GS.Nguyễn Văn Sâm |
Về Một Cây Bút Nữ
Đặc Biệt
Nguyễn Văn Sâm
Những cây bút nữ bất kỳ là ai, có
danh hay chưa tạo được chỗ đứng trong văn học của nước mình, theo tôi đều là những
cây bút đặc biệt. Họ có những cái nhìn khác với người viết thuộc tính phái
khác. Sâu sắc về mặt tình cảm, nhẹ nhàng trong câu văn, lắm khi có những nhận
xét tế nhị bất ngờ làm ngạc nhiên người đọc.
Nhà văn nam, kể cả người nghiêng
nhiều về mặt thi ca, có khuynh hướng bộc lộ nhiều về mặt lý trí, Phan Khôi
trong bài tình già chẳng hạn, trong khi đó người viết nữ, ngay cả những bài phê
bình, nhận định văn học, ta cũng thấy chan chứa nhiều điều tình cảm. Ba bài nhận
định của ba người phê bình nữ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Cao
Thị Hồng trong tập Vàng Trên Biển Đá Đen lấp lánh những tình cảm hơn là các suy
luận cần nhiều lý trí, nhức đầu. Đó là cái điều trời cho riêng phái nữ chăng?
Cái phong tư trời xếp đặt để nam phái có điều để so bì ganh tỵ chăng?
Trong cái chấp nhận tiên thiên đó,
tôi đọc tập truyện ngắn Vàng Trên Biển Đá Đen của Elena Pucillo Trương. Và tôi
thấy rõ hơn tình cảm của người phụ nữ. Ở đây không phải là tình cảm gái trai
yêu đương mà là tình cảm của người với người, một cảm thức của con người bằng
cái máy tính trước mặt và tấm lòng thương cảm tương thông trước nỗi bất hạnh,
nhứt là nỗi bất hạnh của người phụ nữ.
Xin sẽ không làm việc phân tích để
giới thiệu nhà văn nữ nầy với người đọc. Việc đó đã có ba cây bút nữ nói trên
và biết bao nhiêu người khác nữa trong và ngoài tạp chí Quán Văn, những người
khá nổi tiếng đương dạy văn học ở ba miền Bắc Trung Nam, lo việc nầy.
Từ trước đến giờ tôi thường tránh
né sự việc nói chuyện bên ngoài tác phẩm khi luận về một tác giả, như kiểu đi
tìm tiểu sử thiệt chính xác về ngày sanh tháng đẻ, về dòng dõi, thời đại và cả
lý do sáng tác. Tôi đọc tác phẩm và luôn luôn coi tác phẩm là một vật thể kỳ bí
để nhìn nó, suy nghĩ về nó rồi giới thiệu với độc giả mong giúp người đọc sau
mình hiểu tác phẩm hơn – ít ra là hiểu theo cách nào đó mà người giới thiệu còn
để lại chút ít ý tưởng bằng bài viết của mình sau khi độc giả buông bài vừa đọc
xuống. Tôi không đi theo trường phái dòng dõi, huyết thống, cũng không đi theo
trường phái xã hội hay bất kỳ triết thuyết nào đó dầu được theo dõi bởi số đông
hay được thổi phồng lên tận mây xanh vào hàng siêu việt. Tôi coi tác phẩm là vật
hiện diện tự thân, nó sau khi ra đời, đã có mặt và tách rời khỏi người tạo ra
nó, đã đứng ở giữa chợ đời văn học, dính dáng với tác giả chỉ vì cái ID của nó.
Nếu chẳng may nó chẳng có ID như những tác phẩm vô danh tràn đầy trong nền văn
học Việt Nam hay tác phẩm có tên người viết nhưng chẳng ai biết tiểu sử ông/bà ấy
cũng chẳng thể đoán định được chính xác ông/bà ấy sống vào thời nào. Và tôi có
bổn phận phải tìm hiểu chính nó và chỉ chính nó mà thôi, bằng cách đọc và ghi lại
những cảm tưởng của mình.
Đọc quyển Vàng Trên Biển Đá Đen,
truyện nầy, rồi đọc truyện kia, chắc hẳn nhiều người như tôi, thỉnh thoảng lật
lại cái bìa để kiểm chứng lại coi bài viết nầy văn phong nọ phải chăng của một
người ngoại quốc. Kiểm chứng lại vì tôi thấy như là cây bút của người Việt Nam
thuần túy. Câu chuyện Việt Nam, bối cảnh Việt Nam, nỗi đau thương Việt Nam, Những
éo le tình tiết Việt Nam. Tấm lòng của tác giả tràn đầy xúc cảm Việt Nam. Và nhứt
là văn phong Việt, thuần Việt.
Viết đến đây tôi nhớ đến cặp sinh vật
huyền thoại, một đàng không mắt mà chân cứng đá mềm, một đàng có mắt rất sáng để
chỉ đường phải đi để tránh những nguy hiểm. Và cặp vợ chồng tri kỷ Elena
Pucillo- Trương Văn Dân đã ở trong trường hợp đó. Nếu không có những bản dịch đầy
chất văn chương được gọt dũa với tình nồng và sự thông hiểu tâm hồn nhau tường
tận bằng mấy chục năm yêu thương vợ chồng thì chúng ta không có bản tấu khúc rất
Việt Nam Vàng Trên Biển Đá Đen của một người phụ nữ đến từ xa xôi của trời Âu
nước Ý.
Tôi có nhiều dịp được anh Dân và chị
Elena tiếp chuyện. Chị ít nói, trầm ngâm thì nhiều, đó là vấn đề ngôn ngữ,
nhưng khi chị nói thì chữ dùng ít mà chính xác, lại líu lo rất vui. Tôi hiểu trở
ngại chút xíu ngôn ngữ của nhà chồng, nhưng chị có tấm lòng của người vợ yêu
quê hương nhiều đau khổ của chồng nên chị nói ra bằng tác phẩm. When we speak,
we are afraid our words will not be heard or welcomed. But when we are silent,
we are still afraid, so it is better to speak. (Aude Lorde). Và Elena đã nói
lên bằng bao nhiêu bài văn của mình. Tất cả đều được chào đón nồng nhiệt.
Một nhà văn nữ nào đó có nói ‘thiên
tài thì có tức thời, liền ngay, còn tài năng thì cần phải có thời gian để hình
thành. Với tôi, cái thời gian để hình thành đó quá ngắn trong trường hợp Elena
Pucillo Truong. Nó không cần thiết phải kiểm nghiệm bằng thời gian mà kéo dài
chi cho vô ích!
Và tôi mỉm cười vui: Vào thời đại
toàn cầu hóa, chúng ta có một nhà văn Việt đặc biệt: Elena Pucillo Truong cũng
như chúng ta có biết bao nhiêu cô dâu ngoại quốc theo phong tục Việt Nam một
cách thuần,thục, biết nấu canh kho cá theo kiểu Việt Nam.
Nói theo Khổng Tử xưa: Bất diệc lạc
hồ? Thế chẳng vui sao?
Nguyễn Văn Sâm
(Tháng Tám 2018)
*Sưu
tầm từ Fb của GS.Nguyễn Văn Sâm(Sam Nguyen )
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!