Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

NÃO TRẠNG NÔ LỆ- Thảo Dân


NÃO TRẠNG NÔ LỆ
Bài từ Fb cô giáo Thảo Dân

Trong cuộc sống hay trên mạng xã hội, ta hay gặp những cách nói mang tính nguỵ biện, thoạt tiên nghe có vẻ rất hợp lý, khiến ta dễ mắc bẫy nếu cả tin. Có thể nêu vài ví dụ thế này:

1. “Có giỏi thì làm tốt việc của mình đi, đừng lên mạng mà chỉ trích nữa, mỗi người tốt thì xã hội ắt sẽ tốt lên”.
Trước tiên, tôi khẳng định, những người lên tiếng về các vấn nạn đương thời, phần lớn họ không những làm tốt việc của mình, mà còn hoàn thành xuất sắc hơn nhiều đồng nghiệp, chứ không phải họ bỏ bê chuyên môn. Nhưng, có đúng là “cứ làm tốt việc của mình, thì cả xã hội sẽ theo đó mà tốt lên” không?
Ví dụ, ngành giáo dục, nói một cách công bằng, rất nhiều thầy cô cống hiến tâm sức cho học trò với tất cả lương tâm nghề nghiệp. Nhưng, sự tận tuỵ đó có làm cho học trò bớt đi áp lực học hành không, có đem lại một chế độ thi cử ổn định tối ưu không, có giúp trẻ vùng cao khỏi bơi qua sông đi học không, có khiến cho tất cả trẻ em đều được ngồi trong những ngôi trường an toàn không? Họ không thể!
Trong ngành y tế, cứ cho rằng một bác sĩ tốt, không ăn hoa hồng từ các hãng dược, tay nghề cao, cứu sống nhiều người. Nhưng bác sĩ đó có làm nổi việc tạo điều kiện mỗi bệnh nhân một giường, có mua được những thiết bị y tế hiện đại để hỗ trợ khám chữa bệnh? Họ không thể!
Thế nên, mệnh đề này không ổn.

2. “Có giỏi thì làm thay họ đi”
Ơ. Bạn khôn thật hay giả vờ khôn đấy? Chúng ta è cổ đóng góp tiền thuế để họ ngồi đó làm việc. Khi không làm tròn trách nhiệm, thậm chí, gây họa cho cộng đồng, nhân dân được quyền chỉ trích, thậm chí đấu tranh đòi họ buộc phải rời vị trí đương nhiệm. Tôi không làm được việc họ làm, vì nó không thuộc về chuyên môn của tôi. Nhưng họ thì phải làm. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của họ khi ăn lương của dân. Chúng ta có quyền đòi hỏi họ phải làm cho tròn.

3. Môi trường bị huỷ hoại, bạn không nói gì, là quyền của bạn. Bạn cấm mọi người bày tỏ thái độ, và bạn dạy rằng cứ dọn sạch con ngõ nhà mình là bảo vệ môi trường rồi, đừng lên mạng để mà hô hào giả tạo. Ơ kìa. Ai nói với bạn rằng những người lên tiếng bảo vệ môi trường là không biết giữ sạch ngõ nhà người ta? Tôi nhắc bạn nhé. Một số khu chung cư cao cấp ở Hà Nội, phí dịch vụ, bao gồm cả vệ sinh, có khi cao hơn lương của bạn, nghĩa là điều kiện vệ sinh khó chê trách, nhưng họ vẫn bị hít chung bầu không khí nhiễm độc gấp nhiều lần cho phép đấy. Và bạn, bạn cũng cần ăn cá và nước mắm đấy.

Bạn im lặng, là điều đáng buồn với xã hội lắm rồi. Nhưng bạn lại muốn những người khác cũng lặng im như bạn, thì thật hết thuốc chữa!
Lại chuyện mang tính thời sự. Bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm quanh tôi, ít nhất đều có một người thân, quen đã hoặc đang mắc bệnh ung thư. Nhiều gia đình dốc hết gia sản mà tiền mất người đi. Khi tôi nói rằng, do thực phẩm không an toàn, không khí bị ô nhiễm, thì họ chép miệng, Trời kêu ai nấy dạ, là do số phận chứ sao người ta cũng ăn ở như mình mà không bị…thì quả tình, tôi không đủ kiên nhẫn để tranh luận. Có người hàng xóm, bố mới mất vì ung thư, trước vụ thuốc giả được cấp phép cho vào các bệnh viện lớn nhất nước, mà họ không một lời phẫn nộ, hay share một bài viết nào bày tỏ thái độ! Hỏi, Có đau đớn khi nghĩ đến người thân không? Có! Có bất bình không? Có. Vậy tại sao im lặng? Thôi. Người chết thì cũng chết rồi. Nói ra làm gì cho đau lòng. Tôi nghe vậy thì hoàn toàn tuyệt vọng!

Những lời dạy bảo, hoặc ngậm ngùi an phận như trên, gọi cho đúng, chính là sản phẩm của não trạng nô lệ. Không thể dùng từ nào khác. Nguỵ biện để ru ngủ mình. Nguỵ biện để bào chữa sự hèn nhược. Con vịt, khi bị cắt tiết, nó còn biết quẫy đạp, kêu quàng quạc lên. Huống chi…Thôi chẳng nói về nợ công. Chẳng nói về giá cả xăng, điện nhảy nhót điên rồ. Cũng chẳng nói về môi trường xa xôi nữa. Là con vịt hay con lừa, thì đích đến vẫn là lò mổ. Nhưng dù sao, tôi vẫn kính trọng con vịt hơn, vì khi bị vặt lông, nó biết kêu quàng quạc. Còn con lừa…con lừa…con lừa chỉ biết mỗi ngoan ngoãn. Khi bị xén trụi lông. Khi bị đưa vào lò giết mổ. Nó vẫn im lặng phục tùng. Biết đâu, nó còn hãnh diện vì nghĩ được xén lông, được giết thịt là tận hiến cho đời.
Đôi khi, ta gặp những con lừa không ăn cỏ.

Thảo Dân

3 nhận xét :

  1. Vẫn phải kêu huynh ạ -mặc dù kêu có vẻ như không ai nghe những vẫn phải kêu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng,đúng vậy,người dân phải lên tiếng để phản ánh tình trạng tiêu cực trong môi sinh cộng đồng để bảo vệ sự an toàn và chuyển hóa tích cực.

      Xóa
    2. Khi đọc bài này trên Fb,mình có ghi lại như sau:

      Cũng là tiếng chuông.Tiếng chuông chánh niệm làm cho người ta tỉnh thức.Tiếng chuông cầu an dễ làm cho người ta mê ngủ.Tỉnh hay mê,không phải do tiếng chuông,vạn pháp do tâm tạo.

      Ở trong "não trạng nô lệ" luôn có những lý lẽ góp phần cho XH trì trệ.

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!