(Nhà văn Nguyễn Khải) |
MÙA XUÂN THĂM NHÀ
VĂN NGUYỄN KHẢI
Trần Mạnh Hảo
Có lẽ không hẳn vì
mùa xuân, vì gió xuân phong tình thổi nỗi bướm ong của sông Sài Gòn lên con hẻm
thoáng đãng khu gia binh đã được dân sự hóa này, mà sao tôi cứ đem lòng phục
sát đất hai anh lính gác xanh biếc, đứng như trời trồng hai mươi bốn trên hai
mươi bốn, nghiêm trang gác cửa ngôi nhà cấp bốn của nhà văn Nguyễn Khải. Vâng,
tôi đâm ra táy máy hai anh lính ngự lâm cau này quá, cứ thần ra vì nể hai anh.
Hai anh cau được trồng trong một chỗ chính ra để còi đi, lùn xuống, trồng trong
chỗ kẹt, chỗ ép, chỗ tù túng sát sàn sạt bức tường, như được dính vào gạch, phải
toát mồ hôi mọc cật lực trên nền xi măng; ấy vậy mà hai anh xanh tốt quá, mập mạp
quá, lại cứ nghiêng nghiêng tám mươi độ theo kiểu tháp nghiêng nước Ý mà cao lớn,
mà mướt mườn mượt như gái đang thì.
Bác Nguyễn Khải thấy tôi nghiêng
ngó có vẻ gian gian, cứ đứng đực ra trước cửa ngắm hai cây cau thì cười nói đon
đả mời khách, rằng thì là giời cho cau mà chửa cho giầu ( trầu ) ông ạ. Tôi mới
khen đẹp quá, thiên nhiên quê ta quá, cau này đực hay cái, ta hay tây mà tốt um
cả và giời đất lên vậy? Bác Khải bảo nói giấu gì ông em, nó chẳng đực cũng chẳng
cái, chẳng phải ta mà cũng chẳng phải tây; nó là cau hoàn cảnh, cau chơi, cau mẽ
đã kế hoạch hóa gia đình từ kiếp trước. Tôi vô ý buột miệng may quá, nó không
có quả, nên giời không ban cho nó giầu, với lại "được mùa cau đau mùa
lúa". Nhỡ hốt nhiên nó tức khí ra quả ồ ạt, e ảnh hưởng ít nhiều đến những
mùa bội thu lúa má văn chương của chủ nhân chăng ?
Bác Nguyễn Khải được cái tính hiếm
có là xưa nay vốn tỏ ra không biết giận, hay có giận mà giận ngầm, giận ai cũng
cạy miệng không chịu nói ra lấy nửa câu, cứ để trong bụng rồi cũng tan đi như cục
nước đá, hoặc là cho nó vào chữ nghĩa giấy mực là xong tuốt, nên mặc kệ cái thằng
mẹ ranh hay cợt nhả là tôi có hỗn hào bông phèng kiểu gì bác cũng cứ cười. Mà
tính bác Nguyễn Khải là thế, giời sinh ra là để bác cười, khóc cũng cười, ngủ
cũng cười, cười được tý nào khỏe ra, trẻ ra tí ấy. Gớm, ngồi một tẹo, anh em mới
trà thuốc tí ta tí tách bác bác, chú chú, lúc lại ông ông, tôi tôi chưa ngấm
câu chuyện, mà hai anh lính cau ngoài cửa cứ quạt phành phạch, sốt cả ruột; giời
mới thương khuất nẻo cho tí gió máy đã cuống cả lên, đã sướng run lên cầm cập,
rối rít đập vầng lá xanh um vào tường như cũng muốn đòi vào nhà hóng hớt chuyện
văn chương.
Tôi mới thưa với bác Khải rằng cái
giống phát về lá nom thì sướng mắt muốn chết, mà kỳ thực rõ khổ, có tí lộc giời
cũng không giấu được, cứ đánh tiếng hão khoe ầm khắp xóm; gió mát thế mà cứ
phành phạch như nóng bức lắm, phải quạt nấy quạt để không bằng. Cái giống cau
trông vậy mà tham, ưa bất tử để đời, chết xuống rồi, tàu cau rụng cái ạch xuống
đất rồi vẫn cứ cố sống lại cho kỳ được, sống làm cái thân quạt mo, làm dâu trăm
họ, rơi vào tay anh Bờm mà bỡn cợt phú ông.
Bác Khải lại cả cười, ấy vậy nó mới
là cau cảnh, người cảnh, văn cảnh. Nghe tôi huyên thuyên vẻ sướng ý, bác chợt
cười sôi như súng máy, làm bay cả tàn thuốc lá vào trang bản thảo nằm chơi lêu
bêu vô bờ bến trên bàn. Bản thảo của bác Khải với lối chữ đi ra đi vào la đà
con cà con kê, túc tắc như thím gà mái kiếm mồi, dòng chữ cao to mà ẻo lả, lênh
láng mà thẳng thớm, kiểu chữ thời ba mươi bốn lăm xưa lắm. Thấy tôi khoái khẩu
bàn chuyện cau, bác Khải nhếch cười nửa đùa nửa thật bảo tôi rằng ranh này nỡm,
muốn biểu tượng hai mặt à, mượn cau kiếc nói cạnh khóe nhà văn chúng anh à con
khỉ tầu viết phê bình phê bung kia ?
Thề có giời, rằng làm sao một con
khỉ tầu dúm dó hậu sinh như em đây lại có thể dám xấc láo chơi trèo, tài thánh
cũng chẳng học được món võ đằng vân độn thổ biểu tượng hai ba mặt của quan bác
? Ấy là nói chuyện thời bao cấp xưa, hơi có ai rách việc mới hắng giọng ho lên,
dọa rằng anh biểu tượng hai mặt đấy là co vòi, co rút bút lên với nhau, ngồi
run như giẽ cả một lượt, thật chả còn ra làm sao. Chứ đích thị văn chương, theo
quan niệm mở cửa tự do hóa, đa phương diện hóa mà cứ là định hướng hóa xã hội
chủ nghĩa của đảng ta bây giờ, phải cỡ thế giớiø biểu tượng muôn mặt ấy chứ, ít
ra cũng như tháp Bayon bốn mặt đều thò ra cùng một lúc mới ngoan.
Có giời làm chứng, nếu tôi bịa ra
chuyện này để cốt thấy người sang bắt quàng làm họ thì xin giời cứ bắt tội bé
mãi bằng con kiến; rằng tôi đã giắng thấy ( nhìn thấy) bác nhà văn Nguyễn Khải
này từ đúng bốn mươi hai năm về trước, khi bác về xã Thúc Kháng quê tôi lấy tài
liệu viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng :"Xung đột ".
Thuở ấy, tôi còn là thằng bé cu
trâu giống hệt củ khoai lang lấm láp biết mặc quần đùi, vừa dắt con nghé đi
toilet ngoài mương về chuồng, cũng vừa lúc giời sắp tối, lúc thằng Tý bạn chơi
trò mèo chuột, chơi bịt mắt bắt dê chạy sang dấm dúi rỉ vào tai rằng đi...
không khỉ gió ? Tưởng nó rủ tôi chơi trốn tìm, nào ngờ đi xem mặt một ông nhà
văn mới vụt hiện về xã ta như ông bụt mọc. Nghe có nhà văn, mắt tôi nảy đom đóm
sướng. Tý bảo do việc phòng gian bảo mật, nên ngoài chủ tịch bí thư, trưởng
công an xã ra, thì chỉ mình nó biết cái ông tai to, mặt lớn, cao như Tây, trắng
như nặn bằng bột, bận quần gụ áo gụ, đeo xà cột đen, ngồi tủm tỉm nửa cười nửa
nói, ghi ghi chép chép sốt cả ruột, mặt cứ tươi hơn hớn, ngồi hút thuốc lá liên
tù tì trong Ủy Ban nhân dân xã sáng hôm qua là nhà văn quân đội Nguyễn Khải.
Đúng là vùng quê tôi công giáo toàn
tòng Bùi Chu Phát Diệm, theo các chú công an cho biết gián điệp cứ là còn như
rươi; nên khi thằng Tý rủ đi ngắm trộm ông nhà văn, mặc dù trí tò mò làm tôi rất
thích nhưng mà hãi. Cuối cùng, tôi cũng liều mạng đi, quyết ngắm thật kỹ ông
nhà văn cho thích mắt. Hai thằng oắt con bí mật bò qua vườn giong riềng như hai
thằng ăn trộm, đoạn nép sát tường như chuột nhắt, ngó qua cửa sổ mà xem không
chán mắt ông nhà văn đang xì xụp ăn uống nói cười. Cứ tưởng ông nhà văn ma ma
Phật Phật thế nào, hóa ra cũng là người như ta cả thôi. Rằng ông có vẻ hiền
lành như thầy dòng, tướng đẹp hơn tướng cha Nhật nhà thờ Qũy Nhất. Mặt ông cứ tươi
như hoa, phải là dân cơm trắng cá tươi, con dòng cháu giống mới đẹp thế, cao nhớn
thế . Ông lại bình dân, gặp ai cũng phấn khởi, hơi tí là cười, không ai pha trò
cũng cứ tủm tà tủm tỉm như con gái sắp về nhà chồng vậy. Ông này hồi bé chắc
cũng là tay bợm phải biết?
Ngắm no nê ông nhà văn rồi, hai thằng
nhóc chợt tỉnh ra, ngộ nhỡ công an chộp được hai đứa khả nghi này, chắc chết.
Hai tên xem trộm nhà văn bỗng ù té chạy, ba chân bốn cẳng bán sống bán chết vụt
qua vườn giong làm người trong nhà kinh hãi đánh kẻng báo động. Lập tức du kích
quát đứng lại, ai ? Còn ai vào đấy nữa, chắc là địch chứ chẳng chơi. Khi hai ba
anh du kích đuổi theo bọc hậu vườn giong, chúng tôi đã như hai con ngóe vọt
sang bờ ao nhà người khác, giả làm đứa mất dạy đi câu cá trộm, miệng gian dối
hô ầm lên đuổi theo, đuổi theo... nên may quá thoát hiểm.
Mấy hôm sau, nghe ngóng mãi không
thấy bác nhà văn đâu...
Tôi tự cho mình cái vinh dự được
làm quen, dù quen đơn phương kiểu rình xem trộm ấy thì vẫn cứ là quen biết với
bác Nguyễn Khải từ thời còn cóc nhái, thời bác nhà văn mới hai mươi bảy tuổi, đẹp
giai, tài năng, đứng đắn nhất nhì văn nghệ quân đội. Tôi học lên dần, mượn sách
Nguyễn Khải đọc, ngầm coi ông là thần tượng, lại coi như họ hàng, mặc dù thời
đó bác chưa nhận đồng hương Nam Định, bác còn quê nội bên Hải Hưng. Sau ngày thống
nhất đất nước, tôi mới có dịp gặp lại nhà văn Nguyễn Khải, nghĩa là cuộc gặp
tay đôi, gặp để rồi sau đó, ông vẫn còn nhớ mặt mình là thằng Hảo. Tôi đã đọc hầu
hết tác phẩm của ông từ "Xung đột", "Mùa lạc", cũng như sau
này từng đọc "Cha và con và...", "Gặp gỡ cuối năm", "Một
thời nắng nhạt", " Một thời gió bụi" ...và nhiều cuốn khác. Ông
là nhà văn lớn thời nay của chế độ, một trong những con chim đầu đàn của nền
văn nghệ cách mạng và kháng chiến. Văn ông nhìn chung là thứ văn hoạt, thông
minh, ranh mãnh, sắc như nước, lại dây dưa thừng chão, có mỏ có ngạnh mà cũng
có vây có cánh, có gai có góc mà cũng chồng nụ chồng hoa, có nghịch phá dung
dăng dung dẻ mà cũng cứ nền nã, con nhà, vẫn gia phong, gia giảm, gia công, gia
dụng, gia năng, gia giáo, gia đình tuyên giáo...Văn ông vượng về khí, ăn về
hơi, giỏi về chữ, mạnh về hoành mà hãm về tung, hút bởi tán mà hụt hẫng khi tụ,
mặn việc đạo nhưng nhãng sự đời, đi đường triết nhân hơn đường văn nhân.
Các truyện ngắn, tiểu thuyết của
Nguyễn Khải đọc được một hơi vì sức hút sâu xa của bút lực chữ , ma mãnh chữ,
đáo để chữ, thao thức chữ , hóm hỉnh chữ, tai quái chữ và õng ẹo chữ . Nguyễn
Khải họp chợ trong tiểu thuyết chỉ có một mình, hàng trăm nhân vật nhưng hầu
như chỉ có độc một mình ông tự thân chia ra mấy mươi phần trăm đối tác mà khóc
cười rôm rả. Ông lặn xuống bề sâu từng nhân vật mà hóa thân chúng vào mình,
thành ra tưởng đông lắm, nghìn nghịt lắm, tập thể lắm mà hóa ra vắng hoe như
chùa Bà Đanh, chỉ một cá thể, một mình ông sắm đủ các vai tuồng trên sân khấu
chữ nghĩa. Xã hội tiểu thuyết Nguyễn Khải bên ngoài thì hợp tác xã mà bên trong
thực chất là khoán hết ruộng cá thể ngay từ trước thời Kim Ngọc, là chỉ có một-ông-chủ-người-duy-nhất-sống,
cứ riêng lẻ hùng hục suy nghĩ, hùng hục tâm trạng, hùng hục nỉ non, hùng hục
day dứt.
Nhân vật của ông mà anh nào ra anh
nấy kiểu Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng là hỏng, là nhạt liền, là mất chất khải thị
ma mãnh phong cách riêng. Nguyễn Khải chỉ có một con đường độc đạo để di chuyển
rào rào như con thoi trong các hệ thống hình tượng nhân vật là chính bản thân
ông. Như vậy, hẳn là ông mệt lắm, vừa làm kiến lại vừa làm cá, vừa cùng một lúc
gieo cả hạn hán và lũ lụt, vừa đóng vai giăng vừa sắm vai cuội. Nguyễn Khải vượt
cạn văn chương một mình trên biển cả bản thảo mồ côi chỉ độc với con thuyền -
ngòi bút. Mấy chục năm, nhà văn hạng xoàng như tôi cũng trèo cả lên máy vi tính
mà vi vu meo mốc. Chỉ riêng Nguyễn Khải không chịu lên máy chữ cọc cạch thổ mộ
ngón tay mổ cò gõ kiến đã đành, lại vẫn cứ còn chơi bút máy thò ra thụt vào như
thời Tây, chơi mực tím, mực xanh ri rỉ như máu ứa.
Suối một đời viết lách, một mình
ông lượn lờ đi lại, nói năng, giận hờn, buồn vui, ngơ ngác, vờ vịt, chân thành,
khiếp sợ, dũng mãnh, cuồng si... mà hơn nửa thế kỷ chữ nghĩa văn chương cứ rào
rào như tằm ăn rỗi, cứ cuồn cuộn hàng mấy chục đầu sách làm ồn ào lênh láng cả
văn đàn, thì qủa tình đáng nể thật, tài thật. Qua văn ông, các nhân vật cuồn cuộn
đến và đi, cuồn cuộn sống và chết, cuồn cuộn mặn mòi, cuồn cuộn nhạt nhẽo...trong
một thế giới tất cả chỉ thở bằng hai lá phổi của một con người đã nhát mà lại
thích bông phèng. Một con người lúc nào cũng có vẻ như đến đây sống thử một keo
xem sao, giả ngô giả ngọng mà sống, rồi kiếp sau mới xuống trần sống thật. Ông
ngồi như con cóc suy tư trong gầm giường trần thế, đùng một phát to gan nhảy kễnh
lên làm cậu ông giời, gọi giông gió mà biến hóa khôn lường người ngợm, làm tít
mù đèn cù đủ loại anh hùng, cùng thân, sang hèn, thiện ác, ngô nghê ...Ai, vật
gì đã lọt vào mắt xanh văn ông đều cứ phải nhăn răng mà sống tận cùng mình cho
hết cõi tơ lơ mơ, tù lù mù Nguyễn Khải.
Văn ông có khi làm ta phải nghĩ, phải
sôi lên, thậm chí phải bực cả và mình chút day dứt vặt, hụt hẫng vặt, lại giỡn
chơi trốn tìm vặt vãnh con cà con kê mà có khi cũng rơm rớm lẽ đời, cũng truân
chuyên nỗi sống. Ông nhìn vào đời bằng cái nhìn của anh đãi cát tìm vàng, bằng
mắt kẻ đánh giậm, quyết không bỏ sót chút tôm tép tiu tiu nào của cát bụi. Sở
trường ông là viết về những cái vớ vẩn, nhạt nhẽo, cái bị bỏ rơi, tí mẩn, dông
dài như bã mía, vỏ ốc, vỏ lon, vỏ dừa vỏ chuối...những cái nhà văn khác đi qua
không ai thèm nhìn chứ chưa nói gì hạ mình xuống lượm. Nguyễn Khải cứ ngồi một
chỗ ru rú trong xó nhà mà nhặt được toàn bộ rác rưởi đời sống. Ông có biệt tài
lượm ve chai trên ti-vi, trên báo, lượm phế thải nơi những tâm hồn ủ ê néo hánh
ù lì thấp thoáng quanh đời ông. Chứ nếu ai bảo ông hãy viết cho tôi cái đề tài
lớn lao tày trời này đi, cái vụ quốc gia đại sự này đi là ông xin kiếu, có viết
ra cũng giả giả, nhàn nhạt thế nào ấy.
Nguyễn Khải đi qua hai cuộc chiến
tranh, đi qua bao buồn phiền lo âu kiếp người, lại phải làm nghề buồn vui dùm,
đau khổ, khùng điên, ấm ớ, ma mãnh dùm, sang hèn, thiện căn, dúm dó dùm cho
hàng trăm nhân vật từng dở sống dở chết trong văn ông, mà lạ thay, sao thoạt
nhìn cứ tưởng ông sinh ra để dạo chơi, để ngồi mát ăn bát vàng. Ông to con, cao
lớn vẻ nặng nề thế mà khi nhón gót di chuyển lại cứ như chim, lại cứ nhất mực
nhẹ như bấc, như ông không hề có một tí trọng lượng nào. Có khi thấy ông đi
thõng thẹo trên đường, hai tay cứ đuồn đuỗn thừa ra, chân vêu vao dấm dẳng như
bước trên sân khấu, như thể ông sắp hô lên rằng như ta đây, rồi bất chợt sóng
xoài đi một bài quyền long xà vờn mãnh hổ cho thiên hạ lác mắt. Ông sống như
chơi, viết lách như chơi và chơi như chơi, thật thà nhân ái cũng như chơi. Nhìn
ông cứ tưởng một thầy bốn tu xuất không đâu cho nhập hộ khẩu, đành núp hờ trong
bộ quân phục, ăn đời ở kiếp trong bộ quân phục.
Suốt một đời ông ngự trên cái xe đạp
mua từ năm 1960 hiệu diamant tốt nhất thế giới mà xàng xê, mà vòng vèo mây bay
gió thổi hết Phúc Xá qua Hàng Đậu, Hàng Than. Ông bảo chính cách mạng đã nặn
ông ra thành người từ một cục đất thó bỏ đi, cục đất thó bị nỗi buồn tủi bên đời
dẫm bẹp. Ông bảo thời Tây chiếm, người Việt Nam ta dúm dó, nhếch nhác, ẩm ương,
rẻ rúng lắm, bị khinh khi lắm, tự coi thường nhau lắm, mặt mày cứ bạch phếch
lên như mốc meo, như ám khói hết cả một lượt từ sang tới hèn, chứ chẳng hùng
tráng, kiêu kỳ, trọng vọng, vi vu như bây giờ đâu. Chính là cách mạng đã dựng
người Việt dậy, đặt nó lên bục cao danh dự và nhân phẩm đấy. Đất Nam Định, phố
Hàng Nâu "Ở phố Hàng Nâu thật lắm quan " là quê cụ thân sinh ra ông,
một nhà nho, một vị quan tri huyện thanh liêm. Tôi biết tuổi thơ ông tuy được
ăn học tại Hà Nội tới năm thứ ba trung học mới đi kháng chiến, nhưng lại là một
tuổi thơ buồn, mang bi kịch gia đình như mang một y phục hiu quạnh. Có lẽ việc
này đã góp phần tạo ra chất đơn độc đến tức tưởi, chất tự vệ vô thức vô can, chất
vừa muốn giấu biến đi mọi thứ lại muốn chẻ hoe ra tất cả, nửa muốn xuôi chiều
ba phải nửa muốn lộn trái tất cả sự vật lên cho rối tinh rối mù chơi cho hả của
phong cách đa phong cách văn ông.
May mà ông còn một con cáy trong
người để bảo hiểm cho văn mình vẻ ngờ nghệch nhân hậu của con người từng bị khổ
đau, mang cái khổ đau không biết cất vào đâu bèn cất hết vào văn chương cho tiện.
Kẻ cô độc cả nghĩ, cả sợ, cả tin, cả ngờ, cả gói này may mắn quá, mặc dù chỉ ngồi
một mình trong nhà như phỗng, ngồi như con ma xó đối diện với bản thảo, bị giời
xiềng vào chữ nghĩa như một anh tù văn, lại có cả triệu người xa lạ tri âm tri
kỷ từ tận đẩu tận đâu thì hồng phúc thật. Bác Nguyễn Khải lại nhìn tôi rất ư cảnh
giác, cười ruồi khi tôi bảo đất Nam Định từ ông Tú Xương đến nay, những văn tài
hầu như đều phải có ít nhiều chất tinh quái, nghịch ngợm. Nguyễn Bính, Văn Cao,
Nguyên Hồng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Cao, Trần Dần, Nguyễn Thi... nghịch quá đi chứ.
Nguyễn Khải là cái ông nghịch ngầm, nghịch mà tưởng ngoan. Cứ nhìn đôi mắt ông
thì biết, liếc vào cái gì là cái ấy bị Khải hóa, bị "Mùa lạc" hóa,
"Cha và con và..." hóa. Đôi mắt ông có khi hiền lành lẩy bẩy chất cua
lột, lại có khi đáo để ranh mãnh như quạ đến trời cũng chẳng tha, nhìn có khi
như dây lòi tói, trói hồn vía cuộc đời lôi tuốt vào trang giấy mà pha ra từng
mâm cỗ giả cầy.
Mùa xuân gió thổi quá làm tôi thêm
thương hai anh lính xanh biếc trước cửa nhà bác Khải. Hai anh vẫn dùng tàu cau
xùm xụp lá mà đập ràn rạt vào bức tường đời sống, toan mách lẻo với giời đất
cái chuyện biết thì thưa thốt, như thể loài cau cũng tính ăn vạ ông cao xanh.
Nhìn cái bàn viết văn rộng đến gần năm mét vuông la liệt giấy mực, ngổn ngang cả
gánh hàng xén sách vở của ông, tôi biết dù đã chớm bảy mươi, sức viết ông vẫn
còn lừng lững. Tuổi này, bút ông vẫn chưa hưu, vẫn phải hành nghề nuôi thân, vẫn
tung hoành trên các báo, vẫn cứ gõ lên trang giấy tiếng gõ sột soạt, gõ kiểu ngứa
ghẻ như toan gọi vĩnh cửu ơi, vừng ơi mở cửa. Ông sống được là nhờ cái duyên
văn tự , nhờ một lối viết sắc sảo đến ma mị, chữ nghĩa bò như kiến tưởng lung
tung lắm, quân hồi vô phèng lắm mà khi vung bút, hô một tiếng cầu phong đảo vũ
là đâu lại vào đấy, là văn ra như rượu rót tràn ly. Chỉ thương hai cây cau đứng
gác ngoài cửa kia sao quyết không chịu nhảy vào trang văn ông. Giá có hai anh
cau này vào văn làm cột cho Nguyễn Khải dựa mà mượn gió bẻ măng; đặng lấy tán
lá um tùm quạt phành phạch cho các nhân vật của ông bớt đổ mồ hôi hột, cho dòng
suy tưởng luận đề nóng bức của ông hưởng được tẹo gió mùa xuân mà chữ nghĩa lại
thêm phần mát mẻ .,.
Sài Gòn mùa xuân
1996
T.M.H.
Nguồn: Từ Fb của nhà thơ Tran Manh Hao
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!