LÀM GÌ ĐỂ GIẢM ÁP LỰC VÀ SỢ HÃI?
Một đất nước mà giới lãnh đạo không có tầm nhìn xa (mặc dù trong các đề án đều ghi "tầm nhìn đến...") thì khi gặp sự cố, ắt gánh lấy một áp lực kinh khủng. Áp lực từ lãnh đạo sẽ đè lên người dân bằng các biện pháp trấn áp, tất yếu sẽ gieo rắc sự sợ hãi và biến người dân thành một dân tộc khiếp nhược.
Nhớ rằng tôi đang phân tích tâm lý nhân loại nói chung, không có ý đồ gì về chính trị đối với bất cứ thể chế nào. Khi phân tích tâm lý, hiển nhiên tôi cũng đã đồng cảm và chia sẻ áp lực căng thẳng hiện nay trong giới lãnh đạo các cấp.
Và bài này không chỉ nói về chuyện đại dịch, trong câu chuyện về y tế có cả vấn đề giáo dục và những vấn đề khác.
Đại dịch gây áp lực căng thẳng lên toàn cầu, không chỉ cho chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi tin chính phủ của các nước giàu có, văn minh không phải chịu một áp lực kinh khủng, mặc dù ở quốc gia đó, làm sai có thể bị cách chức, thậm chí bị lật đổ. Nhìn vào cách làm của họ, đủ thấy họ rất tự tin. Tự tin về cái gì? Về một chiến lược lâu bền để đối phó dài hạn với đại dịch. Phong toả, giãn cách với họ chỉ là biện pháp nhất thời trong thời điểm nóng. Đầu tư y tế dự phòng, giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, vaccine, thuốc men mới là giải pháp lâu dài và bền vững. Và hiển nhiên, với sự tự tin ấy, chính phủ đối xử với dân rất cởi mở, ôn hoà, tất nhiên cũng rất nghiêm minh theo luật. Đó là lý do, dân của họ không hoang mang, sợ hãi. Những nhóm người nhận thức và hành động quá khích ắt sẽ có đối thoại và dần dần đi đến thống nhất với tinh thần chung vì lợi ích quốc gia dân tộc. Mọi trấn áp chỉ làm nổ bùng xung đột và rối loạn thêm.
Không chỉ với đại dịch. Các biến cố khác như lũ lụt, động đất,... các chính phủ người ta cũng đã làm như vậy.
Không cần nói nhiều đến ta. Một nền tảng y tế yếu kém như tôi viết trong bài trước, những người có trách nhiệm phòng chống dịch, gồm lãnh đạo, các y bác sỹ không chịu áp lực căng thẳng mới là chuyện lạ. Và hiển nhiên, cái áp lực ấy buộc phải thực hiện những biện pháp mạnh như ngăn sông, cấm chợ, phong toả ráo riết, kể cả xử phạt nặng nề những sai sót, nhầm lẫn thường tình nhất của công dân. Chính áp lực như vậy đã dịch chuyển thành sự hoang mang, sợ hãi của người dân. Dân hoang mang, sợ hãi là điều tối kỵ trước biến cố, nhất là đại dịch. Và chính tâm lý khiếp nhược này là cơ hội để virus lây lan nhanh chóng. Dịch cũng giống như giặc, giặc chỉ mạnh lên khi tâm lý người dân rơi vào khiếp nhược.
Một giảng viên bày tỏ cảm xúc trước vấn đề an sinh của dân nghèo mà bị điều tra, bị đuổi việc thì có gây áp lực cho cả đội ngũ trí thức và dân đen phải sống trong sợ hãi và khiếp nhược không?
Thử ngẫm xem, ở một khía cạnh nhỏ là chuyện chữa bệnh thông thường. Người dân ta bị bệnh nặng lắm thì mới bất đắc dĩ chịu đưa đến bệnh viện. Ba tôi bị hen, nài nỉ mãi ông mới chịu đưa đi bệnh viện. Ông sợ hãi nói, đi sẽ chết ở bệnh viện, hãy để ông được chết ở nhà. Tâm lý sợ hãi này trong tôi cũng có. Cách đây khoảng 15 năm, tôi bị bệnh nặng, vợ đưa đến bệnh viện một lần tôi đã hoảng hốt và từng thề thà chết ở nhà chứ không nằm ở bệnh viện nữa. Nằm chung giường, có khi phải nằm dưới đất trong sự hôi hám bẩn thỉu của khoa lây. Trong khi ở xứ văn minh, được đến bệnh viện là niềm vui của bệnh nhân, dù bệnh nhẹ nhất. Bởi ở đó có phòng riêng, có sự chăm sóc tốt nhất.
Tôi từng có ý nghĩ này. Phúc lợi y tế là bình đẳng, vì thuế và bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với mọi công dân, hà cớ phải phân biệt giàu nghèo, "trung cao" và hạ lưu? Một lãnh đạo, dù là trung hay cao, như tình trạng y tế hiện nay, nếu mắc bệnh mà nằm chung giường với người nghèo, anh ta sẽ hiểu hơn thực trạng y tế của nước mình mà có quyết sách đúng. Còn có khu chữa bệnh riêng, ban chăm sóc riêng thì muôn đời anh ta chỉ nghĩ y tế của ta rực rỡ chưa bao giờ như bây giờ, và dân chúng còn sợ hãi bệnh tật, và cả sợ hãi bệnh viện, nơi lẽ ra là nguồn động viên và vui sống của người bệnh.
Chuyện nhiều người giấu bệnh, sợ đi bệnh viện hay trại cách ly hiện nay là do tâm lý ấy chứ bệnh viện hay trại cách ly cũng đã làm hết sức mình vì người bệnh.
Chuyện giáo dục cũng vậy. Để không mất thời gian bạn đọc, tôi chỉ đá sang một chút. Áp lực bệnh thành tích làm cho các quan gần như ứng xử bạo hành đối với giáo viên. Một cách quản lý hành hạ giáo viên với đủ thứ khuôn mẫu (cả bằng cấp, chứng chỉ) các loại trên trời dưới đất. Kết quả là giáo viên từ đối phó máy móc cho xong việc đến bạo hành con trẻ. Và đến lượt người học chỉ có sợ hãi và khiếp nhược. Tôi hỏi bạn tôi ở châu Âu, rằng con mày đi học có khóc và sợ hãi không? Nó bảo ngược lại, thứ bảy, chủ nhật bị nhốt ở nhà mới là nỗi ám ảnh của chúng. Đi học với trẻ con ở xứ đó là niềm vui. Tôi cay đắng nghĩ, trẻ con ở xứ ta nghe nói thầy ốm được nghỉ học là vỗ tay reo mừng. Thường thứ bảy, chủ nhật đang vui vầy với gia đình, nghe nói ngày mai đi học là bọn trẻ đã khóc trước. Nhà trường là thiên đường hay địa ngục của con trẻ vậy? Ai thử trả lời rõ ràng xem?
Tôi cũng từng nói, giống như y tế, giáo dục cũng là cái quyền lợi bình đẳng của mọi công dân. Hãy cấm ông Thống, ông Thuyết, những người làm chương trình và sách giáo khoa cho con cháu ra nước ngoài "tị nạn giáo dục", còn con cháu dân đen thì thành nạn nhân trong cách làm của họ. Nếu họ có con cháu mỗi lần đi học là khóc và khiếp nhược trước áp lực học bài trả bài, thi cử thì họ mới có thể có dự án cải cách đúng. Nếu không thì họ cũng luôn miệng cái điệp khúc: "Giáo dục ta chưa bao giờ có thành tích rực rỡ như bây giờ!"
Cuối cùng, cũng cần mở rộng ra chút nữa sang các lĩnh vực khác. Tôi nói nhanh qua một sự kiện năm trước ở Nhật. Tôi thật sự ngưỡng mộ chính phủ Nhật, rằng họ đã làm gì mà người dân Nhật say sưa làm việc đến mức làm quá giờ đến vài ba tiếng mà ít ai chịu về nhà. Đến mức Thủ tướng Nhật phải ra lệnh cấm người Nhật ở lại công sở sau giờ tan tầm. Con tôi làm tiến sỹ ở Pháp, nó được nghỉ phép với quyền lựa chọn nơi nghỉ dưỡng, nó ham việc không chịu đi nghỉ, và tất nhiên, bị nhà trường "cưỡng chế" phải đi nghỉ. Nghỉ để dưỡng sức và làm việc tiếp! Trong khi ở ta thì ngược lại. Làm việc như một áp lực vì miếng cơm manh áo, vì vị thế xã hội và kết quả là đối phó chiếu lệ cho xong. Đó là chưa nói, trí thức thì cóp nhặt, đạo văn cho nhanh thành giáo sư tiến sỹ theo chỉ tiêu, quan và dân thì lén lút ăn cắp cho nhanh để đạt thành tích xoá đói giảm nghèo. Một hệ thống vận hành như một cỗ máy vô hồn vô cảm. Không có động cơ trong sáng, không có tư duy và sáng tạo, trong khi cái phần mang tính người nhất thì lại bị đặt trong nỗi ám ảnh và sợ hãi vì, quan thì lo bị mất thành tích, dân thì lo bị trấn áp, trù dập.
Ấy đấy! Không chịu suy nghĩ thì mới thấy tôi nói quá, cực đoan chứ ai cũng có cái tâm lý trên như một thứ triệu chứng. Vậy thì cái gốc của vấn đề là giải toả áp lực của sự đối phó tình huống. Về y tế phải ưu tiên đầu tư lâu dài cơ sở hạ tầng, giường bệnh, thuốc men, dự phòng trước những tình huống khẩn cấp. Về giáo dục phải ưu tiên phòng học, trang thiết bị hiện đại, kể cả phương tiện đi lại như cầu cống ở vùng sâu vùng xa. Tiền không thiếu, chỉ vì tiêu không đúng chỗ vào các biệt phủ, vào chùa chiền, vào sân golf, tượng đài nên mới gọi là khó khăn. Ngay cả lúc khó khăn, thiếu thốn thì quan và dân cũng phải và càng phải bình đẳng, "hoà nước sông chén rượu ngọt ngào" (Nguyễn Trãi) thì mới có sự hoà điệu, chia sẻ với nhau. Khi dân trí đã khác, cần thay sự trấn áp bằng sự cởi mở ôn hoà, kể cả dẹp ngay thói áp đặt hay thậm chí ban ơn của bề trên dành cho kẻ dưới. Quyền lực được duy trì trong xã hội dân chủ là để phục vụ, không phải để trấn áp hay ban ơn. Chẳng phải lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong". Dân mà hoảng sợ, khiếp nhược thì những việc bé con hàng ngày cũng rối, huống hồ là chống dịch hay chống giặc!
Chu Mộng Long
Cám ơn em đã chia sẻ.
Trả lờiXóaChúc em luôn vui,khoee3.
https://1.bp.blogspot.com/-pdhw7FNwWWw/XVrWmF1ud2I/AAAAAAAAK9A/OyvdF-Um99wSUhqo50AaXhL8ct7AgvV-ACLcBGAs/s320/l3.gif
Cảm ơn chị LH.
XóaKính chúc Chị an mạnh.