Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

THƠ VÀ SỬ VIỆT - NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ CAO BÁ QUÁT (P. II) -Bs. Phan Thượng Hải biên soạn



THƠ VÀ SỬ VIỆT - NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ CAO BÁ QUÁT

Bs. Phan Thượng Hải biên soạn

Nhà Nguyễn có 2 Thi sĩ và Nho sĩ tiêu biểu vào đầu thế kỷ thứ 19 là ông Nguyễn Công Trứ và ông Cao Bá Quát. Hai ông đã góp phần đặc sắc cho Thơ và Sử của nước ta.

Cao Bá Quát

*

Làm Quan và làm Giặc

Ông Cao Bá Quát (1809-1855) tự là Chu Thần, người huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay là huyện Gia Lâm tỉnh Hà Nội.

Năm 1831: Thi Hương đậu Á nguyên ở trường Hà Nội nhưng khi duyệt quyển, bộ Lễ xếp xuống hạng chót của 20 người đậu Cử nhân.

Năm 1832: Rớt kỳ thi Hội ở Huế. Hình như ông cũng rớt 2 lần tiếp theo đó.

Năm 1841: Được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử vào Huế làm Hành tẩu bộ Lễ. Cùng năm đó được cử làm Sơ khảo thi Hương trường thi Thừa Thiên. Thấy có một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông với bạn đồng liêu là ông Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại.

Việc bị phát giác, ông Cao Bá Quát bị giam bị tra tấn và bị kết án trảm quyết (chém đầu). Vua

Thiệu Trị sửa lại án giam hậu, giam ở Thừa Thiên.

Năm 1843: Được tạm tha nhưng bị phát phối ở Đà Nẵng.

Năm 1843-44: Theo phái đoàn Đào Tri Phú đi hiệu lực ở Indonesia (Giang Lưu Ba). Sau đó được phục chức ở bộ Lễ một thời gian ngắn rồi bị bãi chức.

Năm 1844: Về sống với vợ con ở Hà Nội. Xướng họa với thi nhân Bắc Hà như Nguyễn Văn Siêu.

Năm 1847: Được triệu vào kinh đô Huế, làm việc trong viện Hàn Lâm, chuyên về Văn thơ. Kết giao với các thi nhân ở kinh đô như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận... Ông Cao Bá Quát được mời vào Mạc Vân thi xã ( của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương).

Tương truyền ông có 2 câu thơ về Mạc Vân Thi xã:

Ngán cho (thay) cái mũi vô duyên

Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An

(Con thuyền Nghệ An thường chở nước mắm vô Huế nên nặng mùi thúi)

Trong thời gian nầy có nhiều truyền thuyết văn thơ giữa vua Tự Đức và ông Cao Bá Quát.

Năm 1850: Sau 3 năm làm quan ở Huế, bị đày đi làm Giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây). Lấy cớ về quê chịu tang và từ chức.

Tương truyền ông có 2 câu đối:

Nhà trống ba gian, một thầy một cô một chó cái

Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi

Năm 1854: Phò Lê Duy Cự (dòng dõi nhà Hậu Lê) nổi loạn ở Mỹ Lương thuộc vùng Sơn Tây. Cao Bá Quát làm Quốc sư.

Đây là 2 câu đối cho quân khởi nghĩa của Cao Bá Quát:

Bình Dương Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn

Mục Dã Minh Điền hữu Võ Thang

Năm 1855: Đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ nhì. Yên Sơn là phủ lỵ của phủ Quốc Oai (ngày nay là thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai). Khi đánh nhau với quân triều đình dưới quyền lãnh đạo của Phó Lãnh Binh Sơn Tây Lê Thuận ông Cao Bá Quát bị Suất Đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Vua Tự Đức cho đem thủ cấp của Cao Bá Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc kỳ. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên).

Dòng họ Cao bị tru di tam tộc, trong đó có anh song sinh với Cao Bá Quát là Tri huyện Nông Cống Cao Bá Đạt. Ông Cao Bá Đạt tự tử.

Truyền thuyết khác không đúng theo chính sử cho rằng ông Cao Bá Quát bị Lê Thuận bắt, giải về Hà Nội, đưa vào Huế rồi cuối cùng bị chém đầu.

Trong thời gian nầy, ông có 2 câu đối nổi danh:

Một chiếc cùm lim chân có đế

Ba vòng dây xích (xích sắt) bước còn vương


Ba hồi trống giục đù cha kiếp

Một nhát gươm đưa đéo (bỏ) mẹ thời (đời)

(Ông Cao Bá Quát)

*

Thi sĩ

Cao Bá Quát là một Thi sĩ kỳ tài. Ông để lại 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi. Ngày nay hậu thế còn giữ tất cả 275 bài thơ.

Đại đa số là những bài thơ Hán ngữ dùng thể thơ Đường Luật (đại đa số) và Cổ Phong. Ông dùng thể Đường luật Thất ngôn bát cú là nhiều nhất, tuy cũng có dùng thể Đường luật Tứ tuyệt và Đường luật Ngũ ngôn. Còn lại thiểu số là những bài thơ Việt Ngữ dùng thể thơ Hát Nói và chỉ có 1 bài theo thể Lục Bát. Ngoài ra ông Cao Bá Quát còn họa thơ rất nhiều, tiếc là thường thì không có nguyên bản. Điều lạ là không thấy bài thơ xướng họa nào với các thi nhân trong Mạc Vân thi xã.

Thơ của ông Cao Bá Quát có rất nhiều điển cố kể cả điển cố từ thơ (Kinh Thi hay Đường thi). Đề tài trong thơ của ông rất bao quát và sâu rộng.

Trong lịch sử đời ông thường có những câu đối hay những giai thoại văn chương rất bình dân nhưng qua những bài thơ của ông, chúng ta mới thấy ông là một người có học thức và có kiến thức cao kỳ và sâu sắc hơn nhiều.


- Đây là bài thơ ông làm khi nghe tin phải đi phát phối ở Đà Nẵng (1843):

LƯU VIỆN DU NGUYỆT VĂN ĐẮC TÁI PHÁT ĐÀ NẲNG, THỊ DẠ ĐỒNG VŨ HOÀI PHỦ THỐNG ẨM

(Ở viện hơn một tháng, được tin lại phải phát phối đi Đà Nẵng, đêm ấy cùng ông Vũ Hoài Phủ uống rượu thật say)


Thử sinh quy lộ chuyển du du             Từ nay biền biệt đường về

Lão khứ văn chương bất tự mưu         Tuổi già chữ nghĩa khó bề lo thân

Trục khách dĩ an tiều tử cước             Phận tiều trốn khách bình thân

Thi ông nhưng thị phối quân đầu       Nghiệp thơ tướng lính gian truân 

                                                            lưu đày

Hương kiều phong vũ nan vi dạ         Hương Kiều mưa gió đêm nay

Đà Tấn vân sơn tiệm giác thu             Thu về Đà Nẵng gió mây đôi miền

Tha nhật sầu tâm đãi quân ký             Nhớ thương gửi bạn trọn niềm

Ngũ Khê minh nguyệt Dạ Lang chu.  Ngũ Khê trăng tỏ soi thuyền Dạ 

                                                            Lang.(*)

(Cao Bá Quát)                                     (Vô Danh thị dịch)

(*) Chú thích:

Ngũ Khê và Dạ Lang chỉ những nơi rất xa ở Trung Quốc vào thời xưa, muốn ám chỉ ở đây là Đà Nẵng. Hương kiều = cầu của sông Hương ở Huế

Lý Bạch đời Đường làm thơ tiễn Vương Xương Linh bị giáng chức đi Long Tiêu có 4 câu nói tới Ngũ Khê và Dạ Lang:

Dương hoa lạc tận tử quy đề

Văn đạo Long Tiêu quá Ngũ Khê

Ngã ký sầu tâm dữ minh nguyệt

Tùy quân trực đáo Dạ Lang tê.


- Đây là 2 bài thơ sau khi được làm quan lần thứ nhì (1847-1850).

CHÍ NHẬT ĐỒNG CHÍ ĐÌNH TIỂU ẨM, TẦU BÚT THỨ VẬN

(Ngày Đông chí cùng Chí Đình uống rượu, phóng bút họa vận)


Thăng trầm hà nhật liễu             Nổi chìm theo đến bao giờ

Túc tích kỷ nhân tồn                  Bạn xưa còn lại lơ thơ mấy người

Lão khứ khan ngô bối                Bọn ta già yếu cả rồi

Sinh hoàn hạnh chúa ân (*)        Ơn vua được sống may hồi về đây

Mộng tàn kinh phá úng (*)        Tan mơ lòng thấy sợ thay

Thân cảm tại hy tôn                   Thân còn mừng tựa trong tay chén quỳnh

Mạc thán lưu quang chuyển       Lo gì năm tháng qua nhanh

Tha thì đãi lập ngôn. (*)             Lập ngôn có lúc trời dành cho ta.

(Cao Bá Quát)                            (Trương Việt Linh dịch)


(*) Chú thích:

Năm 1841, khi đang làm Sơ khảo kỳ thi Hương ở Thừa Thiên, ông Cao Bá Quát dùng muội đèn sửa lại 1 bài có chữ viết phạm húy. Việc bị lộ, ông bị kết tội xử chém nhưng được vua Thiệu Trị ân xá chỉ phải ở tù trong thời gian ngắn.

Phá úng = đập vỡ vại nước. Tư Mã Quang (1019-1086) là chính trị gia và sử gia đời Tống, hồi nhỏ chơi cùng nhóm bạn. Một đứa té vào vại nước lớn sắp chết chìm, cả bọn hoảng sợ bỏ chạy nhưng Tư Mã Quang bình tỉnh lấy gạch đập vỡ vại và cứu bạn mình.

Lập ngôn: là 1 trong 3 điều không thể mất (Tam bất hủ) trong Tả Truyện là Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn.

CHÍNH TẠI THUẬN NHÂN TÂM

(Chính trị cốt thuận lòng dân)


Lập chính hoàng du hoán            Phép vua trị nước sáng ngời

Đồng dân đế trị khâm                  Chúng dân nể phục tuyệt vời đế vương

Huyền thư tam đại chính (*)       Ba đời treo bảng lệnh đường

Khiết củ nhất nhân tâm (*)    Nhân tâm chấn chỉnh rập khuông theo cùng

Cơ Tất tình kiêm hảo (*)           Đông tây ngưỡng mộ đồng lòng

Vân nghê tứ bội thâm (*)        Cầu vòng nặng móng mưa trông mây nhuần

Du phương ca Hạ ngạn (*)         Mong ước vua Hạ du tuần

Vọng tuế úy Thương lâm (*)  Mưa Thương mùa tốt đợi phần minh quân

Đường ấm tư nhân hóa (*)         Cảm nhờ giáo hóa đức nhân

Vân sinh ngưỡng đức âm (*)  Chúng dân ngưỡng mộ hồng ân của người

Khoan nhân Thang chúc võng (*)  Thương dân Thang khấn lưới trời

Giải phụ Thuấn thao cầm (*)      Yêu dân Thuấn gày đàn thời giải khuây

Giám cổ nghiêm tòng kỷ             Tự nghiêm xét các việc nầy

Sừ gian tuyệt khổng nhâm (*)     Trừ gian thần ác lại đầy thương dân

Như xuân hân thế thái                  Vui đời thịnh cùng đón xuân

Hàm hạ tụng quân lâm. (*)      Mừng vua chăm chỉ lo dân nước cường.

(Cao Bá Quát)                                 (Lương Trọng Nhàn dịch)

(*) Chú thích:

Huyền thư = Treo văn bản, một cách công bố pháp lệnh nơi công sở.

Nhất nhân: Theo Kinh Thư (Thái giáp hạ) có câu "Nhất nhân nguyên lương, vạn bang dĩ trinh (Một người hoàn hảo, muôn nước được yên vui). Một nước ở đây chỉ Thiên tử và muôn Nước tức là các nước Chư hầu.

Cơ Tất: Trong Nhị thập bát tú (28 ngôi sao) trên bầu trời, sao Cơ thuộc phương Đông và sao Tất thuộc phương Tây.

Vân nghê = Cầu vòng (móng trời). Mây được coi thuộc Dương và Cầu vòng thuộc Âm, Âm Dương hòa hợp tạo thành Mưa. Ở đây ý nói tâm tình của dân cũng là của vua.

Hạ ngạn = Ngạn ngữ đời nhà Hạ, trước nhà Thương. Sách Mạnh Tử (Lương Huệ vương hạ) có câu Hạ ngạn vấn: Ngô vương bất du, ngô hà dĩ hưu (Ngạn ngữ nhà Hạ nói: Vua ta không du hành, ta sao được hạnh phúc).

Vọng tuế = Mong đợi mùa màng tốt. Tả Truyện có câu: Quốc nhân vọng quân như vọng tuế (Người trong nước mong vua như mong năm được mùa).

Thương lâm = Mưa (nhà) Thương. Kinh Thư chép lời vua Cao Tông (Vũ Đinh) nhà Thương nói với Phó Duyệt, là vị Tể tướng mới được vua chọn: "Nhược tuế đại hạn, dụng nhữ tác lâm vũ (Nếu năm gặp đại hạn, dùng người làm ra mưa dầm).

Đường ấm = Bóng mát của cây Cam đường. Bài Cam Đường trong Kinh Thi tỏ lòng thương nhớ và biết ơn của dân chúng với Thiệu bá, người được Chu Văn Vương phái tới giáo hóa phương Nam. Bài được dịch ra: Bảo vệ cây Cam đường không phải chặt phá vì Thiệu bá từng dừng lại ngừng nghỉ dưới bóng mát của cây Cam đường nầy. Thiệu bá là Thiệu Công Thích, là con của Chu Văn Vương.

Vân sinh: có thể là Thương sinh = sống trong nơi rậm rạp. Thương sinh là chữ dùng trong thiên Ích Tắc của Kinh Thi: Đế quang thiên hạ, chí hải ngung thương sinh (Đức của Vua sáng khắp thiên hạ, đến cả người sống trong nơi rậm rạp).

Thang chúc võng = (Vua) Thang khấn lưới. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, vua Thang (Thành Thang) ra đồng nội, thấy người ta căng lưới bốn mặt (bắt chim muông) thì vua khấn: từ bốn phương đất trời hãy lọt vào lưới của ta rồi vua mở 3 mặt của lưới (để thả) và khấn: Dục tả, tả. Dục hữu, hữu. Bất dụng mệnh, nãi nhập ngô võng (Muốn sang trái, hãy cứ sang trái. Muốn sang phải, hãy cứ sang phải. Muốn bỏ mạng, hãy vào lưới ta). Chư hầu biết chuyện đều khen rằng: Đức vua Thang thật lớn, đến cả chim muông (Vua Thành Thang có đức lớn đã mở lưới thả chim).

Giải phụ: theo điển tích có nghĩa là "Giải bỏ bực dọc, tăng lên tài sản". Trong bài Nam Phong của Kinh Thi về chuyện vua Thuấn có câu: "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. Nam phong chi thì hề, khả dĩ phụ ngô dăn chi tài hề" (Gió Nam ấm áp chừ, có thể giải bực dọc của dân ta. Gió Nam đúng thời chừ, có thể tăng của cải dân ta).

Khổng nhâm = Đại gian nịnh. Có từ câu của Kinh Thư: Hà úy hồ sảo ngôn lệnh sắc, khổng nhâm (Sợ gì bọn khéo nói có sắc đẹp, đại gian nịnh).

Hàm hạ = Cả nước. Tấn thư có câu: "Quần lê hân đới, Hàm hạ đồng khương (Dân chúng vui mừng xúc động, Cả nước đều phồn vinh).

Quân lâm = Vua đến (với Dân). Từ ngữ từ câu trong Tả Truyện ca ngợi vua nước Sở: Hách hách Sở quốc chi quân lâm chi (Nước Sở cường thịnh, vua đến với dân).


- Đây là bài thơ Lục Bát độc nhất của ông tả lúc phải lên đường đi làm Giáo thụ ở Quốc Oai (1850):

ĐẾN LÀNG ĐÔNG DU, ĐÊM NGỦ DỖ

Đầu sông đứng ngóng quê hương

Quê hương đâu phải dặm trường xa xôi

Cớ sao mãi chẳng tới nơi

Vừa đi vừa đứng bồi hồi làm sao

Thiếu người cáng võng, phải đâu

Cũng không chờ đợi bạn bầu những ai

Từ khi vướng lấy lụy đời

Nửa bầu máu nóng nhường vơi dần dần

Đường đời biến ảo phong vân

Việc đời ấm lạnh bao lần đổi thay

Mũ treo còn chửa hẹn ngày

Cổng sài nào biết sau này nơi nao


Nghiệp xưa vườn ruộng dăm sào

Rêu hoang cỏ dại ai nào ngó coi

Họ hàng người cũng thưa rồi

Bữa cơm dưa muối thết mời vẫn chưa

Biệt ly biết đến bao giờ

Thà im im bắt, nói ra ngại lời

Trời tây bóng đã xế rồi

Vẫn còn nấn ná quê người một thân.

(Cao Bá Quát)


- Đây là 1 trong những bài thơ Hát Nói hưởng lạc lúc ông về sống với gia đình sau khi đường

hoạn lộ thất bại (1850-1854), trước khi ông nổi loạn (1855):


UỐNG RƯỢU TIÊU SẦU

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn

Yên ba thâm xứ hữu ngư châu

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu

Đem mộng sự đọ với châu thân thì cũng hệt

Duy giang thượng chi thanh phong

Dữ sơn gian chi minh nguyệt

Kho trời chung mà vô tận của mình riêng

Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng

Gõ nhịp lấy đọc câu: "Tương tiến tửu" (*)

"Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi" (*)

Làm chi cho mệt một đời.

(Cao Bá Quát)

(*) Chú thích: Đây là câu thơ trong bài "Tương Tiến Tửu" của Lý Bạch: Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi.


- Đây là bài thơ Xướng Họa giữa ông Nguyễn Công Trứ và ông Cao Bá Quát vào năm 1847 khi ông Nguyễn Công Trứ được 70 tuổi. Hai bài thơ làm lúc 2 ông làm quan ở Huế.


THẤT THẬP TỰ THỌ                   BẢY MƯƠI TUỔI TỰ CHÚC THỌ

Nhật đối nhi tào tự giải di                Ngày cùng lũ trẻ cợt đùa chơi

Kim ngô bất tự cố ngô thì                Quả thực ta nay khác trước rồi

Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu        Múa rối mấy hồi rằng giúp nước

Trực ký niên hoa giới cổ hy             Sống lâu bảy chục cũng ơn trời

Lão thực bất kham trang diện mục   Thật thà bao quản khoe mình đẹp

Anh hoa an dụng nhiễm tu tì            Tóc bạc xin đành kém vẻ tươi

Tự tàm tiên liệt hào vô trạng             Những thẹn bất tài không bác bổ

Quái sát Hồng sơn hữu thị phi.         Non Hồng thôi mặc tiếng trên đời.

(Nguyễn Công Trứ)                            (Lê Thước dịch)


HỌA UY VIỄN THẤT THẬP TỰ THỌ

Quần sơn nam vọng độc chi di       Non Nam nhìn tới mỉm đôi môi

Dao tưởng tiên sinh vị lão thì         Tưởng nhớ tiên sinh lúc thiếu thời

Tự cổ anh hùng vô đại dị                Những kẻ anh hùng riêng mỗi cảnh

Như kim xỉ đức kiến ưng hy          Mấy ai xỉ đức được như người

Thường gia thế vị chung tu tửu      Rượu nhờ tẩy sạch bao mùi tục

Cấm đoạn sương hoa bất tỳ           Râu cằm không màng những phấn bôi

Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ   Nghe nói Hồng phong nay trở gót

Khởi ưng lục thập cửu niên phi.      Lẽ nào sáu chục chín năm sai.

(Cao Bá Quát)                                     (Vô Danh thị dịch)


- Đây là những bài thơ không khác Thơ nhà Đường của Trung Hoa với cùng 1 đề tài.


TỰ QUÂN CHI XUẤT HỶ           TỪ NGÀY CHÀNG RA ĐI

Tự quân chi xuất hỷ                   Từ ngày anh bước chân đi

Dạ dạ thủ không sàng                Đêm đêm hiu quạnh giường kia lạnh lùng

Hải nguyệt chiếu cô mộng         Trăng soi mộng lẻ canh trường

Giang phong sinh mộ lương       Gió qua bến lạnh chiều sương gợi sầu

Tiểu kính ký viễn thiếp              Gương soi anh nhớ hình nhau

Hàn y lưu cố phường                 Phòng xưa áo lạnh em nào lãng quên

Trì thử các tự úy                        Ấp yêu kỷ niệm êm đềm

Bất khiển lưỡng tương vương. Tháng năm đâu có nhạt mầm nhớ thương.

(Cao Bá Quát)                                 (Lý Lãng Nhân dịch)


HỮU SỞ TƯ                             NỖI NHỚ

Tiểu tiểu nhân gia tử                 Con ai hai đứa bé

Song song bộ ngữ trì                 Vừa đi vừa thỏ thẻ

Vong tình năng hữu kỷ.             Có ai quên được tình

Ngô diệc ức ngô nhi                 Ta cũng nhớ con mình

Luyến mẫu đề cơ xứ                 Khi bám mẹ kêu đói

Khiên ông học bái thì                Khi níu ông học chào

Môn lan kim bán tịch                Trước nhà nay vắng vẻ

Ư nhĩ hệ tương ti.                     Thấy trẻ nhớ thương sao.

(Cao Bá Quát) (Dịch)

Ông Cao Bá Quát là Thi sĩ Hán Ngữ hàng đầu trong Văn Học sử nước Việt.


Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Bài viết này là 1 Đoạn trong bài Thơ và Sử Việt - Nhà Nguyễn (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com


Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Công Trứ - Google Wikipedia

Cao Bá Quát - Google Wikipedia

Trang Thơ Nguyễn Công Trứ

Trang Thơ Cao Bá Quát


Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền


2 nhận xét :

  1. Thật tuyệt vời, kiến thức thật hữu ích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui có Meocon ghé đọc.
      Chúc cháu an lành, hạnh phúc.

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!