Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

GIẢI NOBEL CHO MẠC NGÔN-Paul Nguyễn Hoàng Đức


GIẢI NOBEL CHO MẠC NGÔN
TỪ HƯỚNG NHÌN XÃ HỘI

Paul Nguyễn Hoàng Đức

Nobel là một giải thưởng có uy tín bậc nhất thế giới giành cho khoa học và văn học. Vì thế, trước hết xin chúc mừng tác giả Mạc Ngôn và quốc gia cộng sản Trung Quốc, sau nữa là nhân dân Trung Quốc đã đoạt giải Nobel văn chương thứ hai sau giải Nobel thứ nhất giành cho Cao hành Kiện. Tuy nhiên, dù đồng tình hay phản đối thì mỗi giải Nobel đều để lại bài học cho chúng ta chiêm ngắm và phản tỉnh cả cái hay lẫn cái dở của nó. Trong bài này, tôi không có ý định tìm tòi những giá trị mỹ học của văn chương Mạc Ngôn, bởi giá trị mỹ học cũng như tu từ pháp không phải là cái dễ dàng hiển lộ trong thời gian ngắn được, ngược lại nó đòi hỏi thời gian lâu dài để thẩm thấu và thẩm định. Nhưng văn học là nhân học! Văn học là cuộc đời! Vì thế nếu cần phải nhìn ra một bài học về xã hội, thì điều đó cũng chẳng kém quan trọng hơn bài học về mỹ học. Vả lại cái nhìn về xã hội sẽ thêm vào cho chúng ta cái gọi là “chân lý là toàn thể”. Và nó càng tạo ra một đánh giá toàn thể hơn về tầm vóc của tác giả.

Hầu hết mọi người dường như bất ngờ đến ngã ngửa khi nghe tin Mạc Ngôn nhận giải Nobel văn học. Bất ngờ bởi trước đó dường như chẳng có dự đoán nào dù phiêu lưu nhất đã lượn một vòng cua quanh cái tên Mạc Ngôn. Bất ngờ thứ hai mang tính nguyên lý bất khả biện hộ về việc: giải Nobel đã bị văng ra quá xa khỏi tôn chỉ mục đích của văn học phổ quát cũng như chính giải thưởng có tên Nobel. Và bởi sự chệch đường ray tôn chỉ mục đích nhân văn này, có lẽ lần đầu tiên trên thế giới người ta được đón chào một vương miện Nobel đội trên đầu một nhà văn “quốc doanh-mậu dịch”, một cốt cán của nền văn học khét tiếng chuyên chính do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo vẫn đang khư khư giữ lá cờ quyền lực vi hiến, một thứ bạo quyền còn đang cầm tù Lưu Hiểu Ba như nhốt một con gà trong chuồng không cho rời khỏi nhà để đi lĩnh giải Nobel hòa bình năm 2010, và một thứ bạo quyền đã gây ra dăm chục vụ tự thiêu của người Tây Tạng vì đời sống quá nhiều “tự do” theo kiểu Trung Cộng. Đúng là như vậy, nhân vật chính Mạc Ngôn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc đã đội lên đầu vương miện Nobel văn học 2012.

“Cái gì hợp lý thì cái đó tồn tại”, triết gia Hegel nói. Ngay khi tác giả Mạc Ngôn đoạt giải Nobel, tại Trung Quốc đã ào lên một trào lưu phản đối. Nghệ sĩ Ải Vị Vị cho rằng, đó là một giải Nobel không thích đáng như: “Trao Giải Nobel Văn học về cho một người xa cách với hiện thực là một cách làm lạc hậu và vô cảm … Ông ấy có thể là một nhà văn tốt. Nhưng ông ấy không phải là một nhà trí thức có thể đại diện cho thời nay của Trung Quốc. Trí thức hiện đại có một quan hệ sâu sắc với hiện thực của đất nước ”. Và “Một nhà văn không trực diện với hiện thực là một người nói dối.” (Phan Ba dịch từ Spiegel Online).
Một số người khác thì chỉ trích, Mạc Ngôn quá thân với chính quyền. thậm chí, có nhiều còn đòi phế truất giải Nobel giành cho Mạc Ngôn. Đó là dư luận, nó có thể có lý hoặc chưa. Giờ tôi xin được bàn về việc giải Nobel này đã đi chệch đường ray nguyên lý, cũng như tôn chỉ mục đích nhân văn của văn chương.
Một nhà văn muốn lớn, trước hết cũng là điều kiện tiên quyết anh ta phải bất mãn trước hiện thực. Bởi lẽ cái vẻ đẹp lớn nhất của văn học mà các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa không thể có được, theo triết gia Aristote, đó là văn học có thể giành lại cho con người giá trị công lý. Một con người, một sắc tộc bị oan khiên trước bạo quyền, thì chỉ có chữ nghĩa, văn học, với các luật sư, thầy cãi, nhà văn, nhà báo, lời của người làm chứng, và toàn thể sự phản ứng bằng lời của lương tri mới có thể đem lại công lý cho những người bị oan, hoặc chí ít nó cũng tố cáo những gì phi lý bất công. Điều này các môn nghệ thuật khác không thể trực tiếp làm được.
Một nhà văn mà hài lòng với hiện thực thì anh ta không thể nào muốn hoán cải hiện thực còn đầy rẫy bất công ở dưới thế này, vì thế bất mãn là nguyên tắc khao khát công lý và hoàn thiện của nhà văn. Nhà văn bất mãn trước hiện thực bất công. Mà cơ quan bất công lớn nhất luôn luôn là nhà nước. Bởi vì nhà nước với quân đội, công an, và vô số tổ chức quyền lực trong tay luôn thường trực để làm ra bất công. Chỉ có nhà nước có pháp quyền “lý tưởng” mới có thể không bất công. Nhưng nhà nước lý tưởng đó chưa từng có trên đời mà nó chỉ là cứu cánh để con người hướng tới. Và để có nhà nước pháp quyền lý tưởng, thì nhà văn là lực lượng hàng đầu cần có sẵn sự bất mãn thường trực giống như lương tâm luôn thức tỉnh để xây dựng một nhà nước kiểu mẫu. Sự bất mãn của nhà văn là nguyên tắc thức tỉnh có thể ví như đảng đối lập trước đảng cầm quyền. Chúng ta chớ có suy nghĩ thiển cận cho rằng đó là sự chống đối. Người Pháp có câu “người ta chỉ có thể dựa trên những gì chống lại mình”. Khi người ta tựa lưng vào ghế chính là tựa vào cái phản lại lưng mình. Vì thế nhiều sự chống đối, đặc biệt sự chống đối cái ác, cái xấu, hay phản động lại cái ngu si, tham nhũng nhiều khi còn đáng quí hơn nhiều lần cái nhân danh cách mạng để làm những điều phản tiến bộ, chậm tiến hay giật lùi lịch sử.
‘Trước sự phản đối của một số người về quyết định trao giải Nobel văn chương cho Mạc Ngôn với lý do ông quá gần gũi với chính quyền, cơ hồ là phát ngôn viên của một chế độ độc tài và tàn bạo, Per Wastberg, một thành viên trong Viện Hàn Lâm Thụy Điển phát biểu trên trang mạng của tờ nhật báo Svenska Dagbladet là Viện không quan tâm đến quan điểm chính trị của các nhà văn:

“Tất cả các lựa chọn – vốn dựa trên chất lượng văn chương chứ không phải bất cứ điều gì khác – bao giờ cũng gây ra những tranh cãi nhất định.”’ (Tính chính trị của giải Nobel văn chương, Nguyễn Hưng Quốc)
Văn chương là văn chương, chính trị là chính trị ư? Hãy xem với trường hợp của đại văn hào Nga Leo Tolstoi một tác giả xuất sắc thừa xứng đáng với giải Nobel, có phải Hội đồng Nobel đã loại bỏ ông chỉ vì lý do chính trị ‘ban giám khảo đã bác bỏ đề nghị ấy với lý do Tolstoy có “tư tưởng thù nghịch một cách hẹp hòi đối với mọi biểu hiện của văn minh”’ ? (nt). Rồi còn hàng chục trường hợp khác nữa.
Đành rằng Hội đồng Nobel cũng chỉ do con người dựng nên, người ta có quyền mắc sai lầm như mọi tổ chức con người khác. Chính trị cũng như vấn đề nhà nước luôn luôn là lý do cao nhất của văn chương bởi lẽ chính trị liên quan trực tiếp đến quyền Sinh – Tử của mỗi người, và nhà nước với hệ thống lập pháp, hành pháp hay tư pháp là sức mạnh cũng như giá trị sát cánh nhất cùng công lý. Xưa nay tôn chỉ mục đích của giải Nobel thường vẫn ưu tiên những tác phẩm và tác giả dấn thân cho các vấn đề thời sự nóng bỏng, hiện thực cuộc đời, mong nhắm tới mục đích nhân bản là cứu chuộc những con người bất công đau khổ khỏi những thế lực bạo hành bất công. Nhưng với giải Nobel giành cho Mạc Ngôn, đáng tiếc thay Hội đồng Nobel lại quay lưng lại trước những giá trị truyền thống hay là trao giải nhân bản ngược! Đáng tiếc thay!

Hà Nội 16/10/2012

 Nguồn: Từ Fb của nhà văn-thơ-triết Paul Nguyễn Hoàng Đức.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!