ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ TỨ
TUYỆT
Trần Mạnh Hảo
Tứ tuyệt là thể thơ khó bậc nhất
trong thi ca. Nó dồn nén ý tứ, dồn nén tư tưởng, tình cảm với ngôn từ hình ảnh
độc đáo, biểu tượng đa ngữ nghĩa. Nó giống vầng trăng đọng trong mắt kiến, mặt
trời trong giọt sương vậy. Chúng tôi xin lấy ví dụ về hai bài tứ tuyệt của Chế
Lan Viên và Yến Lan :
NHỚ VIỆT BẮC
Thôi nhớ hoa xong lại nhớ người
Chiến khu phương ấy trắng mây trời
Chửa về Tuyên Thái thăm tre trúc
Hãy đến sông Hồng ngóng nứa xuôi
Chế Lan Viên
ĐỌC TRANG TỬ
Trưa đọc Nam Hoa kinh
Tối nằm không hóa bướm
Mừng mình chủ được mình
Dậy thổi nồi khoai sớm
Yến Lan
Thơ tứ tuyệt mà người Trung Hoa gọi
là tuyệt cú, định hình và phát triển từ thời nhà Đường với sự mở đầu của Trần Tử
Ngang – người đi dọc thơ Đường :
ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi lệ hạ
Dịch nghĩa :
Trước nhìn không thấy người trước
Nhìn sau không thấy người sau
Ngẫm trời đất vô cùng
Một mình ứa nước mắt
Thơ tứ tuyệt lên tới đỉnh cao từ thời
nhà Đường bên Trung Hoa và thời thơ Lý Trần Đại Việt, gồm đa phần là tứ tuyệt
ngũ ngôn, tứ tuyệt thất ngôn…Có người như Vương Duy còn làm cả tứ tuyệt lục
ngôn và Nguyễn Trãi hay làm thể thơ lục ngôn tuyệt cú này. Riêng tôi thích nhất
bài thơ tứ tuyệt “Xuân oán” trong Đường thi đồn rằng của Kim Xương Tự :
Đả khởi hoàng oanh nhi
Mạc giao chi thượng đề
Đề thì kinh thiếp mộng
Bất đắc đáo Liêu Tê ( Tây)
Hải Văn dịch thơ :
Đánh đuổi cái oanh vàng đi
Đừng cho nó hót tỉ tê trên cành
Nó kêu thiếp ngủ giật mình
Chẳng yên giấc mộng tới thành Liêu
Tây
Người thiếu phụ nằm mộng thấy chồng
mình đang chinh chiến ở thành Liêu Tây. Khi nàng đang sung sướng hạnh phúc được
gặp chồng trong mộng thì tiếng chim oanh hót sớm làm kinh động khiến nàng tỉnh
dậy, phá vỡ cuộc trùng phùng lứa đôi. Tiếng người đàn bà đau đớn trong bài thơ
nhờ hậu thế đánh đuổi con hoàng oanh đi, đừng cho nó hót làm tan giấc mộng gặp
chồng nơi chiến địa của nàng. Con chim thời gian kia có thể đã bay đi, cũng có
thể quay về chỗ cũ hót sớm phá giấc mộng nữ nhi nhưng bài thơ tuyệt vời “Xuân
oán” sống mãi trong tình yêu thi ca của nghìn năm mai hậu. Làm như chính con
oanh vàng kia đã cướp mất chồng của thiếu phụ chứ không phải chinh chiến. Tiếng
chim là dấu hiệu của thanh bình; nhưng nơi đây tiếng chim hót sớm lại là biểu
hiện của chiến tranh, của vợ mất chồng, con mất cha. Chiến tranh không chỉ tàn
ác với cái thực mà nó còn đang tâm cướp đi cái hạnh phúc trong mơ của thiếu phụ
xa chồng.
Trong thơ tứ tuyệt Lý Trần, riêng
tôi thích nhất bài “Hữu không” của Từ Đạo Hạnh:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu, không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
Dưới đây là bản dịch tuyệt vời
tương truyền của nhà sư Huyền Quang đời Trần :
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng
không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc chi có có không không mơ màng
Bài thơ tứ tuyệt này chừng như đã
chặn mất đường của kẻ muốn phân tích, nhất là với câu lục bát đầu hay nhất Việt
Nam xưa nay.
Tôi thích bài tứ tuyệt “Tháp Bay
On bốn mặt” của Chế Lan Viên thời hiện đại :
Anh là tháp Bay On bốn mặt
Giấu đi ba còn lại chính là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn
hình
Anh vừa là tháp Bay On vừa không phải
tháp Bay On, thậm chí còn muôn mặt hơn cả tháp Bay On.Cái mặt anh chường ra với
đời không phải là mặt giả, chỉ là một mảnh của muôn nghìn mặt thật giấu bên
trong. Những mặt giấu bên trong quằn quại đau đớn muốn thò ra cho đời biết
nghìn trò cười khóc. Rằng tháp Bay On kia hạnh phúc hơn anh. Có bao mặt thì Bay
On đều chìa ra bốn hướng mà thanh thiên bạch nhật giữa đời. Nếu anh cũng đòi
chường muôn nghìn mặt mình ra như Bay On thì còn không gian đâu cho thiên hạ
vác mặt ra khoe ?
Bài thơ biến ảo từ một đến muôn, lại
thu muôn về một tức khắc. Cái hay tưởng hạt tiêu của tứ tuyệt làm ta có thể chạm
vào cái khôn cùng. Đó là ưu thế vô song của tứ tuyệt : nhỏ mà lớn, ít mà nhiều,
một mà muôn là vậy đó.
Xin chép ra bài tứ tuyệt còn thô vụng
của kẻ viết bài này, thấy thuyền đua lái cũng đưa :
ĐỪNG SỢ MẤT NGỦ
Ta đã ngủ triệu năm
Trước ngày oa oa khóc
Ta còn cả triệu năm
Để ngủ hoài trong đất
Trần Mạnh Hảo
* Bài chép lại từ Fb của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!