Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

BIỆT LY-Thơ LCT /Họa: Thi Hữu


BIỆT LY
 (Tứ đối)

Mỏi bước chân về ngõ biệt ly
Buồn con nước đọng buổi phân kỳ
Thu còn lại giữa chiều mây tím
Cạnh ngõ mưa hồng nắng bỏ đi
Giấc mộng phù du đời diễn cảm
Chìm trong chén rượu tuổi xuân thì
Đêm sầu ảo vọng dòng suy nghĩ
Rã dưới khoang lòng một thuở si ./.
LCT 16/10/2019

Bài Họa:

PHÂN LY

Đường tình hai nẻo đã phân ly
Giấc mộng chung đôi hết hạn kỳ
Kỷ niệm về pha màu nắng úa
Loang miền thu quạnh bóng chiều đi
Bâng khuâng gác lẻ chờ trăng đến
Hối tiếc hoa xuân nghẹn lỡ thì
Lạc lõng chim xa tìm tổ gọi
U hoài cánh bướm quẩn bờ si
Lý Đức Quỳnh
  17/10/2019

HẬN TÌNH
   (Tứ đối)

Rầu lòng tưởng vọng lối từ ly,
Nát dạ hoài vương phút hẹn kỳ...
Tia sáng mắt huyền còn đọng mãi,
Dấu hài gót ngọc khó nhòa đi?...
Dây oan tình ái chưa buông mối,
Phận hẩm lương duyên đã lỗi thì.
Thương kẻ ân thâm nguồn dạ cảm,
Hận người phụ bạc tấm tình si!?
    29-10-2019
Nguyễn Huy Khôi

CHIA LY

Buồn thay một thuở đã chia ly,
Vỡ nát tim si chẳng hẹn kỳ.
Xa xót khi thu nay lại đến,
Đớn đau lúc hạ bỏ ra đi.
Âm thầm xứ lạ thân cô lạnh,
Thơ thẩn quê ai kiếp quạnh thì.
Tuyệt vọng còn mong chi nghĩ nữa,
Thôi đành tan vỡ khối tình si!
HỒ NGUYỄN
 (29-10-2019)

SẦU LY BIỆT

Có cảnh buồn nào lúc biệt ly
Đây đi đấy ở tới thời kỳ
Thiên thu cách trở sầu nhân tế
Vạn thuở u buồn khóc kẻ đi
Định luật sinh tồn thay mấy kiếp
Người đời sống chết đến ngay thì
Phàm nhân mạng số đâu qua khỏi?
Xấu tốt sang hèn chớ nộ, si!
Trần Đông Thành

THƯƠNG NHAU.

Tình yêu đến đẹp tựa lưu ly,
Lúc cách chia đau khổ lạ kỳ.
 Xót kẻ ở, năm chờ tháng đợi,
Ngày trông đêm nhớ, hận người đi.
Mênh mông sương xuống trăng lên muộn,
Văng vẳng chuông ngân mõ đúng thì.
Vẫn biết thương nhau là chuốc khổ,
Mà sao dan díu lại mê si.
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.
       Oct.30/2019.

VÃN CUỘC

Lệ rơi lã chã nhỏ lâm ly
Mưa rớt lưa thưa thấm lạ kỳ
Thu vãn chưa sương như đã phủ
Mùa còn nán lại nhạn rời đi
Heo may thoáng lạnh lùng vương nhẹ
Gió bấc thầm len lỏi chớm thì
Kẻ ở chân mây người góc phố
Khách tìm cuối bến cuộc tình si...
    Hawthorne  30  - 10 – 2019
CAO MỴ NHÂN

SẦU LY BIỆT
    (Tứ Đối)

Chiều vàng héo hắt buổi phân ly
Sắc tím tàn khô phút hạn kỳ
Hạ vẫn mong chờ người ở lại
Thu còn quyến luyến kẻ ra đi
Duyên phai lệ buốt nên đành vậy
Phận mỏng mi cay bởi phải thì
Phố vọng âm thầm lời nhạc ái
Đường vời lặng lẽ dấu tình si
       Minh Thuý (Thành Nội)
Tháng 10/30/2019

TIỄN CHÂN EM

Buồn thiu mệt mỏi phút chia ly
Dang dở tình em lỡ hẹn kỳ
Tha thiết dùng dằng anh trở lại
Đành thôi bịn rịn bậu ra đi
Thân thương kỷ niệm đây còn dịp
Tưởng nhớ người xưa đó kịp thì
Ghi khắc bóng ai hồn đắm đuối
U hoài dáng ngọc khối tình si
Mai Xuân Thanh
Ngày 01/11/2019

CHIA LY

Đọc Xuôi:
Đau lòng bước tiễn buổi chia ly,
Xót ruột đành cam lỗi hẹn kỳ.
Sầu khổ hận hờn thân nhục tủi,
Chứa chan tình thảm lệ buồn đi !
Thâu đêm buốt lạnh phiền duyên nợ,
Thế sự tang thương lỡ mộng thì !
Dâu bể lắm đời ôi luỵ cảm…
Sâu tình diệt hận bỏ cuồng si !

Đọc Ngược:
Si cuồng bỏ hận diệt tình sâu,
Cảm luỵ ôi đời lắm bể dâu.
Thì mộng lỡ... thương tang sự thế,
Nợ duyên phiền... lạnh buốt đêm thâu.
Đi buồn lệ thảm tình chan chứa,
Tủi nhục thân hờn hận khổ sầu.
Kỳ hẹn lỗi… cam đành ruột xót…
Ly chia buổi tiễn bước lòng đau !
Liêu Xuyên

11 nhận xét :

  1. Bài xướng có tứ đối.Với cặp đề BIỆT LÝ ĐỐI VỚI PHÂN KỲ.Trong bài họa cặp đề không đối đối được.Do phải giữ lại vần và tìm không ra chữ.Đành phải chấp nhận PHÂN LY với HẠN KỲ.
    Còn 3 cặp đối sau với 2 kiểu đối:Giao cổ đối và Cách cú đối.Quỳnh cố chạy theo trong chừng mực vừa giữ vần vừa chọn chữ phù hợp cho nghĩa của câu hài hòa và nhất quán với nghĩa cả bài.Có chút gượng ép.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên đây Q có nói đến tìm chữ cho câu đối,nhưng không nhắc đến lỗi "Khắc lục".Bởi đó là lỗi cơ bản khi làm bài họa phải tránh.

      Xóa
  2. Dù là xướng hay họa cũng rất khó, DVD chịu thua, chỉ thưởng thức thôi, hi hi hi...
    :))

    Trả lờiXóa

  3. Xin góp họa:

    HẬN TÌNH

    (Tứ đối)

    Rầu lòng tưởng vọng lối từ ly,
    Nát dạ hoài vương phút hẹn kỳ...
    Tia sáng mắt huyền còn đọng mãi,
    Dấu hài gót ngọc khó nhòa đi?...
    Dây oan tình ái chưa buông mối,
    Phận hẩm lương duyên đã lỗi thì.
    Thương kẻ ân thâm nguồn dạ cảm,
    Hận người phụ bạc tấm tình si!?

    29-10-2019

    Nguyễn Huy Khôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm o7n anh HUY KHÔI.
      Em xin đưa bài họa lên trang.

      Xóa
  4. Biệt ly bao giờ cũng làm nao lòng. Thơ Đường luật nói về trạng thái này càng lâm ly. Cám ơn hai tác giả !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác đã lưu nhận xét.Chúc bác an lạc.

      Xóa
  5. Trách ai bày vẽ cảnh chia ly
    Để trái tim đau hóa chai lỳ
    Từ nay thôi nhé tình đôi ngả
    Có gặp cũng đành ngoảnh mặt đi...

    HN sang thăm chia sẻ với anh.
    Chúc anh buổi sáng tốt lành thật vui nhé anh!

    http://img1.gbpicsonline.com/gb/98/070.gifhttp://img1.gbpicsonline.com/gb/98/070.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn HN đã lưu thơ cảm tác.
      Chúc em nhiều vui.

      Xóa
  6. Quỳnh xin thưa đôi điều:
    Do bài xướng có tứ đối,nên tác giả bài xướng(anh LCT) đã dùng nhiều kiểu đối khác nhau để tránh sự đơn điệu.
    Không xét về phương diện xuất xứ,hiện nay,theo điều kiện tiếp xúc các văn bản,Q biết cũng hơn 10 kiểu đối.
    Tựu trung,có thể quy về 2 nhóm:Chỉnh đối và Khoan đối.
    Trong các bài xướng họa của quý Anh Chị gởi về trang LP,chủ yếu vẫn là phép chỉnh đối,theo luật chiếu chữ,
    câu trên đối với câu dưới trong từng vị trí tương ứng.Phổ biến vẫn 2 kiểu đối:Song Nghĩ Đối và Liên Miên Đối.
    Ví dụ:
    +Vi vu mây nước say tình hạ/Lả lướt đất trời đắm ý xuân (Song nghĩ đối)
    +Nước chảy,chảy dài vào bất tận/Người đi,đi suốt tới vô cùng (Liên miên đối)
    Thi thoảng mới có vài câu theo Lưu Thủy Đối.
    Theo luật chiếu chữ,trong Lưu thủy cũng gần như hoàn chỉnh.Chỉ có 1,2 chữ làm vai trò cầu nối.
    Về cơ bản có thể như ví dụ sau:
    +Ngó cuộc tương phùng như nước chảy/Thì nhìn hội ngộ tưa mây bay.Chữ THÌ làm vai trò nối kết mạch ý.
    Đọc một vài bài thơ của các bạn trẻ,kiểu Lưu thủy đối đã có chút "cách tân".Nhưng,xét lại ý hướng cách tân
    đã có gặp trong vài bài thơ luật của cụ TẢN ĐÀ rồi.Ví dụ:
    +Biết bao lúc mới công vờn vẽ/Sao đến bây giờ rách tả tơi(Trong Vịnh Bức Dư Đồ)
    Chiếu chữ không đối nhau..Nhưng đọc lại với cấu trúc câu có ý đối nhau.
    Thuở trước thì bồi đắp,gầy dựng (công vờn vẽ),bây giờ không gìn giữ,để rách tả tới.
    Bạn trẻ đi xa hơn cái căn bản,do đó cũng phát sinh ý kiến trái chiều.
    Quỳnh xin dẫn một câu có tính tượng trưng để làm ví dụ:
    +Nếu biết người đi không trở lại/Thà rằng thuở ấy chớ yêu nhau.
    Cấu trúc câu có yếu tố thời giàn,với trạng thái cảm xúc đối lập.
    Trong quá khứ yêu thương gần gũi hạnh phúc.Hiện tại phân ly nhung nhớ,muộn phiền.
    ********
    Trở lại bài xướng BIỆT LY.Cặp đề kiểu đối thông dụng.
    Tác giả có dùng 2 kiểu đối ít phổ biến là: Giao Cổ Đối và Cách Cú Đối.
    Cụ thể cặp thực trong bài xướng:
    +Thu còn lại / giữa chiều mây tím
    Cạnh ngõ mưa hồng / nắng bỏ đi
    3 chữ đầu câu trên đối với 3 chữ cuối câu dưới.4 chữ cuối câu trên đối với 4 chữ đầu câu dưới.
    Còn 2 cặp sau theo Cách Cú đối..Câu trên không đối với câu liền kề,phải cách câu mới có đối.
    **********
    Quỳnh xin mạo muội có đôi lời dẫn giải.Vì bài xướng có các kiểu đối không phổ biến.
    Rất mong quý Anh Chị cảm thông cho vài lời thô thiển của Q.
    Quý Kính,
    Lý Đức Quỳnh.

    Trả lờiXóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!