Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

TA VỀ TẮM NƯỚC ĐỒNG NAI-Văn Công Hùng


TA VỀ TẮM NƯỚC ĐỒNG NAI
Nhà văn Văn Công Hùng

Tôi không nghĩ có ngày mình lại được ở Đồng Nai với thời gian được coi là dài đến thế. Lịch sử có những vùng đất rất lạ, đầy hấp dẫn, đầy mời gọi, đầy dấu ấn... nhưng lại ít có điều kiện ở lại với nó lâu dài. Bởi nó không đủ xa để người ta phải ở lại, và cũng không đủ gần để có thể nhoáng cái có mặt kéo ghế ngồi nhậu với nhau rồi lại về. Đồng Nai là như thế. Biên Hòa cách Sài Gòn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, có việc gì là hú nhau về Sài Gòn chứ ít khi ngược lại.

            Từ bé tôi đã học và rất nhuyễn những câu thơ có Đồng Nai như “Nhà Bè nước chảy chia hai/ ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, hoặc  ““Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”... và nó ám vào tôi rất kinh. Đến khi biết câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” thì đất này đã chinh phục tôi hoàn toàn. Và mơ ước có ngày được ghé.

           Nhưng mà nào có dễ, dẫu bạn thân của tôi, nhà văn Nguyễn Đức Thọ, lúc ấy đang “trấn” xứ này với chức danh phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật.

           Đa phần là, khi tôi có dịp từ Pleiku xuống Sài Gòn thì Thọ lại phi xe xuống, chơi với nhau lúc chậm lúc nhanh, rồi thì Thọ lại về. Cũng không phải là Thọ không “thiết kế”, nhưng cứ mỗi khi cuộc “thiết kế” ấy sắp thành thì lại xuất hiện “nhân tố mới” khiến cho sau vài cuộc trao đổi điện thoại thì việc Thọ về Sài Gòn nó có lý hơn là tôi ra Đồng Nai, với lại cũng nghĩ, thì thiếu gì dịp.

           Và rồi tôi cũng “đáo” Đồng Nai được 2 cuộc, một cuộc trong ngày, cuộc nữa thì ngủ lại nhà Thọ một đêm.

           Cái câu tôi trích làm tên bài viết này là một câu thơ tôi viết dạo ấy: “Ta về tắm nước Đồng Nai/ Thương cây phượng vĩ cháy ngoài bến sông”.

           Là có một cặp trai gái yêu nhau. Éo le lắm. Họ hẹn nhau lấy cây phượng vĩ làm điểm hẹn ngay bờ sông có lối rẽ vào con ngõ nhỏ, phía trong ấy là một căn nhà nhỏ, làm điểm hẹn. Và thề nhau sẽ chỉ quên nhau khi cây phượng vĩ không còn. Phượng vĩ thì bao giờ chết nếu như không có ai hại nó. Nhưng éo le lại là những điều có thật để con người, dẫu rất yêu nhau, rất muốn đến với nhau, mà lại có vẻ rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Sự éo le là một cái barie vừa ngang bướng vừa nhân văn, để giúp con người, vừa tiếc nuối vừa ân hận, vừa thảnh thơi vừa đau đớn... mà đành ngậm ngùi. Chỉ còn cây phượng vĩ vẫn đấy, một mình. Bài thơ của tôi là “Cây phượng vĩ một mình” đã được cả hai người đọc.

           Đồng Nai tôi có những bạn văn ở đấy. Tôi đọc họ trước khi được đặt chân đến. Làm nên đất này là công sức của hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ, từ thời ông Nguyễn Hữu Cảnh lần đầu ngập ngừng bước chân bên bờ sông Phố. Tôi cứ hình dung cái cửa ngõ Đồng Nai này đã khiến bao nhiêu thế hệ ngập ngừng giữa dừng và bước. Và rồi những miền đất bao la của miền Tây, mở đến mũi Cà Mau đều xuất phát từ đây, từ những bước chân nối bước chân ngập ngừng ở đây. Trước khi xuôi tiếp về phương Nam cha ông ta đã ngập ngừng ở đây. Cũng như thế, trước khi tiến về Sài Gòn năm 1975, nơi đây cũng là một cửa ngõ quan trọng. Đến Xuân Lộc mới biết những gì chúng ta đã đánh đổi để có những ngày tháng 4 năm 1975 ấy. Hàng vạn con người phơi phới tuổi hai mươi đã vĩnh viễn gửi tuổi trẻ của mình ở đây, đã mãi mãi tuổi hai mươi ở đấy, để chúng ta có những ngày này. Một điều hết sức nhân văn là lãnh đạo và nhân dân Đồng Nai đã xây các đền, đài, bia... đa phần là theo mẫu đền, đình miền Bắc truyền thống. Đơn giản, những liệt sĩ nằm đây tuyệt đại bộ phận là người Bắc, trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, đã xếp sách bút lại để lên đường. Rất nhiều liệt sĩ, có cả bạn học cũng lớp với tôi, đi một lèo từ quê vào đến đây là... nằm lại, vĩnh viễn nằm lại. Ai cũng biết cái cửa ngõ Xuân Lộc thuộc Đồng Nai năm 1975 là cái máy xay thịt khủng khiếp như thế nào? Vào tất cả các nghĩa trang liệt sĩ, các đền thờ liệt sĩ... đều thấy những mái đao cong vút thân thuộc. Các liệt sĩ trẻ lắm, trước khi bước chân vào một chuyến đi dài, vĩnh viễn, họ chưa bước chân ra khỏi làng, nên trong trí nhớ của họ, quê hương chính là những mái đao cong vút mà mềm mại. Giờ họ quy tụ về đây, cũng vẫn là những hình ảnh quê hương thân thuộc ấy.

           Chiến khu D là nơi không thể không đến khi về Đồng Nai. Tôi ở Tây Nguyên thiếu chưa đầy ngàn ngày nữa là đầy bốn chục năm, thế mà phải xuống tận đây mới gặp rừng già. Quả là hồi mới lên Tây Nguyên, toàn bộ khu vực thuộc huyện Đăk Glây là rừng già, tôi đã từng lội mấy ngày trong rừng để đi từ thị trấn vào đồn biên phòng Đăk Glây. Sau chỉ mấy năm, nơi đây thành... bình địa một cách vừa bất ngờ vừa... không bất ngờ. Rồi Tây Nguyên bây giờ trong tôi cứ ngút mắt... đồi trọc và rừng cao su. Vào lại rừng chiến khu Đ, luôn phải ngước mắt lên trời. Rừng, cây, lá... ngút mắt. Cũng ở Gia Lai, có một khu rừng nguyên sinh, trong chiến tranh được gọi là thị trấn Dân Chủ. Rừng đã che chở để cách mạng chọn đây là căn cứ, là đầu não chỉ huy của toàn bộ chiến trường vùng này. Tất cả mọi cuộc tấn công của đối phương vào đây, từ bộ binh, pháo binh tới máy bay đều thất bại. Rừng ở đây vẫn vời vợi xanh, vẫn ngút ngàn để làm đúng chức năng căn cứ địa, bảo vệ chiến khu, bảo vệ căn cứ và bảo vệ dân. Giờ nó trống huơ trống hoác, tỉnh Gia Lai mới khánh thành cái khu di tích lịch sử cách mạng ở đấy, ô tô phóng vèo vèo vào tận nơi.

           Chiến khu D may thay, giờ vẫn là rừng.

           Có lẽ là tại bởi độ thiêng liêng và cả linh thiêng của khu này. Thiêng liêng là bởi trước khi có căn cứ Tây Ninh thì đây là đầu não của cuộc kháng chiến miền Nam. Người ta đã thống kê, những vị lãnh đạo đã hoạt động ở đây, có đến mấy vị đã là Tổng bí thư Đảng, mấy vị là thủ tướng, còn bộ trưởng thì... miên man. Thiêng liêng hơn nữa là từ đây, bao nhiêu quyết sách quan trọng đã tỏa ra khắp nước để chỉ đạo và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tôi cứ hình dung, rừng già thế, mịt mù thế, thăm thẳm thế, thăm nhau từ hầm này sang hầm khác đã khó, đã rất nguy hiểm, thế mà lại có thể dõi theo nhất cử nhất động của toàn bộ cuộc kháng chiến trong toàn miền, để rồi liên tục có những quyết định hết sức chính xác để theo kịp diễn tiến hàng ngày. Linh thiêng là bởi, nơi đây hàng ngàn liệt sĩ đã nằm lại, thế nhưng ở nghĩa trang liệt sĩ, người ta chỉ lập được mấy chục ngôi mộ, và vẫn có những ngôi mộ rất ít xương cốt. Những tấm bia liệt sĩ hình mũi tên vươn lên trời, im lìm trong lõi rừng già, le lói ánh mặt trời thi thoảng lọt qua kẽ lá. Bên mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn được thắp bằng năng lượng mặt trời. Nghe giải thích là sở dĩ chỉ quy tập được chừng ấy liệt sĩ dù khu vực này không rộng, là bởi đất ở đây toàn đá sỏi. Khi chôn liệt sĩ không thể đào sâu được bằng dụng cụ thời ấy nên đa phần là đắp nổi, đào được đến đâu thì cố đào sau đấy dùng đá đắp lên. Và đây là vùng có rất nhiều thú ăn thịt, đặc biệt thích xác thối, chúng đào lên ăn. Sau này tìm không ra di hài là thế. Chuyện đau xót nhưng là sự thật của chiến tranh. Ở đây, đền tưởng niệm, bia liệt sĩ cũng được làm theo phong cách kiến trúc Bắc bộ, cũng bởi là các liệt sĩ hy sinh ở đây đa phần là người quê vùng châu thổ sông Hồng, hay chính xác là từ khu IV trở ra. Giờ giữa lõi rừng này, có hẳn một đơn vị chăm sóc các liệt sĩ. Họ vừa giữ rừng, vừa hướng dẫn du lịch và chăm lo liệt sĩ, chăm sóc di tích...

           Đồng Nai giờ dân góp rất nhiều.

           Nếu tính từ thời ông Nguyễn Hữu Cảnh được cử làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai, đặt đại bản doanh ở Cù Lao Phố, đến nay vừa đúng 320 năm, bao nhiêu lượt con dân đã theo ông, đời này sang đời khác, cho đến tận bây giờ, để làm nên xứ Đồng Nai sầm uất hôm nay. Tôi gặp trên phố tiếng nói của rất nhiều vùng cư dân. Và không chỉ thế, cả những người nằm xuống nữa. Bao nhiêu phu cao su đã bỏ xứ đến đây để rồi mãi mãi ở lại đây. Bao nhiêu liệt sĩ trẻ măng, rời ghế nhà trường là ra thẳng chiến trường năm 1974, 1975, để rồi đến đây là nằm lại đây, vĩnh viễn tuổi hai mươi ở đây. Những ý nghĩ ấy cứ day dứt trong tôi khi lần lượt đi thăm những địa danh, những di tích xứ này. Đi và bâng khuâng, và cảm phục, và day dứt nữa. Cha ông mình giỏi quá (tất nhiên khen thế là hết sức hỗn nhưng chả có cách nào hơn). Giữa cái lúc hết sức khó khăn vất vả đi mở đất ấy, lo kiếm miếng ăn, lo bảo toàn mạng sống ấy, giữa hoang mang bộn bề chưa biết ngày mai sẽ thế nào, ra làm sao ấy, giữa mờ mịt hoang vu ấy, đã vẫn lập ra cái văn miếu Trấn Biên như một trung tâm văn hóa giáo dục, là văn miếu đầu tiên của xứ đàng trong để tôn vinh những trí thức, các danh nhân văn hóa nước Việt. Lần đầu tiên khi tôi đến đây cách mười mấy năm trước, thì địa điểm đầu tiên mà nhà văn Nguyễn Đức Thọ, một người quê Nghệ An, đưa tôi đến là văn miếu Trấn Biên này, chứng tỏ nơi này là niềm tự hào với những cư dân ở đây như thế nào. Và quả là, nơi này, từ văn miếu Trấn Biên này, một loạt người tài đã xuất hiện dưới ảnh hưởng của nó, làm rạng danh cho vùng đất mới phương Nam như Trịnh Hoài Đức, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu...

           Thì cái đất Tân Triều mà không lạ à. Ban đầu là tôi được một người bạn mời đi ăn bưởi ở đấy. Đây là làng bưởi nổi tiếng, đã đến Đồng Nai mà chưa ghé làng bưởi Tân Triều là chưa biết Đồng Nai. Thực ra thì câu này sẽ rất hợp lý với rất nhiều địa danh khác của Đồng Nai nữa, như cù lao Phố, như Xuân Lộc, như chiến khu Đ, như Mã Đà, như Trị An vân vân, nhưng quả là cái danh xưng bưởi Tân Triều có vẻ hấp dẫn nhất, bởi nó có vẻ mỏng manh yếu ớt hơn các địa danh trên.

           Và té ra cái câu ca mà tôi hay nghe: Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai, nước sông trong chảy lộn nước sông ngoài, thương người xa xứ lạc loài đến đây... là nó xuất xứ từ đây. Ngồi ở một cái quán nhỏ nhô ra sông, con sông đặc trưng phương Nam với cây cối um tùm ven bờ, nhiều nhất là dừa, mắm và đước, nước bùng bình nửa trôi nửa lặng, nhìn từng đàn cá lìm kìm như thả như buông như đùa mà lại như đang ngủ giữa những giề lục bình, cũng lại một đặc trưng hết sức phương Nam bởi sông miền Trung và miền Bắc chảy xiết, lục bình rất khó sống, uống ly nước bưởi ép chính hiệu, nghe bạn kể về cái xứ này mới thấy kinh ngạc. Là bởi cái làng bé bé nhỏ nhỏ ấy mà chứa trong mình bao nhiêu huyền tích. Những bước chân khai khẩn từ mấy trăm năm trước của những con người dũng cảm, ưa khám phá, những người giờ trở thành cái tên chung là những lưu dân mở đất, đã đặt những bước đầu tiên đến ngôi làng này. Về Nghĩa Đàn, Nghệ An mới biết, té ra cái thương hiệu cam Vinh nổi tiếng là chính từ Nghĩa Đàn chứ Vinh làm gì có cam. Và bưởi Biên Hòa huyền thoại cũng thế. Thương hiệu bưởi Biên Hòa lừng danh khắp trong Nam ngoài Bắc chính là bưởi Tân Triều này, trong khi thực ra Tân Triều thuộc huyện Vĩnh Cửu, nhưng lại nằm sát Biên Hòa, ngồi ở Biên Hòa, với tay ra là gặp bưởi, ông nhà văn thổ công Đồng Nai ví von.

           Đặc sản của Đồng Nai là... lịch sử. Đã từng là thế. Rồi sau này là đất đỏ. Đất đỏ miền Đông nổi tiếng như một bài hát nổi tiếng lấy hẳn đất đỏ miền Đông làm tên “Tình đất đỏ miền Đông”. Đất đỏ biến nơi đây thành những vựa trái cây nổi tiếng, mà chúng tôi có dịp dự cái lễ hội trái cây Long Khánh là một ví dụ. Có thể kể thêm một loạt đặc sản hoặc chuẩn bị đặc sản nữa, nhưng giờ, có thêm một đặc sản của Đồng Nai, của Biên Hòa: Áo thợ.

           Mấy chục năm nay, Biên Hòa, Đồng Nai trở thành nơi các doanh nghiệp tìm về hội tụ, thành phố công nghiệp Biên Hòa trở thành một địa chỉ uy tín thu hút nhân lực vật lực. Cách đây mấy chục năm, tôi đọc một bút ký của nhà văn Nguyễn Đức Thọ, tôi nhớ anh tả một buổi chiều Biên Hòa mưa, những bóng áo thợ thấp thoảng trong mưa, và anh nói về một thành phố công nghiệp, một đời sống công nghiệp, và những người thợ, tiếp nối từ những những người phu cao su, giờ là những công nhân công nghiệp. Bằng tư chất nhà văn, anh dự cảm về những ngày mai của thành phố công nghiệp, của những đổi thay trên vùng đất này. Nhưng chắc anh cũng chả hình dung được rằng, chỉ hơn chục năm, cái diện mạo công nghiệp anh thấy và dự cảm thời ấy với bây giờ nó khác nhau như thế nào. Đúng nghĩa là công nghiệp, đúng nghĩa là hiện đại. Tôi có vào thăm khu bảo tồn cao su cổ, có những cái nhà làm cho phu cao su ở. Nó khác xa với những gì trong suy nghĩ của tôi, trong cả những câu ca dao nhiều người thuộc: Cao su đi dễ khó về/ khi đi trai tráng khi về bủng beo, hoặc: Cao su xanh tốt lạ đời/ mỗi cây bón một xác người công nhân. Bây giờ, khác xa nữa. Tất nhiên vẫn còn nhiều điều phía sau sự uy nghi hiện đại của thành phố công nghiệp, như môi trường, như đời sống cho ra đời sống của công nhân, tức là làm và chơi, lao động và hưởng thụ nhiều khi chưa tương xứng bởi sự phát triển nóng đang... dàn đều trên cả nước ta, khiến tỉnh Đồng Nai đang phải có chủ trương đóng cửa và di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 vì nó đã lạc hậu, lỗi thời, gây ô nhiễm cho con sông cực đẹp, cực đáng tự hào là sông Đồng Nai. Nhưng thành phố công nghiệp, thành phố áo thợ là một thực thể, là niềm tự hào của Đồng Nai. Và như thế, Đồng Nai đã bước trên cả 2 chân là nông nghiệp và công nghiệp, và chân nào cũng nổi tiếng, cũng thành danh, cũng khiến người khắp nơi kéo đến. Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết: Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 30 ngàn doanh nghiệp (tôi đã hết sức hoang mang với con số này, bởi ba mươi ngàn là một con số quá lớn mà bản thân một nhà thơ như tôi không thể hình dung, thế nhưng đấy là con số chính xác), trong đó có 1.778 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó 3 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, thu hút gần một triệu lao động từ khắp nơi về đây. Tôi từng viết những bài báo về cảnh cứ sát tết là hàng chục triệu người dân Việt xa xứ rùng rùng chuyển động về quê ăn tết, chủ yếu là từ Nam ra Bắc và sau tết lại ngược lại. Nó là nhu cầu thiết thân nhưng lại cũng là hệ lụy, là gánh nặng xã hội, nhưng không thể khác. Cả năm đi làm, tết là phải về, phong tục Việt là thế, dù gần đây số người chọn tết để đi du lịch khá cao, nhưng số người tết bằng mọi giá phải về quê vẫn chiếm đa số. Họ, chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp, và về đây mới biết, Đồng Nai “góp” vào đấy gần một triệu người chứ chả ít đâu. Nhưng những năm gần đây tình hình có được cải thiện là do các công ty chủ động phương tiện đưa công nhân về quê, coi như là một phần phúc lợi xã hội. Và tỉnh cũng tham gia vào việc này khá tích cực. Tỉnh Đồng Nai luôn coi công nhân là tài sản, là vốn quý của doanh nghiệp, của tỉnh. Đã và đang có 45 công trình nhà ở xã hội với 20 nghìn căn hộ dành cho công nhân đã và sắp hoàn thành vân vân...

           Đồng Nai cũng là nơi nhiều văn nhân chọn làm nơi trú ngụ. Những bạn văn của tôi ở đây vừa lẫn vào với mọi người, nhưng lại cũng là chính họ. Họ là một phần của Đồng Nai và Đồng Nai cũng có trong họ một phần. Một Đồng Nai vừa cụ thể vừa bí ẩn trong văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, vừa hiện đại vừa tươi non mà cũng hết sức khắc khoải trăn trở trong văn Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ, Nguyễn Một...

           Vì họ sống trên một vùng đất cũng đầy bí ẩn và da diết những hoài niệm, vừa đau thương vừa kiêu dũng, vừa bi tráng vừa tươi non. Những đan cài, những xoáy ốc cả thực tiễn và cảm xúc, cả quá khứ và hiện tại khiến đất này luôn làm người ta phải háo hức, phải rón rén, phải thận trọng và cả òa vỡ nông nổi...

Người Đồng Nai tự hào có Lý Văn Sâm, ông nhà văn huyền thoại với những tác phẩm đậm đặc... Đồng Nai. Rồi thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với bài thơ “Nhớ Bắc” bất hủ, nhà văn Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc, sau này là Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Một, Khôi Vũ, Thu Trân, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Trí, Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang... cho đến những người trẻ như Hạnh Vân vân vân. Có một buổi trưa tôi được diện kiến nhiều tài hoa đất này. Ngoài những nhà văn tôi quen thì có thêm các nhạc sĩ, họa sĩ... họ mê đắm Đồng Nai, thấm đẫm Biên Hòa, nhuần nhị từng tên người tên đất của vùng đất này, dù họ, như nhiều người Đồng Nai đương thời, và cả từ xưa, đa phần là dân góp. Và họ hào sảng, và hiếu khách. Cái văn hóa Đồng Nai có uy lực rất lạ, ai đến đây là bị khuất phục ngay, một cách hết sức tự giác, êm dịu và nhuần nhị. Không cưỡng bức, không gò bó, không cách bức đe nẹt. Hình như cái chất hào sảng Đồng Nai nó là một tố chất quan trọng làm nên Đồng Nai, trở thành tự hào Đồng Nai, nỗi nhớ Đồng Nai vậy. Chả dễ gì có vùng đất nào được như vậy. Thì như đã nói, chỉ không đầy 2 tiếng đồng hồ đã là Sài Gòn, thế mà Đồng Nai vẫn không bị lẫn, không bị “hòa tan”, vẫn một Đồng Nai tự tại tự tin và tự mình. Tôi đọc được điều ấy khi ngồi ở những quán cà phê bên sông, ngắm một anh chàng ngồi câu, trên tay là... cuốn sách. Cả buổi chả thấy con cá nào, nhưng cuốn sách thì được lật quá nửa. Tôi cũng đọc được điều ấy ở cái động tác sồn sồn dứt khoát của anh bạn phây Phan Đình Dũng, khi anh bỏ nửa buổi sáng quyết liệt phi xe máy đến đón tôi khi biết tôi rỗi 2 tiếng, chở đi thăm bảo tàng Đồng Nai rồi... tiện thể tha đi khắp các “nơi anh cần biết ở Biên Hòa”, chỉ thả tôi về khi con gọi tới đón vì đã trễ, cháu học xong đã lâu. Anh này dân lịch sử, từng làm ở bảo tàng tỉnh, giờ dạy ở Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn bám trụ Đồng Nai, đi đi về về chứ không chuyển về cơ quan mới. Và có thể gọi Dũng là “trung tâm tư liệu” Đồng Nai. Khi ngồi viết bài này tôi cứ ước ao mình là Dũng, có được một góc sự thông minh, hiểu biết và trí nhớ của anh về Đồng Nai. Đến đâu là anh kể vanh vách với tôi như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp mà lại như một người bạn, một đồng nghiệp dù là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Là bởi Đồng Nai nó nằm lòng trong anh rồi, dù anh là người Quảng, mà đa phần dân Quảng là rất ngang, chả phục ai bao giờ, thích phản biện và... hay hỏi. Đến câu trả lời cũng thường là câu hỏi.

           Thì cũng phải thế nào mới được thế. Câu ấy chúng tôi hay đùa nhau trên thế giới mạng. Và có thể áp câu này với Biên Hòa, Đồng Nai, dù những gì tôi thấy, tôi chứng kiến, tôi trải, chỉ như những cú đập cánh chuồn chuồn. Tôi không so sánh với bướm, bởi hôm vào khu lịch sử chiến khu D, tôi đã thấy những thảm bướm khổng lồ, chỉ đậu chứ không bay. Đẹp đến mê hoặc, đến ngẩn ngơ. Thì cũng phải như thế nào bướm mới đậu thế chứ, dù tôi biết lý do để bướm tập trung đậu ở đấy, nó là lý do sinh tồn chứ chả liên quan gì đến thẩm mỹ hay nhân văn cả.

           Và, sông Đồng Nai vẫn mải miết trôi. Cái kiểu trôi mà như không trôi, mà lại là trôi, trôi nồng nhiệt, như không thể khác, không thể ngừng, nhưng vẫn níu kéo, vẫn ngập ngừng... đã trở thành một đặc sản Đồng Nai, như cái câu “ai về Gia Định Đồng Nai thì về” như buông thả như mặc kệ như dửng dưng nhưng lại hết sức níu kéo, hết sức chủ thể và hết sức mặc định để Đồng Nai mãi mãi là nỗi nhớ, là điểm đến, điểm dừng và là ước mơ trở về của từng người đã biết Đồng Nai...

Văn Công Hùng

Nguồn: Từ Fb của nhà văn Văn Công Hùng

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!