KHO TÀNG VĂN HIẾN ĐẠI VIỆT BỊ HỦY HOẠI DO AI?
Nền văn hiến Đại Việt ta đã bắt nguồn từ ngàn năm trước. Từ thời Bắc thuộc cho tới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... sách vở thi phú sáng tác không ít. Thế mà ngày nay, chẳng còn lại được bao nhiêu, các bộ sách quý như Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu), Hình thư thời Lý, Hình luật thời Trần, Trần triều đại điển, Trùng hưng thực lục, Binh gia yếu lược, Vạn kiếp bí truyền thư (Trần Quốc Tuấn), Việt sử cương mục (Hồ Tông Thốc)... đến nay không còn tìm đâu được nữa.
Tổng kết cho sự mất mát này, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Nhưng trải qua bao cuộc bể dâu, nhiều phen binh lửa, như cuối đời Trần bị nạn giặc Minh, thư tịch đã mất một lần trước (khi nhà Nhuận Hồ thất thủ, tướng Minh là Trương Phụ lấy cả sách vở cổ kim đưa về Kim Lăng), đầu nhà Lê [câu này dịch nhầm, “Lê sơ’ không phải “đầu nhà Lê” mà là nhà Lê sơ, phân biệt với Lê Trung hưng] bị loạn Trần Cảo, thư tịch lại tan một lần sau (năm Hồng Thuận, Trần Cảo làm loạn, Kinh thành bị mất, nhân dân tranh nhau vào các nơi cung cấm dinh thư lấy tiền của, văn thư, sách vở ném ra đầy đường)” [1].
Thế nhưng loạn Trần Cảo diễn ra vào năm 1516 thời vua Tương Dực, sau khá nhiều thời điểm mà Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt sử ký toàn thư. Vậy thì các bộ sử viết ở thời Trần như Đại Việt sử ký, Việt sử cương mục,... hẳn là do Trương Phụ đem về Trung Quốc, như Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã dựa theo Loại chí mà nhận định: “Những sách kê trên mà người Minh tịch thu mất, nay không biết nội dung ra sao”.
Có một bộ sử thời Trần từng đem lại hi vọng tìm lại sách vở xưa cho người Việt, đó là Việt sử lược (khuyết danh). Bộ sử này thất tung ở nước ta, nhưng lại được lưu giữ ở Trung quốc. Sách vốn do Tuần phủ Sơn Đông tiến dâng và được vua Càn Long cho thu lưu vào Khâm định Tứ khố toàn thư. Bộ sách này tái xuất hiện và được dịch ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Đó là điều may mắn lớn.
Thế nhưng chờ mỏi mắt nửa thế kỷ nữa, chúng ta vẫn không thấy tăm hơi các bộ sử quý giá khác. Việt sử lược tới tay người hiệu đính Tiền Hi Tộ không phải theo con đường sách vở chở về Kim Lăng, có lẽ là do tư nhân đem sách qua Trung Quốc rồi lưu lạc mấy trăm năm mới trở lại với triều đình. Số phận của Đại Việt sử ký đã không được như Việt sử lược. Có lẽ người Minh chưa từng đem nó về bản quốc.
Thực vậy, Minh Thành tổ Chu Lệ chưa từng ra lệnh cho Trương Phụ thu sách vở Đại Việt đem về Trung quốc, mà ông ta nhiều lần hạ lệnh cho quân Minh tiêu hủy sạch sẽ nền văn minh Đại Việt.
Khi lệnh cho Thành quốc công Chu Năng đem quân sang Đại Việt (bấy giờ gọi là Đại Ngu mới đúng), Minh Thành tổ sắc dụ 10 việc, trong đó, điều thứ 3 là:
“Quân vào An Nam, trừ kinh sách, ván in kinh của Phật giáo, Đạo giáo là không tiêu hủy, còn tất cả các sách vở ván in, văn tự, cho đến những loại sách trẻ con thôn quê mới học như “Thượng đại nhân, Khâu ất dĩ” [sách dạy chữ vỡ lòng], thì một mảnh giấy, một con chữ cũng thảy đều tiêu hủy hết! Trong địa phận, phàm những bia khắc do Trung quốc dựng từ xưa thì giữ lại, còn nếu của An Nam dựng khắc thì đều phá hủy hết, không để một chữ nào” [3].
Sau khi Chu Năng bệnh chết, Trương Phụ lên thay quyền, Minh Thành tổ lại sắc dụ lại việc này vào năm 1407:
“Từng nhiều lần dụ các ngươi, phàm tất cả các sách vở, ván in, văn tự, cho đến những loại sách trẻ con thôn quê mới học như “Thượng đại nhân, Khâu ất dĩ”, từ một mảnh giấy, một con chữ cho đến những bia khắc ở đó tự dựng, nếu trông thấy lập tức đều phá hủy hết, không để tồn tại. Nay nghe rằng, trong quân thu được văn tự lại không lệnh cho quân lính đốt hủy ngay, mà tất kiểm tra xem xét xong rồi mới đốt. Nhưng quân sĩ phần đa đều không biết chữ, nếu cứ nhất nhất lệnh phải như vậy thì tất dẫn đến trong khi truyền đưa sẽ thất lạc mất nhiều. Nay, ngươi nên theo đúng như sắc trước, ra lệnh cho trong quân, cứ gặp tất cả các loại văn tự ở đó là lập tức được đốt hủy, chớ để còn lưu lại” [4].
Rốt lại, dụ trước dụ sau của Chu Lệ đều nhấn mạnh vào việc thiêu hủy toàn bộ sách vở, ván in, bia khắc, thậm chí tất cả giấy má. Với sắc dụ trước, Chu Lệ còn cho lưu lại kinh Phật, Đạo; còn tới sắc dụ sau, lệnh cho quân lính đốt sạch, không cần phân biệt.
Quá trình hủy hoại nền văn minh Đại Việt của Chu Lệ và Trương Phụ quả thực kinh khủng.
[1] Loại chí - Văn tịch chí.
[2] Cương mục, quyển 13.
[3] Việt kiệu thư, quyển 2.
[4] Việt kiệu thư, quyển 2.
Nguồn: Nhu To
(Chép lại trên trang Đại Việt Sử Quán)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!