Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

NGƯỜI MỸ XẤU XÍ -Đệ Trương Quang


NGƯỜI MỸ XẤU XÍ 

-Đệ Trương Quang

Ngoài các từ như Yankee, Chú Sam (Uncle Sam - suy ra từ tổ hợp chữ cái USAM) còn có Người Mỹ xấu xí (Ugly American) để nói về người Mỹ với thái độ phê phán hay tình cảm thân thiện. Cụm từ “Người Mỹ xấu xí” được ghi trong các từ điển với lời giải thích về những tật xấu quan sát thoạt tiên ở du khách Mỹ khi ra nước ngoài, về sau dùng cho cả người Mỹ ở trong nước như nói to, ồn ào, kiêu ngạo coi người khác không ra gì vv. ”Người Mỹ xấu xí” cũng là tên một cuốn tiểu thuyết xuất hiện năm 1958 của hai tác giả Eugene Burdick và William Lederer mô tả những phong cách vụng về thô thiển của nhiều nhóm ngoại giao Mỹ ở Đông Nam Á đầu những năm 1950. Một hình ảnh của các nhân vật ở tiểu thuyết này được tìm thấy trong tác phẩm “Người Mỹ trầm lặng” của nhà văn Anh Graham Greene. Cụm từ “Người Mỹ xấu xí” được người Mỹ vui vẻ chấp nhận, không thấy khó chịu gì do người Mỹ có thái độ cởi mở với nhận định của người khác. Cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ xấu xí” trở thành sách bán chạy nhất ngay từ lần xuất bản đầu tiên, rồi liên tiếp được tái bản. Sách giúp cho không chỉ giới ngoại giao mà cả dân thường xây dựng một cách ứng xử thích hợp khi tiếp xúc với người nước ngoài cũng như khi làm việc, sinh sống ở nước ngoài.

“Người Trung Quốc xấu xí” xuất hiện vào thập kỷ 80 thế kỷ trước do học giả Đài Loan Bá Dương biên soạn. Ông Bá Dương sinh ở Đại lục nhưng di tản ra Đài Loan năm 1949. Ông thực hiện những bài nói chuyện trước công chúng từ năm 1977 ở nhiều nước khác nhau về các tật xấu của người Trung Quốc , sau đó ông gom những bài ấy vào một cuốn sách. Mục đích của những bài nói chuyện là vạch cho người Trung Quốc thấy những tật xấu nghiêm trọng của mình và tìm cách sửa chữa tận gốc. Theo phương hướng này ông muốn kế tục ý tưởng của Lỗ Tấn tác giả AQ chính truyện. Ta thử điểm qua một số tật xấu nổi bật của người Trung Quốc được ông phân tích kỹ qua những minh chứng sâu sắc. 

Một: Người Trung Quốc do trải qua 5000 năm dưới chế độ chuyên chế ngặt nghèo nên mất hết lòng tự trọng, thiếu vắng phẩm hạnh cá nhân, không có niềm tin vào người tốt, việc tốt.

Hai: Người Trung Quốc có tính ganh tỵ, đố kỵ, thấy ai hơn mình là ghét, không biết hợp tác trong cuộc sống.

Ba: Do chiến tranh liên miên trong lịch sử, người Trung Quốc thiên về bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, không có thói quen thương lượng, đối thoại xây dựng để hiểu biết lẫn nhau.

Bốn: Nho giáo ăn sâu vào đầu người Trung Quốc khiến họ chỉ ỷ lại vào lời thánh hiền, vào cái cũ, không có ý thức tìm cái mới, không có khả năng tìm tòi cái mới.

……

Cuốn sách của Bá Dương chỉ được lưu hành ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và hải ngoại. Không rõ hiện nay sách có được giới tuyên huấn Đại lục chấp nhận cho lưu hành trong nước chưa. Hình như ông Bá Dương cũng có đôi lần đi nói chuyện ở Trung Hoa đại lục.

Ông Nguyễn Hồi Thủ, một nhà văn Việt Nam sống ở Pháp đã dịch sách của Bá Dương sang Tiếng Việt. Nhưng sách chỉ mới được lưu hành ở hải ngoại, chưa thấy được lưu hành công khai trong nước. Đọc sách của Bá Dương, nhiều người Viiệt cảm thấy những tật xấu Trung Hoa không xa lạ gì với những tật của dân mình.

Nhân nói về “Người Trung Quốc xấu xí” những ai biết tiếng Pháp đều liên tưởng đến từ “chinoiserie” được ghi trong tự điển với lời giải thích: phiền phức, rối rắm, đa sự kiểu Trung Hoa. Bất luận bạn là người nước nào, hễ bạn tỏ ra rắc rối, khó hiểu, đa sự thì bạn được cho là đang làm “chinoiserie”. Thế đó.

Ở xứ ta, nhiều bạn mong có một cuốn “Người Việt xấu xí” để đọc cho vui và để cho mọi người biết được các tật của mình. Hình như chưa có sách như vậy, theo hiểu biết hạn chế của tôi. Tuy nhiên một hiện tượng tương tự đã phôi thai đầu thế kỷ trước : Từ năm 1913, trên Đông Dương tạp chí, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã cho ra đời nhiều kỳ những bài viết dưới chủ đề chung là “Xét tật mình”. Nếu gom các bài viết đó thành sách, ta có thể xem như một cuốn “Người An Nam xấu xí” vậy. Những tật của người Việt mà Nguyễn Văn Vĩnh nói đến đại khái như sau:

1.Ỷ lại.

2.Nói dối.

3.Trả nợ miệng (giỗ đám ở nông thôn làm kiệt quệ nhiều nhà)

4.Tự ti.

5.Tiêu tiền không suy nghĩ.

6.Đầu óc nghi kỵ.

7.Bắt chước (Tàu).

8.Lãng phí trí tuệ (Học Tứ thư Ngũ kinh chẳng biết để làm gì)

9.Thụ động.

10.Mê tín.

11.Yếu kém trong giao dịch.

12.Gì cũng cười.

Không rõ độc giả thời Nguyễn Văn Vĩnh (đầu thế kỷ 20) đánh giá thế nào về công trình xét tật mình độc đáo thú vị của một học giả uyên bác. Bao nhiêu người khen, bao nhiêu kẻ chê? Đến thế hệ tôi, tức là vào cuối thế kỷ 20, những người có quan điểm ấu trĩ khuynh tả coi Nguyễn Văn Vĩnh là học giả gắn liền với chế độ thuộc địa. Họ chê trách ông Vĩnh chịu ảnh hưởng Phương Tây mà coi thường người bản xứ. Thời tôi học trung học bài “Gì cũng cười” được bình giảng như là sản phẩm của các học giả “đồng lõa với Tây để coi khinh dân mình”.

Tôi ghi lại đây một đoạn của bài “Gì cũng cười” để quí bạn đánh giá xem nội dung bài viết có màu sắc gì.

“GÌ CŨNG CƯỜI.

An Nam ta có một thói lạ, gì cũng cười. Người ta khen cũng cười; người ta chê cũng cười. Hay cũng cười, dở cũng cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Kẻ bảo cười tất cả cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy, không có chi là nghiêm, đến nỗi người hiền phải nhăn mày nghĩ ngợi.

Ví dù được như vậy thì ra cả dân An Nam ta là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.

Nhưng mà xét cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà nghiêm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc ngườì ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chả thèm nghe cũng không tức đến thế…..”

Nguồn: Đông Dương tạp chí số 22, 1913.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!