Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

TRÚC MAI-CÓ PHẢI LÀ CÂY TRÚC và HOA MAI?


TRÚC MAI-CÓ PHẢI LÀ CÂY TRÚC và HOA MAI?

Tác giả: Tâm Minh
          
Nếu “ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”, thì cũng có thể nói một phần linh hồn Việt đã được gói ghém trong các tác phẩm văn thơ xưa. Nhưng để hiểu về văn thơ cổ đại thì không thể không nhắc đến những điển tích, điển cố mang nhiều nội hàm và ý nghĩa sâu xa. Chỉ khi tìm về với tích cũ truyện xưa, ta mới có thể thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hoá của nước nhà, và cũng để thấy rằng thi ca cổ đại quả thực là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”…

Trong Truyện Kiều, có một hình ảnh được sử dụng khá nhiều lần đến mức quen thuộc, và chúng ta cứ ngỡ đã hiểu rõ ràng về nó, nhưng lại không phải vậy. Đó là hình ảnh “trúc mai”.

Khi nàng Kiều vừa bán mình chuộc cha, trước ngày theo Mã Giám Sinh lên đường về Lâm Tri, nàng một mình cô quạnh dưới ngọn đèn khuya, khóc thương cho mối tình dang dở với Kim Trọng:

“Biết bao duyên nợ thề bồi.
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề.
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.”
Rồi khi ở thanh lâu, sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh, ngày ngày bướm lả ong lơi, nàng lại thêm xót xa cho thân phận mình:

“Thờ ơ gió trúc, mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.”

Đến khi Kiều được chuộc ra khỏi lầu xanh, nên duyên với chàng Thúc, thì vẫn là hình ảnh ‘trúc mai’ ấy:

“Công tư đôi lẽ đều xong,
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.”

Trong Truyện Kiều, hình ảnh trúc mai tượng trưng cho tình yêu đôi lứa và tình nghĩa phu thê. Phần lớn chúng ta đều tin rằng, “trúc mai” là cây trúc và hoa mai – hai loài cây trong bộ tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Cũng có người cho rằng, “trúc mai” là câu chuyện ‘cây trúc làm mai’ trong cuốn “Lưỡng ban thu vũ am tuỳ bút” — Nhưng có phải vậy không?
Ai cũng đều tin rằng, “trúc mai” là cây trúc và hoa mai – hai loài cây trong bộ tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai. 

Trước hết, hãy thử tìm hiểu về hai điển tích nói trên để thấy rõ sự khác biệt.

Cây trúc và cành hoa mai
Điển tích “trúc mai” với hàm nghĩa cây trúc và cành hoa mai bắt nguồn từ bài thơ Trường Can Hành của Lý Bạch, trong đó có đoạn:

“Thiếp phát sơ phú ngạch
Chiết hoa môn tiền kịch
Lang kỵ trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai [1] (…)
Thập tứ vi quân phụ
Tu nhan vị thường khai
Đê đầu hướng ám bích
Thiên hoán bất nhất hồi”

Tạm dịch:
Khi tóc thiếp còn để xoã ngang trán
Bẻ hoa trước cửa nhà chơi
Chàng cưỡi ngựa bằng gậy tre chạy lại
Chạy quanh giường đùa nghịch cành mai xanh (…)
Năm 14 tuổi thiếp về làm vợ chàng
Mặt còn thẹn thùng không dám cười đùa
Cúi đầu ngoảnh vào trong vách tối
Chàng gọi cả ngàn lần vẫn không dám một lần ngoảnh lại
Bài thơ kể về đôi bạn thuở ấu thơ, thường chơi đùa bên nhau vô tư lự. Hai chữ “trúc mai” trong bài thơ là “竹梅”, nghĩa là cây tre và cây hoa mơ. Chàng bẻ cành trúc giả làm ngựa cưỡi, tay cầm cành mai xanh làm roi ngựa. Năm 14 tuổi nàng về làm vợ chàng, lúc nào cũng bẽn lẽn thẹn thùng, chàng gọi cả nghìn lần cũng không dám quay đầu lại. Đến năm 15 tuổi mới dám đưa mắt nhìn và nguyện sẽ suốt đời gắn bó bên nhau…
Như vậy, câu chuyện trúc mai trong bài thơ Trường Can Hành là tượng trưng cho tình bạn của đôi nam nữ từ thuở tóc còn để chỏm, gọi là “thanh mai trúc mã” (青 梅 竹 馬), hoàn toàn khác với cái rung động đầu đời của Thuý Kiều dành cho Kim Trọng, và cũng không thể được ví như tình nghĩa phu thê giữa Kiều và Thúc Sinh.

Cây trúc làm mai
Trong cuốn “Lưỡng ban thu vũ am tuỳ bút” của tác giả Lương Thiệu Nhâm (đời Thanh) viết rằng, tại cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm nước gắn liền với câu chuyện tình rất đẹp.
Tương truyền, xưa kia có một cậu bé và một cô bé trạc tuổi nhau, thường hay ngồi chơi bên đầm nước này. Ngày qua ngày, tình cảm của đôi bạn ngày càng thắm thiết. Một lần, đôi bạn trẻ bẻ hai cành trúc bên bờ và chơi đố với nhau: Mỗi người sẽ thả cành trúc của mình xuống mặt đầm, mỗi nơi một mảnh. Nếu gió đưa nước cuốn khiến hai cành trúc hợp lại với nhau, thì ấy chính là lương duyên trời định, hai ta sẽ nên duyên vợ chồng.
Quả nhiên, không hẹn mà gặp, cả hai cành trúc cùng hợp lại với nhau, và đôi bạn năm xưa cũng sớm trở về sum họp một nhà. Từ đó, đầm nước có tên là “Đỗ Phụ Đàm”, nghĩa là cái đầm đánh đố mà được vợ, còn cây trúc bên bờ được gọi là “mai trúc” (媒竹), nghĩa là cây trúc làm mai mối.
Về sau, thi hào Khuất Ông Sơn đã làm thơ vịnh mai trúc rằng:

“Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngân,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn.”

Dịch thơ:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền. [4]

Chữ “mai” trong điển tích “mai trúc” kể trên là “媒”, còn đọc là ‘môi’, nghĩa là làm mai mối. Xét cả về mặt từ vựng lẫn ý nghĩa trong văn cảnh, thì hoàn toàn không phải là “trúc mai” mà Nguyễn Du nói đến.

Vậy, đâu mới là ý nghĩa thật sự của “trúc mai” trong Truyện Kiều?
Tìm đọc lại Truyện Kiều bản chữ Nôm, sẽ thấy tất cả những câu trúc mai đều dùng hai chữ này: “竹枚”. Dưới đây là một vài ví dụ đối chiếu chữ quốc ngữ và chữ Nôm:
Tìm đọc lại Truyện Kiều bản chữ Nôm, sẽ thấy tất cả những câu trúc mai đều dùng hai chữ này. 

“Tái sinh chửa dứt hương thề — Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.”
(再生渚𢴑香誓 — 爫身𬌥馭填義竹枚) [3]
“Thờ ơ gió trúc mưa mai — Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.”
(蜍於󰊄竹湄枚 — 謹魚𤾓浽搥埋󰜋身)
“Một nhà sum họp trúc mai — Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.”
(󰜋茹森合竹枚 — 強溇義𣷭強𨱽情滝)
“Dầu chàng ép trúc nài mai — Tìm nơi giếng cạn, thấy người hồng nhan.”
(油払押竹奈枚 — 尋尼汫𣴓体㝵紅顔)

Chữ “mai” (枚) trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là cây hoa mai (梅) trong thơ Lý Bạch, cũng không phải là mai mối (媒) trong cuốn sách của Lương Thiệu Nhâm, mà là một loại cây thuộc giống tre. Cách ví “trúc mai” không phải bắt nguồn từ điển tích Trung Hoa, mà chính là lối nói quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Ca dao xưa có bài:

…”Ðốn tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng”…

Lại có bài:
Trúc với mai, mai về trúc nhớ 
Trúc trở về, mai nhớ trúc không?
Bây giờ kẻ bắc người đông
Kể sao cho xiết tấm lòng tương tư”.

Trúc và mai cùng thuộc giống cây tre, là loài cây có đốt ngay tiết thẳng, suốt đời không thay đổi. Do đó ca dao xưa thường mượn hình ảnh trúc mai để chỉ về tình cảm lứa đôi suốt đời trọn tiết, không thay lòng đổi dạ, mãi mãi giữ trọn lời thề.
Bởi nàng Kiều chung lời thề với Kim Trọng, đã chia “tóc mây một món”, lại “giở kim thoa với khăn hồng trao tay”, nên đến khi đứt gánh giữa đường, thân này phải bội ước, do đó mới nói là “Làm thân trâu ngựa đền nghì (đền nghĩa) trúc mai”.
Tiếng Việt giàu và đẹp, các bậc tao nhân mặc khách xưa dẫu đã mượn rất nhiều điển tích, điển cố Trung Hoa trong các tác phẩm văn thơ của mình, thì cũng không ít lần quay về với cách nói của ca dao, dân ca Việt Nam. Có rất nhiều tác phẩm thi ca nhờ hình ảnh ví von dung dị và dân dã mà lại trở nên trang nhã, hài hoà. Nếu ví như thơ ca cổ là những lời “nhả ngọc, phun châu”, thì ắt hẳn cũng có phần đóng góp của những điển tích, điển cố xưa…

Tâm Minh

Chú thích:
· [1] Nguyên văn: “郎騎竹馬來, 繞床弄青梅” (Lang kỵ trúc mã lai, Nhiễu sàng lộng thanh mai).
· [2] Nguyên văn: “潭上至今媒竹美” (Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ).
· [3] Theo Truyện Kiều bản chữ Nôm đăng trên nomfoundation.org; những chỗ ký hiệu là “𬌥” biểu thị chữ chưa được tìm thấy.
· [4] Bản dịch của Văn Hạc Lê Văn Hoè.

1 nhận xét :

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!