bông hoa nở là một lần sinh diệt của Pháp thân. Nhân gian còn có nở tàn, tàn nở là vẫn còn hân hoan, vui mừng với Pháp thân rồi.
Bụt sinh như Ta sinh! Ai nghe ra tiếng mưa rơi trên tượng đá? Khoảnh khắc ấy là pháp thân sinh diệt trong ta và pháp giới. Hữu tình và vô tình cùng thành Phật đạo. Không thấy Phật mà chỉ thấy ma thì gọi là ảo ma.
Cho nên trong nghi thức mộc dục thường có câu. Câu này nhiều người đọc thuộc mà ít ai để ý.
“Thủy bất tẩy thủy, diệu cực pháp thân,
Trần bất nhiễm trần, phản tác tự kỷ”
Pháp thân vốn nhiệm màu thì bàn làm chi chuyện đem nước rửa nước. Bụi đã không vướng bụi, sao tự tâm không thể thấy biết mà tỉnh ngộ.
Đó cũng là chỗ diệu cực mà Huệ Năng nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nảo dính bụi bặm”.
Tắm Phật cũng như đi dưới mưa, là cách hân hoan với Pháp thân, không phải nghi thức thần bí gì cả! Còn với trẻ em, chúng cứ tắm Phật tự nhiên như cách hiểu cha mẹ tắm cho chúng hàng ngày vậy thôi!
A Di Đà Phật
(Nguồn: Fb Thích Thanh Thang)
Bài Thầy viết rất hay.
Trả lờiXóaCám ơn em đã chia sẻ.
Chúc em luôn vui,khoẻ.
https://2.bp.blogspot.com/-vqqDtjTQef0/XF1YasH60AI/AAAAAAAAKvw/2CGEm6C-9hEpkJ8tUpQhroGI20FA8yvrACLcBGAs/s400/%25C3%25A1.gif
Cảm ơn chị LH.
XóaKính chúc Chị luôn được an vui.