HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TRAO GIẢI THƯỞNG
CHO TẬP TRUYỆN NGẮN BÔI NHỌ VUA GIA LONG :
“Dị Hương”: Sao lại bịa chuyện bôi
xấu vua Gia Long đến thế?
TRẦN MẠNH HẢO
“Dị hương” là tên tập truyện gồm
chín truyện ngắn của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh do nhà xuất bản Hội Nhà
Văn ấn hành năm 2009, vừa được giải thưởng chính thức của Hội Nhà Văn Việt Nam
năm 2010, từng được ông Hữu Thỉnh và một số tờ báo lề phải ca ngợi hết lời.
Chúng tôi viết bài báo nhỏ này
không nhằm phê bình cả tập truyện “Dị hương” của tác giả, mà cốt thông qua truyện
ngắn “Dị hương” nhằm phê phán thái độ bôi bẩn lịch sử một cách vô lối của tác
giả. Vả, tám truyện ngắn còn lại của tập truyện này thực ra chỉ là những truyện
tầm tầm, không có gì xuất sắc để phải góp lời bình phẩm.
Truyện ngắn “Dị hương” ( là điểm nhấn
quan trọng để cả tập truyện được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà Văn Việt Nam)
của Sương Nguyệt Minh nếu không được ông Hữu Thỉnh ( Chủ tịch Hội liên hiệp văn
học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm Bí thư Đảng
Đoàn khối văn học nghệ thuật, kiêm ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, ủy viên
Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương…) khen ngợi hết lời, đồng thời
có nhiều báo lề phải ca tụng lên mây thì chúng tôi không phải làm phiền độc giả
mà tung ra bài báo phê bình này. Nhân đây, chúng tôi cũng có lời cám ơn nhà văn
Trần Hoài Dương, người đã lên tiếng đầu tiên trên công luận trong một bài phỏng
vấn với những dòng như sau về truyện ngắn “Dị hương”: “Trong “Dị hương”, Nguyễn
Ánh hiện ra là một nhân vật rất xấu, có thể nói là thô bỉ, hiếu sắc, hiếu sát…
Tôi không tin là một nhân vật như thế có thể dựng nên một vương triều…”, giúp
chúng tôi tìm đọc văn phẩm này .
Truyện ngắn này viết về hai nhân vật
lịch sử là Chúa Nguyễn Phúc Ánh, tức hoàng đế Gia Long trong giai đoạn vừa chiếm
được Phú Xuân từ tay quân Tây Sơn và bà vợ thứ ba của vua Gia Long là Lê Ngọc
Bình ( con vua Lê Hiển Tông, em ruột công chúa Ngọc Hân, hoàng hậu của vua
Quang Trung; Lê Ngọc Bình từng là hoàng hậu Tây Sơn, vợ vua Quang Toản Cảnh Thịnh).
Trong truyện còn có một nhân vật hư cấu là Trần Huy Sán…
Truyện kể rằng công chúa Lê Ngọc
Bình khi mới 13 tuổi đã đẹp mê hồn, ngọc thể thơm ngát một làn hương lạ (dị
hương). Một lần Ngọc Bình đi tắm ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) làm rơi chiếc yếm. Trần
Huy Sán nhặt được chiếc yếm ấy và giữ mãi trong người, mỗi lần lấy chiếc yếm ra
ngắm nghía làm thơm lừng cả trời đất. Trần Huy Sán mê công chúa Ngọc Bình thông
qua chiếc yếm thơm phức của nàng. Rồi Sán bỏ Tây Sơn, bỏ Bắc Hà trốn vô Nam phò
Nguyễn Ánh. Có lần Trần Huy Sán mang chiếc yếm của công chúa Ngọc Bình vào chầu
chúa Nguyễn Ánh, khiến vị chúa chết mê chết mệt vì mùi thơm từ chiếc yếm nọ tỏa
ra.
Nguyễn Ánh tranh hùng với anh em
nhà Tây Sơn và cha con Nguyễn Huệ, khi chiếm được kinh đô Phú Xuân, Nguyễn Ánh
đã bắt được tác giả mùi thơm mê hồn kia là Lê Ngọc Bình – hoàng hậu của vua kẻ
thù Cảnh Thịnh ( Nguyễn Quang Toản). Nguyễn Ánh vừa nhìn thấy Ngọc Bình đã mê mệt
mùi thơm lạ từ thân thể nàng tỏa ra, đến nỗi mất hết hồn vía. Ngay lập tức, vợ
của vua bại trận Ngọc Bình đã ôm chầm lấy vị vương thắng trận để cả hai biến
thành hoang dâm vô độ y hệt Trụ Vương- Đát kỷ ngày xưa. Nguyễn Ánh phát hiện ra
Trần Huy Sán đã xơi tái mùi hương lạ của Ngọc Bình trước mình, bèn chém đầu
Sán. Ngọc Bình bị Nguyễn Ánh dày vò quá mức thành ra mất hết mùi thơm và lãnh cảm,
bị chết thê thảm dưới bụng Nguyễn Ánh khi hai người đang giao hoan. Hết chuyện.
Truyện ngắn “Dị hương” của Sương
Nguyệt Minh ra đời sau truyện ngắn “Kiếm sắc” của Nguyễn Huy Thiệp chừng hai
mươi năm. Khi đọc truyện này, tôi hơi ngờ ngợ, sao nó có vẻ giống từ hơi văn,
cách cấu tứ, cách dùng từ của Nguyễn Huy Thiệp thế? Tôi bèn đọc lại “Kiếm sắc”
của Nguyễn Huy Thiệp và thấy cảm giác ngờ ngợ kia của mình không hề lầm lẫn.
Xin độc giả xem ý kiến của tác giả Bùi Công Thuấn (Đồng Nai) dưới đây do chúng
tôi lấy từ Internet khi vào http://google.com gõ từ khóa : “Dị hương và kiếm sắc”:
Ý kíến ngắn về DỊ HƯƠNG của Sương
Nguyệt Minh
DỊ HƯƠNG vừa đạt giải của Hội Nhà
Văn Việt Nam.
Mình đọc Dị Hương với cảm giác thất
vọng không sao ngăn được.
DỊ HƯƠNG sao chép cách viết của
Nguyễn Huy Thiệp trong KIẾM SẮC, từ chủ đề đến nội dung, tư tưởng, cách viết và
văn phong. Nhưng câu văn của Sương Nguyệt Minh thiếu hẳn chất văn chương . Bắt
chước câu văn Nguyễn Huy Thiệp nhưng câu văn của Sương Nguyệt Minh chỉ là băm bổ
dung tục. Bút lực của Sương Nguyệt Minh không sao sánh được Nguyễn Huy Thiệp. Nếu
bút lực Nguyễn Huy Thiệp mạnh mẽ bao nhiêu thì bút lực Sương Nguyệt Minh èo ọt
bấy nhiêu. Từ việc chọn bút pháp đến xử lý chi tiết, câu đối thọai và xây dựng
tính cách nhân vật, Dị Hươg của Sương Ngiyệt Minh chỉ là bản nháp của Kiếm Sắc,
bản đã bị Nguyễn Huy Thiệp vứt vào sọt rác.
Trong sáng tác nghệ thuật, tối kỵ
là sao sao chép. Nhà văn chỉ tồn tại khi anh là người sáng tạo. Thật tiếc cho một
giải thưởng dỏm (vì đánh lừa lòng tin của độc giả) và tiếc cho một cây bút
không tự đứng được bằng chính đôi chân của mình
Bùi Công Thuấn
Hai mươi năm trước, sự ra đời vang
dội của ba truyện ngắn lừng danh của Nguyễn Huy Thiệp là “Vàng lửa”, “Kiếm Sắc”,
“Phẩm tiết”…và hàng loạt truyện ngắn tài ba của anh trên báo Văn Nghệ đã góp phần
đổi mới văn xuôi đương đại Việt Nam, sao không thấy Hội Nhà Văn trao cho anh
Thiệp giải thưởng nào? Nay lại giao giải thưởng cao quý nhất năm 2010 cho “Dị
hương”- một truyện ngắn hầu như mô phỏng cách viết, mô phỏng chủ đề, ý tứ, hình
tượng, hơi văn của Nguyễn Huy Thiệp một cách vụng về, thô thiển, thực là khó hiểu
lắm thay…?
Hay có thể “Dị hương” đã viết theo
định hướng của cấp trên: cần phải dứt khoát lên án Nguyến Ánh Gia Long, kẻ đã
được cấp trên dán cho nhãn hiệu “cõng rắn cắn gà nhà” , không để bọn “cấp tiến”
phục hồi danh dự cho các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn y như sự thật lịch sử đã diễn
ra một cách khách quan, mà Hội nhà văn đã trao giải và hết lời ca ngợi “tác phẩm”
này?
Chúng tôi xin độc giả hãy xem tóm tắt
vài dòng về vua Gia Long theo từ điểm mạng :
Theo bách khoa toàn thư mở
Wikipedia
Hoàng đế Gia Long (chữ Hán: 皇帝嘉隆; 8 tháng 2 năm 1762 – 3 tháng 2 năm
1820) là vị hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng
trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (阮福映; thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh),
trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Là cháu của vị chúa Nguyễn cuối
cùng ở Đàng Trong, sau khi gần như toàn bộ gia tộc bị quân Tây Sơn bắt giết năm
1777, Nguyễn Ánh phải trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để
khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc. Sau nhiều thất bại lớn và phải cầu viện sự
giúp đỡ của Xiêm La và Pháp, ông giữ vững được Nam Hà và đến năm 1802 thì đánh
bại quân Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội
chiến.
Triều đại của ông được đánh dấu bằng
việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ rộng lớn nhất cho đến
thời đó, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan; thay thế các cải
cách có xu hướng tự do của triều Tây Sơn bằng nền giáo dục và điều hành xã hội
theo Nho giáo khắc nghiệt hơn; định đô tại Phú Xuân. Ngoài ra, ông còn là người
mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời họ giúp xây dựng
các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Cơ đốc.
Dưới triều đại của ông, Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông
Dương, cùng Xiêm La phân chia ảnh hưởng đối với Chân Lạp.
Nguyễn Ánh khi mới lên 13 tuổi đã
theo gia đình và chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy giặc vào Nam khi nhà Tây Sơn đuổi
theo truy sát. Tây Sơn đã giết sạch sành sanh hậu duệ của các chúa Nguyễn, những
vị chúa có công lớn với dân tộc Việt Nam: mở ra gần một nửa đất nước cho Đại Việt.
Chỉ còn sót lại một cậu bé duy nhất là Nguyễn Phúc Ánh chạy ra tận đảo Thổ Chu
trốn sự truy bắt của Tây Sơn. Cậu bé, hậu duệ trực hệ duy nhất của chúa Nguyễn
Hoàng và chín đời chúa Nguyễn ấy, nếu không có lòng dân Nam Kỳ che chở, đùm bọc,
chắc chắn đã rơi đầu dưới kiếm Tây Sơn. Năm 17 tuổi, Nguyễn Ánh tập hợp binh mã
để quyết giành lại giang sơn Nam Hà ( từ bờ sông Gianh đến mũi Cà Mau) do cha
ông mình mở cõi. Suốt 25 năm, trong trận thư hùng với ba anh em Tây Sơn: Nguyễn
Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ và con trai vua Quang Trung là Nguyễn Quang Toản (Cảnh
Thịnh), Nguyến Ánh đã chiến thắng.
Công của vua Gia Long là thống nhất
đất nước sau 300 năm chiến tranh loạn lạc. Niên hiệu GIA LONG : GIA là Gia Định,
LONG là Thăng Long. Công lớn hơn nữa của vua Gia Long và chín đời Chúa Nguyễn
là mở rộng gấp đôi bờ cõi Việt Nam, phỏng có triều đại nào làm được hơn thế?
Vua Gia Long sau khi lên ngôi năm
1802 lần đầu kinh lý Bắc Hà đã thu phục được giới sĩ phu từng ẩn dật trốn quân
Tây Sơn ra phò tá vị hoàng đế mới . Nếu vua Gia Long là một kẻ hoang dâm vô độ,
là một hôn quân bạo chúa, ngu xuẩn, bẩn thỉu, lưu manh, bá đạo như Sương Nguyệt
Minh mô tả trong “Dị Hương”, liệu một đại trí thức, đại thi hào dân tộc như
Nguyễn Du có tìm đến và xin phò tá vua Gia Long chăng ?
Xin quý độc giả xem vài đoạn trích
trong “Dị hương” mà Sương Nguyệt Minh đã phịa ra để bôi bẩn vị Hoàng đế đã có
công thống nhất đất nước. Một Nguyến Ánh tàn bạo vô song, máu lạnh, giết người
như ngóe, hở ra là chém, giết, say máu hơn cọp beo:
“Ánh
đưa một đường gươm.Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như
mạch nước ngầm hở miệng…Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm
phạt bay năm đầu thị nữ….”
“Mùi
tanh của máu người, mùi khét lẹt của binh khí va chạm tụ lại thành mùi chết
chóc ngấm vào da thịt Ánh…”
“Bao
nhiêu cái đầu lăn lóc dưới đôi chân bôn tẩu của Ánh…”
“Ánh
chợt nhìn thấy Sán cứ bần thần mê mẩn yếm thắm. Ánh lộn tiết, cho rằng Sán chơi
trò ma thuật phù thủy, bèn quát lính lôi ra chém….”
“Ánh
túm ngực áo gầm lên…”
“Tội
các ngươi đáng chém….” . “Lần này Ánh chém thật…”
Một bạo chúa tắm trong máu người
như Sương Nguyệt Minh mô tả Nguyễn Ánh trên, làm sao được lòng dân Nam Hà che
chở, đùm bọc, ủng hộ để khi mới 13 tuổi, một thân một mình chạy trốn giữa biển,
không còn thước đất cắm dùi, lại có thể tập hợp được hàng triệu người ủng hộ,
đánh bại được anh em nhà Tây Sơn hùng mạnh, giành lại giang sơn cũ do ông cha
mình dùng xương máu tạo dựng lên?
Xin hãy xem “Dị hương” mô tả Nguyễn
Ánh là một hôn quân dâm tặc, suốt ngày chỉ mê đắm chuyện phòng the, kinh tởm
hơn Lê Ngọa Triều ngày xưa trong chuyện hoang dâm vô độ :
“Cung
tần qua đêm với Ánh, dù ngực hằn đầy vết hồng đỏ của bàn tay thô ráp cầm kiếm,
hai đùi đầy vết răng bầm tím…”
“Lòng
Ánh nôn nao, không chịu nổi mùi gợi dục, cuống cuồng cởi quần áo”…
“Mỹ
nhân đột tử ngay dưới bụng Nguyễn Ánh…”
Đây là cảnh Nguyễn Ánh rình xem Lê
Ngọc Bình tắm :
“Ánh
bèn lẩn vào bên trong lùm cây, kéo cành lá, mặt đần ra mê đắm nhìn mỹ nhân tắm….”
“Bóng
Ánh đổ dài kéo thành vệt đến giếng nước. Mỹ nhân vội khép hai đùi, một tay che
hai trái tuyết lê căng mẩy, một tay che đám lông mu đen mượt. Thực ra mỹ nhân
không cần phải hốt hoảng che đậy vì chỏm đầu của Ánh đã đổ bong đen trên ngực
nàng…”
Đây là cách Nguyễn Ánh cởi xiêm y
Lê Ngọc Bình theo kiểu thổ phỉ :
“Ánh
cầm gươm đưa những đường tuyệt kỹ như múa, nhẹ hơn gió thoảng trên long sàng.
Loáng một cái cắt nát xiêm y…”
Không dám chép ra đây những lời quá
thô bỉ khi tác giả tả chuyện ân ái giữa Nguyễn Ánh và công chúa Lê Ngọc Bình,
hoàng hậu của Cảnh Thịnh, mới gặp Nguyễn Ánh là ô kê trai trên giái dưới liền,
không một chút e thẹn, còn dạn dĩ và chủ động hơn một con điếm thập thành:
“Hai
người chìm vào biển ái ân nóng bỏng…”
“Ánh
sướng quá tru lên như con ngựa hoang động đực…”
“Về
Phú Xuân, Ánh ốm liệt giường, lúc nào cũng chìm trong mộng mị ân ái với nàng Ngọc
Bình”
“Gia
Long lấy Ngọc Bình chẳng phải là yêu chiều cành vàng lá ngọc mà núp dưới chiêu
bài tâm lý chiến bẩn thỉu…”
Nếu vua Gia Long chỉ lấy Lê Ngọc
Bình làm trò tiêu khiển xác thịt như Sương Nguyệt Minh mô tả vì “ chiêu bài tâm
lý chiến bẩn thỉu”, sao nhà vua lại phong Lê Ngọc Bình lên hàng hoàng hậu, là
bà vợ thứ ba chính thất của nhà vua?
Trong lịch sử, vua Gia Long lấy Lê
Ngọc Bình từ năm 1802, phong bà là “Đệ Tam cung”. Năm 1810 Lê Ngọc Bình mất vì
trọng bệnh. Chỉ trong tám năm chung sống, bà đã sinh cho vua Gia Long bốn người
con, trong đó có hai hoàng tử và hai công chúa. Vậy mà trong truyện “Dị hương”,
tác giả mô tả bà sau khi giao hoan những ngày đầu tiên long trời lở đất với vua
Gia Long, đã bị chất sắt máu và chất phàm phu tục tử của Gia Long làm bà bay hết
mùi hương lạ, thành ra lãnh cảm và bị chết dưới bụng vua Gia Long trong lúc làm
tình! Thật là sự xuyên tạc lịch sử quá trâng tráo.
Trong sử, vua Gia Long là vị vua
không hiếu sắc, càng không hề hoang dâm vô độ như “Dị hương” bịa chuyện. Xin
xem từ điển mạng wikipedia viết về chuyện vua Gia Long không hề ưa chuyện phòng
the cung cấm:
“Ngoài
các người vợ kể trên, vua Gia Long còn có gần trăm bà[180] phi khác là con của
các quan tiến cung[181]. Để tránh làm tổn thương các quan, nhà vua không thể từ
chối được việc dâng tiến này nên dù có tuổi ông vẫn phải nạp phi[181]. Hậu cung
thường xảy ra xung đột và vua Gia Long tỏ ra không ưa thích chốn hậu cung như
thế, có lần ông đã từng miêu tả việc này trong câu nói: “Chốc nữa trẫm sẽ ở giữa
một đám yêu phụ làm trẫm đinh tai nhức óc”[182] và câu đánh giá về phụ nữ của
ông: “Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ
hơn đàn ông”[183]”
Nguyễn Ánh- vua Gia Long là một
nhân vật lịch sử có thật. Đệ tam cung Lê Ngọc Bình là một nhân vật lịch sử có
thật, sao tác giả “Dị Hương” lại bịa đặt một cách vô lối để bôi bẩn họ đến mức
ghê tởm thế ? Nếu một kẻ nào đó, lôi ông tổ của nhà văn Sương Nguyệt Minh ra để
chửi bới thậm tệ như ông đã làm với vị Hoàng đế nước Việt Nam Gia Long, một người
đã có công thống nhất đất nước, liệu ông Sương Nguyệt Minh có để yên hay sẽ nhảy
dựng lên đòi kiện bọn vô cớ bôi bẩn ông cha mình ra tòa?
Nếu một kẻ cầm bút vì lý do tiến
thân nào đó, tự nhiên lôi ông tổ của nhà thơ Hữu Thỉnh ra vu cáo thậm tệ theo
kiểu Sương Nguyệt Minh vu cáo tổ tiên của hoàng tộc Huế, liệu ông Thỉnh có dám
trao giải thưởng cho hay không?
Đằng này, vua Gia Long không chỉ là
tổ phụ của hàng vạn con dân hoàng phái Huế đang sinh sống ở khắp nơi, mà còn là
vì vua lớn của nước Việt Nam, đã sinh ra một triều đại lớn: triều Nguyễn, có
nhiều ông vua yêu nước chống Pháp như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân…thì phỏng
các ông trao giải thưởng cho một tác phẩm yếu kém về nghệ thuật, lại sao chép
truyện người ta, vu oan giá họa cho tằng tổ người ta bẩn thỉu hết cỡ như truyện
“Dị hương” kia, nhằm mục đích gì?
Sài Gòn ngày 30-01-2011
© Trần Mạnh Hảo
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!