Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

CON CHÓ,Văn Học và Dân Tộc-Đặng Tiến


CON CHÓ,Văn Học và Dân Tộc


Năm nảo, năm nao, năm nào cũng vậy, mỗi lần Tết, viết báo Xuân, thì một ý tưởng lại về. Năm ngoái đã viết câu này, năm nay viết lại: quê tôi có câu hát ru thậm hay:

Con mèo, con chó có lông,
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai

Câu hát giàu chất thơ, nằm ngoài cái hay từ chương, học được ở nhà trường hoặc qua sách vở. Lời thơ đơn giản trong từ vựng cũng như bút pháp, và không mang một lượng thông tin nào đáng kể cho người nghe, vì chỉ nói lên những điều hiển nhiên, tầm thường, người người đều biết. Lời nói xem như không có nội dung, mà vẫn đứng vững được đời này sang đời khác; như vậy, câu nói tự lấy mình làm nội dung, ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh. Đấy là một câu thơ đích thực, theo quan niệm hiện đại. Mà lại là một câu thơ hay, phần nào nhờ giàu nhạc tính, phụ âm k luyến láy ở những vị trí trọng yếu, làm nổi bật động từ có, vừa là sở hữu (avoir) vừa là hiện hữu (être). Bộ lông là hiện thân, là thành phần bản thể tự nhiên của con mèo, con chó. Câu thơ gợi lên một không gian im lìm, thân thuộc: mảnh vườn, góc sân, xó bếp, trong tâm trạng thư thái, hạnh phúc, tin cậy vào cuộc sống. Phong cảnh ở đây ngưng bóng thời gian, ngoại quan là một tâm cảnh, một tâm cảm dù không có chữ nào diễn đạt tâm tình.

Dù vậy, không phải ai ai cũng thích; Xuân Diệu đã chê gắt gao: „đó là một kiểu mẫu về câu thơ vô vị (…) trần trụi như mèo chó đã bị vặt lông (!) và nghe đến nó thì ống tre cũng không hứng thú gì mà có mắt nữa “ (!) [1] .

Tệ đến thế là hết nấc!

Về chó, ca dao ta còn có câu cực hay:

Bực mình con chó nhỏ sủa dai
Sủa nguyệt lâu đài, sủa bóng trăng lu

Nhà thơ Tô Thùy Yên, khi trích dẫn câu này, đã bình luận: „nhóm từ ‘nguyệt lâu đài’ không rõ nghĩa, nhưng dàn dựng cho lời thơ một cảnh sắc hoang đường lạ lẫm. Thi tính, đôi khi nếu chẳng phải là thường khi, vượt ra ngoài những diễn luận thông phàm. Một trong những kỳ tích của thơ, có lẽ cũng của tình yêu nữa, là ôm cõng được cái thực tách khỏi chỗ thường nhật. Cái thực trong thơ là cái thực ròng“ [2] .

Tô Thùy Yên sành văn học dân gian và do đó dè dặt hơn Xuân Diệu. Câu ca dao trách con chó sủa dai, phá giấc ngủ, lúc nào cũng sủa được: trăng lu cũng sủa, trăng sáng lại sủa. ‘Nguyệt lâu đài’ là cảnh trời mây huy hoàng tráng lệ khi trăng bỗng nhiên rực rỡ, đối lập với ‘bóng trăng lu’.

Thơ Xuân Diệu:

Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời…
…Trăng đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí

Thơ Hàn Mạc Tử:

Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ

(“Phan Thiết’’)

Điều lạ làm lạc hướng Tô Thùy Yên, là một người thơ dân gian, vô danh, không chuyên nghiệp, đã sáng tạo ra được hình ảnh ‘sủa nguyệt lâu đài’, tân kỳ, hư ảo và diễm ảo.

*

Trong văn học thành văn, con chó cũng đã góp mặt rất sớm qua bài thơ „Vô đề’’, mở đầu Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, tác phẩm bình minh trong nền thi ca Việt Nam:

Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn

Ngày xưa nước ta con chó không có tên, được ô theo màu lông, con vằn, con vện, con mực, con khoang… Vằn, vện cùng nguồn gốc ngôn từ, là chữ văn trong Văn Lang, văn hóa, văn minh ; có khi phát âm ra vân trong quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân… Câu thơ Nguyễn Trãi: xú xứa nghĩa là xuề xòa, xuềnh xoàng; ngại nuôi vằn vì bạn mình ưa lục lọi, nên tục ngữ có lời khuyên: chó treo, mèo đậy; nhà thơ mải lo tiếp mây khách khứa, nguyệt anh em ắt không mấy để tâm đến việc đậy điệm, treo leo.

Tác phẩm Nguyễn Trãi còn lưu truyền đến nay là nhờ vua Lê Thánh Tông giải oan và ra lệnh sưu tầm; Thánh Tông sống sót là do Nguyễn Trãi bao che, và lên ngôi nhờ công Nguyễn Xí phù lập. Nguyễn Xí lập sự nghiệp bắt đầu từ việc… nuôi chó: ông có tài điều khiển đàn chó săn hàng trăm con của Lê Lợi, trước khi cầm quân thời khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành danh tướng.

Bóng dáng, tiếng sủa của con chó gắn bó với phong cảnh làng mạc Việt Nam, được Nguyễn Khuyến ghi lại bằng câu thơ tài tình:

Trâu già gốc bụi phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người

Lời lẽ nôm na, toàn những tiếng đơn âm, gợi lên phong cảnh, khí hậu buổi trưa hè Việt Nam trong những chi tiết độc đáo và chọn lọc, hơi thở mạnh của con trâu trong khí nóng bức và im ắng, khiến một âm hao nào đó của con người cũng đủ khuấy động không gian, làm giật mình con „chó nhỏ“ thơ ngây. Câu thơ nôm na như vậy dễ làm người đọc quên nguyên tác bằng chữ Hán:

Ngọa thụ bì ngưu hư thử khí
Cách trì tiểu khuyển phệ nhân thanh

Bài này Nguyễn Khuyến làm để tặng người anh họ là Đặng Tự Ý và tự dịch ra quốc âm. Có lẽ câu thơ dịch hay hơn nguyên tác, vì hợp tình hợp cảnh hơn.

Thời thế đổi thay, con chó cũng đổi thay. Có lần Tổng đốc Nam Định là Vũ Văn Báo, theo lệnh chính quyền Pháp, vời Nguyễn Khuyến đến nhà, có ý mời ra làm quan. Nguyễn Khuyến cùng đi với con cả là Nguyễn Hoan, vào đến cổng dinh tổng đốc thì gặp viên công sứ Pháp đi ra, lại bị con chó Tây chồm lên cắn; Nguyễn Khuyến hoảng hốt đẩy con ra chắn chó. Sau đó, trong câu chuyện với chủ nhân, ông đã làm thơ tức cảnh:

Hốt đáo nhĩ môn phùng nhĩ cẩu
Cấp tương ngô tử thế ngô thân

Tạm dịch:

Chợt đến cửa ngươi, gặp chó ngươi
Kíp đưa con mỗ thay thân mỗ

Không rõ đây là chuyện thật, hay là giai thoại, hư cấu theo chuyện Nguyễn Khuyến từ quan nhưng đẩy con trai, phó bảng Nguyễn Hoan, ra tham chính thay mình. Dù sao hình ảnh con chó Tây xuất hiện ở đây, cũng đánh dấu một giai đoạn xã hội khác, đời mới, người mới, chó mới, như trong bài văn tế Ri-vi-e (Henri Riviere), chết tại trận Ô Cầu Giấy, năm 1883:

Nhớ ông xưa
Mắt ông xanh lè, mũi ông thò lõ
Đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt chó

Loại chó Tây này, càng về sau, càng rõ nét hơn như trong bài thơ „Thăm bạn’’, 1937 của Võ Liêm Sơn (1888-1949):

Lâu ngày đi thăm bạn
Đến ngõ chó tuôn ra
Những con to và béo
Tiếng sủa như đồng loa
Thấy chó biết nhà chủ
Làm ăn rày khá mà.
Thôi thế, cũng là đủ
Bất tất phải vào nhà.

Có những con chó làm cho con người gần nhau. Hay xa nhau.

*

Trong quá trình phát triển của đất nước, Nam Bộ gia nhập vào văn học muộn màng; có khi nhờ vậy mà ít vướng mắc vào những kiêng dè đề tài, và đề cập nhiều đến chó.

Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) quê Gia Định, có bài thơ đề cao công trạng chó, tự ví mình với con chó già, than thân chó, trách phận mình, lời thơ ưu ái:

Con chó già

Tuy rằng muông cẩu có ân ba
Răng rụng lâu năm nó phải già
Bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối
Vì lo khỉ Sở mới dùng da
Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo
Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà
Mạnh mẽ khi xưa còn hớn hở
Bây giờ yếu đuối hết xông pha

(Hươu Tần, khỉ Sở: điển tích về việc tranh bá đồ vương thời Tần Hán, và nhiệm vụ săn bắt của loài chó)

Nguyễn Văn Lạc (1842-1915) thường được gọi là Học Lạc, quê Mỹ Tho, có bài thơ nhiều người biết:

Chó chết trôi

Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác thả dòng sông xác nổi phều
Vằn vện xác còn phơi lửng dửng
Thúi tha danh hãy nổi lều bều.
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép,
Đưa đón lao xao lũ quạ diều.
Một trận gió dồn cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.

Thảm cảnh một xác chó, dưới một góc độ nào đó, cũng ẩn dụ thân phận con người.

Nói đến Mỹ Tho, chạnh nhớ đến nhà thơ Phạm Công Thiện, quê miệt ấy, khoảng 1970, trôi dạt sống tại Paris, đi lang bang trong chợ trời Montreuil, có bài thơ thân phận:

Thân anh như con chó
Treo bảng bán chợ chiều
Một lần em qua đó
Con chó đứng nhìn theo...

Một bạn thơ khác, Luân Hoán, có một thi phẩm tên “Trôi sông’’, lấy ý từ thành ngữ “lạc chợ trôi sông”, nói lên cảnh chìm nổi, trôi giạt của một thế hệ thanh niên. Bạn bè nghịch ngợm lại đùa, cho rằng anh lấy ý ở ca dao: Em như cục cứt trôi sông / Anh như con chó đứng trông trên bờ.

Dĩ nhiên là chuyện đùa vui giữa bạn bè thân thiết. Chốn văn học nghiêm trang, không ai dám nói thế.

Nhưng dường như các nhà thơ phía Nam ưa tả chó: Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tả cảnh lụt: Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi. Tuy là cảnh hiện thực, nhưng ý lấy từ thành ngữ chó nhảy bàn độc, ám chỉ những tiểu nhân đắc chí trong cảnh nước mất nhà tan, bốn mặt giang sơn ngập cả rồi.

*

Giữa chó và lịch sử dân tộc truyền thuyết dân gian đã thiết lập mối quan hệ lâu đời: An Dương Vương Thục Phán chấm dứt triều đại các vua Hùng, lên ngôi năm 258 trước Tây lịch, dời đô từ miền trung du Vĩnh Phú về miệt đồng bằng Sông Hồng. Vua định đô tại làng Tó (Uy Nỗ), rồi dời về gò Cổ Loa là theo chân… đàn chó, có lẽ là chó săn vì các thủ lãnh bộ lạc là những thợ săn lỗi lạc – Lê Lợi về sau cũng vậy. Con chó được vua sủng ái nhất, có lẽ là chủ soái đàn chó săn, cũng dời về Cổ Loa để lót ổ đẻ con. Ngày nay, dân địa phương còn chọn nơi chó đẻ để làm nhà, cho là đất phát phúc [3] .

Ông vua xây dựng cơ chế quốc gia độc lập lâu dài cho nước Đại Việt là Lý Công Uẩn, sinh năm Giáp Tuất, 974, cầm tinh chó. Truyền thuyết kể rằng bà mẹ họ Phạm sống trong chùa, nằm mơ thấy thần chó đá và thụ thai. Sinh con trai, bà mang đến chùa Cổ Pháp và con chó bằng đồng của chùa bỗng sủa mừng; Sư cụ là Lý Khánh Vân cho là điềm lành, ứng vào sấm ký của chùa, rước nuôi đứa bé và đặt tên Công Uẩn, cho mang họ của mình. Cậu bé theo học thầy Vạn Hạnh, thành đạt, làm tướng giỏi, sau lên ngôi vua, 1009.

Năm sau, Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, gần Cổ Loa, đặt tên Thăng Long. Lúc dời đô, có con chó cái bơi từ Cổ Pháp vượt sông Hồng, theo vua, về lót ổ đẻ bên Hồ Tây, chỗ hồ Trúc Bạch bây giờ còn dấu tích. Truyền thuyết khác, kể rằng con chó Cổ Pháp vượt sông lót ổ đẻ trên núi Nùng, nên Lý Thái Tổ dời đô về phía ấy và chọn núi Nùng làm chính diện, lập đền thờ. Đại Việt sử ký toàn thư còn kể chuyện con chó châu Cổ Pháp, đẻ con sắc trắng có đốm đen thành ra hai chữ “thiên tử”, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất làm thiên tử, quả là ứng nghiệm (vào Lý Công Uẩn).

Dĩ nhiên đây là huyền thoại. Nhưng huyền thoại do đâu mà ra? Học giả Kiều Thu Hoạch, trong một bài báo nghiêm túc, cho rằng do tục thờ chó đá cổ truyền, còn vết tích tại Hà Nội, như Tô Hoài đã kể cặn kẽ trong Chuyện cũ Hà Nội, 1998, mục “Con chó đá”. Và một vài nơi khác ở Hà Tây, và Vĩnh Phúc. Ông Kiều Thu Hoạch trích dẫn chính xác nhiều sách Hán Nôm ghi lại những truyền thuyết về chó và vua Lý Thái Tổ [4] .

*

Chế độ thuộc địa Pháp cáo chung vào năm 1945 và dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Pháp. Người lính da trắng đầu tiên của Việt Minh là Erwin Borchers lấy tên Việt là Chiến Sĩ và có lẽ là công thần ngoại quốc số một. Ông là lính lê dương gốc Đức, thuộc quân số Trung Đoàn 5 REI lừng danh, quan hệ với phong trào Việt Minh từ 1944 vì chuyện... một con chó! Ông kể lại là đã chứng kiến hai cảnh ngộ: một đầu bếp Việt Nam thịt con chó của ông chủ người Pháp, thì lãnh một tháng tù; còn anh lính lê dương đâm chết một phu xe Việt Nam vì kì kèo tiền xe thì lãnh 15 ngày tù: vậy sinh mệnh con người Việt Nam chỉ đáng giá nửa con chó Tây. Đây là khởi điểm một ý thức chính trị đã đưa ông đến quyết định đào ngũ và hợp tác với phong trào giải phóng, chủ yếu là viết bài cho báo Le Peuple, về sau phụ trách huấn luyện, phục kích và địch vận, quân hàm thiếu tá [5] .

Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Quang Dũng là một tác giả hiếm hoi ghi lại đôi mắt con chó, khi Trung Đoàn Thủ Đô rút quân:

Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Dân ta gánh gồng cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm năm thôi để lại
Lạc chủ chó gầy mắt hoang dại

(1947, “Sử một trung đoàn”)

Khi phát động du kích, 1947, những hy sinh hằng loạt đầu tiên là những con chó, để bảo vệ bí mật chuyển quân. Hai mươi năm sau, 1968, trong vụ Tổng công kích Mậu Thân, những ngày áp Tết, loài chó, một lần nữa lại nhất loạt hy sinh. Sau trận tập kích, những con chó lạc chủ lang thang lại mất mạng. Cứ mỗi lần đất nước có biến động lớn lao, loài chó là những nạn nhân tiền tiêu. Và món thịt cầy cũng tùy nghi thăng trầm, phát triển, chúng tôi xin miễn dẫn chứng hay lý luận chi tiết ở đây, e mất vui ngày Tết.

Lạ một điều: thơ đương đại ít khi tả chó, dù nó vẫn là bóng dáng và âm vang quen thuộc của làng quê. Trong tập Bức tranh quê, 1941, Anh Thơ đã tả chó sáu lần. Huy Cận thường tả cảnh nông thôn, nhắc đến nhiều súc vật, mà dường như không tả chó. Hay là nhà thơ Ngô Văn Phú, chuyên viên về đời sống nông thôn, trong một tuyển tập dày cộm gồm 400 bài, chỉ một lần tả chó, mà là chó đất làm đồ chơi, con tò he [6] .

Người đọc khó bề giải thích sự việc này bằng chính sách, lập trường. Tuy nhiên ta có thể nhận xét trong thơ đương đại, những tác giả bên lề đường lối, lại thường nhắc đến chó: Phùng Cung trong tập thơ Xem đêm, 1995, có đến những mười bài nói đến chó, Hoàng Hưng có nhiều bài thơ về đề tài này:

Chó Đen và Đêm [7]

1.
Con chó
Con chó đen
Con chó đen chạy vào đêm
Đêm gừ gừ, ấm ấm

2.
Chó đen sủa bông sứ máu

3.
Chó đen ngửa mặt nhìn trăng

4.
Chó đen rin rít những điều khó hiểu
Hồn ai đang lang thang trong đêm

5.
Buồn quá chó ơi
Ai cũng bỏ ta rồi
Phì phì mày ghếch mõm vào môi

6.
Chó đen sùng sục suốt đêm
Nỗi ngứa ngáy tiền kiếp
Phát điên vì không nói được

Chó ở đây không phải là một súc vật có thật – nó sẽ là chó Mực – mà biểu tượng cho bóng tối, đau thương, cô đơn, u uẩn, uất ức. Trong tập thơ Hành trình mới đây, 2005, Hoàng Hưng lại có bài “Chó rừng’’ u uất như vậy.

Cùng cảm hứng này, Tuệ Sĩ có bài “Tĩnh thất’’ [8] dài 32 khổ, làm năm Tân Tỵ, hai khổ 5 và 6 như sau:

Lon sữa bò nằm im bên chợ
con chó lạc
đến vỗ nhịp
trời mưa
Tôi lang thang
đi tìm cọng cỏ
Nó nhìn tôi
vô tư…

Trời cuối thu se lạnh
Chó giỡn nắng bên hè
Nắng chợt tắt
Buồn lê thê.

Trong các bộ môn văn học nghệ thuật, thơ là một thể loại nặng tính cách chủ quan, riêng tây, nhưng ngược lại, cũng giàu chất đại đồng (universalité) nhất; những câu thơ Tuệ Sĩ, Hoàng Hưng, Phùng Cung là cách nhìn, cảm xúc cá nhân, nhưng như xé ra những mảng da thịt rớm máu từ lịch sử dân tộc. Những biểu tượng tù đày, oan khiên, tuyệt vọng không nói nên lời. Để có cái nhìn thảm thiết kia, các tác giả phải trải qua những nghịch cảnh, những oan khuất. Họ không làm thơ ngẫu hứng, tự trào, ngâm vịnh buồn vui; họ cũng không đẽo gọt những hình ảnh văn chương trác tuyệt lưu lại cho sử sách, do đó mà đã sử dụng hình ảnh con chó, vốn được yêu thương và bị nguyền rủa và… thưởng thức. Nghiệm trong lịch sử dân tộc gần đây, không ai, và không cái gì là vô tội, con chó cùng chung số phận: chó là một gia súc bán hợp pháp, một hồ sơ chưa kịp, hay chưa cần thụ lý.

*

Hình ảnh con chó đa dạng, đa nghĩa, hàm súc, thâm trầm và hoa mỹ nhất là trong thơ Tô Thùy Yên, tôi đếm được 15 lần trong hơn 30 năm - nhất định là thiếu sót.

Bài “Vườn hạ’’ tạo nên không gian an bình, hạnh phúc, như thiên đường xanh những mối tình thơ dại trong thơ Baudelaire:

Mênh mang lưu thủy trường trăng lạnh
Con chó tung tăng giỡn bóng mình
Mương nước rì rào sao sáng thở
Đài hoa sương nạm hạt lân tinh [9]

(Thơ tuyển, tr. 93)

Tác giả không ghi thời điểm sáng tác; dường như là khoảng 1974. Bài thơ gồm 17 khổ thật hay, về hạnh phúc của quê hương thơ ấu miền Nam Bộ. Trong không gian thiên đường xa xôi ấy, cảnh tử biệt sinh ly vẫn êm ả, thơ mộng:

Con chim lạc bạn kêu trời rộng
Hồn chết trôi miền dạ lý hương

(Thơ tuyển, tr. 94)

Nhưng chiến tranh đã ập đến. Cuộc tranh chấp năm châu thế giới đã òa ập xuống đầu một dân tộc nhỏ bé, trên quê hương mong manh trăng tơ và nắng lụa:

Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỷ ma cười khóc rợn đêm thâu...

(Thơ tuyển, tr. 46)

Tiếp theo là hình ảnh con chó, trong bài “Mùa hạn”, 47 khổ, làm trong trại tù Nghệ Tĩnh, năm 1979:

Làng mạc giờ đây đã trống trơn
Con dê con chó cũng không còn
Người đi bỏ xác nơi bờ bụi
Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon

Con chó không còn, nhưng vẫn còn tiếng tru rân:

Cái chết tru rân giờ nguyệt tận
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông
Mọi người nghe chính mình kêu rú
Liệu sáng mai còn ai nữa không?

(Thơ tuyển, tr. 104-103)

Sau 13 năm tù, tác giả sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1993. Bài “Nhà xưa, lửa cất ủ”, trong Thắp tạ, gồm 21 đoạn, làm năm 1997:

Nghe trong xanh thẳm thời gian
Dai dẳng
Tiếng con chó nhỏ bên hè
Sủa bóng trăng lu
...
Bàn thờ nhện giăng
Nói chi cơm cúng
Tội cho hồn con chó nhỏ vẫn nằm chờ
Mơ màng người chủ vừa ra đi.

Đây là cảnh ngộ của nhiều người, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử. Nhà thơ gửi thêm vào một hoài niệm riêng:

Em đứng lại, khóc cựu tình sơ ngộ
Nghe hồn con chó nhỏ quấn mừng em.

(Thắp tạ, tr. 60, 62 và 66)

Nhưng rồi con chó già đi, hao mòn ký ức:

Nắng mưa thấm thoát đời ta
Mối mọt căn nhà rệu rã
Đòi phen năm tháng cũ dò về
Chó già lạ hơi sủa
Chuyện đời như thất thiệt
Vàng đá còn không giữ nổi mình
Biết nhờ đâu xác chứng?
...Quê nhà nghe nói có
Chỉ dấu tìm không ra

(2002, Thắp tạ, tr.100-102)

Con chó đeo đẳng mãi với thơ Tô Thùy Yên, càng ngày càng bi thiết. Trong bài mới làm hồi tháng 5-2005, anh tự xem mình là “Khất giả”:

Chỉ mong đồng loại chớ xua đuổi
Giờ này thế giới kín khuya khoắt,
Còn cửa nào cho ta gõ đây?
Lũ chó sủa rong theo
Quả đáng ngờ vực, mọi nhân dạng [10]

Câu cuối chua xót: con người mất xứ sở, mất tài sản tinh thần, may còn tiếng nói tùy thân, mất niềm tin, nơi mình, nơi kẻ khác. Ngờ vực cả nhân gian, nhân dạng, cả nhân tình, nhân tính. Lũ chó sủa rong theo là một biểu tượng cay nghiệt và cay đắng.

*

Chuyện ngày Tết, lẽ ra phải vui, nhưng cuộc đời vẫn có chuyện không vui, cho dù ngày Tết. Trong tiếng Việt, chó là lời nguyền rủa. Thường thường là nặng nề và oan ức. Con chó tự nó không có gì xấu; cái ta cho là xấu là do con người sai khiến, luyện tập. Trong hoàn cảnh xã hội đảo điên, lịch sử nghiệt ngã, chó trở thành biểu tượng u uất, đa nghĩa, như trong đoạn thơ Tô Thùy Yên dưới đây:

Chuyện kể cốt qua đêm, nề chi chuyện kể lại
Chó tru, miền xa tối rợn gai
Nơi hốc đá một cành hoa đợi sáng nở
Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa nữa.

(2003, Thắp tạ, tr. 116)

Làm nhớ thơ Phùng Cung:

Chạng vạng chiều – rơi
Trên xóm nhỏ
Con chó hoang
Ngoạm vành khăn tang
Rượt theo lòng xóm
Tới ngã ba - nhớn nhác
Lại cắm đầu rượt tiếp
Phía trước mặt trời đang tắt
Vầng trăng đang mọc phía sau

(“Chạng vạng”)

Những lời thơ thống thiết. Nhưng vẫn còn lóe lên một tia hy vọng, với một cành hoa đợi sáng nơi Tô Lang hay vầng trăng đang mọc phía sau của Phùng Quân.

*

Chúng ta đã thấy con chó gắn bó thế nào với con người, văn học và lịch sử Việt Nam. Vì gắn bó, nó thành liên đới và chia sẻ số phận với con người. Mà không cứ gì là người Việt Nam.

Chó làm bạn, làm đồng minh với nhân loại từ 15.000 năm nay, khắp nơi trên mặt đất. Chó thời tiền sử giúp con người săn bắt, bồi dưỡng chất đạm cho lương thực, chó canh chừng giấc ngủ an toàn cho chủ nhân. Ăn ngon ngủ yên, con người gia tăng sức lực, và thảnh thơi hơn, để phát triển kinh nghiệm, ngôn ngữ, tín ngưỡng, chăn nuôi, nông nghiệp, tổ chức xã hội, chính trị, kinh tế. Nói khác đi, chó là kết quả, thành phần và tác nhân của các nền văn minh, văn hóa văn hiến. Dần dà, có lúc, có nơi người phụ chó, chứ ít khi chó phụ người.

Ngày Tết, nói chuyện chó, là nhắc lại chút nghĩa cũ càng.

E một mai có lìa tơ ý...

Tết Bính Tuất,
Orléans, 22.01.2006

[1]Xuân Diệu, Thi hào dân tộc Nguyễn Du, tr. 39, nxb Văn Học, 1966, Hà Nội.
[2]Tô Thùy Yên, Thắp tạ, tr. 128, nxb An Tiêm, 2004, Houston
[3]Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, nxb Văn Hóa Thông Tin, tr. 141, 1975, Hà Nội.
[4]Kiều Thu Hoạch, báo Văn Hóa Nghệ Thuật, tr. 37-43, số 10-2005, Hà Nội.
[5]Jacques Doyan, Les Soldats Blancs de Ho chi Minh (Những người lính da trắng của Hồ chí Minh) tr. 45-46, nxb Faỷad, 1973, Paris.
[6]Ngô Văn Phú, Tuyển tập, tr. 407, nxb Hội Nhà văn, 2000, Hà Nội.
[7]Hoàng Hưng, Người đi tìm mặt, tr. 33, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1994, TPHCM.
[8]Tuệ Sĩ, Giấc mơ Trường Sơn, tr. 74-75, nxb An Tiêm, 2002, Paris-San José.
[9]Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, tác giả xuất bản, 1995, Minnesota.
[10]Tô Thùy Yên, “Khât giả’’, Tạp chí Gió Văn, tr. 4, số 5, 2005, Texas.

Nguồn: Từ Fb của nhà PBVH Đặng Tiến.

4 nhận xét :

  1. DVD sang thăm nhà, chúc anh cuối tuần vui khỏe, an lành! :D

    https://1.bp.blogspot.com/-P5fG5Vs2wV8/W6N7GyVN8dI/AAAAAAAAJGE/k4u1pRmrHiwUizrHnD0f8ZPt7q7q3ky5gCLcBGAs/s1600/spinach1.gif

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài viết của huynh thú vị quá -Chúc huynh buổi chiều bình an

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải của Q,Mình có ghi rất rõ của nhà Phê Bình Văn Học ĐẶNG TIẾN.
      Có lẽ do bài khá dài.
      Chúc NVT bình an !

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!