VALENTINE và ĐỨA CON
NẶNG KÝ.
(Last revised on
02/14/2020.)
Lê Xuân Cảnh.
Valentine là ngày
vợ chồng chúng tôi nhớ đời dù trước khi đến Mỹ chúng tôi chả biết cái quái gì về
cái ngày gọi là "Lễ Tình Yêu" này cả.
Chúng tôi nhớ đời vì Valentine
trùng vào ngày sinh-nhật của đứa con đầu lòng của chúng tôi sinh ra tại Mỹ.
Ngày này cách đây ba mươi hai năm
là ngày tôi chở vợ tôi vào bệnh-viện, nơi vị Bác-sĩ đã theo dõi cái thai của vợ
tôi hơn nửa năm nay cũng sẽ có mặt để giúp hoàn-tất giai-đoạn chót của một cái
chu-trình sinh-sản thật kỳ-diệu mà ông ta chẳng có dính-líu gì trong cái
giai-đoạn đầu cả.
Ai ăn ốc thì Bác-sĩ cũng phải hốt vỏ.
Chính sư-tổ Hypocrites cũng đã khuyến-cáo đệ-tử điều quan-trọng này mà sách vở
y-khoa đâu đâu cũng không thấy ghi.
Vì là thân-nhân của người đẻ nên
tôi được cho vào phòng sinh, được mặc hospital gown và được đứng cạnh giường đẻ
để hổ-trợ tinh-thần cho vợ tôi, người phụ-nữ mới sinh con lần đầu tiên trong đời.
Nói là hổ-trợ tinh-thần cho vợ,
nhưng chính tôi thì cũng đang rất lo-âu, hồi-hộp.
Lo không biết mặt mũi con mình sẽ
ra sao, đẹp xấu thế nào, chân tay đầu cổ tóc tai có bình-thường hay không?
Hồi-hộp không biết mình có giống nó
không?
Tôi phải viết lại cho thật rõ.
Hồi-hộp không biết mình có giống nó
không?
Hay mình lại giống đúc con của một
bà nào đó đang sinh ở phòng bên cạnh thì ăn làm sao, nói làm sao với vợ mình
đây.
"Người giống người" là
chuyện thường, nàng còn có thể tin được, chứ "Người giống đúc người"
thì làm sao vợ tôi tha-thứ cho tôi được.
Thôi, không nên nói chuyện xui-xẻo
hư-cấu đó nữa.
Cho phép tôi được tập-trung để kể
tiếp việc đứa con đầu lòng của chúng tôi đã ra đời như thế nào.
Đang cố push thật mạnh theo sự hướng-dẫn
của BS, tôi chợt nghe cô y-tá nhỏ nhẹ gắt vào tai tôi một câu bằng tiếng Anh,
xin được dịch ra tiếng Việt nghe cho lịch-sự hơn, "Làm ơn đừng rặn nữa ông
nội."
Tôi ngưng rặn, hơi thở trở lại
bình-thường như xưa, thật thoải-mái. Nhưng có lẽ mặt thì vẫn còn đỏ, một phần
vì rặn, chín phần vì ngượng.
Thật ra trong đời người ai không có
lúc lỗi lầm, nhất là đang trong cơn bối-rối, vợ thì nằm đó đang đau đẻ mà con
mình thì chưa thấy mặt mũi đâu.
Nhưng nói cho cùng, đây là một nhầm
lẫn đáng yêu.
Còn hơn vợ đẻ mà cứ đứng đực mặt
bình chân như vại thì trông vô-tình quá.
Rặn thay cho vợ mình đẻ là một nhầm
lẫn đáng quí.
Rặn thay cho vợ thằng hàng xóm đẻ mới
là một nhầm lẫn đáng lên án. Nếu may mắn còn sống.
Thôi đừng nói chuyện hư-cấu nữa.
Nhìn vợ tôi mồ-hôi mồ-kê nhễ-nhại mặt
mủi đỏ ửng vì rặn quá mệt, tôi thương vợ tôi quá. Ước gì Trời cho tôi có thể đẻ
thay cho vợ. Mình làm mình chịu, sao lại bắt vợ chịu.
Đẻ xong giao con lại cho nàng ngay
vì mình làm gì có sữa cho nó bú.
Rồi việc gì phải đến đã đến.
Khi nghe tiếng oe-oe của đứa con
thân yêu của chúng tôi vừa chào đời, và chứng-kiến tận mắt việc BS lôi một đứa
bé ra khỏi bụng mẹ, tôi phải nói là mấy cái lời chúc "Mẹ tròn con
vuông" nghe quá tào-lao ! Không nên có cái gì vuông trong cái tiến-trình
này. Cứ chúc cho sướng miệng mình, nghe văn vẻ mà không để ý gì đến cơ-thể của
người ta là thể nào?!
Vị Bác-sĩ đỡ đẻ dành cho tôi cái
vinh-hạnh được cầm kéo cắt cái cuống rốn của con mình, trước khi ông ta giao
cháu cho cô y-tá lau sạch-sẻ và quấn con tôi lại như một đòn bánh tét lớn, xong
đặt cái đòn bánh tét lớn này lên một cái bàn cân nhỏ chỉ lớn hơn cái thớt một
chút.
Cây kim trên bàn cân chỉ hai mươi
pounds ?!
Tôi há-hốc mồm, trợn tròn mắt ngạc
nhiên, nhìn ông BS. Cầu cứu.
Ông BS cũng há-hốc mồm, trợn tròn mắt
ngạc nhiên, nhìn kỹ tôi từ dầu đến chân, xem tôi to con cỡ nào.
Cô y-tá thì không há-hốc mồm, không
trợn tròn mắt, không ngạc-nhiên, cũng không nhìn ai.
Người đang lo hì-hục gở bàn tay tôi
ra khỏi cái đòn bánh tét kia và gằn giọng, "Hand off, so we can check your
baby's weight!"
Tôi miễn-cưỡng bỏ tay ra.
Lập-tức cây kim trên bàn cân tụt xuống
chỉ còn tám pounds.
Phải công-nhận cô y-tá này quá giỏi,
có nhiều kinh-nghiệm đối với những người cha mới toanh như tôi.
Bác-sĩ chỉ có biết trị bệnh, còn trị
bệnh-nhân thì phải có y-tá.
Trở lại bài học cho những người cha
trẻ như tôi: Khi một đứa trẻ mới sinh ra và được quấn lại chặt-chẽ, đặt nó ở
đâu thì nó nằm ở đó, không có ý-kiến, và nhất là không lăn đi đâu được, dù rất
muốn.
Vì vậy, dùng tay vịn vào người con
để giữ cho nó không bị lăn té xuống khỏi bàn cân là một việc làm không cần-thiết.
Nhưng có người cha trẻ nào dám
khoanh tay đứng nhìn, không vịn tay vào con mình không?
Tôi đã không dám.
Chẳng những tôi đã không khoanh tay
đứng nhìn, tôi còn rất sốt sắng gửi mười hai pounds yêu thương vô bờ bến của cả
hai vợ chồng chúng tôi vào đứa con thân yêu vừa mới chào đời của mình.
"Better safe than sorry",
không những đã được người cha cẩn-thận áp-dụng vào ngày đầu tiên khi con của
mình vừa mới sinh ra đời, mà ước mong sẽ là điều tâm-niệm mà đứa con của mình sẽ
dùng đến trong suốt cuộc đời còn lại của nó.
HAPPY VALENTINE'S DAY.
Lê Xuân Cảnh
California, Valentine
2020.
********
Cảm ơn anh LÊ XUÂN
CẢNH đã gởi cho đọc VALENTINE và ĐỨA CON NẶNG KÝ.
Bài viết đã gợi lại ký ức Quỳnh 32
năm trước,vợ của Quỳnh cũng sinh con đầu lòng.Nhưng,không phải ngày 14/2,mà
ngày 21/6/1988.Không chỉ một mà “Rồng Sinh Đôi”,như tên phim của Thành Long
đóng,mà sau này Quỳnh có dịp được xem.
Đêm hôm ấy trận chung kết Vô Địch
Châu Âu giữa 2 đội Hà Lan và Liên Sô.Quỳnh biết nhờ những câu chuyện hành lang
nghe lóm được.Cũng có đi ngang qua phòng trực của bệnh viện,mọi người đang xem
TV.Quỳnh đang sốt ruột nên không dừng lại.
Trước đó,nhà Quỳnh ở quê,chỉ đến
ngày gần sinh mới nhờ bà mụ vườn thăm khám.Bà bảo sắp sinh mà cái thai xoay
ngang,nên đi bệnh viện kiểm tra.Vợ Quỳnh lên bệnh viện Từ Dũ khám,bác sĩ giữ lại.Vợ
Quỳnh hoảng loạn xin về nhà để chuẩn bị đồ dùng và tiền bạc.Bác sĩ bảo điều đó
thật nguy hiểm.Bác sĩ cho biết song thai,nặng và chèn mạch máu 2 chi dưới,sức
khỏe sản phụ yếu,có thể vỡ ối bất cứ lúc nào khi di chuyển.
Đến lúc này vợ Quỳnh mới biết được
song sinh,lại là 2 cháu trai.Nửa mừng,nửa lo.Vợ Quỳnh đi mượn viết và xin mảnh
giấy nhỏ ghi vội vài thông tin cần thiết,nhờ bác xe xích-lô đạp chuyển đến nhà
bà con trong một hẻm nhỏ ở Quận 3.
Ở nhà Quỳnh thấy vợ đi khám không về,hôm
sau lên Sài Gòn tìm đến nhà bà con của vợ để hỏi thăm tin tức.Mới biết ra mọi
chuyện.
Quỳnh vào bệnh viện Từ Dũ với “nhất
y,nhất quỡn” trên người,có chút tiền bọc theo túi.Nhờ thời ấy còn bao cấp về y
tế và giáo dục,nên viện phí cũng nhẹ.Quỳnh ở nuôi vợ trong bệnh viện 1 tháng
sau mới đưa vợ con về trên một chuyến “xe than” đầy bụi bặm và hơi lửa rực
nóng.(Do thiếu xăng dầu,các xe khách phải chuyển sang chạy bằng cái thùng đốt
than ở phía sau xe).
Quỳnh,một lúc phải nuôi 3 người bệnh,vợ
và 2 con.Vợ Quỳnh sức khỏe kém,sau cơn “đi biển mồ côi một mình” trở về,sữa
cũng tắc.Hai con yếu,nên đau ốm triền miên,chỉ nhờ vào “Ông Thọ sữa đặc có đường”,cũng
hạn chế.Ẵm 2 cháu đi xin nhờ các bà mẹ có con đang bú,cũng chừng mực.Quỳnh xây
dựng gia đình từ 2 bàn tay trắng.
Ơn Trời,rồi mọi khó khăn cũng vượt
qua.Hai cháu nay đã 32 tuổi,đã lập gia đình.Hai cháu đều đã có con.Quỳnh được 2
cháu nội,1 trai 1 gái.Có công ăn việc làm ổn định ở Sài Gòn...
Kính thưa anh Lê Xuân Cảnh,qua bài
viết của Anh mà Quỳnh chạnh lòng nhớ lại chuyện cũ.Ghi đôi lời tâm sự.Rất mong
Anh thông cảm cho sự lan man này.
Kính chúc Anh và gia quyến an vui,sức
khỏe,thành đạt,hạnh phúc.
Kính,
Lý Đức Quỳnh.
(Xin phép anh Lê Xuân Cảnh
cho Quỳnh đăng bài này trên trang nhà LP.)
:)
Trả lờiXóaRất vui có DVD ghé thăm.
XóaChúc bạn an lành.