THƠ VÀ SỬ VIỆT - NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ CAO BÁ QUÁT
Bs. Phan Thượng Hải biên soạn
Nhà Nguyễn có 2 Thi sĩ và Nho sĩ tiêu biểu vào đầu thế kỷ thứ 19 là ông Nguyễn Công Trứ và ông Cao Bá Quát. Hai ông đã góp phần đặc sắc cho Thơ và Sử của nước ta.
Nguyễn Công Trứ
*
Làm Quan
Ông Nguyễn Công Trứ (1778-1858) làm quan từ năm 1820 đến năm 1847 dưới 2 triều vua Minh Mạng (1820-1840) và Thiệu Trị (1840-1847).
Ông đậu Giải Nguyên ở Nghệ An (1819) lúc 41 tuổi.
Đường hoạn lộ rất thăng trầm có lúc làm tới Tổng Đốc (Hải An Tổng Đốc gồm 2 tỉnh Hải Dương và Kiến An tức là Hải Phòng bây giờ) và Thượng Thư (Binh Bộ Thượng Thư) nhưng có lúc làm lính thú ở Quảng Ngãi (1844).
Khi làm Tuần phủ An Giang, ông Nguyễn Công Trứ bị Nguyễn Công Nhàn vu cáo chở thuyền gian buôn bán lậu nên bị cách chức làm lính thú ở Quảng Ngãi.
Chức cuối cùng là Phủ Doãn Thừa Thiên rồi ông về hưu (1847), lúc đó 70 tuổi.
Có nhiều cuộc nội loạn thời Minh Mạng và Thiệu Trị: giặc Phan Bá Vành, giặc Lê Duy Lương, giặc Nông Văn Vân, giặc Khách ở Bắc Kỳ; giặc Lê Văn Khôi và 2 lần chiến tranh với Xiêm La ở Nam Kỳ. Tuy là khoa bảng văn nhân, ông Nguyễn Công Trứ cầm quân dẹp giặc Phan Bá Vành(1827), giặc Nông Văn Vân (1833) và giặc Khách (1835) ở Bắc Kỳ; và cầm quân trong chiến tranh Việt Xiêm (1841-1845). Ngoài ra ông Nguyễn Công Trứ còn dẹp giặc người Miên ở Trà Vinh.
Ông Nguyễn Công Trứ còn giỏi về kinh tế. Ông đắp đê lấn biển lập ấp và chiêu mộ dân nghèo về ở lập thành 2 huyện Kim Sơn (ở Ninh Bình) và Tiền Hải (ở Thái Bình).
Cuộc đời làm quan của ông Nguyễn Công Trứ là thể hiện của tình trạng quan trường và tình hình chính trị quân sự của Việt Nam dưới thời 2 vua Minh Mạng và Thiệu Trị (1820-1847).
Khi Pháp tấn công Đà Nẳng (1858), ông Nguyễn Công Trứ đã về hưu vẫn xin đi tòng quân đánh giặc (và dĩ nhiên bị vua Tự Đức từ chối). Lúc đó ông được 80 tuổi và chết cùng năm đó.
Sau nầy, vua Tự Đức có câu đối tặng ông Nguyễn Công Trứ:
Tả hữu nghi văn nghi võ
Tử sinh danh tướng danh thần
*
Kẻ Sĩ
Nhân sinh quan của ông Nguyễn Công Trứ là điển hình lý tưởng “Kẻ Sĩ” của Nho Giáo với 3 giai đoạn: (1) trước khi, (2) trong khi và (3) sau khi làm quan.
KẺ SĨ
Nhập Đề:
Tước hữu ngũ Sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ Sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì Sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn Sĩ nầy là quý
Thân Bài:
- Trước khi ra làm quan (Lúc Vị Ngộ):
Miền hương đẳng vẫn khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiu hiu nhiên điếu Vị canh Sằn (*)
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn (*)
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
- Trong khi ra làm quan (Hội rồng mây):
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương (*)
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là Sĩ sau là khanh tướng
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi gian giai phận sự
Nam nhi náo thử thị hào hùng
- Sau khi làm quan (Thú nhàn dật):
Nhà nước yên thì sĩ được thong dong
Bấy giờ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch (*)
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chứa đầy trong một túi
Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới
Ngẫm sự đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Kết Luận:
Nầy nầy Sĩ mới hoàn danh.
Chú thích:
Khương Tử Nha (Lã Vọng) câu cá ở sông Vị Hà. Nghiêm Tử Lăng cày ruộng ở đất Sằn.
Vua Thành Thang và vua Chu Văn Vương rước người hiền bằng xe có bánh “bện cỏ bồ” (đi cho êm). Vua Thành Thang rước ông Y Doãn, vua Chu Văn Vương rước Khương Tử Nha. Nghiêm Tử Lăng từ chối không ra làm quan với vua Hán Quang Vũ Đế nhưng là thầy của vua (cho ý kiến mà thôi).
Can Tương và Mạc Tà là 2 thanh kiếm bén nhứt thời Xuân Thu.
Hoàng Thạch Công là ông Tiên dẫn Trương Lương đi tu sau khi giúp Hán Lưu Bang thắng Hạng Vũ.
Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Sự khác biệt với lý tưởng Nho Giáo (của bài Kẻ Sĩ) cho thấy từ 4 bài thơ liên hoàn tự vịnh của Nguyễn Công Trứ, tả lại cuộc đời thực sự của mình (nếu so sánh với bài Kẻ Sĩ).
- Lúc vị ngộ chưa ra làm quan:
(Lúc vị ngộ)
Miền hương đẳng vẫn khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiu hiu nhiên điếu Vị canh Sằn
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Từ lý tưởng khi vị ngộ của kẻ Sĩ như cuộc đời của Khương Tử Nha và Nghiêm Tử Lăng được mô tả trong đoạn thơ trên (của bài thơ Kẻ Sĩ); cuộc đời thật sự của Nguyễn Công Trứ khi vị ngộ được ông tả trong bài 1 của bài Liên Hoàn Tự Vịnh; của ông:
QUÂN TỬ CỐ CÙNG
Chưa chán ru mà quấy mãi đây
Nợ nần dan díu mấy năm nay
Mang danh tài sắc cho nên nợ
Quen thói phong lưu hóa phải vay
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay
Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế nầy.
- Lúc ra làm quan:
(Hội rồng mây)
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là Sĩ sau là khanh tướng
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi gian giai phận sự
Nam nhi náo thử thị hào hùng
Từ lý tưởng làm Khanh Tướng của Kẻ Sĩ được mô tả trong đoạn thơ trên (của bài thơ Kẻ Sĩ;), cuộc đời làm quan thật sự của Nguyễn Công Trứ thể hiện qua bài 2 của bài Liên Hoàn Tự Vịnh:
HỘI GIÓ MÂY
Có lẽ ta đâu mãi thế nầy
Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy
Đã từng tắm gội ơn mưa móc
Cũng phải xênh xang hội gió mây
Hãy quyết phen nầy xem thử đã
Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay
Xưa nay xuất xử thường hai lối
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây
- Lúc từ quan về hưu
(Thú nhàn dật)
Nhà nước yên thì sĩ được thong dong
Bấy giờ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chứa đầy trong một túi
Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới
Ngẫm sự đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Nầy nầy Sĩ mới hoàn danh.
Từ cuộc đời lý tưởng của Kẻ Sĩ sau khi hết làm quan được mô tả trong đoạn thơ trên (của bài thơ Kẻ Sĩ), cuộc đời thật sự của Nguyễn Công Trứ sau khi hồi hưu được thấy trong bài 3 và 4 của bài Liên Hoàn Tự Vịnh:
THÚ ĐIỀN VIÊN
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây
Điền viên thú nọ vẫn xưa nay
Giang hồ bạn lữ câu tan hợp
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say
Tòa đá Khương Công đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm Tử một vai gầy
Thái bình vũ trụ càng thong thả
Chẳng lợi danh gì lại hóa hay.
THÚ ẨN DẬT
Chẳng lợi danh gì lại hóa hay
Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay
Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước nầy.
Như vậy bài thơ Kẻ Sĩ không tả trung thực cuộc đời của Nguyễn Công Trứ mà chỉ là mộng tưởng của một Nho gia?
Tương truyền rằng ngày ông về hưu (hết làm Phủ Doãn Thừa Thiên), ông Nguyễn Công Trứ cỡi chiếc xe bò tay cầm ve vẫy một tấm mo trên có viết bài thơ dưới đây chạy trước cửa các nhà quan đại thần ở kinh đô:
Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn
Lợm mùi giáng chức với thăng quan
Điền viên dạo chiếc xe bò cái
Sẵn tấm mo che miệng thế gian.
(Nguyễn Công Trứ)
*
Thi Sĩ
Ông Nguyễn Công Trứ là một trong những thi sĩ kỳ tài nhất của thi văn Việt Nam. Ngoài thơ Hát Nói, ông làm đủ thể thơ Đường Luật và đôi khi dùng thể Lục Bát.
- Thể thơ “Yết Hậu”:
ĐÁNH TỔ TÔM
Tổ tôm tên chữ gọi hà sào (*)
Đánh thì không thấp cũng không cao
Được thì thu cả, thua thì chạy
Nào!
(Nguyễn Công Trứ)
(*) Chú thích: Hà sào = ông tổ của con tôm
- Thể thơ chơi chữ (giống như bài thơ Rắn của ông Lê Quý Đôn):
KHẤT NỢ THUA TỔ TÔM
Thân bác văn tôi đã xác vờ (*)
Trong nhà còn biết bán chi giờ?
Của trời cũng muốn không thang bắc
Lộc thánh còn mong lục sách chờ
Thiên tử nhất văn rồi chẳng thiếu (*)
Nhân sinh tam vạn hãy còn thừa
Đã không nhất sách kêu chi nữa (*)
Ông lão tha cho cũng được nhờ.
(Nguyễn Công Trứ)
(*) Chú thích:
Bác văn: ý nói “học trò”. “Thân bác văn” là “thân học trò”.
Từ câu: “Nhất văn Thiên Tử chiếu. Tứ hải Trạng Nguyên tâm”. (Một văn chiếu vua ban ra. Bốn biển đều có ý đậu Trạng Nguyên)
Nhất sách = kế sách.
Thật ra trong bài thơ trên, mỗi câu có tên 1 con bài tổ tôm: bác văn, bán chi, không thang, lục sách, nhất văn, tam vạn, nhất sách và ông lão.
KHẤT NỢ THUA TỔ TÔM
Thân bác văn tôi đã xác vờ
Trong nhà còn biết bán chi giờ?
Của trời cũng muốn không thang bắc
Lộc thánh còn mong lục sách chờ
Thiên tử nhất văn rồi chẳng thiếu
Nhân sinh tam vạn hãy còn thừa
Đã không nhất sách kêu chi nữa
Ông lão tha cho cũng được nhờ.
(Nguyễn Công Trứ)
- Thơ Họa
Ông Nguyễn Công Trứ có một bạn trẻ là ông Nguyễn Quý Tân (1814-1858), một người đậu Tiến Sĩ ra làm quan nhưng không thích.
Đây là những bài xướng họa giữa 2 ông:
VÔ ĐỀ (Nguyên bản) VÔ ĐỀ (Họa)
Có nghề mà lại cậy chi nghề Tám vạn nghìn tư thứ ngỗng nghề
Nghề thế ai ngờ lại hóa nghê Thứ nghề áo mũ thứ nghề nghê
Vạn sự bất như thân cũng hổ Mày râu ngẫm lại lòng thêm hổ
Nhất văn vô hữu nợ còn bê Thư kiếm sao đành dạ bỏ bê
Công danh chỉ tổ khoe đồ mã Xanh đỏ rẻ cùi khoe tốt mã (*)
Cờ biển còn hơn của ướt sề Phong lưu khỉ gió hót đầy sề
Bôn tẫu làm chi cho rách gấu Xin đừng giở thói văn chương nữa
Thà rằng ngồi đó vuốt râu dê. Bán chó sao ngoài lại thủ dê.
(Nguyễn Quý Tân) (Nguyễn Công Trứ)
(*) Chú thích: theo Tục ngữ “Tốt mã dẻ cùi”.
Đây cũng là 2 bài thơ chơi chữ. Bài xướng cố tình kể 7 con thú (nghê, hổ, bê, mã, lợn sề, gấu và dê) bài họa kể thêm 2 con nữa (ngỗng và chó).
Khi ông Nguyễn Công Trứ được 70 tuổi:
THẤT THẬP TỰ THỌ BẢY MƯƠI TUỔI TỰ CHÚC THỌ
(Bản Hán Ngữ) (Dịch Bản Việt Ngữ)
Nhật đối nhi tào tự giải di Ngày cùng lũ trẻ cợt đùa chơi
Kim ngô bất tự cố ngô thì Quả thực ta nay khác trước rồi
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu Múa rối mấy hồi rằng giúp nước
Trực ký niên hoa giới cổ hy Sống lâu bảy chục cũng ơn trời
Lão thực bất kham trang diện mục Thật thà bao quản khoe mình đẹp
Anh hoa an dụng nhiễm tu tì Tóc bạc xin đành kém vẻ tươi
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng Những thẹn bất tài không bác bổ
Quái sát Hồng sơn hữu thị phi. Non Hồng thôi mặc tiếng trên đời.
(Nguyễn Công Trứ) (Lê Thước dịch)
THẤT THẬP TỰ THỌ THẤT THẬP TỰ THỌ
(Bản Hán Ngữ) (Họa Bản Việt Ngữ)
Nhật đối nhi tào tự giải di Bảy mươi tuổi tác vẫn nhường di (ri)
Kim ngô bất tự cố ngô thì Mới biết xưa kia buổi thiếu thì
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu Rượu tỉnh thơ say hồn Lý Bạch
Trực ký niên hoa giới cổ hy Trúc cười hoa cợt thú Vương Hy
Lão thực bất kham trang diện mục Giang sơn nắm lại đôi tay khẩu
Anh hoa an dụng nhiễm tu tì Văn võ buông ra một ngón tì
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng Cùng kiếp phù sinh nay dở sạch
Quái sát Hồng sơn hữu thị phi. Dẫu ai tiếng thị với lời phi.
(Nguyễn Công Trứ) (Nguyễn Quý Tân)
Lần đầu tiên và là lần cuối cùng có người dùng thơ Việt Ngữ để họa thơ Hán Ngữ như ông Nghè Nguyễn Quý Tân?
*
Ông Nguyễn Công Trứ (1778-1858) và ông Nguyễn Du (1765-1820) là 2 thi hào của triều Nguyễn ở cùng quê tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Du ở xã Tiên Điền còn ông Nguyễn Công Trứ ở xã Uy Viễn (Tuy Viễn), ngày nay là xã Châu Giang.
Đây là vùng nổi danh với sông Lam Giang và núi Hồng Lĩnh. Sông Lam Giang là hạ lưu của sông Cả chảy qua huyện Nghi Xuân ở biên giới Nghệ An-Hà Tĩnh và ra biển ở cửa Hội. Núi Hồng Lĩnh ở giữa Tx Hồng Lĩnh và 3 huyện Nghi Xuân, Cam Lộc và Lộc Hà; 1 km nam Tp Vinh (Nghệ An) và 15 km bắc Tp Hà Tĩnh.
Bs. Phan Thượng Hải
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!