Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

DÂN KHÍ -Nguyễn Tuấn



Một ông cụ 78 tuổi bị cảnh sát Sydney bạo hành. Một ngày sau đó có hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối hành động của cảnh sát. Sự việc nói lên một khía cạnh rất quan trọng mà tôi nghĩ có thể tóm tắt trong 2 chữ: dân khí. Dân khí ở VN đang có vấn đề vì hệ thống giáo dục và truyền thông làm băng hoại. 

Câu chuyện ông Danny Lim 

Ông cụ tôi vừa đề cập là một 'personality' rất nổi tiếng ở trung tâm Sydney. Ông tên là Danny Lim, người mà những ai làm việc ở trung tâm Sydney đều không ít thì nhiều biết đến qua những cách 'biểu tình' màu mè. Tôi đặt chữ 'biểu tình' trong ngoặc kép, là vì hành vi của ông không hẳn là biểu tình ồn ào hay bạo động. Mỗi ngày, ông đeo hai tấm carton, trước ngực và sau lưng, có những thông điệp viết tay trên đó, rồi ông đi lòng vòng các địa điểm nổi tiếng có nhiều người qua lại. 

Thông điệp của ông thường mang tính tích cực, như "Stop Racism" (ngưng ngay kì thị chủng tộc), "Peace, Smile, Be Kind" (Hoà Bình, Hãy Cười, Hãy Tử Tế Với Nhau). Nhưng thỉnh thoảng cũng có những thông điệp chánh trị. Chẳng hạn như có vài lần tôi thấy ông đeo cái thông điệp kêu gọi "Hãy Đuổi Chánh Phủ Berejiklian". Nói chung ông là người hiền lành, không hại ai, và ông được nhiều người giàu có ngầm ủng hộ.

Nhưng việc làm của ông có thể làm cho cảnh sát ... ngứa mắt. Như tuần rồi, ông đeo cái khẩu hiệu viết trên carton và đứng trước khu shop Queen Victoria Building, ngay trung tâm thành phố. Đây là khu phố bán hàng loại 'sang chảnh' của các thương hiệu như Hermes, LV, Gucci, Dior, Chanel, Tiffany, Rolex, Prada, Versace, v.v. Những người đi shop ở đó cũng có vẻ là những 'nam thanh, nữ tú'. Vậy mà ông mang hai cái carton đứng trước những cửa hàng sang trọng đó. Có lẽ chính vì thế mà người ta (mấy người bán hàng?) nhờ cảnh sát can thiệp. Cảnh sát tới, yêu cầu ông rời, nhưng ông không chịu, và thế là cảnh sát đè ông xuống mặt đường, làm cho ông bị chảy máu mặt. Cảnh sát vội vàng đưa ông vào Bệnh viện St Vincent's gần đó. 

Ngay sau khi nghe tin ông bị cảnh sát hành hung và bắt, có luật sư hạng 'nặng kí' tình nguyện đại diện cho ông. Ngoài ra, có một nhóm người ở địa phương tụ tập ngay trước đồn cảnh sát Surry Hills phản đối việc cảnh sát có hành động nặng tay với ông Lim và yêu cầu phải trả tự do tức khắc cho ông ấy. Khác với sự 'biều tình' của ông Lim, nhóm biểu tình ủng hộ ông thì đông hơn (chắc cả trăm người), ồn ào hơn, quyết liệt hơn, và họ đem theo những thông điệp chỉ trích cảnh sát. Trong các thông điệp đó, họ chất vấn xã hội Úc đã thành một "Police State" (xã hội công an trị) hồi nào, và yêu cầu ngưng ngay bạo lực của cảnh sát đối với dân lành. Hiện nay, Chánh phủ New South Wales đang lập một tổ điều tra về sự việc chung quanh cảnh sát bắt và gây thương tích cho ông Danny Lim. 

Câu chuyện có kết cục tốt: ông Danny Lim được trả tự do ngay trong bệnh viện, và hôm kia ông đã xuất viện, chuẩn bị cho một biểu tình khác.

Dân khí 

Câu chuyện của ông Danny Lim và những người ủng hộ ông làm tôi liên tưởng đến khái niệm 'Dân khí' trong đường lối của cụ Phan Châu Trinh ngày xưa. Xin nhắc lại rằng Chí sĩ Phan Châu Trinh có một chủ trương không bao giờ lỗi thời: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Chúng ta hiểu 'Dân trí' ở đây là mở mang tri thức cho dân, nâng cao trình độ khoa học và văn hoá cho người dân. 'Dân sinh' là làm cho đời sống của người dân có cuộc sống vật chất đầy đủ và hạnh phúc. Nhưng còn 'Dân khí' là gì? 

Phải một thời gian tôi mới hiểu một chút khái niệm 'Dân khí'. Tôi hiểu rằng Dân khí là tập hợp sức mạnh tinh thần của người dân trong xã hội. Tôi muốn hiểu chữ 'khí' ở đây là 'khí phách'. 'Chấn dân khí' là chấn hưng khí phách của một cộng đồng dân tộc. 

Dân khí của cộng đồng người Việt ngày xưa và ngày nay ra sao? Ngày xưa thì chắc không ổn rồi, nên cụ Phan Châu Trinh mới kêu gọi 'Chấn dân khí'. 

Chúng ta hãy đọc một vài nhận xét của Paul Giran, người từng làm chức Toàn quyền Đông Dương và có tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội Việt Nam vào đầu thế kỉ 20. Trong cuốn sách 'Tâm lí dân tộc An Nam', ông mô tả người Việt chúng ta là một nhóm người yếu đuối về thể trạng và tinh thần. Chiều cao trung bình lúc đó chỉ 160 cm (nam) và 150 cm (nữ), và trọng lượng trung bình chỉ 55 kg (nam) và 45 kg (nữ), có nhiều bệnh tật vì sống trong môi trường khắc nghiệt, hay chết sớm.  Về tinh thần, ông nhận xét rằng người Việt chúng ta rất nhẫn nhục và chịu đựng, không có ý chí phản kháng, và rất sợ quị lụy trước người có quyền thế. 

Ông viết rằng người An Nam “dập đầu xuống đất liên tục, chắp tay van xin, sau đó khoanh tay trước ngực, mọi biểu hiện nơi phong thái đó gợi lên sự tầm thường.” Tuy nhiên, người An Nam rất hám quyền và thích các chức vụ trong hệ thống công quyền. Ông Giran nhận xét rằng người An Nam rất thích làm các chức vụ trong bộ máy công quyền vì “nghề này thỏa mãn tình yêu quyền lực, phỉnh nịnh thiên hướng của họ, đưa đến sự trơ ỳ và phù hợp với sự thiếu sáng tạo của họ. Vì vậy, hầu hết những người An Nam thông minh hoặc giàu có đều khao khát quan trường.” 

Ông Giran còn nhận xét rằng người An Nam thích làm theo đường mòn, làm theo những gì người khác đã vạch ra, chứ không tự mình đặt ra con đường mới. Ông nhìn cách những người thợ tranh sơn mài và khảm xà cừ, và đi đến nhận xét rằng họ làm tỉ mỉ và khéo léo, nhưng đó chỉ là những thói quen, chớ không có sáng tạo. Ông kết luận: “Sự thờ ơ, không có sáng kiến, không có tinh thần sáng chế, họ chưa bao giờ là người sáng tạo […] Họ có tài năng nhất định, nhưng không bao giờ là thiên tài”.

Dân khí ngày nay? 

Thế còn dân khí của chúng ta ngày nay thì sao? Tuỳ vào cách nhìn. Nếu bạn là người lạc quan thì sẽ thấy chúng ta là một dân tộc 'anh hùng', đánh đuổi hết vương quốc này đến đế quốc khác, bách chiến bách thắng, kẻ thù nào cũng đều run sợ khi nghe đến hai chữ Việt Nam. Có người còn mơ một sáng thức dây làm người Việt Nam. Nói chung là dân khí của người Việt ngày nay là tuyệt vời, chẳng có gì phải trăn trở. 

Nhưng nếu bạn là người kém lạc quan và nhìn vào thực tế thì sẽ thấy đa số những gì ông Paul Giran nhận xét cả trăm năm trước có vẻ vẫn còn tính thời sự. Ngày nay, thể trạng của người Việt đã tốt hơn (cao hơn 5 cm và nặng hơn chừng 10 kg so với 100 năm trước), nhưng về tinh thần thì những gì Giran nhận xét hình như vẫn còn phù hợp. Nhìn chung, người Việt chúng ta vẫn hám danh, vẫn đam mê chức quyền, vẫn quị luỵ trước chức quyền, vẫn thờ ơ trước thời cuộc, vẫn chạy theo những thị hiếu tầm thường, và vẫn thiếu sáng tạo. 

Chấn dân khí bằng truyền thông và giáo dục 

Quay trở lại câu chuyện ông Danny Lim ở Sydney, tôi nghĩ đó là dân khí, là bản lãnh của người dân. Để có một cộng đồng khí phách như thế là nhờ giáo dục và truyền thông. Hệ thống giáo dục của Úc đề cao tinh thần tự do và tự trọng (không phải tự ti). Nó giúp cho người dân đứng lên yêu cầu kẻ cầm quyền dừng những hành vi tàn bạo. 

Tôi tự hỏi có bao giờ ở Việt Nam có những người như ông Lim và những người ủng hộ việc làm của ông ấy. Có bao nhiêu người còn trăn trở trước quốc sự và lên tiếng theo cách của mình? Tôi sợ là rất hiếm. 

Truyền thông bẩn bựa tràn ngập đời sống xã hội. Hàng triệu người say sưa theo dõi một người phụ nữ nói những điều xằng bậy và tục tĩu trên mạng! Những kẻ cặn bã xã hội lên ngôi đặt ra chương trình nghị sự xã hội. Một nhóm người tụ tập nhau trên mạng và ngoài đời vùi dập một ông cụ tu tại gia, thậm chí đe doạ cả nhóm luật sư, mà chẳng ai làm gì họ! Trước bản án tử hình dành cho một người đã hành hạ người con ghẻ đến chết, người ta hả hê như là một sự trả thù đích đáng. Người ta bận rộn đấu tố nhau, làm ‘lộ hàng’ nhau, ‘bóc phốt’ nhau. Thật khó mà so sánh dân khí như thế với dân khí Úc. 

Một bài báo trên Tuổi Trẻ khoảng 10 năm trước đây [1] có đề cập đến tình trạng truyền thông ngày nay "đang làm bại hoại dân khí, trong khi tưởng nhầm rằng đang 'khai dân trí' bằng những tin ... 'lộ hàng' và soi mói đời tư!" 

Bài báo đó còn nói rằng có người gọi nền văn nghệ ở miền Nam vào thập niên 1960 là “nền văn nghệ đĩ bợm”, rồi cho rằng chữ đó vẫn còn phù hợp cho tình hình ngày nay: đĩ bợm. Wow!

Đó là truyền thông chánh thống, còn truyền thông xã hội thì còn kinh khủng và man rợ hơn nữa. Hai thế lực này -- truyền thông chánh thống và truyền thông xã hội -- đang làm cho dân khí Việt Nam ở nguy cơ bị suy đồi. 

Nhưng một bạn đọc còn thêm rằng 'quan khí' ngày nay thậm chí còn tệ hơn dân trí. Điều này thì quá đúng. Nhưng trong thực tế thể chế và quan là do dân khí tạo ra. Mượn cách nói nổi tiếng ở phương Tây, chúng ta cũng có thể nói dân khí thế nào thể chế độ thế đó. 

Thành ra, chấn dân khí nên bắt đầu bằng một hệ thống truyền thông tử tế. Nhưng không chỉ truyền thông, mà chấn dân khí còn phải qua giáo dục. Thay vì đào tạo ra những ông bà cử sĩ phục vụ cho nhà cầm quyền và kĩ nghệ, nên tạo ra những người tự do, tinh thần tự lập cá nhân và khí phách. Đó chính là chấn dân khí vậy. 
***

[1] https://tuoitre.vn/khai-dan-tri-phai-di-lien-voi-chan-dan...

( Nguồn: Fb Nguyễn Tuấn)

2 nhận xét :

  1. Ghé thăm thi nhân được đọc bài viết gợi rất nhiều suy ngẫm. Cảm ơn đệ và xin chúc lời bằng an !

    Trả lờiXóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!