Tuyển Tập THƠ XƯỚNG HỌA
Cao Mỵ Nhân&Trịnh Cơ(P.3)
Tiếp
tục kính mời quý Anh Chị cùng Quỳnh đọc vài câu thơ hay trong 2 bài xướng của
anh Trịnh Cơ và 2 bài họa của chị Cao Mỵ Nhân.
Trong bài Bên Sông Lạnh của anh Trịnh
Cơ có 4 câu sau(luận&kết):
Mưa vẫn mưa hoài mưa chẳng dứt
Gió còn gió mãi gió không tan
Đây miền Tây Bắc trời chưa sáng
Trên bến sông chờ chuyến quá giang.
(Bên Sông Lạnh,TC)
Điều đầu tiên rất
dễ nhận ra,anh Trịnh Cơ dùng kiểu Liên Miên Đối để dẫn chúng ta vào trong “bát quái trận đồ”,chính bản thân
anh TC chưa tìm ra lối thoát.Ai cũng cảm được cái nghịch cảnh đang kéo dài lê
thê,dằng dai vượt quá sức chịu đựng của con người.”Mưa chẳng dứt” và “gió không
tan”,bầu trời u ám vây bủa bóng cô lẻ bên sông.
“Đây miền Tây Bắc
trời chưa sáng”.Một nơi chốn,một địa danh được xác định cụ thể.Thực,rất thực.Và,suy
luận bắc cầu,con người với cảnh ngộ bi đát không phải là sản phẩm hư cấu.”Trời
chưa sáng”,không phải đang ở trong đêm,nếu ở trong đêm thì ngày nhất định phải
tới.”Trời chưa sáng” là đang ở trong ngày,trong tháng,trong năm…triền miên mưa
gió khuất lấp cả ánh mặt trời.Mù mịt đến ngợp lòng!
“Trên bến sông chờ
chuyến quá giang”.Tuy gọi là “bến”,nhưng cũng chỉ là lối mòn với vạt cỏ úa của
lữ khách lỡ đường,dừng chân chờ chiếc xuồng hay con đò tốt bụng,sẵn lòng đưa
qua sông.Chủ thể(nhân vật trong thơ,tác giả) muốn qua sông,nhưng tự mình không
đủ điều kiện.Nơi đang chờ,không có cái bến quy mô được xây nên với những phương
tiện đưa rước,người khách đến trả tiền và qua sông.Với xã hội tiêu dùng luôn sẵn
các dịch vụ.“Quá giang” chẳng thể định giá bằng đồng tiền.Ôi thân thương,quê
hương Việt Nam đã có một thời như thế.
Cô đơn và bất lực trước hoàn cảnh
thật khó để xoay chuyển.Ai cũng mong muốn tương lai tươi sáng.Cũng chẳng ai muốn
ngồi chờ đợi sự tốt lành đến với mình.Đã dốc sức,đã tận lực rồi.Lẽ nào…?!
Kính mời quý Anh Chị đọc 4 câu
trong bài họa Xuân Xa Xứ của chị Cao Mỵ Nhân.
Xuân chưa thật đến giàn hoa tủi
Tết vẫn còn vương xác pháo tan
Sông núi lưu vong thường ấm lạnh
Làm sao đại hải gọi trường giang…
(Xuân Xa Xứ,CMN)
“Xuân chưa thật đến giàn hoa tủi”,đọc
thoáng qua thấy Giàn hoa tủi khi xuân chưa đến là chuyện quá ư bình thương.Đọc
tiếp,”Tết vẫn còn vương xác pháo tan”.Bỗng,giật mình đánh thót,đến thảng thốt,đến
choáng váng.Tết vừa mới qua rồi,xác pháo tan còn vương vãi đó.Vội quay lại chộp
lấy chữ “THẬT” đưa lên kính hiển vi mà nhìn ngắm,đưa lên cân tiểu ly để định lượng.Vậy
là xuân đã đến rồi,tết cũng đã qua rồi.Xuân Đã đến,nhưng chưa Thật đến.Với cánh
én chao liệng,với nắng ấm,với trời trong xanh hơn…Có nghĩa gì khi xuân chưa Thật
đến trong Lòng.Hoa dẫu có nở,có biếc xanh.Hoa nở cho ai? Lại tàn trong vắng lặng.Tủi!Cụ
Nguyễn Du xưa cũng đã từng”Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
“Sông núi lưu vong thường ấm lạnh”Sông
núi có thể ấm lạnh theo sự biến đổi thời tiết,chứ sông núi sao lại lưu vong được.Vâng,chính
con người lưu vong mang theo sông núi trong tâm khảm.Sông núi vẫn đang ấm lạnh
cùng nỗi niềm của người con xa xứ,ấm lạnh cùng thời tiết chính trị đang biến động.
“Làm sao đại hải gọi trường giang”.Thông
thường phải vượt thoát ao tù để ra sông dài đến biển rộng.Biển rộng,trời cao
con cá con chim cũng muốn.Con người với khát vọng tung hành được thỏa chí.Ở
đây,“đại hải” là nơi chốn không bờ không bến,lòng người hoang mang không biết sẽ
về đâu.Có đến được bến bờ yên bình?hay sóng gió đắm chìm ngoài biển cả một
mình?Từ ngoài đại hải xa khơi triền miên vọng vang tiếng gọi “trường giang” mong
chờ một lần hồi đáp,một lần nhìn thấy tín hiệu hải đăng để định hướng cho con
thuyền trôi dạt.Nhưng,làm
sao đại hải gọi được trường giang,làm sao tìm được con đường để về bến?Một câu
hỏi biểu thị sự hoang mang,một niềm băn khoăn thường trực.
Tâm trạng của những người con rời bỏ
quê hương,sống lênh đênh bấp bênh nơi chân sóng đầu gió là vậy.Ai thấu hiểu?!Thời
gian đang làm nên sự phân hóa càng thêm chua xót!
(Còn tiếp)
Lý Đức Quỳnh
21/7/2020
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!