Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

TẢN MẠN VỀ THƠ –Trương Quang Đệ


TẢN MẠN VỀ THƠ 

–Trương Quang Đệ

Đọc một bài thơ hay nghe đọc một bài thơ, dầu trình độ hiểu biết cao thấp khác nhau, ai cũng có thể cảm nhận được bài thơ đó hay (êm tai, ý sâu sắc, gây xúc động…) hoặc dở (nhạt, thô, lủng củng…). Nhưng nếu có người đặt câu hỏi: “Tại sao bài thơ này hay, bài thơ kia dở” thì chắc ta khó lòng giải đáp được ngay. Bởi lẽ một bài thơ hay dở phụ thuộc rất ít vào nội dung mà chủ yếu dựa vào “tính thơ”. “Tính thơ” là cái làm cho thơ khác với văn xuôi. Quả vậy, điều kỳ lạ là có những bài thơ ta không hiểu gì nhưng vẫn thấy hay! “Tính thơ” không phải là luật thơ, tức là không tính đến vần điệu, độ dài câu thơ. Có những bài thơ không có vần, độ dài câu thất thường nhưng vẫn là bài thơ hay. Có những đoạn văn xuôi được coi là những bài thơ. Vậy “tính thơ” là gì? Muốn hiểu được khái niệm này một cách cơ bản ta phải tìm đọc các công trình về thi pháp, chẳng hạn đọc Trần Đình Sử. Muốn có kiến thức đa dạng hơn cần tham khảo Roman Jakobson, Roland Barthes hay M. Bakhtin. Ngoài ra các thầy cô dạy văn, các nhà phê bình văn học cần đi sâu tìm hiểu các trường phái thơ nữa, mỗi trường phái tạo ra một “tính thơ” riêng. Các trường phái mà ta biết cho đến nay: hiện thực, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại.

Theo tôi nghĩ, chỉ những người giảng dạy, nghiên cứu hay phê bình văn học mới cần đi sâu tìm hiểu thơ qua lý thuyết thi pháp hàn lâm và các trường phái thơ. Người bình thường làm thơ hay thưởng thức thơ bằng nhiều cách đơn giản hơn. Đối với tôi, thơ có hai loại: loại dễ hiểu và loại khó hiểu. Có những bài thơ mình hiểu và thấy hay, nhưng cũng có những bài thơ mình chẳng hiểu gì hết mà vẫn thấy hay, kỳ khôi là ở chỗ đó. Trong khuôn khổ bài viết này tôi nêu sơ lược vài cảm nhận về hai loại thơ dễ hiểu và khó hiểu.

Những bài thơ thuộc loại dễ hiểu như

…….

“tôi thấy lòng thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vương víu trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”

(Tế Hanh – Những ngày nghỉ học)

…..

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buốn thiu, hoa bắp lay….

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

(Hàn Mặc Tử - Đây thôn Vĩ Dạ)

Tại sao những câu thơ trên dễ hiểu? Vì chúng được cấu tạo chuẩn mực bình thường theo từ vựng và cú pháp được mọi người thông hiểu. Còn cái từ vựng và cú pháp đó được sắp xếp làm sao để chuyển tải nhiều cảm xúc thì phụ thuộc tài năng nhà thơ.

Sau đây là hai bài thơ nổi tiếng thuộc loại khó hiểu

-“Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ, xuất hiện năm 1940 trên báo “Ngày nay” của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

-“Buồn xưa” của Nguyễn Xuân Sanh, ra đời năm 1942 trong tạp chí “Xuân Thu Nhã Tập”.

MÀU THỜI GIAN

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa Tần Phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình muôn thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát


BUỒN XƯA

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hát bầu vàng cung ướp hương

Ngón hường say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân

Bờ giũ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Buồn hưởng vườn người vai suối tươi

Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời

Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu

Duyên vàng da lộng trái ru người.

Quí bạn muốn hiểu kỹ bài thơ “Màu thời gian” nên tìm cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh mà đọc chương nói về Đoàn Phú Tứ. Về bài “Buồn xưa” thì quí bạn tìm Tạp chí Sông Hương số 64 tháng 10 năm 2002, trong đó có bài của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy nhận xét đầy đủ đáng tin cậy về phong cách bài thơ.

Trở lại với “Màu thời gian”, lời bình của Hoài Thanh sẽ làm ta ngạc nhiên thú vị. Không như các cụ xưa với lối ngâm vịnh chỉ dựa vào nội dung mà xét đoán, Hoài Thanh nhận xét bài thơ của Đoàn Phú Tứ dựa vào cấu trúc và nhịp điệu bài thơ, đó quả là một quan điểm tiên tiến ngay trong thời trên thế giới manh nha chủ nghĩa cấu trúc và ngữ pháp phân bố. Theo Hoài Thanh, bài thơ gồm 4 đoạn ám chỉ các khoảng thời gian khác nhau. Đoạn đầu với những câu thơ dài ngắn bất kỳ nói lên cái hiện tại của cuộc sống mới. Tiếp theo là mấy câu ngũ ngôn nói lên cái thời gian quen thuộc với tác giả ngày trước cũng như hiện tại. Rồi đến mấy câu thất ngôn nói về ngày xưa, cảnh quá khứ với những ngôn từ cổ, một câu mượn Truyên Kiều. Cuối cùng tác giả trở lại ngũ ngôn với cái hiện tại mờ mờ nhạt nhạt.

Còn về bài “Buồn xưa”, mấy câu sau đây của Đỗ Lai Thúy gợi cho ta hướng tìm hiểu cái hay của bài thơ.

“Bài thơ đọc một lần, hai lần… Ấn tượng khó hiểu nhưng quyến rũ. Và hình như càng khó càng quyến rũ: cái hay và sự khó hiểu xoắn quyện vào nhau không thể tách bóc được………Trên cánh đồng Thơ Lãng mạn, Buồn xưa như một ngôi đền đồi đơn độc và kỳ bí….”

(Nguồn: Fb Truong Quang De)


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!