Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Giai Thoại Văn Chương:HOÀNG HẠC LÂU -Đỗ Chiêu Đức

--oo0oo--

Giai Thoại Văn Chương :

HOÀNG HẠC LÂU từ nhà Đường  
đến nhà Nguyễn VIỆT NAM  (1)


      HOÀNG HẠC LÂU, đề tài văn chương muôn thuở ! Trước trước sau sau kể từ đời Đường đến đời Thanh đã có hơn 400 bài thơ, từ, ca, phú, ngâm vịnh, tản văn... viết về Hoàng Hạc Lâu nầy.  Trước khi lạm bàn về đề tài hấp dẫn nầy, xin được nhắc lại bài thơ  muôn đời bất hủ vịnh "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu sau đây :

                 黃鶴樓                     HOÀNG HẠC LÂU
             昔人已乘黃鶴去,    Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
             此地空餘黃鶴樓。    Thử địa không dư hoàng hạc lâu.
             黃鶴一去不復返,    Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
             白雲千載空悠悠。    Bạch vân thiên tải không du du.
             晴川歷歷漢陽樹,    Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ,
             芳草萋萋鸚鵡洲。    Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
             日暮鄉關何處是?    Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
             煙波江上使人愁!     Yên ba giang thượng sử nhân sầu !
                              崔顥                                       Thôi Hiệu
     Có nghĩa :
                       Người xưa đã cởi hạc bay cao
                       Bỏ lại ven sông Hoàng Hạc Lâu
                       Hoàng hạc một đi không trở lại
                       Bạch vân muôn thuở vẫn bay mau
                       Hán Dương sông tạnh rừng cây tỏ
                       Anh Vũ bãi xa cỏ biếc màu
                       Chiều xuống quê nhà xa chẳng thấy
                       Đầy sông khói sóng ngẩn ngơ sầu !
                                                           Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

                              Inline image

      Bài thơ được xưng tụng là "Thiên thu tuyệt tác" và là "Bài thơ thất ngôn bát cú hay nhất của đời Đường". Thôi Hiệu đã mở đầu bài thơ bằng truyền thuyết không có thật "Người xưa đã cởi hạc bay cao" đưa đến cảnh có thật trước mắt "Bỏ lại ven sông Hoàng Hạc Lâu", vì "Hoàng hạc một đi không trở lại" cổ tích đã qua rồi theo năm tháng chỉ có bên trời mây trắng là vẫn còn "du du" mãi mà thôi ! Cái cảm giác bâng khuâng ngơ ngẩn thường có của những ai đã từng bước lên một danh lâu cổ tích như Hoàng Hạc Lâu nầy. Sau giây phút bàng hoàng thì cảnh trí rực rỡ trước mắt bày ra với "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ," ở xa xa và " Phương thảo thê thê Anh Vũ châu" ngay trước mắt. Trong ánh chiều dần tắt, với cảnh hoàng hôn trên sông nước mênh mông dễ làm cho người ta xúc động tình quê mà trông ngóng về quê nhà, nhưng quê nhà đâu chẳng thấy chỉ thấy đầy sông khói sóng "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" mà thôi!. Hơi thơ đi một lèo từ truyền thuyết đến thực tại, từ cảnh lầu không với ngàn năm mây trắng vẫn vằng vặc bay bay, từ cảnh xa đến cảnh gần, từ cảnh hoàng hôn với nắng chiều đã tắt đến cảnh khói sóng trên sông khơi dậy lòng nhớ quê hương... hơi thơ liền lạc đi từ đầu đến cuối rồi đi thẳng luôn vào lòng người đọc...
      Chả trách, theo Đường Tài Tử Truyện, sau nầy khi lên Hoàng Hạc Lâu, Thi Tiên Lý Bạch cũng định làm thơ, nhưng khi đọc xong bài thơ của Thôi Hiệu đề trên vách lầu, Lý đã quăng bút mà than rằng :"Nhỡn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu 眼前有景道不得,崔颢题詩在上頭. Có nghĩa :"Trước mắt có cảnh đẹp mà không tả được, vì Thôi Hiệu đã đề thơ ở phía trên đầu ta rồi !". Vì Lý thừa biết rằng, nếu có miễn cưởng làm thơ thì cũng không sao bằng được bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đã làm, nên thôi. Nhưng chỉ "thôi" trong lúc đó mà thôi. Nỗi lòng ấm ức vẫn cứ mãi âm ĩ trong tim, không làm được bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" thì ta làm bài "Anh Vũ Châu" vậy. Sau đây là bài thơ ANH VŨ CHÂU  鸚鵡洲 (Cù lao Anh Vũ) mà Lý đã làm với âm hưởng và cách điệu giống như là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vậy : 

                         Inline image

              鸚鵡來過吳江水,    Anh vũ lai quá Ngô giang thủy,
              江上洲傳鸚鵡名。    Giang thượng châu truyền anh vũ danh.
              鸚鵡西飛隴山去,    Anh vũ tây phi lũng sơn khứ,
              芳洲之樹何青青。    Phương châu chi thọ hà thanh thanh.
              煙開蘭葉香風暖,    Yên khai lan diệp hương phong noãn,
              岸夾桃花錦浪生。    Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh.
              遷客此時徒極目,    Thuyên khách thử thời đồ cực mục,
              長洲孤月向誰明 ?    Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh?!
 Có nghĩa :
          - Chim Anh Vũ đã từng đến qua dòng sông Ngô Giang nầy,
          - Cho nên cồn bãi trên sông có tên là Anh Vũ Châu được lưu truyền. 
          - Chim Anh Vũ đã bay về hướng tây phía Lũng Sơn đi mất rồi... 
          - Nhưng cây trên cồn bãi vẫn còn xanh xanh làm sao ấy !
          - Sương khói tỏa mờ những lá của hoa lan đưa hương theo làn gió ấm,
          - Hai bên bờ sông với hai dãy hoa đào soi bóng làm cho những gợn sóng 
            đẹp tựa gấm thêu.
          - Những thuyên khách (người có tội bị đày đi xa) như ta, lúc nầy đang
            nhìn mút tầm mắt về hướng quê nhà,
         -  Trên những cồn bãi dài với ánh trăng cô lẻ không biết là đang soi
            sáng cho ai đây ?  
                
 Diễn Nôm :
                       Ngô Giang Anh Vũ đã từng qua,
                       Anh Vũ thành tên cồn cỏ xa.
                       Anh Vũ đã bay về tây Lũng,
                       Cây xanh trên bãi vẫn chưa nhòa.
                       Khói vương gió thoảng hoa lan tỏa,
                       Bến ngập đào hồng sóng gợn ba.
                       Thuyên khách mõi trông về cố quận,
                       Trăng côi cồn vắng biết ai là...?!
                                                  Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

                              Inline image

       Nhưng "ANH VŨ CHÂU" của Lý cũng không sao truyền cảm và sánh ngang hàng với "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiêu được; Mặc dù 4 câu thơ đầu từ "ANH VŨ" được nhắc đi nhắc lại đến 3 lần và cũng đều thất Niêm thất Luật như 4 câu đầu của bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu vây. Nhưng có vẻ như gượng ép không được tự nhiên và nên thơ phóng khoáng như của Thôi Hiệu. Lý Bạch cũng biết thế, cho nên khi đến đất Kim Lăng, lên ngắm cảnh trên Phụng Hoàng Đài, ông mới xúc cảnh sinh tình, mà làm nên bài thơ " Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài 登金陵鳳凰台" rất xuất sắc, gieo vần và âm hưởng đều tương tự như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Phải chăng để giải tỏa đi cái ấm ức bấy lâu nay ở trong lòng ?. Bài thơ như sau :
                                
             登金陵鳳凰台               Đăng KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI

             鳳凰台上鳳凰游,         Phụng Hoàng Đài thượng Phụng hoàng du
             鳳去台空江自流。         Phụng khứ đài không, giang tự lưu
             吳宮花草埋幽徑,         Ngô cung hoa thảo mai u kính
             晉代衣冠成古邱。         Tấn đại y quan thành cổ khâu
             三山半落青天外,         Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
             二水中分白鷺洲。         Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu
             總為浮雲能蔽日,         Tổng vị phù vân năng tế nhật
             長安不見使人愁。         Trường An bất kiến sử nhân sầu ! 
                            李白                                                Lý Bạch

                 Inline image
      
* Nghĩa bài thơ : 
                                Lên Phụng Hoàng Đài ở Kim Lăng.
         Ngày xưa, phụng hoàng đã từng dạo chơi trên đài Phụng Hoàng nầy, nay phụng đã đi rồi, chỉ còn lại cái đài không và dòng sông lặng lẽ trôi. Hoa cỏ trong cung Ngô ngày xưa, nay đã tiêu điều trong hẽm vắng, những bậc vương hầu khanh tướng nhà Tấn, nay cũng chỉ còn lại những nấm mộ xưa. Nhìn ra xa, trong cảnh mây mù, ba ngọn núi liền nhau như bị rớt một nửa trên vòm trời xanh, bên dưới dòng sông Tần Hoài tách làm đôi chảy thành 2 nhánh bởi cù lao Bạch lộ (cù lao có rất nhiều cò trắng trên đó mà thành tên). Trong cảnh trí nầy, mây mù lại che khuất cả vầng thái dương, nên không thấy được đất Trường An, khiến cho người ta càng thấm thía thêm nỗi sầu nhân thế...
     Lý Bạch ví mây mù như là bè lũ nịnh thần, che lấp mặt trời là lấn áp Thiên tử, khiến cho người ưu thời mẫn thế cảm thấy lo buồn... 

Diễn nôm :
                      Lên Đài Phụng Hoàng Ở Kim Lăng

                     Inline image

                    Phụng Hoàng Đài trước phụng hoàng chơi
                    Phụng đã biệt tăm, sông vẫn trôi
                    Hoa cỏ cung Ngô đà vắng vẻ
                    Y trang nhà Tấn cũng xa rồi
                    Ba núi lưng trời như ẩn hiện
                    Hai dòng sông nước rẻ đôi nơi
                    Cũng bởi mây mù che mặt nhật
                    Trường An chẳng thấy dạ bồi hồi !
                                              Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

      So với "Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu" thì bài nầy ngụ ý xâu xa hơn, thâm trầm và có chiều sâu hơn, kỹ thuật cũng nghiêm cẩn hơn, nhưng thơ của Thôi Hiệu lại khoáng đạt hơn, trực tả cảnh trí trước mắt, hơi thơ liền lạc đi một mạch từ đầu đến cuối, và "đi" thẳng vào lòng người đọc !.... Hai bài đều có cái hay riêng, nhưng sao ta vẫn thấy Hoàng Hạc Lâu như vẫn thanh thoát và gợi cảm hơn... Có phải chăng... tại Hoàng Hạc Lâu gần gũi hơn, thân thiết với người đọc hơn là với Phụng Hoàng Đài ?!...

       Hương Sơn Cư Sĩ Bạch Cư Dị cũng có một bài thơ vịnh Hoàng hạc lâu khi hai người bạn Lư Thị Ngự và Thôi Bình Sự 盧侍御与崔評事 đã thiết tiệc trên Hoàng Hạc Lâu đãi nhà thơ để cùng ngắm cảnh trí chung quanh lầu như sau :

                          Inline image

                江邊黄鶴古時樓,    Giang biên Hoàng hạc cổ thời lâu,
                勞致華筵待我游。    Lao trí hoa diên đãi ngã du.
                楚思淼茫雲水冷,    Sở tứ miểu mang vân thủy lãnh,
                商聲清脆管弦秋。    Thương thinh thanh thúy quản huyền thu.
                白花浪濺頭陀寺,    Bạch hoa lãng tiễn Đầu Đà Tự,
                紅葉林籠鸚鵡洲。    Hồng diệp lâm lung Anh Vũ Châu.
                總是平生未行處,    Tổng thị bình sinh vị hành xứ,
                醉来堪賞醒堪愁。    Túy lai kham thưởng tỉnh kham sầu !
                          白居易                              Bạch Cư Dị
         Lầu Hoàng Hạc nổi tiếng từ xưa nằm cạnh ven sông, Bạn ta đã chịu khó bày tiệc thịnh soạn nơi đây để đón ta đến dạo chơi. Trên lầu thuộc nước Sở xưa nầy, ta nhìn dòng nước Trường Giang mênh mông lại gợi thêm nỗi niềm cao sơn lưu thủy lạnh lùng, cũng như nghe tiếng quản huyền phát ra những thanh âm của cung Thương trong trẻo se sắt hơi thu gợi buồn thêm cho kẻ bị biếm như ta. Nhìn bên bờ xa xa những đợt sóng bạc đầu như đang vổ vào chùa Đầu Đà với những bọt sóng văng tung tóe, và cồn bãi Anh Vũ ở giữa dòng sông như bị lồng kính bởi rừng lá đỏ của mùa thu. Cũng vì bình sinh ta chưa từng đi xa như lần bị đày nầy, nên khi uống say thì còn thưởng ngoạn cảnh trí chung quanh được chứ khi tỉnh ra rồi thì lại cảm thấy sầu buồn thắm thiết !

* Diễn Nôm :
                         Inline image

                      Bên sông Hoàng Hạc ngất cao lầu,
                      Nhọc bạn yến mời lúc tiễn nhau.
                      Đất Sở mênh mông mây nước lạnh,
                      Cung thương réo rắc quản huyền mau.
                      Bạc đầu sóng vỗ Đầu Đà Tự,
                      Đỏ thắm lá che Anh Vũ Châu.
                      Chỉ bởi bình sinh chưa trãi nghiệm,
                      Say còn thưởng lãm tỉnh thêm sầu !
                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

      Ta thấy, Bạch Cư Dị đã họa hết 3 trong 4 vần bài "Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu" là "Lâu, Châu và Sầu", nhưng bài thơ không thuần túy tả cảnh Hoàng Hạc Lâu vì xúc động trước cảnh trí gợi cảm xung quanh lầu, mà Bạch Cư Dị muốn mượn sanh ca trong yến tiệc của bạn bè thết đãi để gởi gắm tâm sự của một quan viên bị biếm ở đất Sở xa xôi của Hoàng Hạc Lâu mà tiếc nuối những ngày tháng thanh vân đắc ý ở kinh thành Trường An. 
      Dù sao thì đây vẫn là một bài thơ hay của một thi nhân nổi tiếng là Thi Bá của đời Đường. Sau đây là bài thơ "Hoàng Hạc Lâu của Thi Nô Giả Đảo", người từng nổi tiếng với giai thoại "THÔI XAO" khi cân nhắc hai câu thơ "Điễu túc trì biên thọ, Tăng XAO nguyệt hạ môn 鳥宿池邊樹,僧敲月下門". Bài thơ HOÀNG HẠC LÂU của ông được THÔI XAO ra như sau :

                           Inline image

                 高檻危檐勢若飛,    Cao hạm nguy thiềm thế nhược phi,
                 孤雲野水共依依。    Cô vân dã thủy cộng y y.
                 青山萬古長如舊,    Thanh sơn vạn cổ trường như cựu,
                 黄鶴何年去不歸。    Hoàng hạc hà niên khứ bất quy ?
                 岸映西山城半出,    Ngạn ánh tây sơn thành bán xuất,
                 烟生南浦樹將微。    Yên sinh nam phố thọ tương vi.
                 定知羽客無因見,    Định tri vũ khách vô nhân kiến,
                 空使含情對落暉。    Không sử hàm tình đối lạc huy !
                                 賈島                                       Giả Đảo
* Nghĩa bài thơ :
        Những mái ngói cong cong của mái hiên cao vút như muốn bay lên trời. Đám mây lẻ lửng lờ và dòng nước chảy xuôi như cùng quyến luyến lẫn nhau. Dãy núi xanh thì muôn đời vẫn xanh xanh như cũ, chỉ có Hạc vàng là không biết năm nào đã bay đi rồi không thấy trở lại nữa. Bên bờ phía tây của dãy núi tây thấp thoáng thấy được nửa bóng dáng của thành Hán Dương, và mây khói của bờ phía nam che khuất nên cũng chỉ lờ mờ thấy được những hàng cây trên bãi Anh Vũ. Biết chắc là sẽ không có lý do gì để gặp được những vị khách thần tiên, nên chi ta chỉ ngậm ngùi nhìn ánh nắng chiều rơi rụng mà thôi !
       Cặp thực : 
                       青山萬古長如舊, Thanh sơn vạn cổ trường như cựu,
                       黄鶴何年去不歸。 Hoàng hạc hà niên khứ bất quy ?
       Chẳng những đối xứng nghiêm chỉnh mà còn nêu lên cái MẤT CÒN của sự vật và cảnh trí thiên nhiên dễ làm lay động lòng người : Núi xanh muôn đời vẫn còn đó và vẫn xanh xanh như cũ, còn câu chuyện năm nào đó tiên nhân đã cởi hoàng hạc bay đi thì bay mất luôn chẳng bao giờ còn trở lại nữa ! Cổ tích vẫn là chuyện cổ tích, thần tiên sẽ không có lý do gì mà thấy lại được, nên Giả Đảo vẫn cảm thấy thân mình là nhỏ nhoi trước lầu các nguy nga và thiên nhiên to lớn mênh mông rồi cảm khái giữa cảnh nắng chiều sắp tắt : Không sử hàm tình đối lạc huy 空使含情對落暉!

* Diễn Nôm :
                     Inline image

                    Hiên cao mái uốn thế dường bay,
                    Mây lẻ nước sông quyến luyến hoài.
                    Núi cũ muôn đời còn biếc mãi,
                    Hạc vàng năm ấy mất sau bay.
                    Bờ tây bến vắng thành mờ ảo,
                    Bãi cỏ khói nhòa cây lắt lay.
                    Vẫn biết người tiên không thấy được,
                    Một mình ngơ ngẩn bóng chiều phai.
                                                         Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm     

        Thật cảm khái cho cái nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên rộng lớn và cái thực tế ngỡ ngàng vắng lặng của một huyền thoại cổ tích chỉ vang bóng một thời mà thôi !

        Sau Giả Đảo, ta hãy đọc những câu thơ ngũ ngôn nói về Hoàng Hạc Lâu sau đây. Trước tiên là của Thi Phật Vương Duy trong bài "Tống Khang Thái Thú 送康太守":

                   城下滄浪水,  Thành hạ Thương Lang thủy,
                   江邊黃鶴樓。  Giang biên Hoàng Hạc Lâu.
                   朱欄將粉堞,  Chu lan tương phấn điệp,
                   江水映悠悠。  Giang thủy ánh du du !
                                                         
      Dưới thành là dòng nước Thương Lang (tức là dòng Hán Thủy, nơi mà khi bị đày đến nơi đây Khuất Nguyên đã viết nên câu "Cử thế giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tinh 舉世皆濁我獨清,眾人皆醉我獨醒": Tất cả người đời đều đục, chỉ có ta trong. Tất cả mọi người đều say chỉ riêng ta tỉnh). Bên bờ sông là Hoàng Hạc Lâu. Những lan can màu đỏ và những bức tường thành thấp màu trắng đã soi bóng chập chờn trên dòng nước xa xa...

                        Inline image

                   Dưới thành dòng nước Thương Lang,
                   Bên bờ Hoàng Hạc lầu ngang lưng trời.
                   Lan can tường trắng rạng ngời,
                   Chập chờn soi bóng bồi hồi ven sông !
                                                           Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

    Còn dưới đây là 4 câu thơ ngũ ngôn của Tống Chi Vấn viết về Hoàng hạc lâu :

                   漢廣不分天,     Hán quảng bất phân thiên,
                   舟行杳若仙。     Chu hành yêu nhược tiên.
                   清江度暖日,     Thanh giang độ noãn nhựt,
                   黄鶴弄晴烟。     Hoàng Hạc lộng tình yên.
                          宋之問
     Dòng Hán Thủy mênh mông không phân biệt được trời và nước, nên thuyền đi nhẹ tênh như lướt vào cõi tiên. Dòng nước sông trong xanh khi mặt trời đang tỏa hơi ấm, thấp thoáng bóng Hoàng Hạc Lâu đang lung linh trong nắng mơ màng.

                       Inline image

                    Hán Thủy trời nước một màu,
                    Thuyền đi nhẹ thể khác nào cõi tiên.
                    Nước trong nắng ấm thuyền êm,
                    Bóng lầu Hoàng Hạc càng thêm mơ màng !
                                                                Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm    
     
      Cho đến cùng thì cũng vẫn là Lý Bạch, Thi Tiên đã ấm ức mãi vì nếu dùng thơ thất ngôn thì không sao qua được bài thơ quá hay của Thôi Hiệu, nên trong bài thơ "Giang Hạ Tống Hữu Nhân 江夏送友人" ông đã dùng thơ ngũ ngôn như sau :

               雪點翠雲裘,    Tuyết điểm thúy vân cầu,
               送君黄鶴樓。    Tống quân Hoàng Hạc Lâu.
               黄鶴振玉羽,    Hoàng Hạc chấn ngọc vũ,
               西飛帝王州。    Tây phi đế vương châu.
               鳳無琅玕實,    Phụng vô lang can thực,
               何以贈遠遊?    Hà dĩ tặng viễn du ?
               徘徊相顧影,    Bồi hồi tương cố ảnh,
               淚下漢江流。    Lệ hạ Hán Giang lưu.
                     李白                    Lý Bạch
                Inline image

       Giang Hạ là tên quận ngày xưa, tức là Ngạc Châu, thuộc vùng Giang Nam tây đạo. Vũ Hán của ngày nay, nơi có quán rượu mà Tiên ông Phí Văn Vĩ đã cởi hoàng hạc lên tiên và quán rượu nầy được gọi tên là Hoàng Hạc Lâu từ đó. 
       Những hoa tuyết lấm tấm rơi trên áo hồ cừu quý giá, trời đã vào đông. Ta mang rượu đến Hoàng Hạc Lâu để đưa tiễn bạn đây. Trong phút giây nữa bạn sẽ như chim hoàng hạc vỗ đôi cánh ngọc mà bay về hướng tây để đến Trường An, nơi đế đô của bậc đế vương đang ở đó. Ta mặc dù tự hào như chim phượng hoàng nhưng không có những hạt ngọc lang can để ăn, thì biết lấy gì để tặng bạn trong lúc đi xa nầy ? Chỉ còn biết bồi hồi lưu luyến nhìn theo bóng bạn đi mà nhỏ hai hàng lệ trôi theo dòng Hán Thủy mà thôi !
  
 * Diễn Nôm :
                     Inline image

                      Hồ cừu lấm tấm tuyết rơi,
                      Đến lầu Hoàng Hạc đưa người về xa.
                      Hạc vàng vươn cánh ngọc ra,
                      Hướng tây vương đế bay qua kinh thành.
                      Than ta phụng chẳng ngọc lành,
                      Lấy gì tặng bạn tiễn hành viễn du ?
                      Bồi hồi nhìn bóng giang lưu,
                      Khôn ngăn lưu luyến dòng châu tuôn trào !
                                                           Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

        Các bài thơ tiêu biểu có liên quan đến Hoàng Hạc Lâu qua các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh và nhà Nguyễn Việt Nam sẽ được lần lược giới thiệu trong bài viết tới.

                                                                              杜紹德
                                                                        Đỗ Chiêu Đức

4 nhận xét :

  1. https://acegif.com/wp-content/gifs/happy-tuesday-41.gif
    DVD sang thăm anh! :)

    Trả lờiXóa
  2. Qua thăm Lãng Phong đọc bài viết ... cũng mới đọc đoạn đầu .. Thấy bổ ích lắm .. Xin chúc mừng ..đêm nay sẽ đọc tiếp .. Một chiều bình an vui vẻ LP nhé

    https://i.pinimg.com/originals/64/74/f6/6474f67528fb5065eead50d1721e36cc.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác QT đã ghé thăm.
      Chúc bác thường an.

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!