“Tình bạn có bộ mặt
thật hơn tình yêu, trong tình bạn sự bội bạc có, nhưng không nhiều. Tôi thấy
tình bạn quý hơn tình yêu, vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê
và phục sinh lại một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.”
Tình bạn, tình yêu và khoảng lặng
vi diệu
(Sư Ông Làng Mai)
Trong đạo Bụt chữ Từ Bi là thương
yêu bắt nguồn từ chữ Maitri và Karuna (tiếng Phạn). Maitri là Từ, Karuna là Bi.
Mà Maitri có nguồn gốc từ Mitra, có nghĩa là bạn. Người yêu của mình phải là bạn
mình, phải hiểu mình và mình phải hiểu người đó. Hai người đi như một đôi bạn
thì mình mới có hạnh phúc. Nếu hai người không hiểu nhau, không có sự thông cảm
nhau, nếu tôi không thể hiểu em, em không thể hiểu tôi thì cái đó có thể tạm gọi
là tình yêu, nhưng trong đó không có tình bạn, mà không có tình bạn thì không
phải là tình yêu đích thực. Vì vậy ai đang yêu thì nên đặt câu hỏi: “Trong tình
yêu này có tình bạn không?” Nếu không có tình bạn thì tình yêu này chưa phải là
tình yêu đích thực.
“Tình bạn có bộ mặt thật hơn tình
yêu, trong tình bạn sự bội bạc có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn
tình yêu, vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và phục sinh lại
một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.”
Tình bạn có công năng cứu chữa.
Đúng vậy! Một người bạn có thể cứu chữa cho ta mặc dù đã có lúc ta có rất nhiều
lầm lỡ. Dù ta đã sa vào hầm hố của khổ đau, người bạn của ta cũng có thể kéo ta
ra khỏi hầm hố đó. Có khi mình nằm trong vực sâu đen tối và người bạn đó tới thả
một chiếc thang dài xuống cho ta leo lên vùng chan hòa ánh sáng để tìm lại được
màu trời xanh và tiếng suối, tiếng chim. Khả năng cứu chữa đó là tình bạn. Và Đức
Bụt Thích Ca cũng có tình bạn, tình bạn rất lớn, tình bạn đó có khả năng cứu
chúng ta ra khỏi những trạng huống khó khăn tuyệt vọng. Nếu học theo được tình
bạn này thì chúng ta là sự nối tiếp của Đức Thế Tôn, và chúng ta có khả năng
đưa cánh tay của tình bạn ra để cứu giúp những người khác. Những giờ phút có thể
nói là hạnh phúc nhất của Trịnh Công Sơn là giờ phút ngồi với bạn, vì ngồi như
vậy thì không cần phải đối phó, không cần phải nói gì, không cần phải làm gì hết.
Sự có mặt của bạn bên mình đem đến cho ta sự an ủi, không cần phải giữ gìn,
không cần phải đối phó. Nếu anh có một người bạn như vậy thì quá quý. Trịnh
Công Sơn có một số người bạn như vậy nhưng sao anh lại cô đơn? Vì giây phút đó
ít quá, Trịnh Công Sơn đã nói như thế này:
“Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức
dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa.
Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là sự rối loạn mà
thôi”.
Trịnh Công Sơn nói, khi ngồi bên cạnh
một người bạn yên lặng không nói gì hết cũng giống như một dấu lặng trong âm nhạc.
Không nói gì mà hay hơn nói. Đoạn đó rất hay, tôi muốn đọc lại cho quý vị nghe:
“Có những sự có mặt của bạn bè
tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng
mang đến cho ta sự thoải mái, thảnh thơi tựa hồ như là niềm hoan lạc. Đó là những
trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng
câu chuyện gắng gượng và nhạt nhẽo”.
Trịnh Công Sơn đã có những giây
phút đó, giây phút ngồi với bạn mà không cần làm gì cả, chỉ để được nuôi dưỡng
bằng tình bạn. Tất cả chúng ta đều rất cần tình bạn như vậy. Sự ồn ào làm cho
Trịnh Công Sơn mệt mỏi dù sự ồn ào đó là để tán thưởng hay ca ngợi mình, cho
nên Trịnh Công Sơn rất cần những giờ phút yên lặng. Tuy nhiên Trịnh Công Sơn
chưa học được cách ngồi một mình để hưởng sự yên lặng, nên Trịnh Công Sơn cần một
người bạn ở bên cạnh, để cảm thấy mình hưởng được sự yên lặng. Chúng ta cũng vậy,
chúng ta đã học ngồi thiền, nhưng ngồi thiền một mình chưa thấy vui lắm. Ngồi
thiền thì đâu được nói chuyện thế mà ngồi ba bốn người vẫn vui hơn. Có phải như
vậy không?
Trong khi ta ngồi yên như thế, sự
có mặt của nhau nuôi dưỡng được tất cả mọi người trong đó. Có một lần ở tu viện
Cấp Cô Độc, trong khi các thầy đang chuẩn bị khóa an cư mùa mưa, thì có khoảng
ba bốn trăm thầy từ Kosambi tới. Gặp lại các huynh đệ mừng quá, nên các thầy
nói chuyện rất ồn ào. Ngồi trong phòng nghe ồn, Bụt hỏi thầy Xá Lợi Phất: “Có
chuyện gì mà ồn như cái chợ vậy? Thầy xá Lợi Phất trả lời: “Có một số huynh đệ
từ Kosambi tới; gặp nhau, mừng quá nên họ cười nói ồn ào, mất hết uy nghi, xin
Đức Thế Tôn tha lỗi cho họ.” Đức Thế Tôn bảo: “Không được, làm ồn như thế thì
phải đi chỗ khác tu học, không thể ở đây, tôi không thể ở chung với những người
ồn ào như vậy.” Ta thấy trong lòng đức Thế Tôn chủ yếu muốn dạy cho những người
đó nên Đức Thế Tôn nói không thể ở đây, phải đi chổ khác tu học. Sau đó thầy Xá
Lợi Phất ra báo tin cho các huynh đệ là “Đức Thế Tôn không muốn cho quý vị ở
đây, vì từ đầu giờ vào đây quý vị ồn quá làm mất không khí thanh tịnh của nhà
thiền.” Nghe thế quý thầy yên lặng, quyết định đi tới một địa phương khác gần
đó để an cư.
Trong suốt mùa an cư đó, các thầy
nhớ lời Bụt dạy không nói chuyện, không cười giỡn, người nào cũng hạ thủ công
phu, cho nên cuối mùa an cư họ chuyển hóa rất nhiều, mặt người nào cũng sáng rực
ra, nụ cười nào cũng rất tươi tắn. Sau mùa an cư họ muốn đến cám ơn Đức Thế Tôn
đã quở trách họ và nhờ lời quở trách đó mà họ tinh tấn hơn, nên đã thành công
trong tu tập. Thầy Xá Lợi Phất vào thưa với Bụt: “Bạch Đức Thế Tôn, các thầy đã
an cư xong rồi và họ muốn vào chào Đức Thế Tôn”. Đức Thế Tôn cho quý thầy vào.
Lúc đó khoảng 7 giờ chiều. Đức Thế Tôn chắp tay chào các thầy. Ba trăm thầy đó
với hai trăm thầy ở địa phương cùng ngồi với Đức Thế Tôn trong thiền đường rất
lớn. Thầy trò ngồi với nhau như vậy từ 7 giờ tối cho tới 12 giờ khuya. Ngồi yên
lặng không nói gì hết.
Thầy Anan, thị giả của Bụt, tới gần
Bụt và bạch: “Bạch Đức Thế Tôn, gần tới nửa đêm rồi, Đức Thế Tôn có dạy gì cho
các thầy không?” Đức Thế Tôn vẫn ngồi yên và thầy trò ngồi yên như thế cho tới
3 giờ sáng. Ngồi yên bên nhau, không nói gì hết, thầy Anan lại nóng ruột nên đến
bạch với Đức Thế Tôn một lần nữa:“ Ba giờ sáng rồi, Ngài có muốn khai thị cho
các thầy điều gì không?” Đức Thế Tôn vẫn ngồi yên với các thầy cho đến 5 giờ
sáng. Lúc này thầy Anan tới “Bạch Đức Thế Tôn, trời rạng đông rồi, Ngài có muốn
nói gì với các thầy không?” Đức Thế Tôn nói: “Thầy muốn tôi nói gì nữa. Thầy
trò ngồi với nhau như vậy chưa đủ hay sao.”
Thầy trò huynh đệ ngồi với nhau, thấy
được và trân quý sự có mặt của nhau là một hạnh phúc rất lớn, rất được nuôi dưỡng.
Tuy không có âm thanh nhưng giá trị bằng 10 lần âm thanh. Trong tác phẩm “Tỳ Bà
Hành” cũng có một câu nói tương tự “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.” Người nữ
đó đàn tỳ bà, có lúc nàng im bặt và trong thời gian im lặng đó, giữa hai nốt nhạc
rất hùng hồn, rất thấm thía. Còn hay hơn có âm thanh nữa.“Thử thời vô thanh thắng
hữu thanh.” Thử thời là bây giờ, vô thanh là không có âm thanh. Không có âm
thanh mà hay hơn là có âm thanh. Trịnh Công Sơn đã thấy được điều đó. Ngồi với bạn
bè không cần nói năng gì, chỉ cần có sự thông cảm và hưởng sự có mặt của nhau
là đủ rồi. Tôi nghĩ sự an ủi lớn nhất của Trịnh Công Sơn là những giờ phút ngồi
với bạn bè. Nhưng nếu bạn không biết ngồi chỉ biết uống rượu thôi thì những
giây phút đó không còn quý nữa.
(Trích từ pháp
thoại: https://langmai.org/…/binh…/noi-vong-tay-lon-trinh-cong-son/)
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chúc em luôn vui, khỏe.
Trả lờiXóaCảm ơn chị LH !
XóaChúc Chị an vui !
Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết rất hay và có nhiều ý nghĩa .
Trả lờiXóaChúc bạn luôn an vui và thanh thản .
Cảm ơn NT !
XóaChúc bạn hạnh phúc !
ND sang thăm anh Quỳnh,đọc entry thật ý nghĩa,cảm ơn anh đã chia sẻ,chiều an vui bên gia đình anh nhé!
Trả lờiXóahttps://api.ning.com/files/FmvIMF83yFBgzuyASFDwGkjxxXZGMMHnEPiU9lPbLXovF74ZLSPQpzB673wfMR1Hsmiqkv50-c8osohGKaXsNQwY0GUhkpa5/Flores11.gif
Cảm ơn ND !
XóaChúc em nhiều vui !