Ghé Bến Cao Hùng
Hồi ký - Trịnh Cơ
Chiếc khu trục hạm DER 331, USS
KOINER, sau 3 tuần lễ đi tuần ở ngoài khơi Biển Đông, đã tới hải cảng Cao Hùng,
tiếng Anh viết là Kaoshiung, một thành phố duyên hải, cũng là thủ phủ của miền
Nam Đài Loan.
Cùng đi với tôi có một thượng sĩ.
Chúng tôi cùng lên chiến hạm nầy tại Thái Lan để làm một cuộc thực tập, OJT
(On the Job Training) . Tới hải cảng Cao Hùng vào giữa mùa Xuân nên khí hậu
rất thoải mái. Vì là một bến cảng nhỏ Cao Hùng không có cầu tàu với nước
đủ sâu để một tàu chiến như là một khu trục hạm có thể vô cầu tàu để cặp
bến…Trước 10 giờ sáng địa phương thì tàu chúng tôi đã thả neo xong
xuôi, yên ổn. Tàu chia ra 2 phân đội tả, hữu để cho việc đi bờ.. “Đi bờ” (to
go ashore) là một tiếng lóng Hải quân chỉ việc thủy thủ đoàn rời tàu lên đất
liền nghỉ ngơi hay công tác linh tinh gì đó.
Đi bờ cũng là dịp thủy thủ đoàn có
dịp ăn nhậu say sưa…đôi khi có những chàng thủy thủ say khướt, được…quân
cảnh chở về tàu, chứ không thể đi đứng tự chủ được. Không thuộc hẳn thủy đoàn hai người
chúng tôi được sắp cho đi bờ chuyến đầu tiên. Tàu neo trên một nhánh
sông nhỏ, đối diện với thành phố, cách bờ chừng hơn một cây số. Muốn vô tới bờ
phải dùng những chiếc ghe nhỏ của dân địa phương, gọi là “taxi boat”
. Một chiếc thuyền nhỏ như vậy chỉ có thể chở trên dưới 10 người. Thuyền chèo
bằng tay, có lẽ do việc tiết kiệm nhiên liệu với lại khoảng cách từ chỗ tàu
neo tới bến không có xa lắm. Người chèo thuyền chúng tôi đi, gọi là
skipper, là một đàn ông trung niên, khoảng 40 tuổi. Giá tiền là một hai đô la gì
đó cho mỗi người. Tôi móc sẵn một tờ giấy 10 đô để trả tiền…thuyền phí. Tư thế
một sĩ quan tôi sẽ trả tiền taxi boat cho anh thượng sĩ kia luôn. Nói với
người skipper, tôi cũng vừa dơ 2 ngón
tay lên : “ lưỡng cô dành…”.Với 3
chữ tiếng Quảng cầu âu đó, mà không ngờ người lái thuyền hiểu. Mà cũng có thể
ông ta đã hiểu với 2 ngón tay của tôi đã ra dấu. Ông ta gật đầu miệng cười khả
ái, rồi xua tay, cho biết là chúng tôi khỏi phải trả tiền đi bờ…
Cảm tình tốt đẹp của tôi đối với
thành phố duyên hải này có lẽ đã bắt đầu bằng nghĩa cử trên.
Không phải như bây giờ. Lúc đó là
vào năm 1967, đi dạo sơ trên thành phố mà việc đầu tiên là phải đi tìm cái gì
cho bữa ăn trưa cái đã. Ngó qua nhìn lại tôi không gặp một người Việt Nam nào hết.
Và đó cũng là lý do người dân Đài Loan thời ấy chưa biết cái xứ hình chữ S của
chúng ta tên gì và ở đâu..
Đến xứ người Tàu mà không ăn mì thì ăn cái gì? Với cái ý nghĩ đó hai chúng tôi vô môt quán ăn nhỏ, và kêu mỗi người một tô mì ….Không dở mà cũng chẳng ngon. Mì của người Tàu Đài Loan coi bộ không ngon hơn là mì của cái xe nhỏ ở đường Nguyễn văn Sâm Sàigòn…hay là “mì cây nhãn” ở đường Phan thanh Giản, Đakao sát bên trường Vương Gia Cần hồi xưa của tôi. Nghĩ lại cũng tự trách là đã hơi khó tính. Người Tàu Quảng Đông là những tay đầu bếp cừ khôi của Trung Hoa…Nhớ xưa kia vua Càn Long nhà Thanh làm cuộc …”thăm dân cho biết sự tình” với giai thoại Càn Long du Giang Nam,mà thực sự ra mục đích chánh yếu của ông vua này là chỉ đi về phía Nam của sông Dương Tử để thưởng thức những món ăn tuyệt hảo của người Tàu miền Nam ở xứ Quảng Đông rộng lớn…
Đến xứ người Tàu mà không ăn mì thì ăn cái gì? Với cái ý nghĩ đó hai chúng tôi vô môt quán ăn nhỏ, và kêu mỗi người một tô mì ….Không dở mà cũng chẳng ngon. Mì của người Tàu Đài Loan coi bộ không ngon hơn là mì của cái xe nhỏ ở đường Nguyễn văn Sâm Sàigòn…hay là “mì cây nhãn” ở đường Phan thanh Giản, Đakao sát bên trường Vương Gia Cần hồi xưa của tôi. Nghĩ lại cũng tự trách là đã hơi khó tính. Người Tàu Quảng Đông là những tay đầu bếp cừ khôi của Trung Hoa…Nhớ xưa kia vua Càn Long nhà Thanh làm cuộc …”thăm dân cho biết sự tình” với giai thoại Càn Long du Giang Nam,mà thực sự ra mục đích chánh yếu của ông vua này là chỉ đi về phía Nam của sông Dương Tử để thưởng thức những món ăn tuyệt hảo của người Tàu miền Nam ở xứ Quảng Đông rộng lớn…
Rời quán ăn hai chúng tôi tiếp tục
đi lang thang, cố khai phá thành phố trù phú miền duyên hài này, như hai kẻ
mù sờ voi. Chẳng có một chỉ dẫn, không có một thổ công để có thể dẫn dắt
chúng tôi thăm viếng những thắng cảnh đặc biệt của Cao Hùng. Đi ngang một
tiệm hớt tóc, có cái bảng đề chữ Anh hẳn hoi “ Hair Cut, Barber Shop..”
tôi mới thử rờ đầu thì biết tóc đã hơi dài.
Thôi thì sẵn đây mình đi vô hớt tóc
để xem cái không khí nơi đây ra sao. Có cái gì giống, có cái chi khác với ở
quê nhà hay không. Tiệm hớt tóc vui vẻ đón hai khách hàng hơi đặc biệt. Cô
tiếp viên nói một tràng tiếng Đài Loan.Chúng tôi nào hiểu gì. Chừng vài
giây đồng hồ sau thì cô tiếp viên mới nhận ra chúng tôi không phải là dân bản
xứ. Thế là cô ta ọ ẹ xổ ra vài câu tiếng Anh, đại khác hỏi rằng quí vị muốn
hớt tóc hay không? Hai đứa chúng tôi gật đầu và lên ngồi ghế…Bây giờ tôi
mới sực nhìn kỹ ra là trong cái tiệm này không có bóng một người thợ đàn ông
nào hết. Thú vị quá đi chứ. Vào thời điểm này ở Việt Nam chưa có thợ hớt tóc là
đàn bà nào cả….
Ra khỏi tiệm hớt tóc thì trời đang
ngã về chiều. Chúng tôi gặp vài quân nhân cùng chiến hạm. Họ cũng lạc lỏng như
hai đứa tôi. Cùng nhau đi với họ chừng một đoạn đường thì có một tiếng nói oang
oang…Tụi mình đi PX mua đồ nha các bạn. Cả bọn ai cũng đồng ý. Cũng may là
trong đoàn có một hạ sĩ quan đã từng tới hải cảng này, biết cái PX ở chỗ nào.
Thế là 2 người trên một chiếc xe lôi, do một người đạp phía trước. Những anh thủy
thủ tìm lại được hơi hám của nước Mỹ với không khí vui nhôn của cửa hàng bách
hóa quân tiếp vụ này. Mỗi người tùy theo món hàng muốn nhìn muốn mua mà đi vào
một khu khác.
Tôi cũng chẳng biết mình sẽ mua cái
gì..Chợt nghĩ ra rằng hộp quẹt Zippo là những món quà lý tưởng khi trở về,
nó vừa nhỏ vừa gọn…Tôi chưa kịp đi tới quầy hàng bán quẹt máy thì chợt
có một tiếng nói vọng ra từ phía sau lưng…
- Chung úy !
Quay người lại thì trước mặt tôi là
một thanh niên người Việt gốc Hoa
- Sao em biết tôi là người Việt ?
- Dạ, em thấy cái bảng thêu trên
cánh vai áo hai chữ VIETNAM mà.
- Sao em lại ở đây?
- Em…chốn lính. Em sanh ở Chợ Lớn…Có
người dì ở đây. Tới tuổi đi
lính ba má em cho qua đây…
Tôi nở một nụ cười thông cảm. Anh ấy
nói tiếp:
- Em chỉ có bà con ở Đài Loan nầy
thôi, từ mấy đời. Chớ Chung Hoa Lục Địa em đâu có ai bên đó. Chợ lớn là
nơi chôn nhau cắt dún của em mà…
Thế rồi anh thanh niên hỏi tôi vô PX tìm mua cái gì…Sau khi mua được quẹt máy Zippo, chàng thanh niên mới chỉ cho tôi mua một bộ đồ tiểu lễ Hải quân gồm một quần dài với một sơ mi ngắn. Tôi cũng tìm mua thêm một cái áo mưa đã thích từ lâu. Quân đội Hoa Kỳ mặc áo mưa để phân biệt quân chủng. Màu kaki của lục quân, màu xanh da trời đậm của Không quân, và màu đen cho Hải quân. Khi được tôi hỏi – vì hiếu kỳ - một sĩ quan trên tàu tại sao màu áo mưa của Không quân là màu xanh, mà của Hải quân là màu đen…thì được trả lời. Bầu trời lúc nào cũng xanh chớ màu nước biển khi trời tối vì mây che thì nước biển không phải màu đen, thì màu gì? Nói xong viên sĩ quan cũng cười…tao nói cho mày biết như tao đoán, chớ có thể là một lý do khác…
Tôi rời PX sau đó trước buổi chiều về trên bến Cao Hùng với một vài ngọn gió mát từ biển thổi vào thành phố. Anh thượng sĩ cũng mua vài thứ lặt vặt đã tính sẵn từ lúc lên tàu. Với hai túi xách hàng hóa mua xong, mà người bạn đồng hành cũng mua những thứ như tôi, thì hai đứa không còn lòng dạ nào tiếp tục đi dạo thành phố nữa. Chúng tôi lên xe về tàu, để cất đồ vừa mua, và cũng để dùng bữa ăn tối trên tàu luôn.
Chuyện gặp gỡ thanh niên ngưòi Việt
gốc Hoa đã làm tôi cảm xúc. Sanh đẻ ở Việt Nam người thanh niên ấy đương nhiên
đã trở thành người Việt. Rõ ràng là anh ta đã xem tôi là đồng
bào vì cũng sinh ra ở một đất nước nhỏ bé cõi Đông Nam Á nầy. Cha mẹ người
thanh niên còn ở Chợlớn, với mấy đứa em nhỏ. Do đó mà sự liên hệ mật thiết
với xứ Việt Nam không dễ nào một ngày một buổi mà mất mát hao mòn đi
được…
Đứng trên boong tàu nhìn về phía thành phố ban đêm mới nhận ra một vẻ đẹp thầm kín của tỉnh duyên hải Cao Hùng. Cái thị trấn gần 3000 cây số vuông này đâu có ngờ là một thương cảng quan trọng nhất, và cũng là một trung tâm kỹ nghệ chính yếu của Đài Loan.Với một dân số chưa tới 3 triệu,người dân Cao Hùng sống thong thả, không có dồn dập xô bồ như thủ đô Sàigòn chúng ta. Tiếp tục đọc thêm mớ tài liệu du lịch mà chiến hạm mới có thì tôi mới nhận ra là mình phải ở nơi này thêm một tuần lễ nửa mới mong đi thăm hết những danh lam thắng cảnh sở tại.
Đang miên man suy nghĩ về cái thành phố kỳ thú ở ngoại quốc mà tôi gặp lần đầu với tư cách là thủy thủ thì viên sĩ quan trực nhật tới nói chuyện với tôi:
- Good evening Mr. Nguyen
- Good evening OOD…( Officer of the
Day, sĩ quan trực nhật)
Rồi hai chúng tôi chuyện vãn với nhau. Nào là anh ấy hỏi tôi ở trên tàu này có thích hay không.. Đã đi bờ thăm viếng những gì hấp dẫn hay chưa… Tôi có vẻ buồn mà nói ra chuyện quan trọng xa xôi. Sao tôi thấy cái xứ Đài Loan tuy nhỏ bé nhưng yên bình và hạnh phúc quá..Trong khi xứ Việt Nam của tôi lại ở trong tình trạng chiến tranh, thấy chán thật…Viên sĩ quan khuyên tôi :
- Đây không phải là chuyện của anh,
mà cũng không phải là chuyện của tôi.Vả lại mỗi quốc gia có một định
mệnh, có lúc lên lúc xuống như sự thăng trầm của một đời người vậy…
Sau vài câu trao đổi nữa thì viên
OOD chào từ giã, chúc tôi ngủ ngon…để anh ta đi một vòng kiểm soát an
ninh chiến hạm.
Tôi trở xuống phòng để ngủ một đêm đầu tiên của chiến hạm neo ở bến.Nơi ngủ của hai chúng tôi là phòng ngủ của các thượng sĩ. Trong Hải quân Hoa Kỳ cấp bậc thượng sĩ được trọng vọng nhất. Thượng sĩ là một hạ sĩ quan cao nhất, không phải chỉ vì cấp bậc mà cũng bởi vì chuyên nghiệp có kinh nghiệm nhất. Như ở trên đài chỉ huy, trong phiên hải hành, nói bình thường là đi ca (quart), thì đôi khi một thiếu úy mới ra trường, có khi chỉ là sĩ quan trừ bị…thì việc làm point, tức là xác định vị trí chiến hạm chưa chắc bằng một thượng sĩ giám lộ…Các ngành nghề khác cũng y như thế. Phòng ngủ của các thượng sĩ cũng có đủ tiện nghi không thua gì của sĩ quan.
Tôi đang muốn lên giường nằm ngủ thì ngang mặt thấy mấy thượng sĩ đang đánh bài giải trí. Rummy là một loại bài của Mỹ chơi giống như là chơi mạc chược của người Tàu….
Anh thượng sĩ Quản nội trưởng, Master at Arms (tương đương với Hạ sĩ
quan Thường vụ của bên lục quân)
nói với tôi.
- Mày biết oánh bài này không. Tới
chơi với tụi tao cho vui…
- Ờ, tao tới.
Cũng chưa buồn ngủ lắm, tôi trở dây tới ngồi bàn đánh bài Rummy với mấy thượng sĩ.Chơi một hồi thì mấy anh kia về ngủ hết, chỉ còn mình tôi với viên Quản Nội Trưởng. Hai chúng tôi chơi thêm năm sáu bàn nữa mới từ biệt nhau đi về giường. Quản Nội Trưởng nói :
- Mày chơi giỏi quá, Ngày mai chơi
với tao nữa nha.
Tôi ầm ừ cho xong rồi quay ra…mơ
màng giấc điệp.
*
* *
Sáng hôm sau, ăn sáng xong là tới
giờ đi bờ. Tôi phải gói cái quần dài trắng tiểu lễ đi ra phố tìm nơi lên lai
quần. Anh thượng sĩ đi cùng không khác gì tôi cả. Cũng gói ghém cái quần dài
tiểu lễ đi ra phố tìm nơi sửa cái quần chắc chắn là dài hơn cặp chân của
người Á Đông nhỏ bé chúng mình.
Muốn ra tới trung tâm thành phố thì từ nơi bến cảng này hai đứa tôi rỉ rả lội bộ vừa đi vừa dáo dác ngó lên nhìn xuống để may ra gặp một tiệm thợ may nhờ sửa quần. Nơi khu phố xuất phát gồm nhiều con đường nhỏ hẹp, bề ngang không đủ cho hai chiếc ô tô chạy ngược chiều né tránh thong thả.Tuyệt nhiên không có một còi ô tô nào bóp inh ỏi vô tội vạ, vừa gấp rút vừa
hoảng hốt như thành phố Hòn Ngọc Viễn
Đông, hòng làm phiền khách bộ hành. Người lái xe ở đây tôn trọng
luật đi đường một cách tích cực, và nhất là tôn trọng sinh mạng của khách
qua đường…Thế rồi không biết cơ may nào đưa đến, trên một con phố nhỏ
chúng tôi đi ngang qua một loạt các tiệm may tiểu công nghệ hiện ra…Mỗi
nhà có một công thợ ngồi may với bàn máy may xoay mặt ra đường. Có
nhà rộng rãi khang trang, có nhà chật hẹp. Trước mặt mỗi cái “tiệm may”
như thế không có một bảng hiệu gì cả.Người đi đường ngó vô là nhận biết
đó là một tiệm may. Như vậy cũng đủ.Thế nhưng ở một vài tiệm khang
trang hơn, cũng có một biển chữ Anh,cốt để thu hút khách hàng người ngoại
quốc : “Taylor, Alteration shop” (Tiệm may. Sửa chữa áo quần). Người
bạn đồng hành của tôi mừng lắm. Khi hai đứa tôi vừa trao đổi sự vui mừng
đã tìm ra địa điểm lý tưởng thì anh ta nhào vô liền một tiệm may lớn…
Không biết sao tôi chưa muốn vô cùng một tiệm như người bạn đồng hành, mà tiếp tục đi thêm một đoạn đường kiểu như…”phố hàng may” nầy. Khi tới gần cuối phố thì cũng không còn những tiệm may nữa. Tôi cũng phải dừng lại, thong thả đi vô một tiệm trung bình, không nhỏ không lớn với một người thợ đang chăm chú vào công việc…
Ông thợ may ngước lên chào tôi là một người đàn ông trung niên. Nét mặt thon, xương xẩu với nét phong trần..Mới nhìn tôi ông ta biết ngay đối tượng chẳng phải là người bản địa…Ông ta thốt ra một tràng tiếng Anh :
- Anh người Nhật Bản ?
- Không phải. Việt Nam…
Thấy ông ta ngơ ngác, tỏ ý không biết Việt Nam là cái xứ nào, ở đâu trên quả đất nầy. Tôi thoáng thấy một bản đồ thế giới đã cũ rách, dán trên tường, mới tới đó chỉ nơi một quốc gia hình chữ S miền ở Nam Trung Hoa…Bấy giờ ông ta mới hiểu…
Ông thợ cẩn thận lấy ra cây thước
dây đo hai ống quần tôi đang mặc…Thế là không đầy hai mươi phút cái quần tiểu lễ
đã được cắt sửa…Tính dợm hỏi phải trả công bao nhiêu thì từ phía
trong nhà một thiếu nữ đi ra. Như chừng đã nghe hai chúng tôi trao đổi nãy
giờ…Cô gái ghé tai ông bố - mà tôi đoán như thế - để nói một câu gì đó. Ông
già gật đầu lia lịa, quay lại giải thích :
- Đây là con gái út của tôi đó. Nó
không cho tôi lấy tiền công của anh…
- ???
- Vì hai lý do. Thứ nhất bởì anh là
một người khách Á Đông khả ái chúng tôi gặp lần đầu. Sau nữa…sau
nữa, anh là…Hải quân. Đứa con trai lớn của tôi cũng là Hải quân,
mà con em út nó thương anh Hai dữ lắm. Thấy anh thì nó nhớ tới anh
Hai nó đang công tác trên eo biển Đài Loan…
Tôi không biết làm gì hơn là tỏ lời cám ơn rối rít, không quên đưa mắt nhìn cô gái tí xíu kia với vẻ mặt biết ơn.
Vừa bước ra khỏi tiệm may với cái quần đã lên lai thì thấy người bạn thượng sĩ của tôi đằng sau đi tới. Tôi hỏi :
- Cũng xong rồi à. Mà anh phải trả
bao nhiêu ?
- Có 2 đô la mà thôi. Mà hình như họ
lấy giá hời cho tôi đấy. Thế còn Trung úy đã phải chi bao nhiêu…?
- Chả tốn xu nào cả. Ông chủ tiệm
có thằng con trai cũng là Hải quân,nên kể mình như con cái bà con…Tôi
nói thêm…Hình như số của tôi là ít khi nào phải lo lắng cho cái ăn
cái mặc. Một người bạn cùng khóa biết khoa tử vi bói toán xem tướng
gì đó, đã nói với tôi rằng…Nam ơi,số mầy phong lưu lắm. Tôi thắc mắc.
Trời đất tao có bao giờ giàu có hơn ai đâu, mà bảo rằng được số
phong lưu…Người bạn mới giải thích. Tao nói số mầy phong lưu chứ
có bảo rằng có số giàu sang đâu.Rồi hắn ta cắt nghĩa, là cả đời mày
chả bao giờ phải lo miếng cơm
manh áo hết. Khi mày đói có người
nuôi ăn; lúc mày lạnh có người cho quần áo ấm.Thế không phải…
phong lưu, thì là gì?
Nói chuyện kháo với nhau mấy phút
chợt tôi mới nghĩ…Cái con đường “hàng may” nầy chỉ là một phố nhỏ
ven đô. Tôi bảo người bạn đồng hành:
- Từ đây ra tới trung tâm thành phố
thực sự chắc cũng còn xa.
Thế rồi hai đứa kêu một chiếc xe lôi. Người đạp xe lôi hỏi …Tôi dòm tấm bảng chỉ đường có hai chữ Down Town để chỉ hướng phải đi theo mũi tên. Người đạp xe lôi dư kinh nghiệm để biết rằng du khách ở miệt ven đô này chỉ muốn tới trung tâm thành phố…là đúng ngay chóc.
Khi xe kéo chúng tôi tới một đại lộ thứ nhất, mà bên lề có cái biểng chỉ đáo hạn phạm vi trung tâm thành phố, thì người xe lôi cũng ngừng đạp.Không cần trao đổi gì nhiều với nhau bằng hai ngôn ngữ mà người đối thoại với nhau không ai hiểu ai cả, người xe lôi đã lanh lẹn đưa hai tay ra dấu số tiền phải trả…Tôi móc tiền ra đưa ông ta, nói theo một tiếng Quảng..” Tố chè, Hùm cói a..” Ông lái xe cũng gật đầu nhận hiểu. Tiếng Quan thoại là ngôn ngữ chính thức của Đài Loan, thế nhưng cũng không cấm một số người am hiểu vài câu vài tiếng Quảng Đông…Với lại tiếng “cám ơn” là một tiếng phổ biến, ai cũng phải biết. Nếu khách hàng nói
“Thank You” hay “Arigato”, “Merci”
gì thì ông ta cũng hiểu hết.
Tới đây tầm mắt chúng tôi đã bị hạn chế bởi những cao ốc chật đầy thành phố. Lâu lâu có một nhà chọc trời kiêu hãnh vượt lên trên những cao ốc thấp bé và khiêm tốn kia. Ở xa hai đứa tôi thấy một nhà chọc trời đặc biệt cao hẳn hơn mấy chục cái khác. Tôi mở tài liệu du lịch ra mới biết tên của cái tháp cao ngất này : “Suntex Sky Tower” có bề cao đứng hạng thứ nhì của Đài Loan, mà cái nhà chọc trời hạng nhất kia thì ở tận thủ đô Đài Bắc. Đấy cũng là một hãnh diện của Cao Hùng…Coi tiếp vài trang sau mới biết còn nhiều nơi đáng ghé thăm…Này bạn ơi, tôi nói với người đồng hành, tài liệu thắng cảnh ở đây còn có Hồ hoa Sen mà ở đó có 2 ngôi chùa, Long Tự với Hổ Tự. Ngay trung tâm thành phố có giáo đường Thiên chúa, nhà thờ Thánh Rosaire của Cao Hùng được xây từ năm 1860. Một nơi khác đáng thăm viếng, là Phòng Lãnh Sự cũ của Anh quốc. Nhưng theo tôi nghĩ có một nơi đáng thăm và dễ dàng đi tới đó nhất là con sông chính chảy qua thành phố. Cái hấp dẫn nhất phải là tên con sông…” Love River”, Sông Tình Yêu. Đẹp và lãng mạn quá đi thôi. Mình đi một chút xíu nữa là đến bờ sông… đó nha.
Nhưng trở về thật tế nhất là hai chúng tôi phải đi tìm ăn cái gì dằn bụng…
Bước vô một tiệm cỡ trung bình ở đây, cũng là một nhà hàng lớn hơn gấp bội một quán ăn khiêm tốn ở vùng ven đô. Với kinh nghiệm là đầu bếp Tàu ở Cao Hùng nấu mì không ngon bằng mì Lacaze Chợlớn hay những tiệm mì ngon nổi tiếng ở Sàigòn…chúng tôi đòi xem Menu để chọn vài món ăn khác hơn là mì nước…Rồi cũng lẩn quẩn mấy món của người Tàu gặp bất cứ ở tiệm ăn Tàu nào, chúng tôi kêu vài thứ linh tinh như xa xíu, há cẩu, rồi kết thúc bằng một dĩa mì xào dòn thập cẩm. Thì cũng tạm được thôi. Anh bạn đồng hành thì nhất quyết Đài Loan, hay Cao Hùng đúng hơn không phải là…Chợlớn của chúng ta.
Trước khi rời tiệm ăn chúng tôi cũng cẩn thận hỏi hướng đi về mé sông…
Hai người có máu song hồ chúng tôi đã mãn nguyện, Trước mặt là con sông chánh chảy ngang qua thành phố. Một vài hình ảnh, với những chiếc thuyền bé nhỏ bên cạnh những con tàu chở hành khách hay thương thuyền làm cho ý nghĩ trong đầu của tôi cứ lẫn lộn….y như là khi thì mình đứng ở bến Bạch Đằng Sàigòn, lúc thì đang dạo mát buổi chiều ở trên bến Ninh Kiều Cần Thơ để ngắm những chiếc thuyền bé nhỏ trên sông Hậu Giang trước ngỏ vô con kinh Xà No…
Con “ Sông Tình Yêu” của thành phố Cao Hùng vừa nhỏ hơn con sông Sàigòn nếu đứng nhìn từ bến Bạch Đằng, lại chắc chắn lớn hơn khúc sông Hậu Giang với tầm mắt của một khách dạo chơi trên bến Ninh Kiều. Nhìn kỹ ra trước mặt hai chúng tôi là một con sông của một thành phố khuếch trương kỹ nghệ. Tàu bè kích thước lớn và nhiều hơn ở sông Sàigòn. Những chiếc tàu hay thuyền nhỏ xem ra cũng tươm tất hơn…Nhất là hai bên bờ được sửa sang vén khéo đẹp đẽ ngay ngắn dễ nhìn…
Bất giác tôi cảm thấy nhớ những
dòng sông con nước ở quê nhà mình quá. Thân phận của người đi xa đứng
trước một con sông làm tôi nhớ ngay ra mấy câu thơ lục bát của ông
thầy từ lớp trung học đầu tiên ở tư thục Đông Tây Học Đường
(1954/1956):
Sông trôi mấy chiếc thuyền qua,
Đời trôi lữ thứ đường xa không cầu.
Quê hương khói xám, trời sâu
Chiến chinh trắng mộng mái đầu gió sương.
T.V.
Sáng hôm sau Hạm phó kêu chúng tôi
đến văn phòng.. Ông nói rằng ngày mai chiến hạm phải trở lại Hoa Kỳ.
Chúng tôi được giấy tới văn phòng điều hợp không vận của Hải quân (Navy
ATCO, Air Transport Coordination Office) chờ máy bay đi về Đài Bắc…Chừng
hơn tiếng đồng hồ sau một chiếc C47 của US Navy chở chúng tôi đi về hướng Bắc đề
tới thủ đô của Đài Loan.Từ đây hai ngày hôm sau chúng tôi
đáp máy bay trở về Việt Nam.
Năm sau, 1968 khi tôi đang ở trên
chiếc tàu há mồm, Dương vận Hạm THỊ NẠi, HQ 502 tại đảo Guam thì sĩ
quan trục nhật mới cho tôi biết….Có một Hải quân Thiếu tá Mỹ, vốn là Hạm
phó của chiếc khu trục hạm DER 331 mời tôi đến nhà dùng bữa ăn trưa…
Viên sĩ quan cũng nói với tôi…anh Nam nhìn ra phía biển kia, Chiếc USS KOINER, DER331 của anh đi năm ngoái đó đang nằm thả neo…chờ ngày phế thải. Tôi bùi ngùi nhìn lại chiến hạm mình đã đi trên đó gần một tháng, mà cũng cám ơn tình cảm của viên Hạm phó, quyết tìm ra cho được tôi để mời về nhà ăn trưa…Nhưng tôi cảm xúc nhất là hình ảnh của bến cảng Cao Hùng đã cho tôi những kỷ niệm thân quí của một chuyến thực tập trên một chiến hạm của Đệ thất Hạm đội….
Viên sĩ quan cũng nói với tôi…anh Nam nhìn ra phía biển kia, Chiếc USS KOINER, DER331 của anh đi năm ngoái đó đang nằm thả neo…chờ ngày phế thải. Tôi bùi ngùi nhìn lại chiến hạm mình đã đi trên đó gần một tháng, mà cũng cám ơn tình cảm của viên Hạm phó, quyết tìm ra cho được tôi để mời về nhà ăn trưa…Nhưng tôi cảm xúc nhất là hình ảnh của bến cảng Cao Hùng đã cho tôi những kỷ niệm thân quí của một chuyến thực tập trên một chiến hạm của Đệ thất Hạm đội….
Paris, 15/11/2019
TRỊNH CƠ
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!