Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG...Nguyễn Chương


Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn


Câu ca dao nói về tình đoàn kết? Thực ra, đó lại là tiếng ca rỉ máu của đau thương ai oán, của đợi chờ khắc khoải hãy làm ơn vì cái nghĩa "chung giàn" mà thương nhau!
Câu ca dao, có lẽ đã vọng từ một biến cố lịch sử, để phải nhớ, phải khắc ghi.

* TƯỞNG VUI THỐNG NHỨT, AI NGỜ TANG THƯƠNG!
Đó là biến cố bắt đầu từ tháng 10 năm 1744, chúa Trịnh Sâm sai thuộc tướng mang bốn vạn quân của miền bắc Đàng Ngoài tấn công vô miền nam Đàng Trong.
Sau khoảng 170 năm tách biệt một cõi, Đàng Trong đã mở rộng địa giới cho tới Cà Mau và phát triển thịnh vượng. Nhưng vào đời chúa Nguyễn Phúc Khoát rồi Nguyễn Phúc Thuần (chúa Nguyễn cuối cùng) thì suy yếu.

Chúa Trịnh ra bài hịch phủ dụ là chỉ nhằm loại bỏ quyền thần Trương Phúc Loan bấy giờ đang thao túng triều chính trong miền nam. Thấy vậy, các quan chức đại thần trong triều Nguyễn bèn loại bỏ Loan, sắp xếp lại "nội các", với hi vọng chúa Trịnh giữ lời tuyên bố trong bài hịch mà dừng tiến quân. Nào ngờ mắc vô bẫy của chúa Trịnh hết ráo.
Cuối tháng 1/1775 quân miền bắc chiếm được kinh đô của miền nam Đàng Trong (bấy giờ là Phú Xuân).

Buổi ban đầu kinh đô Đàng Trong lột vô tay chúa Trịnh, "tuy người ta vẫn thấy nguyên vẹn các phe phái, nhưng các vai trò sắp phải đối bộ mặt. Bởi vì chúa Trịnh chỉ bận tâm trong toan tính đồng hóa vùng đất vừa chiếm được" (Tạ Chí Đại Trường, "Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802").

Người dân Phú Xuân bấy giờ tự an ủi với nhau: dù sao đi nữa đất nước cũng được thống nhứt, chung một hồng ân của vua Lê chúa Trịnh ngụ tại kinh đô Thăng Long.
Nho sĩ Mai Chiêu Tư làm biểu văn nịnh các quan từ Thăng Long vô miền nam, ví các đại quan ngoài bắc tài giỏi ... sánh với các quan thái thú, thứ sử của Hán Đường thuở xưa.

Niềm vui thống nhứt chưa bao lâu, người dân Đàng Trong té sấp mặt khi phải chịu sự sách nhiễu của đa phần quan quân thuộc bên thắng trận. Bọn quan quân đó rủ nhau phá dỡ nhà rường của vua quan chúa Nguyễn, chiếm lấy những đồ vật tinh xảo, đem chở ra bắc.
Nạn tham những hối lộ tràn lan.
Quan quân Đàng Ngoài coi trời bằng vung, và coi người dân tại kinh đô của miền nam như cỏ rác.

* SÔNG PHÚ XUÂN NHUỘM MÁU, TRỞ THÀNH "SÔNG HƯƠNG"
Người dân Phú Xuân ngỡ ngàng. Người Đàng Trong, cũng như người Đàng Ngoài, đều là dân nước Việt nhưng cách hành xử của quan quân Đàng Ngoài không có chút gì mang tình nghĩa đồng bào. Bọn họ hệt như một lực lượng chiếm đóng.

Chỉ trong vòng một con giáp thôi, từ 1774 đến năm 1786, người dân Phú Xuân ta thán, oán khí ngất trời.
Thời may có phong trào Tây Sơn dựng nghiệp tại Bình Định ngày càng mạnh, tới năm 1786 thì Tây Sơn thốc binh đánh quan quân Đàng Ngoài chiếm đóng Phú Xuân.
Người dân tiếp tay cho Tây Sơn đuổi quan quân của Đàng Ngoài ra khỏi kinh đô của miền nam.
Chiến trận diễn ra khốc liệt khiến cho dòng sông Phú Xuân nhuộm đỏ máu.

... Dọc theo dòng sông là những bàn hương cúng cô hồn tập thể, rồi thả bè có hoa quả & thắp hương, về ban đêm dòng sông như đỏ rực lên.
Khách đi đò dọc, từ Ngã ba Sình ngược lên, thường nói chở họ tới "dòng sông có thắp hương nhiều", "tới cửa sông nhiều hương", để rồi việc nuốt âm trong ngôn ngữ khách thương hồ gọn lại là "tới sông hương". Sông Phú Xuân lần hồi gọi thành "sông Hương".

Trong thư tịch cổ trước năm 1786, chỉ ghi tên sông Phú Xuân (còn gọi là sông Linh Giang, sông Kim Trà) chớ không có tên "sông Hương". Về sau này, Hương giang (sông Hương) đã được mặc lấy ý nghĩa thi vị mà phủ lên nỗi ai oán trong cuộc chiếm đóng của Đàng Ngoài, phủ lên nỗi đau thương ngất trời trong cuộc nội chiến...

"Bầu ơi thương lấy bí cùng!
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Còn nhớ, hay đã quên rồi?



Nguồn: Từ Fb của Nguyễn Chương.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!