Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

VỀ CHÍNH SÁCH “3 KHÔNG”… -Thich Thanh Thang


VỀ CHÍNH SÁCH “3 KHÔNG”…

Khi Nga dồn quân sát biên giới Ukraina, tình báo Mỹ liên tục cảnh báo Nga sẽ tiến đánh Ukraina. Trước khi điểm hỏa, Nga vẫn thao túng truyền thông, rằng không có chuyện tiến đánh, người Nga luôn yêu chuộng hoà bình… 

Nhưng kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, cấu trúc an ninh châu Âu đã thay đổi theo một chiều hướng khác biệt. Cuộc chiến do Nga phát động không còn là cuộc chiến cục bộ, ngắn ngày, đánh nhanh rút nhanh. Do vậy, mỗi bước đi của Nga có thể khiến cuộc chiến mở rộng, lôi kéo nhiều quốc gia tham dự, dẫn tới nguy cơ Nga đơn phương sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khi phát động cuộc chiến, Nga nói nhằm “phi phát xít hoá”, “phi quân sự hoá” Ukraina, buộc Ukraina trung lập. Nhưng đến nay mục đích chính là xâm chiếm toàn bộ vùng Mariupol, Melitopol, nối bán đảo Crimea, biển Azov với vùng Donbass (gồm 2 nước cộng hoà tự xưng lugansk và Donetsk do Nga công nhận).

Không thể có một thỏa thuận hoà bình nào trước lòng tham vô đáy này. 

Cũng như vậy, khi vẽ ra đường lưỡi bò, Trung Quốc không ngừng quân sự hóa Biển Đông. Do đó, kịch bản về một cuộc chiến xâm lược cũng không khác Nga hiện nay. Khuất phục được Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác sẽ tự mình dâng biển cho Trung Quốc.

Rõ ràng ở Châu Á, Trung Quốc từ lâu đã hiện rõ bộ mặt của một kẻ bắt nạt mới. Nga bắt tay Trung nhằm bóng gió xa hơn về một “liên minh quân sự”để đối trọng với Mỹ. Điều này không chỉ làm thay đổi cấu trúc an ninh toàn châu Âu mà sẽ ảnh hưởng mạnh tới cấu trúc an ninh châu Á.

Trước đó, “Bộ tứ kim cương” được thành lập, tạo thành một vành đai an ninh tại châu Á. Sự mở rộng của nhóm này thực chất đến đâu tuỳ thuộc không nhỏ tới các động thái an ninh tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực.

Lão Tử nói: “giúp vạn vật phát triển tự nhiên mà không can thiệp một cách càn rỡ”, hay “khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình”. 

Trung Quốc không đi theo tư tưởng hài hoà này. Bởi Tập Cận Bình đang thúc đẩy chủ nghĩa bá quyền bằng các chính sách cứng rắn.

Trong lục địa, Trung Quốc bị Ấn, Nga ngăn lại. Cho nên, Trung Quốc phải hướng ra phía biển. Việt Nam ở vào vị trí địa lý yết hầu của Trung Hoa, cũng là chỗ trũng nhất, trọng yếu nhất.

Xưa nay để tránh bạo liệt chiến tranh, Việt Nam dù kháng chiến thành công cũng luôn đặt mình ở vị trí thấp hơn đối thủ. Khi biết mình thấp hơn thì phải “dĩ thủ vi công”, “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”. Đánh mạnh không phải là đánh vào chỗ địch mạnh mà là đánh vào chỗ địch không phòng bị kỹ càng, không ngờ tới…

Nhu hoà không phải là hèn yếu không làm gì, cứ ngồi im đó cho chính sách “3 Không” trói chân mình lại. Có thể trong thời điểm nhất định, chính sách “3 Không” là cách đưa thân mình ra cho họ “thao túng”. Cho đến khi họ tin chắc đã thao túng được mình rồi thì mình xuất thần chuyển hướng. Đó chính là đánh vào chỗ địch không ngờ tới. Đó cũng chính là “dĩ bất biến ứng vạn biến” vậy.

Cho nên thật nguy hiểm khi cho rằng “3 không” là không làm gì cả. Không làm mà làm tất cả chính là nghệ thuật thoát khỏi thao túng khi thời cơ đến. Thời cơ sẽ không lặp lại. Cho nên tất cả các sân bay cảng biển phải sớm được củng cố, khôi phục lại, tạo thành lợi thế thu hút các “liên minh biển, tạo ra cục diện mới.

Hàn Quốc là một đồng minh thân cận của Mỹ. Nhưng sau khi Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD năm 2017, thì họ đã phải thống nhất với Trung Quốc về cái gọi là chính sách “3 không”.

Mới đây, Thiếu tướng Jung Hae-il, một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho rằng cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến chính sách của Hàn Quốc trong việc duy trì quan hệ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Tổng thống đắc cử Yoon Suk-Yeoul của chúng tôi nói rằng chính phủ mới sẽ đánh giá xem Hàn Quốc có nên tham gia Bộ tứ và Aukus để tăng cường chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay không”, vị tướng trên cho biết.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đang tính chuyện tham gia liên minh Aukus và Đối thoại an ninh Bộ tứ. Rõ ràng chính sách “3 không” đang trở nên nguy hiểm trước các biến động an ninh khó lường mà Nga và Trung Quốc đang gây ra.

Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021 cho rằng, an ninh Nhật-Mỹ tạo nên nền tảng cho an ninh quốc gia của Nhật Bản. Bên cạnh đó, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ góp phần quan trọng vào việc củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Nhật Bản nói riêng và của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới nói chung.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương xét cụ thể chính là chiến lược an ninh và giao thương biển. Mỹ cũng xây dựng một chiến lược dành riêng cho Trung Quốc (chiến lược Trung Quốc). Điều đó cho thấy Trung Quốc là nguồn gây bất ổn an ninh lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Nếu không có Mỹ các nước Đông Nam Á đã bị Trung Quốc nuốt trọn từ lâu rồi. Và nếu Mỹ để mất vị trị chiến lược tại Ấn Độ - Thái Bình Dương xem như Mỹ đã mất vai trò dẫn dắt an ninh toàn cầu.

Khi Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược. Cảng Cam Ranh Việt Nam cũng sẽ có vị thế chiến lược đặc biệt trong chính sách này. 

Dù quan hệ đối tác với Mỹ phát triển đến đâu, chính sách “3 Không” phải được Việt Nam xem xét một cách nghiêm túc trong bối cảnh này. Việt Nam có 3 đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc (2008) Nga (2012) Ấn Độ (2016).

Năm 2008, Việt Nam nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc. 6 năm sau, vào ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. 

Trước đó, tháng 2 năm 2014, Nga chiếm Crimea của Ukraina. Không phải ngẫu nhiên, hành động của Trung Quốc luôn theo sau hành động của Nga. Nga vừa xâm lược Ukraina, Trung Quốc liền đe Việt Nam rằng “không để thảm kịch Ukraina lặp lại”.

Với những gì Nga vừa thể hiện, Việt Nam cần sớm đưa Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí Úc vào tầm ngắm cho một đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai gần.

“Liên minh an ninh” chỉ là lớp vỏ ngôn ngữ cho một thực tế lựa chọn không thể khác nơi các quốc gia nhỏ yếu, nếu họ biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Đừng để đến khi mất bò mới lo làm chuồng…

Nguồn: Fb Thich Thanh Thang

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!