Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

TỨ THƠ - MÓN QUÀ ĐẾN TỪ NHỮNG "NUNG NẤU"



TỨ THƠ -MÓN QUÀ TÌNH CỜ ĐẾN TỪ NHỮNG "NUNG NẤU"

Đã bao giờ bạn tò mò về cách nhà thơ tạo ra tác phẩm của họ? Trước hết, họ phải tìm kiếm và làm ra một tứ thơ. Có rất nhiều định nghĩa về tứ thớ, người này nói tứ thơ là xương sống của bài thơ, người khác nói tứ thơ là trung tâm hay linh hồn của bài thơ. Tựu lại, ý nói tứ thơ rất quan trọng và là điểm xuất phát của hành trình sáng tác.

Rung cảm nghệ thuật đôi lúc mơ hồ và khó nắm bắt, nhưng lại thể hiện đậm nét cá tính sáng tạo của nhà thơ. Vì vậy, tứ thơ là thứ tơ lòng rất riêng dệt nên chất “màu” khác nhau trong phong cách của các tác giả. Mùa thu từ bao đời nay vẫn thân thiết với thi ca dẫu cho cả trăm, cả ngàn bài thơ viết về chủ đề này, người ta vẫn nhâm nhi ra phong vị riêng của mỗi tác gia. Chính tứ thơ làm chiếc “bình cũ” luôn chứa “rượu mới”.

Xưa, một lá ngô đồng rơi mang cả mùa thu về.

“Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu.”

(Thơ cổ Trung Hoa)

(Một lá ngô đồng rụng

Ai cũng biết thu sang)

Cây ngô đồng sừng sững đứng giữa bao la đất trời, cả ngàn người gặp, hiếm mới có một kẻ thấy được bước đi của thời gian trong một khắc lá lìa cành. Lại thấy trong khoảnh khắc ấy cả những suy tư. Một vòng tuần hoàn vẫn diễn tiếp, ta tiễn chiếc lá đi, đón mùa thu về với nhân sinh. Hay tâm tình cô lẻ và đơn độc làm nên một chiếc lá rơi, kéo theo thu sang?

Nay nhìn áng mây trôi, Hữu Thỉnh viết về mùa thu:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

(Sang thu- Hữu Thỉnh)

Bầu trời nào chẳng có nhiều mây, nhưng mây mà tác giả “nhắm trúng” lại mang tên “đám mây mùa hạ”. Đám mây ấy chứa rực rỡ thanh xuân và cả những gắt gao, chông gai, đang nghiêng mình ngả dần về tầng không mùa thu của đất trời, tầng không ấy vô hình tưởng không thấy mà lại thấy. Thấy trong tâm tưởng những vấn vương còn đến cả phân nửa phải chăng là có điều gì còn chần chừ?

Đều là những tín hiệu từ lúc manh nha, mỗi người làm thơ thưởng thức một khoảnh khắc đẹp, giữ lại trong mình những xao xuyến, gửi cả những tâm tư để làm nên một bài thơ hay.

Vậy “khoảnh khắc đẹp” kia hay chính là tứ thơ đã nên duyên với thi nhân như thế nào? Hình ảnh thơ chợt đến mà chẳng báo trước nhưng đó là khi tác giả đang nung nấu đề tài mang tính thơ. Xúc cảm, tư tưởng vẫn nằm đó trong tâm thức của tác giả trực chờ “khoảnh khắc đẹp” như đợi “một chiếc chổi quét sạch những bụi bặm làm lộ ra ngọc ngà”. Trần Tế Xương cảm khái sự đổi thay của vũ trụ, đất bồi sông lấp, nhớ mãi con sông cạn dòng. Một tiếng ếch kêu trong đêm khuya vừa khiến ông “giật mình” vừa làm bật lên trong ông một tứ thơ, và ông viết:

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

(Sông lấp – Trần Tế Xương)

Ai ai cũng có thể cảm nhận thế giới xung quanh mình; mong bạn có thể dốc lòng tìm kiếm, trải nghiệm để thấy được “tứ thơ”, để làm nên “bài thơ” cho riêng mình.

-------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Sang Thu - Hữu Thỉnh

2. Cổ thi Trung Hoa

3. Sông Lấp - Trần Tế Xương

4. Hoạt động giải mã tác phẩm trữ tình trích Sách Văn 7 Cánh Buồm

________________

Chấp bút: Minh Châu

Thiết kế: Piru

Ảnh: Mareefe

________________

Vui lòng không repost khi chưa có sự đồng ý của Tầm.

(Nguồn: Fb Tầm Chương Trích Cú.)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!