Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

TỰ DO LÀ THẺ VÀO ĐỜI-Paul Nguyễn Hoàng Đức


TỰ DO LÀ THẺ VÀO ĐỜI


Cái thời như người Trung Quốc nói: “Miếng ăn làm trời” (Nhân dân lấy gạo làm trời) đã lùi vào dĩ vãng lâu rồi, giờ đây làm người phải lấy lương tri làm trời. Xưa kia, người ta dẫn con trai đến các nhà các quan và vua chúa xin được thiến để được nuôi ăn, sau đó trả công ông chủ bằng cách hầu hạ vô điều kiện, rồi được vua chúa nâng đỡ lên các chức “công – công” hoạn quan, thế là đã thấy ở trên rất nhiều người. Than ôi, hy sinh cả giới tính của mình để kiếm miếng ăn của người thí cho các nô tài thì đáng buồn sao! Giờ đây, không ai lại muốn làm cái việc dại dột đó, thế giới còn có khẩu hiệu: “Tự do hay là chết”. Làm người mà không có tự do, chỉ được nuôi ăn thì khác gì loài vật. Triết gia Maritian nói : “Để có tự do con người phải trả một giá đắt, nhưng bằng bất cứ giá nào vẫn rẻ hơn là bị mất tự do”. Có tự do thì được làm người, mất tự do thì chỉ là nô lệ – sống như phương tiện biết nói, hay như loài vật, thì quả là: dù phải hy sinh bằng giá nào vẫn rẻ hơn là bị mất tự do.

Làm quan ở dưới một người và trên muôn người ư? Làm quan mà cả đời không dám có một ý kiến cá nhân, một là im lặng để thủ thân, hai là nói theo đuôi người khác để tiến thân, chơi cờ phải giả thua, không bao giờ dám chơi theo ý thích của mình, như vậy có khác gì chỉ là thứ nô tài ở trên các nô tài khác. Trong khi đó một người có tự do, người ta dám chơi cờ theo ý mình, dám đưa ra chính kiến của mình, dám sống và làm mọi việc vì chính bản thân mình chứ không bị phải trở thành cái bóng lẽo đẽo sống theo ý muốn thấp hèn của kẻ khác (kẻ muốn bắt người khác sống theo ý mình luôn luôn là kẻ thấp hèn, giống như một Nhà nước kém cỏi không dám để cho dân chúng được tự do), vậy thì ai là người có vị thế làm người cao hơn?
Cao hay thấp ư, giá trị cũng như nhân vị của mỗi người phụ thuộc trực tiếp vào đòi hỏi tự do của họ, làm quan lớn mà không dám tự do thì vẫn chỉ là thứ nô tài cao cấp, nhưng làm người thường dám đòi hỏi tự do thì đã thoát xác nô lệ để trở thành người tự do. Người tự do, trên đầu họ chỉ có Thượng Đế và pháp luật, cái là nguyên tắc công lý sống chung với mọi người, ngoài ra chẳng có thêm một ai hết, nếu trên đầu họ có rất nhiều quan lớn chỉ biết cậy vào bạo lực và quyền hành phi pháp, thì vẫn không thể vì lẽ đó họ bị xuống cấp từ người tự do xuống hàng nô lệ. Trái lại, có nhiều quan chức chỉ biết cúi đầu trước cấp trên mà không cúi đầu trước pháp luật – tức công lý của mọi người, quan chức đó chỉ là những hạng nô tài cậy quyền bất chính mà thôi.

Tự do không phải chỉ là một đòi hỏi, nó còn là cách người ta khởi hành để đi vào cuộc đời. Trong xã hội văn minh càng ngày càng có nhiều người đứng ngoài biên chế của Nhà nước, họ vẫn thành công. Trái lại trong xã hội lạc hậu, thì ngay đến cả những nghề có tính cá nhân cao như viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc cũng đòi được đứng trong hàng viên chức, thành lập hội này hội kia, mong lấy tổ chức ra làm uy quyền tập thể, đó thật là những con người yếu đuối và kém cỏi như triết gia Nietzsche nói: “Vì sợ hãi, nên người ta phải tập trung thành đám đông khi băng qua bóng đêm và sa mạc”.

Làm quan hay làm dân ư? Người càng ỉ lại vào quyền hành của hệ thống thì càng bé nhỏ, trái lại người nào càng tự giác sống không cần dựa dẫm thì càng cao lớn!
Tác giả bé hay lớn ư? Kẻ nào càng cậy thế biên chế số đông cho ngòi bút của mình càng bé nhỏ, và ai dám sống và viết một mình càng cao cả!
Xã hội chậm tiến hay văn minh ư? Xã hội nào càng ỉ vào quyền lực thì càng dã man, như quyền của các con thú trong tự nhiên; còn xã hội nào càng vứt bỏ quyền lực trao cho các công dân của mình quyền tự do, thì càng văn minh, tiến bộ!

QUAN PHẨM VÀ NHÂN PHẨM
Khai bút: cuối tháng 11/2005
Hoàn thành: ngày 17/03/2006

                   Paul Nguyễn Hoàng Đức 

Nguồn: Từ Fb của Paul Nguyễn Hoàng Đức 

1 nhận xét :

  1. Rất vui sáng nay được đọc thuyết Tự Do Nhân Vị của thầy Paul Nguyễn Hoàng Đức.Những giá trị VN đang thiếu,đang cần để Dân Tộc cất cánh bay lượn giữa bầu trời văn minh nhân loại.Thật đau khi nhận ra có một thế lực đang kềm hãm,chứ không phải người dân không có khát vọng Tự Do.Quá trình chuyển biến đến Tự Do là tất yếu cho phát triển.tiến bộ.Thế nhưng,lắm ảo giác của cái sợ vẫn trập trùng vì "cái của Tôi"bị đe dọa.

    Trả lờiXóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!