Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

HÃY NHÌN LỊCH SỬ VIỆT NAM KHÔNG THIÊN KIẾN


    HÃY NHÌN LỊCH SỬ VIỆT NAM KHÔNG THIÊN KIẾN

Bài viết của Nguyễn- Chương

Té ra lịch sử nước nhà (1945-1954) bị hiểu xộc xệch, bởi bị nhấn chìm trong mê hồn trận của các quan điểm, rối còn hơn canh hẹ.
Thành thử, trước hết và trên hết, cần phải nhìn dòng chảy sự kiện lịch sử đúng như nó đã từng xảy ra! Mọi nhận xét về bản chất của từng thể chế, thiên ái hoặc công kích, chưa phải là điều tôi đặt ra trong bài viết này.
A/ Với sự thoái vị của vua Bảo Đại (25/8/1945), nhà nước quân chủ Đại Nam chấm dứt, giao quyền cho chánh phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Democratic Republic of Vietnam).

B/ Éo le ở chỗ: chánh phủ VNDCCH dù nhận được sự thoái vị từ Bảo Đại, và dù tuyên bố độc lập vào 2/9/1945, nhưng Đồng Minh bấy giờ không công nhận.
Vì sao?
Chiếu theo những qui định của khối Đồng Minh (Hội nghị Teheran, Hội nghị Yalta, Hội nghị Postdam) về việc giải giáp phe Trục trên toàn cầu, trong đó có Nhựt:
/1/ Những chánh phủ nào từng hiện hữu độc lập TRƯỚC khi bị Nhựt Bổn xua quân chiếm đóng => Đồng Minh công nhận (như trường hợp chánh phủ của Trung Hoa Dân quốc);

/2/ Đồng Minh không công nhận nếu rơi vô 2 trường hợp sau:
(2a) Không công nhận những chánh phủ thành lập dưới sự bảo trợ của Nhựt. Như Mãn Châu quốc với hoàng đế Phổ Nghi. Như “Đế Quốc VN” của chánh phủ Trần Trọng Kim thành lập tháng 3/1945 dưới sự bảo trợ của Nhựt Bổn (tỉ dụ vẫn còn tiếp tục hiện hữu, tức nếu không xảy ra sự kiện Việt Minh cướp chánh quyền 19/8 đi nữa, chánh phủ Trần Trọng Kim vẫn không được Đồng Minh công nhận);
(2b) Không công nhận những chánh phủ nào thành lập SAU thời điểm Nhựt đã đầu hàng Đồng Minh (sau ngày 15/8/1945), tức thời điểm rơi vào “khoảng trống quyền lực”. Như trường hợp chánh phủ VNDCCH.

C/ Đối với những quốc gia rơi vào trường hợp /2/ => Đồng Minh dùng phương án giải giáp và phân chia khu vực để quản trị tạm thời trong vài năm, sau đó sẽ thực hiện việc giao lại chủ quyền cho những chánh phủ bổn xứ (nằm trong những thỏa thuận có liên quan đến các quốc gia thuộc khối Đồng Minh).
Như nước Đức, bán đảo Cao Ly, Việt Nam.
- Tại Đức: Các khu vực miền tây do Pháp, Anh và Hoa Kỳ quản trị, sau đó vào tháng 5/1949 hợp nhứt hình thành CHLB Đức; khu vực miền Đông do Liên Xô quản trị, đến tháng 10/1949 ra đời CHDC Đức.
- Bán đảo Cao Ly: Khu vực miền bắc vĩ tuyến 38 do Liên Xô quản trị, miền Nam do Hoa Kỳ quản trị, sau đó vào năm 1948 sự quản trị của Đồng Minh được giao lại cho 2 nhà nước bổn xứ là Triều Tiên (miền bắc), Hàn Quốc (miền nam).

- Tại Việt Nam: Đồng Minh vào giải giáp và quản trị, miền bắc vĩ tuyến 16 giao cho Trung Hoa Dân quốc, miền Nam giao cho Anh. Sau đó, việc quản trị này được Trung Hoa Dân quốc lẫn Anh thỏa thuận giao lại cho Pháp. LƯU Ý: Vai trò của Pháp trong giai đoạn này là một quốc gia được khối Đồng Minh ủy nhiệm quản trị lãnh thổ VN, chớ không còn tư cách của một nhà nước thuộc địa Pháp như trước đây nữa (là thời kỳ từ Hòa ước Patenotre 1884 đến lúc bị Nhựt đảo chính, 1884-1945).

Thể chế VNDCCH bấy giờ được xem là một thực thể chánh trị, đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Pháp nhằm thương lượng về thẩm quyền chính thức của chánh phủ VNDCCH. Hiệp ước Sơ bộ được ký, theo đó VNDCCH được công nhận là "một quốc gia tự do, nằm trong Liên Hiệp Pháp".

Sự gãy đổ chóng vánh Hiệp ước Sơ bộ sau đó, dẫn đến việc chánh phủ VNDCCH rút vào khu vực rừng núi, và Pháp rút lại sự công nhận tư cách VNDCCH như "một quốc gia".
Từ 1945 cho đến cuối năm 1949, VNDCCH không được bất cứ quốc gia nào (kể cả Liên Xô) công nhận hết.

D/ Tóm lại, trên bình diện công pháp quốc tế, từ tháng 8/1945 cho đến năm 1949, Việt Nam là lãnh thổ thuộc thẩm quyền Đồng Minh ủy nhiệm cai quản (giao cho Trung Hoa Dân quốc & Anh, sau đó giao trọn cho Pháp), không hiện hữu VNDCCH như một quốc gia thủ đắc chủ quyền thực sự (mà chỉ là một thực thể chánh trị).

E/ Pháp ôm ấp mưu đồ kéo dài vô thời hạn sự quản trị ủy nhiệm đối với VN, biến VN trở thành thuộc địa như thời kỳ trước năm 1945.
Tuy nhiên, căn cứ vào các Hiệp định của Đồng Minh - là sau một thời gian quản trị, phải giao lại chủ quyền đối với các nhà nước bổn xứ (như Mỹ và Liên Xô thực hiện tại Đức, tại bán đảo Cao Ly), thành thử Pháp không thể trì hoãn, "ầu ơ ví dầu"...
Bởi vậy mới có Hiệp ước Élysée, trong bối cảnh chánh trị hậu Thế chiến II thúc đẩy "giải trừ thực dân hóa" (decolonization), theo đó hình thành Quốc Gia Việt Nam (State of Vietnam) ngày 8/3/1949, thủ đô đặt tại Sài Gòn.
Đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc Gia Việt Nam.

F/ Trước tình thế vừa kể, khối xã hội chủ nghĩa (cộng sản) lập tức công nhận VNDCCH như một quốc gia (thủ đô của chánh phủ VNDCCH nằm ở vùng rừng núi Tuyên Quang). Đầu tiên là nhà cầm quyền Bắc Kinh vào đầu tháng 1/1950, kế đến Liên Xô cho tới lúc này mới công nhận VNDCCH (vào cuối tháng 1/1950), rồi một số nước Đông Âu... Tổng cộng khoảng 10 quốc gia công nhận VNDCCH.

G/ Tuy nhiên, trong giai đoạn 1949-1954 (trước Hội nghị Geneve), chánh phủ Quốc Gia Việt Nam vẫn được xem là đại diện của nước VN; từ đây đã dẫn đến việc quốc tế mời QGVN tham dự Hội nghị đa quốc gia San Francisco 1951. Với tư cách pháp nhân chính thức, chánh phủ của QGVN đã minh định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng tại Hội nghị này, đề nghị của Liên Xô giao Hoàng Sa, Trường Sa cho nhà cầm quyền Bắc Kinh bị bác bỏ.

H/ Với chiến thắng Điện Biên Phủ, thể chế VNDCCH mới có tiếng nói tại một hội nghị đa quốc gia, đó là Hội nghị Geneve 1954.
Chánh phủ VNDCCH sở hữu chủ quyền lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17. Chánh phủ QGVN sở hữu chủ quyền lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17.
(năm 1955, QGVN giải thể, trao lại thẩm quyền cho thể chế Việt Nam Cộng Hòa).


Đọc tham khảo,cần đối chiếu nhiều nguồn tài liệu lịch sử để kiểm chứng.

Nguồn: Từ Fb của Nguyễn- Chương

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!