Nhà văn Anh Ngọc |
TƯỞNG NIỆM 30 NĂM
NGÀY MẤT
CỦA LƯU QUANG VŨ
VÀ XUÂN QUỲNH.
Xin post tiếp bài thơ thứ hai của
Xuân Quỳnh do tôi viết lời bình và in đã lâu. Đây không phải là bài thơ hay nhất
nhưng là tiếng nói trực tiếp của Xuân Quỳnh về những gì tâm huyết nhất trong
trái tim mình – bài “Tự Hát”.
Xin mời quý bạn.
Anh Ngọc
TỰ HÁT
Thơ XUÂN QUỲNH
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu
tin
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tôi sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điếu không thể
nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng
có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không
còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi
rồi.
LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC:
Khi bình bài thơ "Hoa cỏ may”
cũng của Xuân Quỳnh, tôi có nói rằng, cũng như thơ ca cách mạng nói chung, thơ
của nữ thi sĩ này vẫn thuộc lối thơ sáng rõ và dễ hiểu, và còn nói thêm rằng đến
lúc bình bài “Tự hát” tôi sẽ chứng minh điều đó. Thì đây, bạn đọc có thể dễ
dàng thấy hầu như cả bài thơ này là một thứ ngôn ngữ rất gần với văn xuôi: cũng
một ít tả, một ít kể và khá nhiều triết lý... Chẳng hạn, ở hai khổ đầu, nhà thơ
lập luận về cái việc không muốn cho trái tim mình trở thành một thứ gì khác với
chính nó, dẫu cho thứ ấy có quý giá như vàng hay rực rỡ chói lọi như mặt trời .
. . Và cái lý chị đưa ra cũng đơn giản, thực thà đến ngộ nghĩnh: "Anh là
người coi thường của cải / Nên nếu cần anh bán nó đi ngay” . Ở hai khổ tiếp
theo, nhà thơ vẫn dùng một lối lý sự chặt chẽ như ngôn từ khoa học để nói cái
điều giản dị: tốt nhất trái tim cứ là trái tim. Nào là lý lẽ về phương diện
sinh lý của trái tim: biết làm sống lại những hồng cầu đã chết. Nào là lý lẽ về
phương diện hoạt động tinh thần: biết rút gần khoảng cách của yêu tin, biết
khao khát những điều anh ao ước, biết yêu anh và biết được anh yêu, và nhất là
cái câu nghe như bản thu hoạch chính trị này: “biết xúc động qua nhiều nhận thức”!
Phải chân thành đến mức... ngây thơ mới đặt bút viết một câu hồn nhiên toàn
khái niệm chay như vậy.
Xin được mở ngoặc một chút: Trong một
lần tham gia "Câu lạc bộ của những người yêu thơ” trên truyền hình, tôi đã
được nghe đến mấy bài thi bình bài thơ này của các em học sinh phổ thông trung
học, thấy các em tỏ ra rất hứng thú khi phân tích cặn kẽ đâu ra đấy, cứ như những.
. . bà cụ non về các lý lẽ của bài thơ. Các em hào hứng là có lý vì thứ thơ
sáng rõ và nhiều triết lý luôn là những bữa tiệc cho các thầy giáo và các em học
sinh yêu văn. Đối với thơ, điều ấy cũng đáng quý, nhưng có vẻ như chưa đủ. Chẳng
hạn, ngay với bài thơ này, hầu như các em đã nhất tề bỏ qua khổ thơ:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Ngồi bên tôi, nhà phê bình văn học
Lưu Khánh Thơ, một người thân của tác giả, nói khẽ cho tôi biết: Sinh thời,
Xuân Quỳnh thích nhất chính là khổ thơ trên đây. Tôi hiểu. Thế mới là Xuân Quỳnh,
mới không chịu lẫn vào cái dàn đồng ca bạt ngàn của thứ thơ chưa đọc đã hiểu -
"sắp sáng thì nghe có tiếng gà”. Mấy câu thơ trên cứ như lạc sang một giọng
khác, nó có làm cho các nhà bình luận lúng túng một chút nhưng vì thế mà đã cứu
cho cả bài thơ, hoặc nói chừng mực hơn: nó mở thêm một cánh cửa cho bài thơ vốn
chỉ có độc một cửa trên đây. Bởi vì, sau khi lý luận một hồi về giá trị đích thực
của trái tim bằng những lời lẽ đầy tự tin, tự tại... nhà thi sĩ chợt thấy hình
như trái tim có thật ở trong lồng ngực vẫn còn điều gì muốn nói, vẫn đập những
nhịp gì đó mà chính cái đầu tỉnh táo và sáng láng vẫn chưa hiểu hết. Điều đó
chính là một tâm thế âu lo, bất an vốn là bản chất của một trái tim đang yêu,
yêu đến đắm đuối. Những câu thơ trên kia đã để lộ thứ tình yêu đến mê muội đó,
khi người phụ nữ này nói về người yêu rằng "anh là người coi thường của cải”
, một lời khen hết sức có giá dành cho một người đàn ông - hoặc khi chị ước ao
"biết khao khát những điều anh mơ ước" thì thứ tình yêu ấy đã tiến đến
sự thành kính, sùng phục của một con chiên ngoan đạo. Chính vì quá yêu như vậy
mà trong lòng có sự bất an, nhất là khi tâm thế ấy lại có trong một trái tim
tinh tế và nhạy cảm. Và đến đây, để diễn đạt thứ cảm xúc quá tinh vi, nhà thơ
không thể nhờ cậy vào thứ ngôn từ duy lý rạch ròi như ở mấy khổ thơ kia nữa, chị
đã buột miệng cất lên thứ ngôn từ thuần tuý hình tượng, với những hình ảnh nửa
thực nửa siêu thực - những "bão mưa nhiều, những “cửa sổ con tàu chẳng
đóng, những "dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm" . . . những hình ảnh
mở ra như đe dọa, như dự báo bất thường, nó khiến con người bé nhỏ này hoang
mang mất cả phương hướng đến "lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh". Những
chi tiết thực của đời sống được dùng với phương thức biểu tượng có sức gợi và
ám ảnh đã mang lại cho thơ sức truyền cảm trực tiếp vào tâm thức chứ không còn
là thứ ngôn từ nặng chất khái niệm và được nói bằng cái đầu như ở trên kia.
Với khổ thơ này, Xuân Quỳnh đã làm
tươi xanh, đắp thêm da thịt cho bài thơ vốn mang nặng tính luận đề. Để từ đó
nhà thơ phát triển thứ ngôn ngữ hình tượng này sang khổ tiếp theo:
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn.
Và như một đoàn tàu đã lăn đúng đường
ray, nhà thơ yên tâm dẫn bài thơ về đến nhà ga cuối cùng đúng như lộ trình quen
thuộc, khi gióng lên tiếng còi khải hoàn sau chót bằng câu thơ rất giàu bản sắc
Xuân Quỳnh với lối bày tỏ quyết liệt và táo tợn đến bất ngờ:
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
Ấy là câu thơ có thể làm bất tử một
tình yêu, cũng như chính tình yêu đã bước qua đầu cái chết.
12 - 6 – 2001
Anh Ngọc
Nguồn: Từ Fb của nhà văn Anh Ngọc (Nguyễn Đức Ngọc)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!