Thi tập THƠ XƯỚNG HỌA
CAO MỴ NHÂN & TRỊNH CƠ
Tôi
quen biết nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân (Hoa Kỳ) và Trịnh Cơ (Pháp Quốc) cũng đã được
mấy năm, khởi đầu từ trên những diễn đàn Đường Thi xướng họa. Tôi rất quý mến
và ngưỡng mộ họ, và tôi cũng biết, cả hai đều từng là quân nhân Việt Nam Cộng
Hoà, là anh kiệt và anh thư phục vụ nước nhà từ trước 1975 cho đến ngày tan đàn
xẻ nghé.
Nhà
thơ đàn chị Cao Mỵ Nhân thì tôi đã có dịp gặp mặt về sau tại Văn Thơ Lạc Việt,
San Jose, Hoa Kỳ. Chị nhìn hiền hoà, rất trang nhã, nhưng ít nói, nét mặt có
chút nghiêm nghị và hơi... kỳ bí, kỳ bí như những vần thơ du dương nhưng đầy ẩn
ý ẩn tình của chị. Tôi thích mê sự kỳ bí
ấy, cũng thích mê sự phong phú về chữ nghĩa của nhà thơ, và niềm mê thích này
đã làm cho tôi đôi khi xúc động tận tâm can chỉ vì đọc được một vài câu độc đáo
trong các bài thơ của chị. Mỗi lần đọc thơ Cao Mỵ Nhân tôi thường hay nghiền ngẫm,
tìm tòi, để nhận chân và thưởng thức cho kỳ hết những tinh tuý của bài thơ trước
khi đặt bút đáp họa.
Riêng
về thi sĩ Trịnh Cơ thì tôi chỉ gặp anh qua... bóng. Trong tấm hình, có một chiếc
bóng nhìn từ phía sau lưng, dáng người dong dỏng cao với mái tóc hoa râm đang
bước độc hành trên con đường dài hun hút tận bên trời Paris, Pháp Quốc. Dù với dáng vẻ cô đơn lẻ loi ấy, nhưng tâm hồn
Trịnh Cơ lại chất chứa ngập tràn những búp nụ, những mầm thơ mượt mà, ngào ngạt
hương thơm. Dù chưa bao giờ diện kiến,
nhưng tôi luôn thích đọc thơ của thi sĩ và cố gắng họa lại bài xướng của anh mỗi
khi chúng xuất hiện trên các diễn đàn nếu tôi có thời gian.
Trên
các diễn đàn, hai nhà thơ nổi trội Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ vẫn thường xuyên xướng
họa cùng chúng tôi trong vẻ vô tư. Nhưng tôi thật bất ngờ, bất ngờ đến giật cả
mình, khi hôm nay nhận được tập thơ mà hai vị đang chuẩn bị in chung. Bao ý
nghĩ ngộ nghĩnh chợt nảy ra trong đầu tôi, như có lẽ họ đã từng là một cặp
“thanh mai trúc mã” ngày xưa, từng bị cách chia kẻ chân trời người góc bể vì
quê hương loạn lạc bây giờ gặp lại, có lẽ vì sự trắc trở ấy đã khiến cho hai
tâm hồn xao động nên ý thơ mới ngùn ngụt, hồn thơ mới dạt dào, và tình thơ mới
lai láng đến thế. Lòng rộn ràng với những
ý nghĩ tò mò đầy thú vị đó, tôi vội buông bỏ tất cả mọi thứ bận rộn đời thường
để mở tập thơ ra mà nghiền ngẫm, mà thưởng thức một cách... “triệt để.”
Thấy bài thơ đầu tiên “ANH VÀ 2019”
là của thi sĩ Cao Mỵ Nhân, tôi cười thầm trong thích thú. Nhà thơ Trịnh Cơ hiện
đang sống ở phương Tây nên thực hiện đúng cái câu “Lady’s First,” phụ nữ luôn
ưu tiên số một, để nhường nữ thi sĩ “ra tay trình làng” trước, chứ không phải
như phong tục Á Đông mình, đã xem thường thân phận cánh quần thoa, lại còn cho
là “Phụ nhân nan hóa,” phụ nữ không dễ gì dạy dỗ, cảm hóa được, và mỗi khi ra
đường, người đàn bà thường phải đi phía sau để cho phù hợp với câu “Núp bóng
tùng quân” cổ hủ.
Bài
đầu tiên trong thi tập, “ANH VÀ 2019,” là bài thơ Lục Bát Cao Mỵ Nhân viết lúc
đón Giao Thừa, khi thi sĩ đang ngồi cùng “người ấy” (hay tưởng tượng có người ấy
ngồi cùng) nhìn TV chờ đếm phút quả cầu Chào Mừng Năm Mới vỡ tung, nhưng trong
lòng không có chút hơi hướm mừng vui hạnh phúc vì được đón Giao Thừa, mà lại chứa
đựng ngập tràn tâm tư sầu nhớ. Hình ảnh
sống động nhất tác giả cho thấy trong bài thơ, là nữ thi sĩ đưa tay chặn lên
trái tim lúc trái cầu sắp vỡ và nhìn vào TV thấy trời đêm rõ ràng nhưng lại
không thấy cố quốc nơi đâu. Nỗi niềm thương nhớ về quê Mẹ Việt Nam trong thời
điểm giao Xuân của người con ly hương đã gói trọn vào mấy câu thơ làm xao động
lòng người:
“Ở đây không có... Việt Nam
Quả cầu quê mẹ cơ hàn héo khô
Trái tim thất nhịp mơ hồ
Đêm đen đổ xuống nấm mồ giao xuân...”
(Anh Và 2019 – CMN - tr. 12)
Người
ta nói, thơ Lục Bát dễ làm nhưng làm rất khó hay, và họa thơ Lục Bát thì lại
càng không dễ. Chữ nghĩa cần phải lưu loát mượt mà, ý tứ phải sâu xa, và vần điệu
phải phù hợp mới là một bài họa hấp dẫn khiến độc giả chăm chú thưởng thức; và
quan trọng nhất là, phải tránh tình trạng làm thơ Lục Bát đọc lên nghe như…ca
dao, khiến người ta chỉ lướt phớt qua rồi đánh giá bài họa có đúng vần đúng luật
hay chăng. Ở đây chúng ta có thể thấy nữ
thi sĩ Cao Mỵ Nhân gặp phải “Kỳ phùng địch thủ.” Nhà thơ Trịnh Cơ đã gom được đủ
các yêu cầu ấy trong bài họa “2019 ĐỐI MẶT.”
Chưa kể đến những đối đáp xướng họa khá lý thú trong khổ thơ đầu về chuyện
cả hai mơ ước cùng ngồi bên nhau, cùng đưa tay đặt lên tim khi nhìn TV trong giờ
Giao Thừa chỉ thấy bầu trời đêm, và đôi bên người thì “xin còn mãi nhau,” kẻ hứa
“sẽ còn với nhau,” xin mời quý vị cùng thưởng thức vế họa tuyệt vời của thi sĩ
Trịnh Cơ, cũng bày tỏ cái tâm trạng đau buồn vì mất quê hương trong giờ Trừ Tịch
cùng với thi nhân:
“Nhìn kỹ... đâu có Việt Nam
Đêm đông lạnh lẽo nỗi hàn lạnh khô
Cây kim đếm nhịp đồng hồ
Như là đưa tiễn đến mồ ngày Xuân”
(2019 Đối Mặt – TC- tr. 13)
Tiếp theo, trải dài, xuyên suốt hơn
phân nửa tập thơ là phần xướng họa “Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ. Hai thi nhân với hồn thơ lai láng cứ thế mà
thoải mái vung bút trải vần, xướng họa với nhau, chữ nghĩa giao duyên, ý tình
hòa điệu, phát họa lên những đường nét sống động, bừng sáng từng chữ từng câu
trên từng trang sách gọi mời, khiến cho người đọc mãi mê theo tiếp hết bài này
sang bài khác, không thể dừng lại. Mời bạn
hãy xem, bài Lục Bát 4 câu rất mượt mà “Bên Đó” của Cao Mỵ Nhân gửi gắm những lời
thương nhớ, lo âu, và nỗi buồn đến thờ thẫn:
“Sao mưa lại lạnh trời thu
Khiến người bên đó thương ru bên này
Mưa đêm thấm ướt hồn say
Người bên đó ngó mưa bay thẫn thờ...”
(Bên Đó - CMN – tr. 14)
Thì
tiếp theo ngay, bài họa “Bên Này” của Trịnh Cơ cũng làm cho trái tim ai trật nhịp:
“Giọt mưa rỉ rả đêm Thu
Nhớ người bên đó lời ru luống này
Mơ màng trong giấc mộng say
Nửa đêm nghe tiếng lá bay ơ thờ.”
(Bên Này – TC – tr 15)
Thơ Lục Bát đã hay đến vậy, đọc những
bài Đường Thi xướng họa của hai nhà thơ lão thành càng khiến tôi như bị lạc vào
“mê hồn trận.” Đọc một hồi những bài thơ kế tiếp, tôi đột nhiên…nín thở, khi mắt
chạm vào bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú “Mảnh Trăng Thơ” của thi sĩ Cao Mỵ
Nhân. Chỉ hai câu mở đầu thôi đã có thể
nói là tuyệt tác, và tôi bị chấn động tận tâm can, “Từ lâu, để mực đọng nghiên
vàng/Bút cũng âm thầm ngại điểm trang.” Một sự ví von tuyệt hảo! Lời lẽ tuy đơn
giản nhẹ nhàng nhưng thật thâm thúy, làm cho người đọc cảm nhận được đây là những
tiếng than xé lòng của kẻ cô đơn. Mực đã bị bỏ đọng bơ vơ ở nghiên vàng, thì
bút còn điểm trang để làm gì cơ chứ! Hai cặp đối cũng thật tuyệt vời, nhưng tôi
phải giữ lại để cho độc giả tự mình thưởng thức mới là thú vị. Chỉ xin chia sẻ cùng quý vị nơi đây hai câu kết,
vì hai câu này đã làm tăng thêm phần đặt sắc cho bài thơ. Bơ vơ thì mặc bơ vơ,
tác giả tự nhủ, ta cứ vui cứ đối bóng với thơ, để rồi còn tìm cách bay theo
trăng để đi xé nửa cái thiên đàng đã mất. Tự cổ chí kim, chỉ mới có Thi Tiên Lý
Bạch đời Đường bên Tàu nhảy xuống sông để vớt trăng lên, giờ đây lại có thi nữ
Việt là Cao Mỵ Nhân đòi theo trăng đi xé nửa cái thiên đàng. Những điều kỳ thú
ngoạn mục như vậy chỉ có những nhà thơ “siêu việt” mới tính làm, hoặc nghĩ ra!
“Thì cứ cùng thơ vui đối bóng
Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.”
(Mảnh Trăng Thơ – CMN – tr. 73)
Riêng bài họa của nhà thơ Trịnh Cơ
“Nhớ Cảnh Trường Xưa” trong trường hợp này, tuy không đáp ứng với ý nghĩa của
bài xướng, mà chỉ là họa nương vận, nhưng cũng phải kể là một bài họa hay. Trong khi bài xướng của Cao Mỵ Nhân chứa đầy
lãng mạn về tình yêu nam nữ, than thở với bút nghiên, với trăng và thơ, thương
mây khóc gió cho sự bơ vơ…, thì bài họa của Trịnh Cơ cũng tràn ngập sự nhớ
nhung tiếc nuối, nhưng mà là nhớ về tình yêu đất nước, về một thời được đào tạo
dưới mái trường quân đội với những bước chân “ắc ê” gọn gàng, và những chuyến hải
hành bảo vệ quê hương. Để rồi cuối cùng thi sĩ thốt lên tiếng than:
“Nước non xả tắc thời vi diệu
Nay chẳng còn đâu chốn địa đàng.”
(Nhớ Cảnh Trường Xưa – TC – tr.
74)
Bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt vận trắc
“Nỗi Buồn Vô Cớ” của thi nữ Cao Mỵ Nhân dưới đây cũng đưa người yêu thơ vào một
khung trời đầy mộng ảo, “Có những nỗi buồn vô cớ lắm/Mà sao thổn thức đến trăm
năm.” Đã làm người thì ít nhiều gì ai cũng có những tâm sự thầm kín. Chắc độc
giả sẽ đồng cảm khi được nhà thơ “nói giùm” giải bày giùm cho những băng khoăn,
những nỗi buồn âm ỷ đang giấu giếm trong lòng, và sau cùng thì …xúi người ta thổ
lộ:
“Thì cứ tự nhiên ngồi thổ lộ
Tỏ bày như chẳng có chi ngăn
Tỏ bày tình tiết sầu thương đó
Khổ luỵ trong tim nức nở thầm…”
(Nỗi Buồn Vô Cớ - CMN – tr. 93)
Và để đáp lại nỗi niềm của thi nhân,
Trịnh Cơ đã họa bài “Buồn…Cũng Vậy Thôi” thật duyên dáng trữ tình, để bày tỏ với
đối phương, rằng thì là bên nớ chỉ có những nỗi buồn, nhưng bên ni là cả vạn điều
buồn, chúng cứ mãi đong đưa trên hố thẳm, rồi “Khi sầu khi chán lại như câm” mà
thi nhân không thố lộ nên nào ai hay biết,“Ta giữ trong tim không hé lộ/Ai nào
có biết để can ngăn…”(Buồn…Cũng Vậy Thôi – TC)
Đây quả thật đúng là tri kỷ.
Đặc biệt, bài thơ thể tự do Ngũ Ngôn
“Viết Sau 10:00 PM” của Cao Mỵ Nhân cũng làm tôi xao xuyến. Nhà thơ đã trải
lòng, trút cạn nhớ nhung vào thơ lúc 10 giờ khuya, cùng tâm sự với những con
chim biển cũng đang cô đơn giữa màn đêm, và nghe được chúng thốt lên những tiếng
kêu thầm hò hẹn trong tuyệt vọng.
“Em cũng như chim biển
Cô đơn giữa thế gian
Chim kêu thầm hò hẹn
Nỗi u tình chứa chan…”
(Viết Sau 10:00 PM – CMN – tr.
125)
Người ta nói “Thần giao cách cảm” có
lẽ chính xác nhất để dùng trong trường hợp này.
Thì ra từ chốn xa xăm chàng thi nhân kia cũng đâu có ngủ được lúc 10 giờ
đêm. Ta hãy nghe Trịnh Cơ tâm sự cùng nàng thơ nơi viễn xứ trong bài họa “Đêm Về”,
“Tiếng chuông gõ 10 giờ/Sao cứ còn thương nhớ,” và “trần tình” rằng vì thi sĩ vẫn
còn yêu biển, yêu nguồn vui thế gian, nên đã quên lời hẹn ước, tuy vậy tình yêu
say đắm thì vẫn mãi chan hòa:
“Ta vẫn còn yêu biển,
Nguồn vui giữa nhân gian,
Cứ quên lời ước hẹn.
Tình yêu vẫn hòa chan…”
(Đêm Về - TC – tr. 127)
Qua
nhiều năm cùng theo đòi xướng họa trong các diễn đàn thơ, tôi đã thưởng thức đủ
các thể loại mà nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã sáng tác. Bài thơ 8 chữ “Trái Tim Lửa”
này cũng là một trong các bài thơ tự do đặc sắc của thi nữ. Lúc này trái tim
yêu của thi nhân hừng hực bốc cháy vì tình, cho nên mặc kệ những chông gai, mặc
kệ bao trở ngại, nàng thơ chỉ thấy “Xuân sẽ đến bốn mùa đều tươi thắm/Đẹp hồn
ta đang bốc cháy hoang sơ.” Thông điệp gửi đi cho người trong mộng thật dạt
dào, chất chứa ngập lụt say mê, chờ đợi chỉ cần một tiếng hót khẽ của loài chim
quý là sẽ được cả trái tim nàng:
“Nhưng Chim Quí một lần thôi hót khẽ
Ta tặng người nguyên vẹn trái tim thơ...”
(Trái Tim Lửa – CMN – tr 136)
Đáp
lại khối tình “bốc lửa bốc khói” này, chàng thi sĩ cũng đâu có kém. Bài họa “Về
Nghe Cô Đơn” của Trịnh Cơ càng chất chứa lắm nỗi niềm. Chàng còn “bạo gan” nhắc
lại chuyện xưa, cái thuở cùng nhau bàn tính “Chuyện ngày ấy bàn về ăn trái cấm/Ở
Thiên Đường cây đẹp, lá nghiêng chờ.” Nhưng cuối cùng rồi mấy lời trách cứ cũng
được trao lại cho ai kia:
Nhìn xuống dưới, âm thầm rơi giọt lệ
Lụy trần ai khiến ta phải ơ thờ
Quay trở lại hầu nghe lời kể lể
Tình bay xa, còn lại mấy câu thơ...
(Về Nghe Cô Đơn – TC – tr.137)
Sự
sắp xếp trong thi tập này thật là thú vị, quá bán trong phần đầu là những bài
thơ Cao Mỵ Nhân xướng – Trịnh Cơ họa. Đọc
một hơi, thưởng thức hết phần đầu thì tiếp theo phần sau đổi ngược lại Trịnh Cơ
xướng – Cao Mỵ Nhân họa. Dòng thơ trữ
tình, mượt mà, nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm riêng của thi sĩ Trịnh Cơ lâu
nay cũng rất được các nhóm xướng họa bạn bè chúng tôi yêu thích, không kém gì nữ
sĩ Cao Mỵ Nhân. Thi sĩ Trịnh Cơ rất “có duyên” với thơ tứ tuyệt, lời thơ giản dị
không gút mắc, nhưng ý tứ rất phong phú, làm xúc động người đọc, cho nên thơ của
anh cũng đã được nhiều người đáp họa. Bài thơ “Biết Đâu” đong đầy cảm xúc của
Trịnh Cơ sau đây khiến những người đang yêu phải chạnh lòng xót xa. Chàng cùng
người ấy lâu lâu mới gặp một lần, nhưng có nỗi đau nào hơn khi “Nụ hôn vừa dứt
rồi ly biệt/Ở cuối chân trời giấc mộng tan.” Sự xa cách như thế đã khiến cho
nhà thơ e ngại. Chúng ta hãy đọc những lời lo âu khắc khoải của chàng, “Đâu biết
lần này sẽ gặp nhau/Còn yêu tha thiết tựa ban đầu?” và:
“Hay là hờ hững như người lạ
Để lại cho anh cả mối sầu!”
(Biết Đâu – TC – tr. 155)
Và thú vị vô cùng, nàng thơ Cao Mỵ
Nhân đã vội vàng đáp lại bài họa ngọt ngào, “Đành Thôi” với những lời cảm
thông, trần tình, vỗ về “ai kia,” bỡi vì không hợp mới tan, “Kẻ ở người đi ôi
giã biệt/Bởi không hợp được mới đành tan.” Và:
“Hoàng hôn cũng nguội theo tình lạ
Tuổi tác đầy thêm mộng mị sầu…”
(Đành Thôi – CMN – tr. 156)
Bài thơ “Có Ai” của thi sĩ Trịnh Cơ
tiếp theo đây nói lên nỗi niềm cô độc làm cho người ta phải xót xa. Một người
có cuộc sống mà muốn “Nói chuyện... tâm tình chẳng có ai/Đêm đêm trằn trọc suốt
canh dài” thì quả là buồn vô kể. Lời thơ như nức nở, ý thơ như trách móc ai đó
sao nỡ đành “bỏ ta một mình,” và một chút ước mơ được có người bên cạnh:
“Bởi ta đang sống đời hiu quạnh
Thiếu vắng ai bên cạnh, đỡ sầu.”
(Có Ai – TC – tr. 157)
Tuyệt thay, đàng này bài “Có Ai” của
Trịnh Cơ than thở bị bỏ cô đơn, thì đàng kia, Cao Mỵ Nhân đã trải lòng cảm
thông thay cho “ai đó” của nhà thơ, bằng bài họa “Vẫn Ông” rất duyên dáng, thêm
chút dí dỏm, nhưng có thể thấy trong lời thơ ẩn hiện chút …hờn ghen nhè nhẹ rất
dễ thương. Bởi vì ngày xưa bay bướm quá, đa đoan quá, có cả chục giai nhân
quanh mình, cho nên bây giờ…ráng chịu chứ than thở mà làm chi:
“Giờ thì đầu bạc trắng hơn xưa
Cả chục giai nhân bỗng ngó hờ
Bởi lẽ đa đoan nên khổ luỵ
Đâu còn thanh thản mà làm ngơ”
(Vẫn Ông – CMN – tr. 158)
Thi sĩ Trịnh Cơ từng là một sĩ quan
Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bài thơ “Lời Cuối” của anh tôi đọc mà
rưng rưng cảm phục. “Tôi chết đi… xin chớ phủ cờ.” Đây là lời di chúc, dặn lại
khi thi sĩ mất đi thì không nên phủ cờ Quốc Gia như bao người vẫn làm lâu nay
nơi hải ngoại. Dù vận nước đảo điên là
do thế cuộc tạo nên, chứ quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa chúng ta thuở ấy
vẫn một lòng chiến đấu rất anh dũng, thi sĩ vẫn cho rằng mình không làm tròn
viêc giữ nước nên không xứng đáng, mà chỉ có những người vị quốc vong thân mới
xứng đáng được phủ cờ:
“Phủ cờ cho kẻ đáng tôn vinh
Ngã gục thân trai, hiến phận mình
Bỏ mạng sa trường cho đất nước
Đã bao cay đắng lúc đăng trình…”
(Lời Cuối – TC – tr. 169)
Nhà thơ Cao Mỵ Nhân cũng từng là một
sĩ quan QLVNCH. Cho nên bài họa “Vàng Sắc Nhớ” của chị là một đồng cảm, kiêm ý
trách móc những kẻ đã bỏ lại thành xưa bóng cờ tổ quốc, nhưng rồi lại quên bẳng
đi, để mãi lơ ngơ với dáng vẻ phạc phờ của người không biết đâu là quê hương.
Dù ai có quên, nhưng nhà thơ thì vẫn nhớ, vẫn giữ lại vuông cờ khi giã từ trận
mạc:
“Giã từ trận mạc giữ vuông cờ
Hiu hắt vàng hong nắng nhuộm tơ
Bạn hỏi buồn thương xa đất tổ
Chứa chan tình nghĩa chẳng phai mờ...”
(Vàng Sắc Nhớ - CMN – tr.170)
Bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú
của nhà thơ Trịnh Cơ “Tàn Đông” là một bài thơ buồn, nhưng chữ nghĩa lại xôn
xao tràn đầy cảm xúc. Đó là nỗi u buồn bất chợt, chính thi sĩ cũng “Không biết
vì đâu cảm thấy buồn.” Hai câu thực đã làm cho hồn tôi xao xuyến. Cái hình ảnh
sống động trước mắt với đàn chim rét mướt bay vật vờ về tổ, và con suối thì
chênh chao khi nhớ lại cội nguồn, diễn tả một tâm trạng đau thương khiến cho những
kẻ ly hương, tan tác vì mất nước như tôi càng thêm nhức nhói cả cõi lòng:
“Đàn chim rét mướt bay về tổ
Con suối chênh chao nhớ lại nguồn”
(Tàn Đông – TC – tr. 185)
May mắn thay, nhà thơ Cao Mỵ Nhân
đã…cứu bồ bằng bài họa “Paris Buồn” giúp tôi có thêm “sinh khí,” tươi tắn lên một
chút để tôi khỏi “đổ thừa” thi sĩ Trịnh Cơ đã làm cho lòng tôi héo úa khi sắp kết
thúc bài viết này. Cao Mỵ Nhân đã an ủi
“người ta” là tại vì Paris quá lãng mạn mới khiến cho buồn, chứ thực ra thì mùa
đông đã tàn, tuyết cũng tan chờ Xuân đến:
“Chim én mừng xuân tươi sắc cội
Tao nhân đón khách lộng thơ nguồn..”
(Paris Buồn – CMN – tr. 186)
Tới đây thì tôi xin phép được tạm dừng
vì bài viết đã khá dài. Thực ra thì còn nhiều, nhiều lắm những bài tình thơ có
thể nói là tuyệt tác trong thi phẩm “Xướng Họa” của nhị vị Cao Mỵ Nhân và Trịnh
Cơ. Điều tôi muốn nói ở đây là “cặp bài
trùng” này quá ư tuyệt vời trong các thể thơ xướng họa. Họ đã quá hoà hợp, quá
“nhập vai,” nhâp vai trong việc trải lòng như là tâm sự của chính một đôi trai
tài gái sắc từng yêu nhau, bị trắc trở, và rồi khi gặp lại thì đã muộn màng
nhưng hồn thơ vẫn còn réo rắc, chứa đựng ngập tràn nỗi nhớ, niềm thương. Cho
nên xuyên suốt thời gian từng bước đọc thơ và ghi lại cảm nhận của mình, Phương
Hoa tôi cũng đã “nhập vai” trong cái cảm xúc họ là “một đôi” thật sự. Nếu sự thật
hai người trước đây chưa từng yêu nhau, chưa bao giờ quen biết nhau, mà đây chỉ
là “bình thủy tương phùng” trên những dòng thơ xướng họa nơi hải ngoại rồi trở
thành bạn thiết, thì quả là thi tài của họ đã lên đến đỉnh cao, nguồn tình thơ
quá lai láng dạt dào.
Cuối
cùng, thi tập “XƯỚNG HỌA” của hai nhà thơ Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ là một tác phẩm
văn học có giá trị, chẳng những rất đáng đọc, mà cần phải đọc thật kỹ mới thưởng
thức hết những cái hay cái đẹp cái ý cái tình của mỗi một bài thơ. Tôi tin rằng
quý vị sẽ thích thú với sự phong phú chữ nghĩa của những bài thơ tình thật ngọt
ngào, thật lãng mạn, trong tập thơ này.
Xin trân trọng kính giới thiệu cùng
với quý độc giả thi tập “XƯỚNG HỌA” của Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.
Muốn mua sách Xin Liên lạc Tác giả:
Trịnh cơ - Cao Mỵ Nhân
trinhco@gmail.com
caomynhan91@yahoo.com
Liên lạc Nhà xuất bản:
Nhân Ảnh
han.le3359@gmail.com
(408) 722-5626
Phương Hoa
Miền Bắc California, tháng 7, 2020
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!