Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

TA VỀ MỘT BÓNG TRÊN ĐƯỜNG LỚN...-Thảo Dân



Ta về một bóng trên đường lớn…

-Thảo Dân

Xưa giờ, tôi vẫn tự nhận mình mê thơ Nam hơn thơ Bắc. Bởi lẽ, với riêng tôi, thơ là tiếng nói thốt lên tự đáy lòng, không cần phiên dịch, không cần triết lý, không cần gò bó trong những trúc trắc diễm lệ câu từ. Thơ càng chau chuốt, bóng bẩy thì, hình như, cái tình càng ơ hờ, nhạt nhẽo. Thơ cũng không phải nơi để gửi gắm triết lý. Làm việc đó, văn xuôi và triết học tốt hơn nhiều. Thơ để cảm, để yêu, để nơi trái tim gặp gỡ trái tim. Vậy mà có một ngoại lệ, nhà thơ tôi yêu thích trong âm thầm, khá lâu bền, lại là người được giới phê bình nhận xét “Người Nam nhưng mang hồn thơ Bắc”: Nhà thơ Tô Thùy Yên.

Thật ra, trong cảm nhận của tôi, thơ Tô Thùy Yên có cả Nam, Trung và Bắc, có đủ triết, sử, đời. Nếu chọn đại diện duy nhất thơ cho một nước Việt Nam thống nhất, tôi trân trọng đề cử Tô Thùy Yên. Trong cái hệ lụy chung của Hiệp định Geneve chia đôi đất nước, thì nó cũng để lại một trái đẹp lạ lùng, đó là sự pha trộn, làm phong phú thêm ngôn ngữ, văn hóa miền Nam, và dường như, Tô Thùy Yên là thi nhân đặc biệt bắt được nhịp thở thời ông sống và nhập cả vào thơ điệu tâm hồn Bắc Trung Nam, làm nên một vóc dáng thơ vạm vỡ, uy nghi, lạ lẫm trong dòng chảy văn chương dân tộc với ngôn ngữ vừa dân dã vừa bác học, vừa bình dị vừa sang trọng, không lẫn vào ai khác. Nếu nói thơ Chế Lan Viên độc đáo ở siêu hình, thì thơ Tô Thùy Yên siêu hình không kém. Nếu nói sự tráng lệ của câu chữ trong thơ Yến Lan, sự cổ điển của Quách Tấn, tìm trong thơ Tô Thùy Yên, đủ cả. Cảm hứng về thiện nhiên, vũ trụ trong thơ Huy Cận, Tô Thùy Yên không thua, chưa muốn nói còn rợn ngợp hơn. Về lối viết cách tân của Trần Dần hay sự tài hoa của Quang Dũng, Tô Thùy Yên có nhiều câu không hề kém cạnh. Thơ Tô Thùy Yên mang phong vị thơ Bắc ở cách diễn đạt văn chương, ở lớp lang từ ngữ ước lệ, tượng trưng của Đường luật, ở cách dùng ca dao độc đáo, duyên dáng. Tôi gọi Tô Thùy Yên là Nhà thơ không quê hương. Ông sinh ra ở Gia Định nhưng quê hương ông là Việt Nam. Thơ ông nói với ta như thế.

Thơ Tô Thùy Yên thể hiện một sự trái ngược khá lạ lùng. Ông là một trong 5 thành viên của nhóm Sáng Tạo (mà duy nhất ông là người Nam), một nhóm thơ mong muốn thổi vào thi ca Saigon khi đó một sự cách tân cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng trong những sáng tác của ông, ta thấy ông lại dùng tấm áo gấm cổ điển để gói bọc nội dung siêu hình, giàu tính triết học, vô cùng hiện đại. Bài thơ Cánh đồng con ngựa chuyến tàu viết năm 1956 khá tân kỳ. Đặt vào hoàn cảnh quốc gia Việt Nam Cộng Hòa khi đó, nó mang tính thời sự rất cao nhưng vẫn không bớt chất lãng mạn, bay bổng. Bài thơ mở ra bức tranh động với hình ảnh cánh đồng một màu xanh cây cỏ nhưng không bằng phẳng êm xuôi mà có “gò nổng cao” và “thung lũng sâu”, như ẩn dụ về đường đời đầy thử thách. Trên nền màu xanh của cỏ cây, chú ngựa nâu đang rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu, còn đoàn tàu vẫn vô tri vô giác chạy mau, chạy mau, chạy mau để rồi rốt cuộc ngựa thua. Gục đầu, gục đầu, gục đầu ngã lăn và để lại trên tấm thảm xanh trải dài hút mắt một vết nâu. Dường như, trong hai hình ảnh sóng đôi con ngựa và toa tàu không chỉ là cuộc phân tranh giữa “thảo mộc phương Đông và Tây phương cơ giới” như nhà phê bình Đặng Tiến nhận xét, mà dường như, ý thơ còn muốn mở ra điều sâu kín hơn: Con tàu văn minh rất hiện đại nhưng không có hồn vía, không có sự sống, không có cảm xúc và vẫn chịu sự điều khiển của con người. Con ngựa (phải chăng là ẩn dụ về con người?), tuy phải trải qua những cung đường gập ghềnh, thử thách, nhưng luôn được sống trong những giây phút thăng hoa, có thể thắng thua trên đường đời nhưng luôn được làm chủ cảm xúc, luôn được là mình. Bài thơ là khúc hoan ca về cái tôi kiêu hãnh. Hoặc nữa, nó còn là một lời dự báo, một âu lo ngấm ngầm trong tiềm thức: Một ngày nào đó, nền văn minh công nghiệp sẽ tàn phá tất cả, bỏ lại loài người bị tước bỏ môi trường sống, không còn được thung dung như chú ngựa nâu an nhiên thuộc về cội nguồn thiên nhiên cây cỏ đồng hoang?

Nhưng, trong phạm vi một bài viết ngắn, không thể ôm đồm. Chỉ xin mạo muội chia sẻ một số suy cảm sơ sài về bản trường thi lộng lẫy trong kho tàng văn chương Việt Nam, được nhiều người ca tụng: TA VỀ.

TA VỀ – bản trường thi nhiều lớp lang, cảnh trí: cảnh trí đất trời, cảnh trí con người và cảnh trí của cõi lòng thê thiết. Mỗi khổ thơ tách riêng có thể thành một bài thất ngôn tứ tuyệt độc lập, chặt chẽ, hoàn hảo. Điệp ngữ “Ta về” được dùng như chiếc chìa khóa mở ra nội tâm nhà thơ từ lúc đặt chân xuống đường lớn, trả lại thân phận tự do. Bài thơ là tiếng lòng của một người, cũng là tiếng lòng của hàng ngàn người miền Nam bị đày ải khắp các nhà tù từ Nam chí Bắc, từ rừng hoang heo hút, hiểm trở đến những nơi đồng chua nước mặn… Đọc bài thơ, ta hiểu về lịch sử, tâm sử, chứ không chỉ là lời giãi bày khi trở lại quê nhà, thậm chí nhóm câu thơ tình ái trong bài cũng gợi về dòng lệ tràn của bao nhiêu thân phận thiếu phụ chờ chồng từ những trại cải tạo sau 1975. Không riêng bài thơ này, mà trong toàn bộ sáng tác của Tô Thùy Yên, dường như ông luôn là người chép sử, luận triết bằng thơ. Ta gặp ở đây lối kết cấu nghệ thuật như trong thơ cổ. Trang đời mới mở ra sau cánh cổng nhà tù: Trở về, qua truông qua phá, gặp người quen cũ trên đường, gặp cha mẹ, gặp vợ con, đi thăm làng xóm, nhớ người còn người mất, tìm lại chính mình những ngày tháng cũ, đan xen là những suy tưởng để tìm lại mình và phá bỏ những xiềng xích tâm hồn 10 năm dằng dặc.

“Mười năm”, không phải quãng thời gian dài nhất mà một người tù VNCH phải trải qua. Lâu nhất phải kể đên Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Thiếu tướng Đỗ Kế Giai, Thiếu tướng Trần Quang Khôi, Thiếu tướng Phạm Ngọc Sang, Thiếu tướng Phạm Duy Tất, Thiếu tướng Lê Văn Thân, Thiếu tướng Mạch Văn Trường… đều bị tù từ tháng 5/1975-1992, tức là 17 năm tù. Những người bị tù ít nhất cũng vài ba năm. Bản thân Tô Thùy Yên có tổng cộng 13 năm trong tù. Nhưng lần đầu, cũng là lần lâu nhất: 10 năm. Như vậy, nên hiểu “mười năm” vừa chỉ thời gian có thật, vừa là khái niệm ẩn dụ, tròn một thập kỷ, đủ để thương hải tang điền, đủ cho người thay đổi và đời thay đổi.

Ta về một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ

Mười năm đá vẫn ngậm ngùi thay.

“Ta về” được nhắc đi nhắc lại 16 lần, không phải tiếng reo vui, không phải lời báo tin mừng mà cả bài thơ nặng trĩu trầm ngâm suy tưởng. Ta về là kết thúc một phần đời đau khổ. Ta về để mở ra chương đời khác chưa biết có đỡ bi thảm hơn không. Ta về với những giấc mơ mười năm xóa trắng. Ta về mà như tiếng địch ngân xót xa sầu thảm của tráng sĩ thất trận qua sông.

Tôi hình dung ra một con người quần nâu, áo vải phai màu bởi nắng mưa xứ Bắc, thập thững đi cô độc trên đường. Đường vắng. Người gầy, bóng đổ. Cả bóng lẫn người đều câm lặng. Một cuộc trở về ngậm ngùi, không người thân đưa tiễn, không ai biết mà đón đợi. Ca dao có câu Mình về em chẳng cho về/ Em níu vạt áo em đề câu thơ. Phút chia tay, bút mực đâu mà đề thơ lên áo. Là dòng lệ của nàng vẽ lên áo một chữ Tình đó thôi. Đề thơ chỉ là cái cớ để bên nhau lâu thêm một chút. Cuộc tiễn đưa dùng dằng, lưu luyến. Nhưng với thân phận người tù cải tạo khi đó, còn sống mà trở về đã là việc thần kỳ, được rời bỏ địa ngục trần gian phút nào là biết mình được sống phút đó, còn có mong chi ai đề thơ vạt áo. Mười năm mong mỏi. Vậy mà sao khi trở về lại “đau mềm phế phủ” đau thấu tâm can, đến nỗi đá cũng còn thay người ngậm ngùi rơi lệ? Bởi nhớ lại những đọa đày khó giấy bút nào tả xiết? Là nhớ những đoạn trường mẹ già, vợ dại con thơ truân chuyên đường xa dặm thẳm tàu xe cả tuần lễ mới tới nơi thăm nom, để dành cho một chút thức ăn từ những chắt chiu tằn tiện? Hay đau đứt ruột bởi những huynh đệ chi binh chia ngọt xẻ bùi, bảo bọc nhau qua ngày tháng khó, giờ chỉ là những nấm mồ hoang cô quạnh nằm lại nơi đất khách?

Trong bài Tàu đêm tái hiện cảnh đoàn tàu chở những người tù miền Nam đi đày biệt xứ, Tô Thùy Yên viết những dòng rền vang, chát chúa như lời trăng trối tuyệt vọng khi đoàn tàu như trong một cơn giông lửa, giữa đêm chạy về nơi vô định, về nơi cuối trời, và với nhiều thân phận, đó là chuyến đi về nơi cuối đời. Khi chạy qua những xóm làng tối đen im lìm của miền Bắc, những bến cảng, nhà kho, người tù nhớ mẹ, nhớ em, nhớ phố phường hoa lệ…, hình dung mình như một thứ sinh vật khổ đau bị nghiến dưới đường ray lịch sử vô tình, người tù tuyệt vọng thốt lên những tiếng kêu bi thảm để mong loài người mê sảng trong thứ chủ nghĩa giáo điều tăm tối đang im lìm kia, thức dậy để biết có những đồng bào, đồng loại đang còn có linh hồn, để cùng nhau sống.

Tàu ơi hãy kéo còi liên tục

Cho tiếng rền vang dậy địa cầu

Lay động những tầng mê sảng tối

Loài người hãy thức, thức cùng nhau

Ngược lại, khi trở về, chỉ là những thanh âm im lặng. Một mình một bóng. Và khi trở về, người tù hồi tưởng lại đoạn đời lao tù

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.

Khổ thơ này là lời đoạn tuyệt 10 năm xa loài người, 10 năm sống trong âm ty địa ngục nhưng, ta vẫn bắt gặp tâm trạng kiêu hãnh kín đáo của kẻ chiến bại. Tựa vào rừng mà tồn tại. Câm lặng như rừng để giữ gìn chất Người dù cho bị đày đọa đến suy thoái cả hình hài, hoang dã như thời tiền sử. Thân bại nhưng vẫn âm thầm sống, mãnh liệt sống để danh không liệt.

Có lẽ, khổ thơ này chỉ nên đọc và cảm nhận, không cần bình luận gì nhiều về thân phận người tù. Để hiểu thêm, xin giới thiệu một vài khổ thơ trong bài Mùa Hạn nói về cảnh ngộ người tù, ông viết năm 1979 ở Nghệ An nhưng phải tới 15 năm sau nó mới được in trong Thơ Tuyển, năm 1995 ở Mỹ.

Ở đây địa ngục chín tầng sâu

Cả giống nòi im lặng gục đầu

Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,

Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.

Bước tới, chân không đè đá sắc

Vai trần chín rạn gánh oan khiên

Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc

Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng.

Tô Thùy Yên đã chép lại một thời kỳ tăm tối mà ông và chiến hữu đã trải qua, thời kỳ kinh khủng, giữa thời đại văn minh mà con người bị đày đọa như súc vật đến nỗi, chung xiềng mà không dám nhìn mặt, nghiến đến chết cứng hàm răng, mắt ứa máu, vì thương bạn, thương mình, vì thân phận bị cầm tù đau xót, vì mang nỗi hận của hùm thiêng khi đã sa cơ, chỉ tồn tại với nước khe, cơm độn, nắng cháy, cát bay, rừng khô rụm, sông hồ nẻ, đá nứt, muông thú không còn, khoai sắn cũng bị dân làng đào sạch, thú hóa con người đến mức cầu được chết đi vì sống nhục nhằn hơn đau khổ hơn là chết. Để tồn tại và vượt thoát, có người tù còn nói câu để đời: “Con gì nhúc nhích được là ăn hết”. Đó vừa là bản năng sống, vừa là bản lĩnh người. A. I. Solzhenitsyn có tác phẩm Tầng đầu địa ngục đoạt giải Nobel Văn chương năm 1970, tái hiện cuộc sống của những nhà khoa học hàng đầu của Liên xô bị giam cầm như trong địa ngục dưới thời Stalin, khiến cả thế giới bàng hoàng về sự độc ác mà con người phải trải qua. Nhưng đó vẫn là Tầng đầu, tầng cao nhất mà Dante có thể nghĩ ra trong Thần khúc để dành chỗ cho khoa học gia, những người dám chống lại cả Chúa, còn những người tù trong thơ Tô Thùy Yên, thì đó là Tầng thứ 9. Đủ cho người đọc lạnh người.

Hành trình trở về qua truông qua phá, lặng lẽ, im lìm, trời câm đất nín, đời im lìm, đóng váng. Người tù trở về, là người tự do trong thân phận cá chậu chim lồng đâu còn có thể hót lên bài ca cũ. Nhưng may mắn, họ không bị chai sạn tâm hồn, vẫn có thể “ngẩn ngơ trông trời đất cũ” cho dù đó không phải sự “ngẩn ngơ” lãng mạn tìm thi hứng, mà đó là nỗi xót xa cho phận người, phận mình, xót xa cho nỗi hưng phế suy vong của lịch sử.

Mười năm, thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu.

Thời gian mười năm được nhắc lại, nhẹ như hơi thở mà chất chứa bao điều. Thế giới già đi, quê hương tan nát sau bao mùa bom đạn, quê hương tàn tạ sau mỗi chuyển dời. Đất bạc màu bởi người chết, người bị tù đày, người đi lên vùng kinh tế mới? Chỉ biết quê hương không còn là quê cũ trù phú, xanh tươi, sum vầy. Điệp ngữ “đất bạc màu” nghe như tiếng thở dài nuối tiếc, xót xa, bất lực. Trước sau, tấm lòng kẻ sĩ vẫn là nỗi trăn trở khi đặt những bước chân đầu tiên trở lại sau mười năm xa vắng.

Ta về như bóng chim qua trễ

Cho vội vàng thêm gió chuyển mùa

Ai đứng trông vời mây nước đó

Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.

Một đời được mấy điều mong ước

Núi lở sông bồi đã mấy ghi

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

Mười năm, cổ lục đã ai ghi.

Có lẽ ám ảnh bởi không gian vũ trụ siêu hình, nên trong thơ Tô Thùy Yên hay nhắc về các loài chim, dường như nó trở thành một hệ thống thi pháp khi ông diễn tả về thời gian, không gian: Con chim thần thoại mắt khoen sâu/ Giật mình như đã ngàn năm ngủ/ Giữ bụi lông, cất khản tiếng gào (Em nhỏ, làm chi chim biển Bắc) Ở đâu còn bóng chim huyền diệu/ Hót gọi tiền thân ta tái sinh (Mùa hạn) Núi xa chim giục giã hoàng hôn (Tưởng tượng ta về nơi Bản Trạch) Con chim nào hớt hải kêu van (Bất tận nỗi đời hung hãn đó) Con chim động giấc gào cô đơn (Trường Sa hành) Biển Bắc tuyệt mù con nhạn lạc (Mòn gót chân sương nắng tháng năm) Con chim lạc bạn kêu vườn rộng (Vườn hạ), Giữ khuya có tiếng chim ai oán (Nỗi đợi) Thương nhớ nghe chừng sông biển cạn/ Nghe chừng gãy những cánh chim bay (Tháng Chạp buồn)… Hình ảnh “bóng chim qua trễ” như một ám ảnh cô độc, lẻ bầy, cũng là chỉ sự trễ muộn của đời người, đi với “gió chuyển mùa” càng gợi sự trống vắng. Tất cả đều đã hư hao, muộn màng, tất cả đã lỡ thời theo ngọn gió heo may của tuổi chớm đông. Để rồi còn lại, vẫn là nỗi trăn trở khi những vọng động của lịch sử sẽ ngưng ngơi, rơi vào thinh không im lặng, mười năm, bao nỗi bi thương của dịch chuyển thời thế, bao đau khổ của núi lở sông bồi, đau thương, ly tán. Đã ai ghi… vừa là câu hỏi, vừa là lời tự sự mà lại như một tiếng than thầm. Mười năm ấy, cổ lục chưa từng có sử gia biên chép. Biết bao nhiêu máu lệ, ghi mấy cho vừa. Phải vậy chăng, mà Tô Thùy Yên tình nguyện làm người chép sử bằng thơ?

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.

Đây là một khổ thơ có thể cắt riêng thành một bài tứ tuyêt tài hoa, chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc. Người xưa dạy, rộng lớn nhất là đại dương, rộng hơn đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng người. Tô Thùy Yên đã giải phóng mình khỏi nỗi hận thù, thấm nhuần giáo lý từ bi hỉ xả của nhà Phật, để lòng mình sánh ngang với trời đất, lắng nghe và cảm tạ lượng đất trời. Vì mình từ tâm nên mới nhìn thấu đất trời từ tâm. Ai đã từng trải qua những cảnh ngộ mà nhà thơ từng trải, sẽ hiểu rằng, được sống, được trở về từ nơi đã từng đày đọa mình “thành vượn cổ sơ”, là may mắn đến nhường nào. Chính vì thế, cuộc đời dù cay đắng vẫn đáng yêu đáng sống, khi vượt qua địa ngục trần gian càng biết trân quý những vẻ đẹp quanh mình. Ngắm một đóa hoa nở cũng đủ coi như ân điển. Thấp thoáng từ những câu thơ tài hoa là nụ cười an nhiên của người đã qua kiếp nạn, thấm đẫm tinh thần của Lão, Trang, nhìn thấy Đạo ngay từ cánh hoa, ngọn cỏ. Tâm thiện mở ra tận cùng mới cảm nhận được sự từ tâm vô lượng của vũ trụ. Tô Thùy Yên đã chạm tới cái vô hạn của nhân chi sơ tính bổn thiện. Không phải tới khi trải qua khổ nạn, Tô Thùy Yên mới thấu lẽ vô vi. Trong thời kỳ chiến tranh, ông đã có những vần thơ xót xa cho người lính phía bên kia chiến tuyến vừa sốt rét vừa đói lả nhưng vẫn xích lời nguyền sinh Bắc tử Nam để rồi từ đó bật lên khát khao nhân bản, giá như cả hai đều gom góp sức lại thì mặt đất này khác đến bao nhiêu. Ngay thời điểm chiến tranh đang hồi ác liệt, mà có sự bao dung, vượt lên trên chiến tuyến đó, còn là gì nếu không phải tâm thế của người vượt thoát giỏi các giới hạn, mà cụ thể trong hoàn cảnh này, là vượt lên hận thù ý thức hệ để nhìn xa hơn cho tương lai dân tộc, bởi nhân thức được sự hữu hạn của kiếp người?

Khổ thơ tiếp theo bừng thức như ánh sáng chói lòa trong một giấc mơ:

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.

Ngập tràn không khí cổ thi của một thời chinh chiến. Nhà nhà, người người lên đường theo tiếng trống trận, theo điệu kèn xuất binh hùng tráng. Nô nức ra đi nô nức lên đường. Đến cả con ngựa đá cũng không cầm lòng được, cũng biết sang sông. Những câu thơ linh hoạt hẳn lên, bừng sáng, giàu màu sắc, hình ảnh, âm thanh, gợi tôi nhớ tới lời sấm Ngựa đá sang sông của cụ Trạng Trình, sông đổi dòng để ngựa đá qua bờ bên kia, thời cuộc thay đổi. Phải chăng, đó chính là ước mộng của một chiến binh kiêu dũng, vừa thoát ngục tù từ bên kia chiến tuyến đã mơ tìm lại nước, ước mơ tìm được đấng minh quân để tạo dựng cơ đồ? Không hiểu sao, đọc khổ thơ này, trong trí óc tôi lại cứ hiện lên hình ảnh bao con người có vẻ ngoài lầm lũi, cam chịu, nhẫn nại đang ngày đêm âm thầm cho những cuộc vượt thoát. Bằng đường biển, đến con ngựa đá cũng sang sông, cũng muốn ra đi. Giấc mộng mãi mãi chẳng viên thành, chỉ còn lại thực tại ê chề cay đắng nên lời thơ như có máu lệ sa xuống đầu ngọn bút.

Ta về như lá rơi về cội… đoàn tụ, xum vầy, nhân quần tề tựu quanh bếp lửa. Bởi mười năm mới được trở lại nhà. Giang hồ có kẻ “một tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”, huống chi người mười năm mới được ngồi bên bếp lửa đang độ cuối thu. Chén rượu hồng đây rưới xuống. Cho bạn. Cho thù. Cho những ai còn sống và đã khuất. Cho chiến hữu còn âm u đất lạ quê người trong cảnh lao tù, cho cả những người đã tự chọn cho mình một con đường, bỏ nước ra đi. Tha thứ và làm lại từ đầu cho được thành người, không để kẻ nào vùi dập. Ngôn từ ngậm ngùi, hình ảnh đẹp bi tráng, không khí cổ thi vẫn đậm đặc.

Ta về như hạt sương trên cỏ… hạt sương đẹp, khúc xạ cả mặt trời, trong sáng, tinh khôi nhưng lại ngắn ngủi, phù du đến vô thường, nên người ta hay ví sự ngắn ngủi của kiếp người, của cuộc đời như là sương trắng. Hạt sương trên cỏ chính là bước đi của thời gian, ngắn ngủi hữu hạn đặt cạnh vô cùng vô tận để rồi chợt nhận ra satna bên cạnh vĩnh hằng. Tuy mong manh nhưng lại chứa sức sống mãnh liệt của không gian, thời gian, đa diện, đa sắc, phải vì thế chăng mà ở câu thơ sau tác giả nhắc tới sinh, dị, diệt trong Đạo Phật để tìm cho thấy cái tâm thế an nhiên tự tại. Đời người như gió như sương. Đời người như chớp mắt. Đặt cạnh số phận dân tộc, nó càng mong manh, vô thường. Ai rồi cũng hư vô. Vậy mà hạt sương bé bỏng vẫn phải tội tình. Hãy liên hệ với thực tại khi đó của thân phận những người tù vừa ở trại cải tạo về để cảm nhận tâm thế chấp nhận hoàn cảnh và lời than thầm của nhân vật trữ tình.

Ta về như sợi tơ trời trắng

Chấp chới trôi buồn với nắng hanh…

Ta về như tứ thơ xiêu tán

Trong cõi hoang đường trắng lãng quên…

Một loạt hình ảnh tỉ dụ với những hình ảnh chỉ sự hữu hạn, mong manh, hư vô, đẹp đến mơ hồ.

Ta về khai giải bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào gỗ đá ơi

Hãy kể lại mười năm chuyện cũ

Một lần kể lại để rồi thôi.

Có bùa thiêng nào kể lại được nỗi nhà mười năm xa vắng? Gỗ đá không thức dậy. nhưng cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Từng mái, vách, tường xiêu, nhện giăng, khói ám, mối xông, giậu nghiêng cổng đổ, thềm cỏ um tùm, khách cũ không còn ai, người mất, người tù, người biệt tích...há chẳng phải cảnh vật đang kể lại một câu chuyện vô ngôn của cảnh nhà đơn chiếc, cha mẹ già như đĩa dầu hao, vợ lặn lội chạy ăn từng bữa nuôi con chờ chồng, những đứa con lớn lên không có bóng dáng cha đó sao? Đoạn thơ nói về cảnh vật mà người đọc hình dung ra bao biến cải bể dâu, nhớ tới câu thơ của Nguyễn Gia Thiều: “Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”. Chỉ cần nhắc một lần để rồi phải sống. Hãy nhớ, bên cạnh yếu tố triết học, những ám ảnh không gian, thời gian, cảm thức sâu sắc về lẽ biến dịch, về sự tuần hoàn, thơ Tô Thùy Yên chính là thi sử, là những trang đời âm thầm máu lệ của ông và những đồng hữu thời hậu chiến, và vượt lên tất cả là khí phách là thái độ sống của một người quân tử, không trói buộc lòng mình vào hận thù, khắc hận thù vào trong dạ nhưng không để nó làm vẩn đục đời sống tinh thần.

Những câu thơ dành cho người vợ tào khang khiến người đọc không khỏi xúc động.

Ta về như tiếng kêu đồng vọng

Rau mác lên bờ đã trổ bông

Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng

Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Ca dao Nam Bộ có câu: Chờ anh em quá sức chờ/ Chờ cho rau mác lên bờ trổ bông. Rau mác cùng họ với lục bình, nhưng lá nhọn như hình lưỡi mác. Hoa cũng tim tím như lục bình nhưng bông nhỏ và ít hoa hơn. Nếu lúc bình nổi lênh đênh trên mặt sông, kênh rạch, thời gian sinh trưởng ngắn thì rau mác có thể sống nhiều năm, mọc cố định ở đồng bưng, về mùa nước nổi, rau mác theo nước vươn lên, cọng trắng phau, mập tròn, có thể bứt làm thức ăn. Rau mác luôn mọc chòi lên bờ, như ước muốn thoát khỏi thân phận cây dại. Rau mác trổ bông quanh năm, vậy mà cô gái đã trách chàng trai để mình “quá sức chờ” lối nói thậm xưng chỉ sự ngóng trông đằng đẵng. Vậy mà 10 năm đợi chờ, bao nhiêu mùa rau mác trổ bông? Đủ thấy tấm lòng người vợ trung trinh với tiếng lòng đồng vọng. Em vẫn chung thủy đợi chờ, như lẽ tất nhiên, như điều bình dị, như lòng biển mênh mông nhẫn nại. Có người cho rằng, đây là so sánh thiếu tế nhị, thiếu mềm mại và không thích đáng. Kể ra không phải không có lý. Biển vĩ đại, sóng ngầm, bão tố, phong ba… đặt người đàn bà trong so sánh với biển, dữ dội quá, tuồng như không giống với những phẩm chất dịu hiền, thương khó mặc định của đàn bà Việt. Nhưng hãy đọc lại bao trang viết về những người vợ có chồng đi cải tạo, vừa lặng thầm chăm lo cha mẹ, vừa như con gà mẹ xù cánh che chở nuôi dạy con khỏi sự cô lập, kỳ thị của người đời, vừa thu vén chắt bóp thăm chồng đường xa vạn dặm, không chỉ đối mặt với bao khó khăn về vật chất, mà cái khổ lớn nhất là sự chịu đựng, o ép, đe dọa về tinh thần, thì không so sánh nào sâu sắc, hàm ơn bằng hình ảnh người vợ chờ chồng như biển chờ sông.

Ta về như nước Tào Khê chảy

Tinh đẩu mười năm đã nhạt mờ…

…Người chết đưa ta cùng xuống mộ

Đâu còn ai nữa đứng bờ ao

Khóc người ta khóc ta rơi rụng

Tuổi hạc ôi ngày một một hao.

Những câu thơ này đặc phong vị Bắc. Nó làm người đọc liên tưởng tới câu ca dao thao thiết Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/ Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ và Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ. Tôi không biết khi viết những điển tích, những chỉ dấu Bắc kỳ tuyệt đẹp này, ông đã đọc những câu ca dao Bắc này chưa, nếu chưa, thì quả thực chất Bắc đã ngấm vào hồn thơ ông hồn nhiên, nhuần nhị như năm xưa Tướng quân Trần Nhật Duật lên miền ngược uống rượu với người Man, thuần thục đến mức được coi như gã người Man chính hiệu.

Tôi đặc biệt thích khổ thơ:

Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh.

Tại sao lại là “bóng ma hờn tủi”? Là bởi vì bị bức tử về tinh thần, bị o ép về mặt thân xác, đã thành một con ma người tồn tại ở cái buổi nghi kị, tố giác, căm thù và độc địa. Nhưng nhân vật trữ tình trong thơ Tô Thùy Yên, luôn luôn cảm nhận rõ cảnh ngộ, thân phận, và có phần nào an phận, nhưng tuyệt đối không cúi đầu. Vượt lên tất cả nghịch cảnh là sự tiếc nuối, xót xa, thương yêu, bao dung và tha thứ. Buộc phải “chết”, bị ép vào tuyệt lộ nhưng vẫn không bao giờ đánh mất mình. Mười năm ta vẫn cứ là ta. Điềm đạm, ngang tàng, uy vũ bất năng khuất. Nếu ở khổ thơ trên, một bông hoa nở cũng đủ để nhà thơ cúi đầu cảm tạ, thì tới đây, ông lại “thương từng phế liệu”, những dấu tích thời chiến, dấu tích của cuộc đời khác, thuở được làm người. Một mối tương liên khi nhìn những mảnh phế liệu mà nghĩ tới phận mình, mình giờ đây có khác gì mảnh phế liệu thành vô danh ngay trên mảnh vườn nhà. Nhìn thấy ở mỗi sự vật đều có linh hồn, để mà thương lấy mình, để mà sống cho nhân ái khoan hòa. Tâm thế đó dường như là một chất riêng của thơ Tô Thùy Yên. Ông vượt thoát các giới hạn, không phải để lảng tránh, mà để đối mặt, nhìn rõ bản chất, không để hận thù mà để thứ tha. Bởi thế, tôi cho rằng, thơ Tô Thùy Yên còn giàu Phật tính, không chỉ riêng trong bài thơ này.

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thuở trần gian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta.

Từ ngàn xưa, trong tâm thức văn hóa Á Đông, Hạc được ví như chim thiêng, là linh vật bất tử trong thế giới loài chim. Hạc có sải cánh dài rộng, bay vút trời cao, vượt muôn trùng mây, sánh với người ưu tú có năng lượng sống dồi dào, mạnh mẽ đương đầu khó khăn sóng gió, lại trong sạch thuần khiết giống bậc quân tử, tiếng kêu thánh thót của nhân tài. Do đó, Hạc được xem như biểu tượng của trí tuệ và cốt cách thanh cao, vượt khỏi đời tầm thường tục lụy. Đây là khổ thơ xứng làm cái kết cho bản trường thi lộng lẫy, thể hiện sự song hành giữa cái hữu hạn bên cạnh cái vô hạn, giữa thanh cao và tục lụy, giữa buông xả và luyến thương. Đời là cõi tạm, còn ta chỉ như loài chim quý trót nặng lòng thương nhớ trần gian một thuở làm người mà về lại bên đời, để rồi vỗ cánh. Thế thì những tù đầy, oan trái còn xảy ra thêm vài lần nữa cũng có gì đáng sợ. Trong tầm vòng giới hạn của kiếp người, Tô Thùy Yên đã làm được điều mà ông hằng trăn trở. Dù đời người hữu hạn, vũ trụ vô cùng, nhưng bằng những thi phẩm để lại cho đời, ông xứng là con chim hạc bay qua miền đất này và cất tiếng lòng bi tráng, thống thiết, thánh thót, chạm tới tận cùng những cung bậc cảm xúc.

TA VỀ – Đâu chỉ là về với quê hương bản quán mà nó còn là cuộc trở về với bản thể, trở về với chính mình để truy tìm những câu hỏi lớn: Rốt cuộc, sau bao nhiêu thống khổ, ta là ai? Ta là cánh hạc vàng bay trong chiều thương nhớ để dâng đời khúc hát của một đời ly loạn, không phải để hận thù, chia biệt, mà để loài người biết thương xót nhau thêm.

Trong lần trả lời phỏng vấn của báo Người Việt gần đây, Tô Thùy Yên có kể lại một kỷ niệm rằng, thập niên 90, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong khi thu xếp để chờ đi Mỹ, khi đến nhà chơi có nói: “Đất nước này rồi sẽ phải trải qua những biến động lịch sử tan tác kinh hồn chẳng thể cản tránh được, tôi ra đi xa lánh, anh còn ở lại, anh hoặc là ai đó sẽ phải viết một bài thơ mà chất liệu là núi xương sông máu, là hàng triệu cái xác chết”. May mắn, tới bây giờ thi nhân Việt Nam chưa ai phải viết ra tác phẩm như Thanh Tâm Tuyền dự đoán, nhưng với khối lượng sáng tác đáng nể, Tô Thùy Yên đã tạc lên một Cõi Người, một Cõi Phật, một Cõi Lão, Trang, một Thời Đại đặc biệt bằng thi ca, và như thế, trong mắt những người yêu thơ Tô Thùy Yên, thì ông mãi mãi MỘT BÓNG TRÊN ĐƯỜNG LỚN.

Thảo Dân.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!