Nốt Nhạc Rớt Trên Đồi
Thế rồi con cái ai cũng lớn lên.
Mimi đã lên 17 tuổi, chuẩn bị
thi vô đại học.
Tôi thì chưa 40, phải vui mới
đúng, đằng này tôi có cảm tưởng mình già đến nơi, bắt đầu làm thơ buồn…
Đó là thời gian hậu tù cải tạo, lại cũng đã đi xây dựng nông trường hai năm, quá đủ điều kiện để về thành phố.
Năm đó tôi cố gắng tổ chức cho con gái đầu lòng một cái tiệc
sinh nhật, tất nhiên trong điều kiện… quê mùa Việt Nam thôi, nhưng vẫn
đặt một ổ bánh kem khá hấp dẫn.
Ngoài số bạn gái cùng lớp con
tôi, tôi thấy có một cậu bé cùng trang lứa mặt mũi rất là đẹp trai, còn dắt
thêm đứa em trai nhỏ độ 10 tuổi, giới thiệu là em trai út tên Giang Châu.
Mimi cười nói luôn miệng, lộ vẻ
sung sướng vì thủa đó khoảng giữa thập niên 80, liến thoắng hỏi tôi:
Ở trong quân đội má có biết trung tá Vũ Văn Sâm không? Ông ấy là
nhạc sĩ Thục Vũ?
Biết, mà sao hỏi thăm ổng chi
vậy?
Vì đây là Nguyên, con trai thứ hai của bác nhạc sĩ ấy, học cùng
lớp chúng con. Bé Giang Châu sanh vào mùa hè đỏ lửa. Ngày bác Thục Vũ ra đi tù
cải tạo, Giang Châu mới 3 tuổi.
Tôi ngắm Giang Châu rồi bỗng
nhớ tuồng tích Tàu Tư Mã Giang Châu… Nghệ sĩ nào ở cấp ông gì cũng bảng lảng
hồn thơ…
Mimi nói với tôi:
Anh Đan Kỳ vượt biên hụt nên công an phường xoá hộ khẩu, nay trốn
ở nhà quen trong khu nhà thờ Ba Chuông này. Vậy mai mốt má cho mẹ Nguyên tới
đây gặp anh Kỳ nhé.
Tức là tôi để mẹ Nguyên, phu
nhân trung tá Vũ Văn Sâm gặp con trai cả của mình ở phòng khách nhà tôi.
Tôi nói được chứ. Mimi thưa bác
cứ tự nhiên, xem như khách, không ai để ý đâu.
Vài ngày sau Đan Kỳ tới nhà tôi
trước, đợi mẹ cậu đến để thăm hỏi chuyện nhà và hỗ trợ, v.v..
Phu nhân nhạc sĩ Thục Vũ –
trung tá Vũ Văn Sâm có dáng vẻ đài các, sang trọng. Bà còn buôn bán tháo vát,
có sạp chạp phô trong chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh.
Sau vài lời xã giao, bà phu nhân cười
vui vẻ, hỏi tôi vì biết tôi làm thơ:
Chị có biết Lệ Khánh không?
Có nghe tên nhưng không quen.
Ấy, ông Sâm nhà này ưa lắm đấy, cô ta có mấy tập thơ “Em là con
gái trời bắt xấu” đó.
Tôi chỉ ừ ào, vì sự
thực tôi không quen nhà thơ Lệ Khánh.
Sau tôi có dịp tới lui quán Gió
Bấc, một cái chòi khá lớn có mặt tiền trên đường Công Lý cũ, nay kêu là Nam Kỳ
Khởi Nghĩa, của bà Mỹ Phụng cựu hoa khôi Hồng Kông, Trùng Khánh gì đó từ thời
vua Bảo Đại. Bà còn là chủ nhà hàng Mỹ Phụng trên sông Sài Gòn trước 30 – 4 –
1975.
…mới biết là Lệ Khánh vừa qua
giai đoạn bán bánh chưng chiên ở cửa quán Gió Bấc.
Lệ Khánh cũng phải tảo tần để
nuôi đứa con trai duy nhất mà nhạc sĩ Thục Vũ – trung tá Vũ Văn Sâm kỷ niệm
cho… nàng thơ năm 1967.
Quán Gió Bấc là nơi quần tam tụ
ngũ giới văn nghệ sĩ Sài Gòn kẹt lại sau 30 – 4 – 1975 và cả các văn nghệ sĩ
Cộng sản cũng có thể ghé…
Tất nhiên phe ta nếu không dính
tới chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thì vẫn ngang nhiên ngồi thả hồn ngó mây bay,
nên nào là Phạm Thiên Thư, nào là Trụ Vũ, v.v. vẫn có thể lai rai ở Gió Bấc.
Đặc biệt mấy năm đầu thập niên
80 thế kỷ trước, nghệ sĩ diễn ngâm Hồ Điệp thường ghé Gió Bấc vì buồn và âm
hưởng thi ca Tao Đàn xưa vẫn còn đồng vọng.
Với một không khí tạp lục như
thế, xét ra chỉ có tôi là liều mạng. Nghĩ mình cũng đã xong tù cải tạo nên ghé
Gió Bấc thường xuyên.
Tôi hay cùng chị Hồ Điệp ngồi
đợi những đợt dân Sài Gòn đi lãnh đồ Mỹ do thân nhân gởi về trên những chiếc xe
xích lô máy phóng bạt mạng vì sợ kẻ gian cướp thùng quà dọc đường đi ngang cửa
quán.
Bấy giờ chị Hồ Điệp thì chờ quà
của con trai, còn tôi thì chờ quà của ông xã, nhưng đều thất vọng vì hằng ngày
cứ biệt vô âm tín tin thân nhân của mình. Chúng tôi chưa đói, chưa rách nhưng
nhìn vào hai chị em là biết nỗi tuyệt vọng tới đâu rồi.
Mấy năm sau xa nhau, rồi mấy
năm sau nữa liên tiếp nhiều sự đổi thay… song không thuộc phạm vi bài này.
Mặc dầu gia đình nhạc sĩ Thục
Vũ – trung tá Vũ Văn Sâm đã nhờ cô con gái lanh lẹ, tháo vát xin vô làm nhà
hàng trên bến cảng Sài Gòn, rồi nhờ khách quý giúp trốn đi vượt biên thành
công, nhập cư ở Canada rồi bảo lãnh cho cả mẹ và ba em trai Đan Kỳ, Quang
Nguyên, Hà Giang, Giang Châu đi đoàn tụ.
Nhưng miền Nam Việt Nam là chỉ
có đi… chia ly, gần như chỉ có số ít người cả nhà, cả họ được đoàn tụ, chứ
không nhiều thì ít gia đình có những cuộc chia ly mới.
Phu nhân chỉ đưa hai cậu bé Hà
Giang, Giang Châu qua Canada, còn hai cậu lớn Kỳ Anh, Quang Nguyên thì có gia
đình, phải ở lại…
Mùa xuân năm 1996, tôi được bạn bè ở Denver, Colorado mời qua ăn
cưới con gái nhưng quý vị ấy lại kết hợp tổ chức ra mắt sách Chốn
bụi hồng cho tôi.
Tại buổi tôi gọi đùa là Sơn Bắc mãi Văn cuốn Chốn
bụi hồng của mình, một niên trưởng huynh đệ chi binh là trung tá
Mai Quỳ, cựu trào Tâm lý chiến Trường Bộ binh Thủ Đức từ thủa tôi còn đi học
nói với tôi:
Này Cao Mỵ Nhân, ông nhạc sĩ Thục Vũ – trung tá Vũ Văn Sâm chết
trong tù Hoàng Liên Sơn quê cô đấy. Thục Vũ chôn ở ngọn đồi toàn hoa ban trắng
ghê rợn lắm. Tôi đứng chứng kiến cái chết của Vũ Văn Sâm. Nhớ viết một bài đi.
Hôm đó tôi lại bận quá, chưa
kịp hỏi thăm thêm gì, rồi sau còn bận thêm nữa nên không phải là quên, mà vẫn
nhớ nhưng sự lười biếng cứ chồng chất lên nhau mãi…
Niên trưởng Mai Quỳ nói với thi sĩ trung tá Hoàng Ngọc Liên nhắc
Cao Mỵ Nhân là có về thăm quê Sa Pa của cô ấy
thì tìm thăm mộ trung tá Vũ Văn Sâm ở đồi hoa ban trắng, nơi đồi hoa ban xem
như nghĩa địa của tù cải tạo ở trại Hoàng Liên Sơn.
Thật buồn khi tưởng tượng một
vạt đồi hoa ban trắng toát với những làn sương mỏng bay lượn lờ trong âm khí
lạnh tanh, phảng phất những linh hồn của huynh đệ chi binh lảng vảng, u hờn xa
cách thân nhân hàng vạn dặm trường…
Cao Mỵ Nhân
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!