MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG
“Trả nhớ về không” là một trong những bài thơ hay
viết về mẹ. Cái gốc làm nên sự sâu đậm của bài thơ, như Bạch Cư Dị nói, đó là
cái tình. Tuy các chi tiết đều có tính điển hình, chọn lọc, bài thơ là tiếng
lòng, là niềm day dứt khôn nguôi của người con đối với mẹ, là lời nhắc nhở về
lòng hiếu đạo, bổn phận làm con. Người đọc, bắt gặp mình nơi các dòng thơ chan
chứa ân tình của Đỗ Trung Quân…
Trả Nhớ Về Không
Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không?
Ông ai thế? Tôi chào ông
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao... tôi nhớ... nó... người... như ông
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi...
Đỗ Trung Quân
Mẹ
Ta Trả Nhớ Về Không_- Thơ: Đỗ Trung Quân
Ca
Sỹ: Nguyễn Hồng Liên-Nhạc: Thanh Thien Tran (3T)
Bài thơ lục bát này rất ngắn, chỉ có 10 câu và 70 chữ, nhưng vời vợi thời gian một đời người, và nặng trĩu bao tâm trạng. Tác giả lấy một phần của câu thứ 9, “Mẹ ta trả nhớ về không,” đặt tên cho bài thơ. Khi được phổ thành nhạc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh dùng trọn cả câu thứ 9 làm tựa bài hát bất hủ (do các ca sĩ Nguyễn Hồng Liên, Ngọc Huyền, Lê Vỹ, Thụy Long... trình bày)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại rằng:
“Bạn tôi đi làm ăn xa gần như cả cuộc đời, nên khi về
thăm mẹ, năm bà 92 tuổi, và người mẹ đã mắc chứng ‘lú lẫn’ (Alzheimer) không
còn nhớ con mình là ai. Bà hỏi: ‘Ông ơi, ông là ai?’ Bạn tôi ôm mẹ khóc như
mưa…”
Từ cảm xúc đó, Đỗ Trung Quân viết lên bài thơ này.
Cảm hứng chính của bài thơ là “tình mẹ con,”
đúng hơn, đó là “tình cảm của đứa con đối với người mẹ,” day dứt
bao nỗi niềm:
Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về ta khóc, mẹ cười... lạ không?
Tác giả chọn hai thời
điểm ý nghĩa nhất: “ta đi và ta về; mẹ khóc và ta cười / mẹ cười và ta khóc.”
Giữa hai thời khắc ấy, mười năm rồi lại thêm mười - có nghĩa đến hai mươi năm -
dằng dặc hơn bảy ngàn ngày thương nhớ. Hai mươi năm, bao vui buồn đổ xuống trên
hai cuộc đời (mẹ và ta), hai mái ấm gia đình, hai thứ tóc chuyển màu. Tiếng
cười và tiếng khóc, ý nghĩa không giống nhau, đằng đẳng cả nghìn trùng của
không gian và thời gian trong mỗi số phận.
"Ngày
xưa chào mẹ, ta đi / Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười." Hai câu thơ diễn
tả rất đúng tâm trạng của hai mẹ con. Con thì còn trẻ, ăn chưa no lo chưa tới,
chỉ thấy phía trước là những chân trời mênh mông, vẫy gọi, hớn hở vô cùng, dấn
bước vào đời, làm một con người tự do với bao khát vọng tràn đầy. Cười là đúng.
Tuổi trẻ, ai cũng vậy. Chỉ có mẹ, “Ta đi - Mẹ khóc.” Khóc vì phải xa
con, lo lắng cho con, nơi những góc bể chân trời, ai người chia sẻ khi ấm
lạnh?
Đến khi “Ta
về - Ta khóc - Mẹ cười - Lạ không?” Hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau
của người mẹ và người con, được giải thích:
“Khi
trở về, người con gặp lại mẹ, bao năm xa nhà, nhiều năm chia cách, theo tuổi
đời, mẹ không còn như xưa nữa, nhớ nhớ quên quên, trí nhớ suy giảm, kém dần...
Mẹ ta trả nhớ về mênh mông rồi!”
Đằng sau tiếng
khóc của người con, có thể nhận ra những ơn nghĩa sinh thành, mang nặng đẻ đau,
công lao dưỡng dục và lòng yêu thương vô bờ của đứa con đối với người mẹ. Và,
cũng nhận ra rằng, từ nay, mọi sóng gió và vấp ngã trong đời, đâu còn một bến
đỗ bình yên để trở về, neo đậu:
"Con dù
lớn vẫn là con của mẹ / Đi một đời, lòng mẹ vẫn theo con," Chế Lan
Viên từng viết như vậy trong bài thơ “Con cò.”
Những câu thơ
làm nhói buốt tâm can:
Ông ai thế? Tôi chào ông
…
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao... tôi nhớ... nó... người... như ông.
Đây là các dòng
thơ xúc động nhất, đọc đến, rơi nước mắt, nghẹn ngào. Người mẹ không nhận ra
đứa con của mình, chỉ thấy "hao hao... tôi nhớ... nó... người... như
ông." Dòng thơ tưởng như lời giao tiếp, hỏi mà không có câu trả lời,
bình thường mà lại không bình thường, nhói buốt, báo hiệu cho ta biết rằng ta
sẽ đơn côi, cô độc trên cõi trần gian này; ta sẽ có những ngày tháng bất hạnh
nhất trong đời, khi:
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi...
"Bụi
hồng," Đào Duy Anh trong “Từ điển Truyện Kiều,”
"Bụi hồng chữ Hán là hồng trần, chỉ bụi sắc đỏ, do gió bốc lên, nghĩa
bóng là cõi trần" (“Từ điển Truyện Kiều,” NXB KHXH, HN, 1974, trang 43).
Như vậy là, mẹ ta, xong một đời người, từ biệt thế gian, "rồi đi...,"
về với ông bà, tổ tiên. Ngày đau buồn ấy đang chầm chậm đến!
Hai câu thơ
cuối cùng, dẫu biết đó là quy luật, nhưng sao buồn đến não lòng! Cha mẹ không
sống cùng ta đến cuối đời, mãn kiếp. Đành thế, sao thương quá cho đời, cho
ta!
“Trả nhớ
về không” là một trong những bài thơ hay viết về mẹ. Cái gốc làm nên sự
sâu đậm của bài thơ, như Bạch Cư Dị nói, đó là cái tình. Tuy
các chi tiết đều có tính điển hình, chọn lọc, bài thơ là tiếng lòng, là niềm
day dứt khôn nguôi của người con đối với mẹ, là lời nhắc nhở về lòng hiếu đạo,
bổn phận làm con. Người đọc, bắt gặp mình nơi các dòng thơ chan chứa ân tình
của Đỗ Trung Quân…
Trần Văn Giang
****
Bài Họa:
Mẹ Bỗng Ra Đi!
Cuộc đời hăm hở vội đi
Trong lòng cứ nghĩ mình đi, Mẹ cười!
Nhiều năm chẳng nhớ mươi mười?
Về thăm thấy Mẹ vẫn cười như không!
Mẹ âu yếm bảo “Này Ông”
Đi hoài! Mẹ đét vào mông cho rồi!
Thành công đỗ đạt cho tôi!
Thương Mẹ thì cố nên người nên ông!
Bỗng nhiên Mẹ đã về không!
Mẹ thăng thiên tựa Cánh Hồng! Mẹ đi!
Hồn con tan nát sầu bi
Khóc hết nước mắt! Gối quỳ đau thương
Tưởng Mẹ sống mãi bình thường!
Ai ngờ một sớm trên đường đông xe
Tin khẩn bảo mau trở về
Mẹ không còn nữa! Dầm dề xót xa!
Cúi đầu xin Mẹ thứ tha!
Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 17/12/2021
Mười bảy câu lục bát kỷ niệm ngày Mười Bảy tháng Mười Hai năm Hai Ngàn Hai Mốt
(Mười bảy = 1+7+1+2+2+2+1+tác giả)
****
Mẹ ơi! Trả
Nhớ Về Không!
(Bài Hát Nói đơn sơ, quê mùa, mộc mạc cảm hứng từ bài thơ về
Mẹ “Trả Nhớ Về Không” của Nhà Thơ Đỗ Trung Quân)
Con đây! Mẹ có còn nhớ không Mẹ?
Trời ơi! Bao năm lang bạt kỳ hồ về mà ruột rối như tô canh hẹ Mẹ
nấu ngày xưa!
Ngày con đi Mẹ còn nhớ, còn khóc! Thương mấy
cho vừa!
Giờ dừng gót phiêu linh về nhìn thấy Mẹ trong nắng lưa thưa, già
nua, lọm cọm!
Ôm chân Má khóc than quỳ mọp
Vuốt tóc U gào thét nguyện cầu
Con thật bất hiếu quên cả ơn sâu!
Công sinh thành, dưỡng dục của Thân Mẫu bao
canh thâu nâng giấc!
Mẹ đã quên rồi! Không nhận ra con dù sát cạnh trong gang tấc!
Tiềm thức của Mẹ thầm than “tiếc rằng ta trí nhớ
đã mất, đã
nhòa vì quá đợi chờ!”
Xa xôi, bận rộn, con cứ nghĩ rằng Mẹ vẫn khoẻ,
vẫn còn đọc thơ
Con viết cho Mẹ mỗi khi nhớ Mẹ không bến bờ, trăng tàn bóng xế!
Trả nhớ về không! Không vẫn thế!
Mong quay lại cũ! Cũ còn đâu!
Thương con Mẹ bạc mái đầu
Ngóng con trí Mẹ chìm sâu vào hồn!
Lòng con ân hận dập dồn
Thấy Mẹ ngờ nghệch nói ồn ào vui!
Mà con đẫm lệ ngậm ngùi!
Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 18/12/2021
Đời người như một giấc mơ
Trả lờiXóaQua thời son trẻ dại khờ về xa
Biển trời hùng vĩ bao la
Bồng bềnh sương khói mưa sa ngậm ngùi...
HN sang thăm chúc anh những ngày cuối tuần thật vui nhé anh!
http://i842.photobucket.com/albums/zz343/tieuthu_nt/EABD83EAB3BCECB0A8ED959CEC9E94_zpspvolykuq.gif
Cảm ơn HN,chúc em an lành.
XóaĐến thăm thi nhân được nghe nhạc, đọc thơ thật vui. Xin cảm ơn và mong đệ an lạc !
Trả lờiXóaCảm ơn Bác,kính chúc Bác luôn được bình an.
Xóa