BUỔI CHIỀU NẮNG HẠ
ĐỌC THƠ TUỆ SĨ
Phạm Công Thiện
Tôi đang ngồi nơi
giảng đường của chùa Diệu Pháp ở California tại Huê Kỳ, chung quanh đầy tiếng
chim kêu trên những cây chanh, những cây bằng lăng và những cây thông, cây tùng
và những bông mộc lan trắng đang nở đầy hàng cây trên đồi dọc theo đường thoải
xuống dưới kia thành phố Monterey Park.
Ngồi trên đồi cao nhìn ra xa có những
rặng núi “như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc”…
Tôi muốn giành buổi chiều ngày hạ
hôm nay để đọc lại thơ cua Tuệ Sỹ, một người bạn trẻ tài ba mà tôi đã quen biết
thân thiết từ lúc Tuệ Sỹ mới khoảng 19 tuổi; rồi từ năm 1966, từ Paris tôi trở
về Sài Gòn và ở lại cho đến năm 1970, trong bốn năm trời, dường như không có
ngày nào chúng tôi không gặp mặt nhau và chia xẻ vui buồn với nhau trên mọi
bình diện. Tôi lìa Việt Nam từ năm 1970 cho đến hôm nay, như thế có nghĩa rằng
24 năm nay tôi đã xa lìa Tuệ Sỹ và chưa được dịp gặp lại. Trong thời gian ấy,
Tuệ Sỹ bị Cộng Sản nhốt tù từ năm 1979 cho đến năm 1981, và sau cùng từ năm
1984 cho đến năm nay, mười năm liên tục, Tuệ Sỹ vẫn bị Cộng Sản nhốt tù và bị
xưủ tưủ hình, rồi giảm xuống chung thân hay hai chục năm cấm cố. Lần cuối cùng
tôi gặp Tuệ Sỹ thì Tuệ Sỹ mới 26 tuổi. Chiều nay, tôi giựt mình chợt nhớ rằng
năm nay Tuệ Sỹ đã 50 tuổi rồi. Thế thì không còn là chú tiểu Tuệ Sỹ mà là một đại
thượng tọa Thích Tuệ Sỹ! Dù trong cảnh tù ngục đói khổ trăm điều, thiền sư
thiên tài Tuệ Sỹ vẫn bất khuất và hùng khí vẫn ngùn ngụt cao ngất như đỉnh Trường
Sơn mà nhà thơ Tuệ Sỹ vẫn trọn đời ngưỡng vọng yêu thương trên những con đường
oanh liệt khai mở cho Sử Tính quê hương được vượt thoát ra ngoài chế độ Cộng Saủn,
cái chế độ hoang phế tàn tạ mà Tuệ Sỹ gọi là “tha ma mộ địa”. Chúng ta hãy lắng
nghe bài thơ “Ngục Tối” của Tuệ Sỹ:
Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn ta theo đốm lửa ma trơi.
Bốn câu thơ cuối đã nói hết tất ca
thế giới điêu tàn cua Cộng Sản Việt Nam hiện nay:
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi
Hai câu thơ cuối cùng của bài “Ngục
Tối” nói lên ý chí hực lưa đốt cháy tất cả gỗ mục của tâm thức hạ liệt:
Khi tâm tư vẫn chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời
Bốn câu thơ cuối của bài “Giao Hưởng
Bóng Tối” rực sáng lên đôi mắt trí huệ “đáo bỉ ngạn” của Tuệ Sỹ:
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỉ mị
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao
Tuệ Sỹ còn có những bài thơ ngắn
“Năm Tàn” mà âm vang phơi phới như ngọn gió rừng:
Lận đận năm chầy nữa
Sinh nhai ngọn gió rừng
Hàng cà phơi nắng lụa
Ngần ngại tiếng tha phương
(Năm Tàn)
Bài Trầm Mặc đưa chúng ta đi vào sự
trầm mặc ung dung, không hẳn bi quan và không hẳn lạc quan, coi cuộc đời “như
quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc: tất cả sự hiện khởi, tồn
tục và biến mất đều như vậy” (như câu kệ của Long Thọ mà Tuệ Sỹ đã trích dịch
trong quyển Triết Học Về Tánh Không của mình):
Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài
Xót xa đời khách lữ
Mệnh yểu thế mà hay
(Trầm Mặc)
Bài Thoáng Chốc ửng hiện lên âm hưởng
thơ mộng, huyễn, bào, ảnh của Kim Cương Kinh, phối hợp bình đẳng với lòng Đại
Bi sâu thẳm:
Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.
(Thoáng Chốc)
Tình yêu chỉ thực sự tình yêu, tình
người chỉ thực sự là tình người, vì trực thức rằng tất cả đều là khoảnh khắc
chiêm bao. Mỗi khi mình trực nhận rằng chính mình cũng là “khoảnh khắc chiêm
bao” thì sự bừng dậy tỉnh thức toàn diện vụt chợt tới và từ đó mình đứng dậy
lao thân vào hành động thuần túy của một bậc Bồ Tát để giải thoát con người ra
khỏi tất cả lao lung của đời sống. Tuệ Sỹ đã sẵn sàng đi vào tù để chuyển y tâm
thức khả dĩ phá tung tất cả tù ngục nhân sinh.
Chúng ta hãy đọc bài “Tôi vẫn đợi” cua Tuệ Sỹ:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sư
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bong
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về Cõi Mộng
Như sương mai như bóng chớp mây chiều.
(Tôi vẫn đợi)
Một bài thơ lục bát cuủa Tuệ Sỹ có
những câu khó quên:
… Sầu trên thế kỷ điêu linh
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu
Hận thù sôi giữa nắng chiều
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông
Khói mù lấp kín trời Đông
Trời ơi tóc trắng rũ lòng quê cha
Con đi xào xạc tiếng gà
Đêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh.
Bài thơ cuủa Tuệ Sỹ mà tôi yêu
thích nhất là bài “Một bước đường”:
Một bước đường thôi nhưng núi cao;
Trời ơi, mây trắng đọng phương nào?
Đò ngang neo bến đầy sương sớm;
Cạn hết ân tình nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi.
Cho hết đêm hè trong bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng Thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
Tôi không thể làm việc phê bình
thơ; tôi chỉ muốn cho Thơ của Tuệ Sỹ tự hiện diện từ chính nơi tự tánh cuủa Thi
Ca, không cần sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp cuủa một cái gì khác bên
ngoài, như chính Tuệ Sỹ đã tự nói trong hai câu đầu một bài thơ chữ Hán do Tuệ
Sỹ làm:
Tự tâm tự cảnh tự thành chương
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng
(Tác Thi Sự)
và Thi sĩ Vân Nguyên đã dịch:
Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức
hay dịch sát nghĩa:
Từ lòng mình, tự cảnh vật, tự thành chương cú
Tự đối mặt với những buồn vui rồi tự mình thưởng thức
Thay vì “chương cú” như Vân Nguyên
đã dịch sát nghĩa, tôi muốn dịch thoát trùng khơi là “chương khúc”… Nhưng Vân
Nguyên đã tài tình chuyển là “THƠ TỰ XUẤT”.
Mấy chục năm qua, Tuệ Sỹ đã làm rất
nhiều thơ, nhưng Ni Cô Tuệ Hạnh chỉ thu nhặt được mấy chục bài và cho in lại với
nhan đề thi tập là Ngục Trung Mị Ngữ, do Quaủng Hương Tùng Thư xuất bản. Đặc biệt
trong thi tập này có 18 bài thơ mà Tuệ Sỹ làm thẳng bằng chữ Hán, có một bài
làm xúc động tâm hồn tôi đến cực điểm, bài Cúng Dường:
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
Thượng Tọa Viên Lý dịch lại như sau:
Hai tay nâng chén cơm tù
Dâng lên từ phụ bậc thầy nhân thiên
Thế gian huyết hận triền miên
Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào.
Nhà thơ Vân Nguyên cũng có dịch như sau:
Dâng chén cơm tù lên
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian tràn oán hận
Ôm chén lòng khóc thầm.
Tất cả hành động chính trị thường
tình đều phiến diện; ý thức chính trị toàn diện chỉ được thể hiện nơi một con
người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư đạo sĩ vừa là nhà hành động nhập thế với
tinh thần “vô công dụng hạnh” của bậc Bồ Tát, hành động tích cực mãnh liệt toàn
triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng. Vì không tham vọng ích kỷ mù
quáng cho nên mới nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham,
sân và si của thế tục cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng. Làm chính trị mà biết mơ
mộng và sống thơ mộng, biết viễn ly và viễn mộng, khó thấy lắm trong lòng thực
tại bi đát cuủa quê hương hiện nay.
Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ
thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng,
Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn
diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê
hương.
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 50 năm của
Tuệ Sỹ, qua đài phát thanh Nhà Nước Úc Châu SBS, và nhờ lời mời của nhà thơ Ngọc
Hân, vị phụ trách chương trình Việt ngữ của đài SBS, tôi xin thân yêu gửi một
quà tặng bí mật đến thiền sư thi sĩ Tuệ Sỹ: tất cả năng lực tâm linh và tinh thần
của vũ trụ được súc tích cô đọng trong câu đại thần chú đạo sư Tây Tạng Liên
Sinh Bồ Tát: OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM!
California,
ngày 20 tháng 6, 1994.
Phạm
Công Thiện
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!