Hồng Vân!
(Bài Hát Nói đơn sơ, mộc mạc thân tặng Nhà Thơ Hồng Vân,
Bạc Liêu, Việt Nam)
Hồng vân là màu mây mùa Hè trời nắng đẹp!
Hồng vân là nét dịu dàng thiếu nữ Áo Dài cánh sen đi dép nhỏ thơm ngát hương Nhài!
Hồng vân là ánh chiêu dương ban mai mọc trên mặt biển vọng tiếng khoan thai:
“Mây hồng ở mãi từng không”
“Làm cho mưa gió còn trông cậy gì?
“Mây hồng trẻ mãi làn mi”
“Làm cho tuổi tác phân bì với ai?”
Ôi! Lại còn thêm Tài Thi Sĩ!
Bạc Liêu nuôi dưỡng hàng toàn mỹ!
Nam Hải giúp nên bậc trọn hay!
Thời gian là tuấn mã chạy như bay!
Đuổi theo đám mây hồng hình cây bút trong tay trước mặt!
Mây bỗng nhẹ nhàng đáp êm trên đất
Biến thành tơ tằm dệt những Áng Thơ ngọt như mật ong rừng!
Vui! Làm đời cười thoải mái! Buồn! Khiến nhiều giọt lệ rưng rưng!
Hồi âm ai cũng đáp lễ từng người! Chưa từng thiếu xót!
Lời thơ tựa Dạ Oanh lảnh lót!
Ý tứ như Hoàng Cúc thân thương!
Làm Mây là bạn Gió, Sương!
Phận là cao đẹp đảm đương nghịch thường!
Vượt qua giông tố, tai ương
Vững lòng cầm bút, bước đường thênh thang!
Hồng Vân! Còn mãi tên Nàng!
Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 08/01/2022
***
Kính gởi : Nhà Thơ Hồng Vân,
Đồng kính gởi : Các Thi Huynh,
Xin cảm ơn Nhà Thơ Hồng Vân đã hồi âm nhanh chóng và khiêm tốn!
Bản chất của Thơ là siêu thực mà hiện thực, là vượt ngoài những tầm thường (phi thường) nhưng vẫn bình thường (có thể cảm được, thấy được!), là thăng hoa đối tượng, nhưng vẫn nhìn rõ chân dung đối tượng đó, là khen nhưng mà không khen, là chê nhưng mà không chê!
Đó là Giác Quan Thứ Sáu của các Nhà Nghệ Sĩ nói chung, các Nhà Thơ nói riêng!
Bài Hát Nói “Hồng Vân” xuất phát từ Tâm Hồn Nghệ Sĩ nên chắc chắn có những vẻ đẹp vượt ngoài bình thường và đồng thời có những góc nhìn chân dung của Thân Phận Nhà Thơ Hồng Vân.
Hình như Nhà Thơ Hồng Vân không để ý đến lời cảnh báo của Đức Hùng rằng :
“Làm Mây là bạn Gió, Sương”
(Và đọc tiếp những câu sau)
Khi Nhà Thơ chọn “Mây” cho bút hiệu của mình là sẽ phải “làm bạn” với Gió, Sương tượng trưng cho nhiều khó khăn, gian nan trước mắt! Và “Mây” luôn ở trên cao nên phải giữ thân phận, tư cách của mình cao đẹp để đối phó với bao nhiêu gập ghềnh trong Thế Giới Thi Ca, “chỉ được quyền cao đẹp, cao thủ, cao cường, cao tài, cao đức, chứ không được quyền hạ thấp tư cách, phẩm giá của mình trong bất cứ trường hợp nào!”.
Vậy, khen đúng hay khen sai, chê đúng hay chê sai hoàn toàn không phải là vấn đề làm phiền lòng các Nhà Thơ Chân Chính.
Nói khác đi, họ chẳng bao giờ bận tâm đến! Chỉ có một điều duy nhất là khi có người chỉ cho họ những sai sót trong làm thơ, họ học hỏi sửa lại ngay, khi có người khen họ , họ rất vui nhưng không bao giờ kiêu ngạo mà âm thầm tự biết mình! Rết nhiều chân rết biết. Ngọc ẩn đá ngọc hay.
Tóm lại, họ đón nhận hết mà không bao giờ phiền hà gì cả! Tâm Hồn Nghệ Sĩ của họ rất khoáng đạt, phiêu du, hoà mình vào vũ trụ, chẳng bao giờ bận tâm đến khen, chê, bổ, báng! Thi Huynh Cao Bồi Già là người “chê” Đức Hùng nhiều nhất! Mà Đức Hùng vẫn quý mến, kính trọng Ông, có bao giờ “buồn” Ông đâu?! “Càng chê càng tốt, không có vấn đề gì cả!”
Xin cáo lỗi đã làm mất nhiều thời giờ của Hồng Vân và các Thi Huynh vì Đức Hùng rất ngạc nhiên khi thấy Hồng Vân đọc bài Hát Nói “Hồng Vân” mà chưa hiểu các ẩn dụ, cảnh báo, tiên tri của tác giả mà chỉ nhìn “áo choàng bên ngoài” chứ “chưa thấy cảnh thật bên trong”! Thường thì trước khi “chê” một người thì nên “khen” người đó trước để họ đỡ “thù” mình!
Niềm hạnh phúc nhất của người viết là có được độc giả hiểu được, thưởng thức được những gì mình viết! Thật là đau khổ! Còn đâu cảm hứng nữa mà viết tiếp?
Thân kính,
Đức Hùng
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!