XIN QUẺ
Khấn vái qùy xin với tổ này
Cho con lấy được tấm chồng ngay
Không ham danh lợi… thương hiền hậu
Chỉ muốn tình yêu… ghét xỉn say
Thể dáng xinh trai? vâng, cũng tốt!
Thơ văn lãng mạn? dạ, càng hay!
Rằng: "thêm biết nịnh khi hờn giận"
Cúng quảy đền ơn sẽ thiết bày...
Anh Khờ
QUẺ ỨNG
Quẻ mới vừa gieo ứng nghiệm này!
Anh chàng đứng cạnh quả người ngay!
Thông minh lịch thiệp… trông như mỹ
Phúc hậu xinh giai… ngó giống tây
Thi họa chưa tường... sau sẽ thử
Cầm kỳ hổng rõ... chút rồi quay
Làm sao để tỏ tình đây nhỉ?
Lạy tổ giúp em kế đặt bày!
Anh Khờ
Thơ Họa:
QUẺ BÀN
Cổ kim chiêm nghiệm thế gian này
Cây thẳng vẫn thường bị chết ngay
Bởi vậy, khuyên nàng đừng chọn tỉnh
Nên rằng, gởi phận phải tìm say
Văn thơ phát tiết càng “đai” lẹ
Trí tuệ khuynh thành mới thật hay
Dẻo lưỡi mềm môi là số một
Trong xăm quẻ đã trắng đen bày
Lý Đức Quỳnh
28/8/2024
BÓI KIỀU
Bói Kiều linh nghiệm khấn xin ngay
Giở đúng, trúng trang… được quẻ này:
“Người ấy” gặp nhau còn khép nép
Văn nhân tương ngộ đã thầm say
Trăm năm Bà Nguyệt đà se kết
Duyên nợ Ông Tơ định tuyệt hay!!!
Tỉnh giấc, giật mình Ồ! Huyễn mộng
Lòng nào tơ tưởng chuyện an bày
Kiều Mộng Hà
Aug.28.2024
GIẢI QUẺ XĂM
Hãy nghe Thầy giải quẻ xăm này
Nếu đúng thì xin trọng thưởng ngay
Nhìn nhé: tương lai luôn rạng rỡ
Xem này: tình cảm mãi mê say
Công danh, địa vị thăng...nào dứt !
Của cải, bạc tiền vô...quá hay !
Ồ ! quả thế rồi, tâm bái phục
Tiền, quà hậu hĩnh xếp mâm bày...
Sông Thu
( 29/08/2024 )
NGUYỆN CẦU
Lâm râm xin khấn nguyện câu này:
Xin giúp cho đời bớt khổ ngay.
Xin hứa giữ tâm luôn bác ái,
Xin gìn ân đức xóa mê say.
Xin trao chân thiện giao tình tốt,
Xin trọn vẹn lòng gởi cái hay.
Xin hứa không thù gây chuốc oán,
Xin bao hạnh phúc được an bày.
*
Xin quẻ nguyện cầu kết quả ngay!
HỒ NGUYỄN
(29-8-2024)
ĐI CHÙA XIN XĂM...
Cúi lạy cầu xin Phật chứng nầy
Lấy chồng hiền hậu thật thà ngay.
Trăm năm bền vững duyên kim cải,
Một kiếp thủy chung...Chớ đắm say...
Quân Tử Đức Tài nêu chí lớn,
Giềng ba giử vẹn đấng trai hay...
Thân con phận gái mười hai bến,
Phật Tổ cho con xăm tỏ bày...
Mỹ Nga
29/08/2024. ÂL,26/07/Giáp Thìn.
XIN XĂM GIẢI QUẺ…
Vận may một quẻ ứng xăm này…!
Vớ phải anh chồng mới được ngay
Chỉ tiếc hơi già, lương hậu hỉnh
Mà thương luống tuổi, rượu không say
Nghỉ hưu chiếc bóng, vâng càng tốt
Không vướng gia đình, dạ quá hay
Nịnh hót bùi tai khi giận dỗi
Năng cầu tất ứng, “ lễ “ chưng bày…!
MAI XUÂN THANH
Silicone Valley, August 29, 2024
XĂM THƯỢNG.
Lao đao vận hạn cả năm này
Đi lễ chùa Cầu (*) lắc thẻ ngay
Xăm thượng:gia đình sung hạnh phúc
Số cao:tài lộc vượng mê say
Ơn trên sắp sẵn cho lời tốt
Kẻ hạ vui mừng giải quẻ hay
Thời tới làm sao mà cản được
Tiền đô viếng cúng dọn bàn bày.
LAN.
(30/08/2024).
(*)Cầu=tên của ngôi chùa.
HỎI AI ,
Biết hỏi ai đây ở kiếp này
Ông trời liệu giúp kết đôi ngay ?
Cô đơn năm tháng lòng ao ước
Tím ngắt đêm ngày dạ ngất say
Một chút thăng hoa nào có dở
Dăm ba lãng mạn đến là hay!
Đôi khi sóng gió làm chao đảo
Vượt thác bình yên ,nguyện tỏ bày !
PHƯỢNG HỒNG
XIN XĂM..
Đi chùa lễ Phật lắc xăm này
Cầu nguyện hoà bình hãy đến ngay
Tai họa xin đừng cho ập đến
Cuộc đời hãy đạt sớm điều hay
Gia đình hạnh phúc niềm mong mỏi
Thế giới an bình nỗi đắm say
Quẽ Thượng ứng liền xin cúng bái
Nhang đèn trà quả được chưng bày
Songquang
20240831
ƯỚC NGUYỆN
Cầu cho xã hội ổn yên này
Ruột dạ con người sống thẳng ngay
Dốc lực chơi bài hư tánh đắm
Đua nguồn uống rượu hỏng đời say
Hiền lương bác ái hương thơm dẫn
Độ lượng nhân từ phẩm tốt hay
Tứ chúng đồng tu là phúc quả
Vài câu ước nguyện muốn trình bày
Minh Thúy Thành Nội
Tháng 9/7/2024
THUẬT SỐ ĐÔNG PHƯƠNG
Đông phương thuật số, những ngành này
Khoa học không cần, vẫn đúng ngay
Số đoán tử vi, người ngưỡng mộ
Chỗ xem phong thủy, chúng mê say
Bói kim tiền trúng,
thời càng tốt
Xem tướng mạo
hiền, thế cũng hay
Được hỏi làm sao mà giỏi vậy?
Bốc sư giấu kỹ chẳng phơi bày.
(Phan Thượng Hải)
9/4/24
CHẨN MẠCH ĐÔNG Y
Đông y không khó, chỉ ngần nầy
Chẩn mạch sờ tay biết sẵn ngay
Huyết khí lưu thông tìm cặn kẽ
Tứ thời ứng hợp học mê say
Âm dương hòa điệu châm thêm khéo
Ngũ hành nghịch thuận tể thêm hay
Bệnh căn phô sẵn thầy tìm đoán
Mệnh số trời ban vận đã bày
(Hồ Mỹ Đức)
9/9/24
***
NHỮNG
NGÀNH THUẬT SỐ ĐÔNG PHƯƠNG
(Bs
Phan Thượng Hải)
Từ đời nhà Hán (thế kỷ thứ 3 tr CN), những
ngành Thuật Số (trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc của Âm Dương Gia) được
thực hành từ những Đạo sĩ của Đạo Giáo (thuộc Chiêm Nghiệm Phái) và đổi thành
những tên mới cho đến ngày nay, trừ ngành Thiên Văn.
Ngành
Dịch Phổ thành ra ngành Tử Vi.
Ngành
Ngũ Hành thành ra ngành Tử Bình.
Ngành
Bói thường gọi là ngành Bói Toán, thịnh hành và tồn tại là phép Bói Giã Hạc Kim
Tiền.
Ngành
Tạp Chiêm thành ra ngành Xem Tướng.
Ngành
Hình Pháp thành ra ngành Phong Thủy.
Ngành
Thiên Văn
Từ thời nhà Hán (thế
kỷ thứ 3 tr CN) cho đến ngày nay, ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn tồn tại những
ngành Thuật Số này trừ ngành Thiên Văn (không còn tồn tại trong thời đại khoa học
của Tây phương). Ngoài ra trong Đạo Giáo có xuất hiện thêm
ngành Sấm hay Sấm Ký nhưng không còn tồn tại cho đến ngày
nay.
Thầy Bói ngày nay có
thể kiêm đến cả 4 ngành: Xem Quẻ (Bói), Xem Tướng (Tạp Chiêm), Tử Vi (Dịch Phổ)
và Tử Bình (Ngũ Hành). Chuyên gia về Phong Thủy gọi là "Thầy
Phong Thủy".
1. Ngành Tử
Vi
Ngành Dịch Phổ
(Almanacs) của Âm Dương Gia trong thời Xuân Thu và
Chiến Quốc là xếp đặt lại vị trí 4 mùa chia đúng các tiết (equinoxes and
solstices), hiểu giờ (concordances of the periods) của mặt trời và mặt trăng
cũng như của 5 hành tinh để khảo sát lạnh nóng sống chết. Nhờ thuật
nầy, điều lo về tai ách (calamities), điều vui và tốt lành (happiness of
prosperity) đều biết được rõ ràng.
Từ ngành Dịch Phổ có
ngành Tử Vi của Đạo Giáo.
Phép
này phải theo địa chỉ để phân dương nam, dương nữ, hay là âm nam âm nữ. Phân
âm dương rồi phải dùng phép Nạp âm mà lập cục, để xem sinh vào cục nào
trong ngũ hành, hoặc hỏa lục cục, hoặc mộc tam cục... Lập cục rồi
phải an thân và mệnh và phân cung. Phân cung xong thì cứ
lần lần mà an các vị sao cát tính, hung tính...
Phép
đoán thì phải xem mệnh và thân đứng vào cung nào bằng cách lấy lá số
theo ngày tháng năm sinh để biết các vì sao trên mỗi cung; rồi xét các
vì sao chinh chiếu, hợp chiếu, giáp chiếu thế nào mà đoán mệnh hay dở. Mỗi
cung chịu trách nhiệm một vấn đề khác nhau, từ đó mà suy ra vận mệnh trước
sau.
Số
Tử Vi thì tinh tường hơn các phép khác. Tục truyền là của ông
Trần Đoàn đời nhà Tống đặt ra, nhưng không lấy gì làm bằng chứng. Tuy
nhiên Tử Vi không biết được sự thay đổi của Con người khi họ tích đức làm thiện
hoặc làm ác?
2. Ngành Tử
Bình
Ngành Ngũ Hành (Five
Elements) của Âm Dương Gia trong thời Xuân Thu và
Chiến Quốc cũng bắt đầu bằng sự vận chuyển của ngũ đức (5 powers), 5 nguyên tố
(5 elements), suy cho cùng cực thì không có gì là không thấu.
Tục truyền rằng từ
đời nhà Hán đã có Hà Thượng Công soạn ra số Tam Mệnh, đến đời Nam Bắc
Triều có Đào Hoằng Cảnh soạn ra bộ sách Tam Mệnh Sao, đời nhà Tống có Lâm Hiếu
Công soạn ra sách Lộc Mệnh. Đó là những sách để đoán số mệnh cho người
ta. Đại để số nào cũng suy tính âm dương ngũ hành sinh khắc chế hóa
và tính theo chiều độ nhật nguyệt tinh thần hợp với ngày sinh tháng đẻ mà đoán
số mệnh giàu nghèo sang hèn thọ yểu của mọi người. Đó là ngành
xem số Hà Lạc.
Số Hà Lạc dùng bát tự: năm tháng giờ thuộc về
can chi rồi tính theo số mục mà ghép vào quái hào trong Dịch mà đoán.
Từ đó là ngành Tử
Bình (gần giống và hay lẫn lộn với ngành Tử
Vi) cho đến ngày nay.
Lấy
tứ trụ ngày tháng năm sinh coi theo 4 can và 4 chi, còn gọi là bát tự.
Diễn
giải theo Ngũ Hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) mà biết được vấn đề trong chân mệnh
để tìm dụng thần, hỷ thần thích hợp mà bổ khuyết.
Ngành Tử Bình (số Hà
Lạc) thường cùng với ngành Tử Vi (số Tử Vi) và ngành số Tiền Định được gọi
chung là ngành Xem Số.
Số Tiền Định thì tục truyền là từ Quỉ Cốc
tiên sinh ở đời Xuân Thu soạn ra có lập cục sẵn ngày sinh tháng đẻ. Mỗi
cục có mấy câu thơ thất ngôn và có mấy định cách để đoán việc hay dở của người
ta. Song những lời lẽ tầm thường ý tứ thiển cận cho nên không mấy
người dùng.
3. Ngành Bói
hay Bói Toán
Đại cương theo lịch sử
thì ngành Bói hay Bói Toán (Divination) gồm có Bói Dịch, Bói Giã Hạc (nhất là
Bói Kim Tiền) và Bói Chiết Tự. Âm Dương Gia trong thời Xuân Thu và
Chiến Quốc chỉ có Bói Dịch rồi sau đó mới có Bói Giã Hạc và Bói Chiết Tự trong
Đạo Giáo và chỉ có Bói Giã Hạc (nhất là Bói Kim Tiền) tồn tại và thịnh hành cho
tới ngày nay.
* Bói Dịch
Ngành Bói hay Bói
Toán (Divination) bắt đầu với Bói Dịch bằng cỏ thi và bằng mai rùa
là phép bói chính (main methods of divinatrion) ở Trung Quốc xưa.
Theo
phép bói mai rùa thì đục lỗ ở trong vỏ rùa hay trong những miếng xương phẳng, rồi
đem hơ vào lửa nóng trên chiếc đủa bằng kim loại để làm thành những đường nứt
chung quanh lỗ. Thầy bói giải thích những đường nứt ấy theo hìng trạng
của chúng, để trả lời câu hỏi nêu ra.
Theo
phép bói bằng cỏ thi thì bói trộn các nhánh cỏ thi làm thành những tổ hợp về số
để có thể giải thích theo Kinh Dịch.
Mục
đích chính của phần nguyên thủy của Kinh Dịch là để giải thích
cho 2 ngành bói mai rùa và nhất là cỏ thi. Do đó còn được gọi là
phép Bói Dịch.
Kinh Dịch vốn là sách
bói. Khi được hỏi về 1 trường hợp
riêng biệt nào đó trong đời sống thì thầy bói trộn các nhánh có thi (hay hơ
xương hoặc mu rùa) sẽ có được một vạch nào trong một quẻ nào. Sau đó
lời giải thích của quẻ và hào trong Kinh Dịch nầy (của Phục Hy, Văn Vương hay
Chu Công) được coi là cho ra trả lời điều muốn biết. Từ đó ta áp dụng
tất cả những giải thích nầy vào các trường hợp riêng biệt khác nhau của đời sống
thực tại khi được đem ra bói.
Trước tác nguyên thủy
của Kinh Dịch gồm có 8 quẻ (Bát Quái). Mỗi
quẻ (quẻ đơn) gồm 3 vạch, hoặc là vạch đứt hay vạch liền. Chồng 2 quẻ
đơn làm thành những quẻ kép có 6 vạch người ta có tất cả 64 quẻ kép
(8x8=64). Bản văn nguyên thủy của Kinh Dịch gồm 64 quẻ kép ấy và những
lời giải thích ý nghĩa tượng trưng của mỗi quẻ.
Theo truyền thuyết thì Phục Hi,
ông vua hoang đường đầu tiên của Trung Quốc, là người đặt ra 8 quẻ. Theo
vài học giả thì chính Phục Hy đã chồng 8 quẻ lên thành 64 quẻ. Theo
những học giả khác thì đó là công trình của Chu Văn Vương vào
thế kỷ 12 tr CN. Theo những người sau nầy, Chu Văn Vương viết lời giải
thích về các quẻ và về những hào (những vạch riêng trong mỗi quẻ), theo những
người khác thì Chu Văn Vương chỉ giải thích về quẻ còn lời giải thích về hào là
việc của Chu Công Đán, người con nổi tiếng của Văn
Vương. Quẻ hay quẻ đơn là Quái, còn quẻ kép là Trùng Quái.
Khoa học hiện đại cho
rằng sự phát minh quẻ đơn và quẻ kép bắt đầu từ thời nhà Chu (Chu Văn Vương và
Chu Công Đán): những quẻ nầy chỉ phỏng theo những đường nứt trên mu rùa hay
mảnh xương được hơ lửa khi bói, được thực hành dưới thời nhà Thương (là triều đại
trước nhà Chu). Thầy bói hơ mu rùa hay miếng xương vào lửa rồi theo
những đường nứt trên đó mà trả lời những câu hỏi đã nêu ra cho thầy
bói.
Những đường nứt ấy có thể thiên hình vạn trạng
cho nên khó mà giải thích theo một thể thức nhất định. Vì vậy trong
buổi đầu nhà Chu phép bói ấy hình như được bổ sung bằng một phép khác: người ta
trộn những nhánh cỏ gọi là cỏ thi để có những tổ hợp làm thành
số lẻ và số chẵn. Những tổ hợp ấy có số giới hạn, cho nên người ta
có thể giải thích theo những thể thức cố định. Hiện nay người ta
nghĩ rằng những vạch liền và vạch đứt (tức là lẻ và chẵn) của những quẻ đơn và
quẻ kép là biểu thị bằng nét vẽ của những tổ hợp trên. Do đó khi trộn
những nhánh cỏ thi thầy bói có thể làm thành một vạch nhất định hay một số vạch
rồi xem những lời giải thích trong Kinh Dịch mà trả lời những câu hỏi đã nêu
ra.
Có lẽ đây là nguồn gốc của Kinh Dịch. Người
ta cắt nghĩa tên nó như vậy vì nó liên quan đến những tổ hợp luôn thay đổi của
các vạch. (Dịch = đổi).
Như vậy phép Bói
Dịch là Bói Toán dùng cỏ thi (và mu rùa) dựa trên Kinh Dịch thì đã có từ thời
Thượng cổ, về sau được các nhà Đạo Học như Quản Lộ đời Tam Quốc, Quách Phác đời
Tấn đều nổi tiếng giỏi nghề bói toán. Dần dần Bói Dịch bị thay thế bởi
Bói Giã Hạc.
* Bói Giã Hạc
Vào đời nhà Hán,
ngành Bói Toán của Đạo Giáo dùng phương cách khác mà không dùng mu rùa hay cỏ
thi nữa nhưng vẫn dựa trên Kinh Dịch, đó là Bói Giã Hạc.
Bói Giã Hạc:
Thường dùng 3 đồng xu có lỗ, mỗi lần gieo được một Hào âm hoặc dương hoặc động. Sách quẻ
Dịch có 384 quẻ con, tra theo đó rồi suy luận. Do đó còn gọi
là Bói Kim Tiền.
Có
hình thức khác như Coi theo giờ hay bốc số nhưng cuối cùng cũng là chọn được quẻ
để suy luận.
Bói Giã Hạc (nhứt là Bói Kim Tiền) thịnh hành
và tồn tại cho đến ngày nay.
Bói Giã Hạc hay Bói
Kim Tiền là phép của Kinh Phòng đời nhà Hán đặt ra. Về sau có ông
Giã Hạc lập cục sẵn các quẻ và nghị luận thêm cho nên tục quen gọi là phép Bói
Giã Hạc. Phép này giản tiện hơn các phép khác cho nên người ta theo
dùng nhiều mà nhất là các thầy bói bây giờ chỉ chuyên dùng phép này mà
thôi.
Phép Bói Giã Hạc phải
có 3 đồng tiền.
Khi
gieo quẻ hễ 3 đồng ngửa cả gọi là Trùng; ba đồng sấp cả gọi là Giao; một sấp
hai ngửa gọi là Đơn; một ngửa hai sấp gọi là Sách.
Một
lần gieo quẻ là một Hào: Trùng là Hào thái dương, Giao là Hào thái âm, Đơn là
Hào thiếu dương; Sách là Hào thiếu âm.
Gieo
6 lần thành ra một quẻ, rồi xem Hào nào động, Hào nào tĩnh mà đoán.
* Bói Chiết Tự
Bói Chiết Tự là phép
của ông Thiệu Nghiêu Phu đời Tống đặt ra, đã sẵn có từng quẻ và từng giải
đoán. Ai có việc gì muốn bói thì tùy ý mình muốn viết chữ gì cũng được
nhưng phải viết một chữ rồi trông hình chữ hoặc đếm nét chữ mà ghép vào quẻ,
xem lời quẻ thế nào mà đoán được.
Bói Chiết Tự không thịnh hành và phổ thông
như Bói Giã Hạc Kim Tiền. Nó không còn tồn tại ở VN vì không còn
dùng Hán tự nữa.
4. Ngành Xem
Tướng
Ngành Tạp Chiêm (Miscellaneous Divinations) của Âm Dương Gia trong thời Xuân
Thu và Chiến Quốc sau nầy là ngành Xem Tướng (physiognomy) của
Đạo Giáo.
Phép Xem Tướng này cứ
như trong lịch sử thì có đã lâu. Đời xưa mỗi một ông vua lên trị vì
là sử đã tả cái tướng lạ, như vua Nghiêu thì lông mày có 8 vẻ, vua Thuấn thì mỗi
con mắt có 2 con ngươi...
Nhưng thật thì đến đời Nam Bắc Triều, ông Đào
Hoằng Cảnh mới làm ra sách Tướng Kinh. Về sau lại
có những sách như Mã Y Tướng Pháp, Liễu Trang Thủy Kinh, Vương Thị Phong Giám,
Tướng Lý Hành Chân... đều bàn về việc xem tướng.
Xem tướng thì nhiều nhưng đại lược thì xem bộ
mặt, xem bàn tay, xem ngón tay và xem thân thể trường đoản ẩn lộ như: ngũ trường,
ngũ đoản, ngũ lộ, ngũ tiểu...
5. Ngành
Phong Thủy
Ngành Hình Pháp (System of Forms) của Âm Dương Gia trong thời Xuân Thu và Chiến
Quốc sau nầy được gọi là ngành Phong Thủy (Feng-sui), dịch
theo nghĩa đen là "gió-nước" (wind and water). Phong thủy
được căn cứ vào khái niệm con người là sản vật của vũ trụ. Do đó nhà
cửa và mồ mả phải được bài trí theo cách nào cho hợp với những lực thiên nhiên,
nghĩa là với "gió nước" (phong thủy). Ngày nay cũng
là ngành Phong Thủy.
Phép Phong Thủy còn gọi
là Phép Địa Lý
từ
đời Tần đã có một người ẩn sĩ soạn ra kinh Thanh Nang,
đến
đời nhà Hán thì có Trương Tử Phòng soạn ra bộ Binh Sa Ngọc Xích,
đời
nhà Tấn có ông Quách Phác soạn ra Táng Thư,
đời
nhà Tống có ông Trương Tử Vi soạn ra bộ Ngọc Tủy Chân Kinh,
đời
nhà Nguyên có ông Lưu Bỉnh Trung soạn ra bộ Kim Đẩu Quyết Táng
Pháp...
Phép Phong Thủy truyền
khắp mọi nơi. Nước ta có ông Nguyễn Đức Huyên, người
làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, về đời nhà Lê sang học phép
Phong Thủy bên Tàu trở về nước nhà làm đất nổi tiếng lừng lẫy; đến bây giờ nói
đến ông Tả Ao là ai cũng biết. Sau lại có ông Hòa Chinh, người tỉnh
Hà Nam bây giờ, đỗ Tiến sĩ cũng sang Tàu học được phép Phong Thủy có làm bộ
sách để lại.
Theo Trần Trọng Kim,
Phép Phong Thủy thì phải phân biệt hình đất theo thủy hỏa mộc
kim thổ. Phép đi tìm đất trước hết phải tìm tổ sơn, rồi đó dò theo
long mạch mà tìm huyệt. Long mạch có chỗ cao như gò đống núi non thì
gọi là âm long, chỗ bình dương thì gọi là dương long. Chỗ nào có tụ
khí tàng phong thì mới là chỗ huyệt tốt. Chỗ sơn cùng thủy tận là
nơi tuyệt địa, tức là chỗ xấu.
Phép Phong Thủy chia làm 3 môn:
Nhật
Gia Học: tinh về xem thái dương chiền độ để xem cái hành độ của nhật, nguyệt,
ngũ tinh và nhị thập bát tú, ngày giờ nào chiếu vào địa phận nào rồi mới làm đất.
Hình
Gia Học: môn này chỉ xem hình đất mà làm.
Pháp
Gia Học: môn này thì chuyên về lý khí, cốt phải tính về âm dương ngũ
hành. Phải phân biệt rõ chỗ nào là âm chỗ nào là dương, chỗ nào là
kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cốt làm sao cho sinh khắc chế hóa hợp độ mới được.
Tuy rằng nhà phong thủy giỏi phải tinh cả ba
môn, nhưng ai biết một môn cũng làm đất được.
Đến đầu thế kỷ 20, Phép Phong Thủy ta còn thường gọi là phép Địa Lý còn
đang thịnh hành lắm. Bất kỳ ở đâu có cất đình dựng chùa hoặc làm nhà
làm cửa để mồ để mả đều phải tìm nơi hình thắng và chỗ cát huyệt. Nơi
nào để lập nhà cửa thì gọi là dương cơ, nơi nào để mồ mả thì gọi là âm phần. Tục
vẫn cho dương cơ tốt hơn âm phần, nhưng thường thì không mấy người kén chọn
dương cơ như là phải tìm đất để mồ để mả.
6. Ngành
Thiên Văn
Ngành Thiên Văn
(Astrology) là ngành sắp thứ tự 28 sao (28
constellations), ghi chép sự vận chuyển của 5 hành tinh (5 planets) và của mặt
trời và mặt trăng để ghi những biến tượng lành dữ (manifestations of fortune
and misfortune).
Ngành Thiên Văn trở
thành lỗi thời so với khoa học của Tây phương. Tuy nhiên 28
vì sao của Âm Dương Gia từ thời Xuân Thu và Chiến Quốc cũng giống với
28 vì sao của khoa học Tây phương.
Nhị Thập Bát Tú (28 sao) gồm có:
Giác
Mộc Giao: sao Giác (Spica). Giao = Cá Sấu
Càng
Kim Long: sao Càng
(Virgo). Long = con Rồng
Đê
Thổ Lạc: sao Đê (Libra). Lạc = con Lạc Đà
Phòng
Nhật Thố: sao Phòng (Libra). Thố = con Thỏ
Tâm
Nguyệt Hồ: sao Hồ (Antares). Hồ = con Chồn Cáo
Vĩ
Hỏa Hổ: sao Vĩ (Scorpius). Hổ = con Cọp
Cơ
Thủy Báo: sao Cơ (Sagittarius). Báo = con Beo
Đẩu
Mộc Giải: sao Đẩu (Sagittarius). Giải = con Cua
Ngưu
Kim Ngưu: sao Ngưu (Capricormus). Ngưu = con Trâu
Nữ
Thổ Bức: sao Nữ (Aquarius). Bức = con Dơi
Hư
Nhật Thử: sao Hư (Aquarius). Thử = con Chuột
Nguy
Nguyệt Yến: sao Nguy (Aquarius/Pegasus). Yến = con Én (Nhạn)
Thất
Hỏa Trư: sao Thất (Pegasus). Trư = con Heo
Bích
Thủy Dư: sao Bích (Algenib). Dư = con Cừu (Trừu)
Khuê
Mộc Lang: sao Khuê (Andromeda). Lang = con Chó Sói xám
Lâu
Kim Cẩu: sao Lâu (Aries). Cẩu = con Chó
Vị
Thổ Trĩ: sao Vị (Aries). Trĩ = con Chim Trĩ
Mão
Nhật Kê: sao Mão (Pleiades). Kê = con Gà
Tất
Nguyệt Ô: sao Tất (Taurus). Ô = con Quạ
Chủy
Hỏa Hầu: sao Chủy (Orion). Hầu = con Khỉ
Sâm
Thủy Viên: sao Sâm (Orion). Viên = con Vượn
Tỉnh
Mộc Hãn (Ngạn): sao Tỉnh (Gemini). Hãn = con Bò
Quỷ
Kim Dương: sao Quỷ (Cancer). Dương = con Dê
Liễu
Thổ Chương: sao Liễu (Hydra). Chương = con Cheo (=Mouse-Deer)
Tinh
Nhật Mã: sao Tinh (Alphard). Mã = con Ngựa
Trương
Nguyệt Lộc: sao Trương (Crater). Lộc = con Hưu/Nai
Dực
Hỏa Xà: sao Dực (Corvus). Xà = con Rắn
Chẩn
Thủy Dẫn: sao Chẩn (Corvus). Dẫn = con Giun/Trùng
7. Ngành Sấm
hay Sấm Ký
Ngành Sấm học có thể
có từ Âm Dương Gia trong thời Chiến Quốc nhưng không được phổ thông. Từ đời Chiến
Quốc những Âm Dương gia đã đặt ra Sấm để nói trước những việc chưa
có. Đại khái như dở kinh Dịch, kinh Thư hay là kinh Thi ra lấy mấy
chữ, rồi tính xem giờ nào, ngày nào, để xếp vào ngũ hành sinh khắc thế
nào. Lại xem bát môn như "sinh, tử, đỗ, tuyệt, hưu, tù, vượng,
tướng": hễ được vượng và tướng thì tốt, mà phải tử và tù thì xấu. Sau
cùng hoặc lấy ý tưởng trong chữ hay là trong câu hoặc đếm nét đếm chữ để tính
ra quẻ mà đoán mọi việc. Lại có cách nạp âm là lấy ngũ âm là: cung,
thương, giốc, chủy, vũ, mà gọi ra tên họ người ta.
Thí dụ như đời vua Tần Thủy Hoàng, có người
xem Sấm mà đặt ra câu "Vong Tần giả Hồ" nghĩa là nói ngươi Hồ Hợi làm
mất nhà Tần.
Những cách chiêm nghiệm
ấy có đặt ra thành sách gọi là sấm vĩ như Dịch vĩ, Thư vĩ, Thi vĩ...
Trong
đời Tây Hán có Lưu Hướng và Khuông Hành giỏi về sấm vĩ.
Đến
đời Vương Mãng và đời Hán Quang Võ Đế thì sùng tín Sâm Vĩ lắm. Vua
Hán Quang Võ Đế dùng người nào hay làm việc gì cũng quyết ở Sấm văn cả.
Từ
đó về sau Sấm học thịnh lắm, các Đạo sĩ thường hay học tập.
Đến đời nhà Tống có
ông Thiệu Nghiêu Phu soạn ra bộ sách Hoàng Cực Kinh Thế Thư lấy thuật số mà
tính sự biến đổi trong trời đất và có thể biết trước những sự sẽ có về
sau. Phép tính ấy gọi là Tính Thái Ất, khác với lối đặt Sấm ngày trước
vì nó chủ ở toán số. Tục truyền rằng phép tính có thể tính được việc
500 về trước và 500 năm về sau. Ở bên Tàu thì có Lưu Cơ đời nhà Minh
giỏi Thái Ất, mà ở bên ta chỉ có ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tức là
Trạng Trình, cũng tinh thông về phép tính ấy và tục truyền rằng ông có đặt ra
nhiều Sấm Ký nói về thời sự mà nhiều người cho là linh nghiệm lắm.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI
biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này đăng lần
đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần
Triết Học và Tôn Giáo.
Tài liệu tham khảo
1)
Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc (Phùng Hữu Lan - bản dịch của Nguyễn Văn
Dương).
2)
Đạo Giáo (Trần Trọng Kim) - Nam Phong Tạp Chí.
3) Đạo
Giáo của Trung Quốc (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
4) Lịch Sử Triết Lý Nho Giáo (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!