Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

HỌ HỒNG BÀNG -Thơ Phan Thượng Hải và Thơ Họa



HỌ HỒNG BÀNG


Quốc gia khởi tự họ Hồng Bàng

Với những trống đồng tiếng vẻ vang

Một gốc Lạc Long người Lạc Việt

Ngàn năm văn hiến nước Văn Lang

Nhân dân hùng mạnh đà sinh sản

Lãnh thổ vẹn toàn đã mở mang

Hậu duệ kim thời thông lịch sử

Tu thân giúp nước đạt an khang.

(Phan Thượng Hải)

        6/24/21


Thơ Họa:

 

GIẤC MỘNG NGÀN XƯA

(Họa tá vận)

 

Giấc mộng ngàn xưa hóa đại bàng

Thế rồi âm vọng bặt dư vang

Trời cao thoáng đến vài công, phượng

Đất rộng thường về lắm hổ, lang

Ánh nguyệt thanh bình suông nước chảy

Tâm tình khổ lụy trĩu lòng mang

Chiêm bao khói trắng bờ hoang tưởng

Hiện thực xa vời cảnh thịnh, khang

Lý Đức Quỳnh

    25/8/2024

 

VN NÒI GIỐNG LẠC HỒNG

(Họa 4 vần)

 

Tên gọi VIỆT NAM…chớ có bàn !

Lạc Hồng nòi giống thật lừng vang

Hiền hoà hiếu  khách như Ông Bụt

Giận dữ diệt thù tựa sói lang

Xây dựng non sông luôn vững bước

Giữ gìn bờ cõi khỏi tai mang

Tổ tiên khi trước làm trang sử

Con cháu bây giờ sống kiện khang

Songquang

 20240826


TRUYỀN THỐNG GIỮ NƯỚC

 

Bao đợt, ai gây cảnh bẽ bàng

Để lời oán thán dậy rền vang

Dân Nam hiền dịu như nai thỏ

Giặc Bắc hung tàn tựa sói lang

Xâm lược biên cương, quân ác chiếm

Hao mòn lãnh thổ, nước non mang

Toàn dân thề quyết không khoan nhượng

Bảo vệ sơn hà, giữ thịnh khang.

  Sông Thu

( 26/08/2024 )

 

QUYẾT TỬ VÌ TỔ QUỐC.

 

Lướt gió, tung mây sức Đại Bàng

Trai tài, gái giỏi tiếng rền vang

Đồng lòng quyết tử gìn nòi giống

Chung dạ hy sinh diệt sói lang

Vĩnh Tế kênh đào, giòng nước tưới

Quý Đôn chữ dạy,đức ơn mang

Bao phen nghiêng ngả cùng gồng gánh

Đất nước trường tồn hạnh phúc khang

     LAN.

(26/08/2024).

 

HUYỀN SỬ RỒNG TIÊN.

 

Việt Nam từ thuở giống Hồng Bàng.

Huyền Sử Rồng Tiên khởi tiếng vang.

Tiên Nữ Âu Cơ duyên thắm kết,

Lạc Long sanh sản Nước Văn Lang.

Rồng Tiên phối ngẫu sanh trăm trứng,

Sông núi Nam Phương Nước Việt mang.

Đánh đuổi ngoại xâm nơi phía Bắc,

Nước nhà Hậu Duệ được Bình Khang...

Mỹ Nga

  26/08/2024 ÂL, 23/07/Giáp Thìn.

 

NƯỚC VIỆT VINH QUANG

 

Vinh quang tộc Việt gốc Hồng Bàng,

Muôn kiếp lưu truyền chiến sử vang.

Con cháu giống Rồng Tiên núi biển,

Lưu truyền Hồng Lạc xứ Văn Lang.

Nghìn năm lảnh thổ yên bền giữ,

Vạn thuở tinh thần vẹn vững mang.

Ái quốc quê cha ôm gốc cội,

Thần linh độ rổi mãi an khang.

                         *

Nghìn năm độc lập sáng vinh quang!

HỒ NGUYỄN

 (26-8-2024)

 

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC

 

Nam, Bắc đều chung một gốc Bàng

Bốn ngàn văn hiến tiếng danh vang

Kinh đây cày ruộng gieo trồng lúa

Thượng đó cuốc nương tỉa cấy lang

Biển bạc non vàng thôi bát ngát

Dân giàu nước mạnh quả miên mang

Từng tranh sử đẹp đang mờ nhạt,

Phải giữ gìn sao thật kiện khang?

Thái Huy

 8/26/24


HUYỀN SỬ CỐ HƯƠNG .

 

Trang sử nào xưa dán gốc bàng

Họ Hồng quốc tổ tiếng lừng vang

Hàng ngàn kiếp trước dân Nam tộc

Mỗi thủa đời sau đất Việt lang

Trấn thủ Hùng Vương sông núi chiếm

Lưu đồn Lạc Đế thánh thần mang

Thiên niên kỷ chất chồng mây nước

Thống lĩnh tới nay vẫn thái khang...

Rancho Palos Verdes  27 - 8 - 2024

CAO MỴ NHÂN

 

HẬU DUỆ HỒNG BÀNG

 

Chớ để tiền nhân phải bẽ bàng

Ngàn xưa oanh liệt tiếng tăm vang

Vua Nam chính khí như rồng phụng

Giặc Bắc gian hùng tựa sói lang

Dạ cứ tranh giành gia quyến hưởng

Đời vương tù tội  bản thân mang

Cháu con Lạc Việt noi tiên tổ

Giúp nước an bình sẽ kiện khang

ThanhSong ntkp

 CA.27/08/2024

 

ĐẠI BÀNG

 

Mật mã, bí danh gọi Đại Bàng

Hành quân thắng trận hát hò vang

Tiên Rồng nòi giống xua quân địch

Thủy Tổ anh hùng đuổi sói lang

Xả tắc đất đai nhà độc lập

Sơn hà biển đảo nước hiên ngang

Điểm tô trang sử công dân Việt

Xây dựng gia đình được kiện khang

        MAI XUÂN THANH

    Silicone Valley, 8/27/2024

 ***

Kính mời đọc:

NGUỒN GỐC VUA HÙNG VƯƠNG VÀ HỌ HỒNG BÀNG

        Bs Phan Thượng Hải biên soạn

Sử Việt cũ gồm có:

         Lĩnh Nam Trích Quái (Lĩnh Nam Chích Quái)

         Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: chính sử đầu tiên viết về nguồn gốc vua Hùng Vương và họ Hồng Bàng. 

Vua Hùng Vương đầu tiên (Hùng Vương thứ nhất) là người sáng lập ra nước Văn Lang.  Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chính sử đầu tiên và độc nhất viết về nguồn gốc tổ phụ của vua Hùng Vương đầu tiên này là Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân (và Âu Cơ).  Các sử gia về sau, nhất là của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Cương Mục), phải lấy nguồn sử liệu duy nhất từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư này mặc dù có đưa ra nhiều nghi vấn về chân lý và hợp lý của nó.

Thật ra Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên viết vào thời nhà Hậu Lê lại chỉ lấy tài liệu từ sách Lĩnh Nam Trích Quái (Lĩnh Nam Chích Quái) của Trần Thế Pháp viết vào thời nhà Trần.  Đây là một sách dã sử thần thoại theo Đạo Giáo (Lão Giáo) không phải là một sách sử chính thống đúng nghĩa và viết từ một sử gia theo đúng tinh thần giáo khoa và khoa học. 

Đọc Lĩnh Nam Trích Quái, hậu thế có thể thấy được sự hoang đường của Truyện Hồng Bàng về tổ tiên của vua Hùng Vương là Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ và nghi ngờ sự thật của danh hiệu "Hồng Bàng thị" (Họ Hồng Bàng).  Như vậy người Việt chúng ta khó có thể là "con rồng cháu tiên" hay "con Hồng cháu Lạc"?  Khái niệm "rồng tiên" trong Lĩnh Nam Trích Quái chỉ là lấy từ Đạo Giáo của người Trung Hoa, thiển nghĩ có gì vinh dự khi tự hào là "con rồng cháu tiên"?

Hơn nữa Đạo Giáo của Trung Quốc chỉ xuất hiện sớm nhất là vào thế kỷ thứ 3 tr CN (thời nhà Tây Hán) thì làm sao áp dụng cho lịch sử của nguồn gốc "rồng tiên" của vua Hùng Vương bắt đầu vào thế kỷ 28 tr CN (như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã viết)?  Đó chỉ là giả tưởng từ những người đạo sĩ của Đạo Giáo Trung Hoa có từ thế kỷ thứ 3 tr CN.    

a) Kinh Dương Vương và Đế Minh

* Chi tiết lịch sử từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trong Kỷ Hồng Bàng thị (Kỷ về Họ Hồng Bàng) viết:

         Nhâm tuất, năm thứ 1 (2879 tr CN)

         Xưa cháu 3 đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua (Kinh Dương Vương).  Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi.  Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh.  Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

* Nghi vấn từ Đại Việt Sử Ký

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dựa vào đâu mà cho rằng họ Hồng Bàng bắt đầu từ Đế Minh (cháu 4 đời của Thần Nông) sinh ra Kinh Dương Vương và Kinh Dương Vương là thủy tổ của họ Hồng Bàng. 

Thần Nông là vị lãnh tụ huyền thoại của lịch sử Trung Quốc vào thời Tiền sử.   

Tổ tiên của người Trung Quốc là những người sống ở lưu vực sông Hoàng Hà trong thời Tiền Sử (tự gọi là người Hoa Hạ).  

Thời Tiền sử này có những lãnh tụ:

         Tam Hoàng gồm Phục Hy, Toại Nhân và Thần Nông

         Ngũ Đế 

         Các vị Vua của Nhà Hạ (khoảng 2070 tr CN - 1600 tr CN)

Tam Hoàng là 3 vị "bán thần" giúp người dân sinh sống; lần lượt gồm có Phục Hy (Phục Hi), Toại Nhân (hay Nữ Oa) và Thần Nông.  Tương truyền gọi là Thần Nông vì là vị Thần sáng tạo ra nghề nông và biết dùng cây cỏ để chữa bệnh.

Ngũ Đế là 5 vị quân chủ (monarch) không cùng huyết thống truyền ngôi cho nhau theo thứ tự là: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.

Đế Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ.  Hạ Vũ truyền ngôi cho con cháu cùng huyết thống lập ra nhà Hạ.

Thời Tiền Sử của Trung Quốc chấm dứt vào khoảng năm 1600 tr CN hay trễ hơn (bắt đầu thế kỷ thứ 16) với khi bắt đầu của nhà Thương.  Gọi là Thời Tiền Sử vì không có Chữ viết và Lịch sử chỉ bắt đầu khi có chữ viết.  Trong thời Tiền Sử nầy người Tàu đã biết dùng lửa, cất nhà, trồng ngũ cốc, làm quần áo, chài lưới, có lễ nghi...

Lịch sử Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu với nhà Thương (sau 1600 tr CN) dựa trên Giáp Cốt Văn tự trên các mu rùa.  Giáp Cốt văn tự là chữ viết đầu tiên của Trung Quốc.  Khi có Chữ viết tự tạo hay du nhập từ nơi khác thì một địa phương bắt đầu có lịch sử (của nó): chữ viết ghi lại lịch sử.  Nhà Thương theo thời gian là nối tiếp của nhà Hạ với cùng một lãnh thổ nhưng điều lạ là Giáp Cốt Văn của nhà Thương không có viết gì về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế và nhà Hạ.  Thời Tiền Sử nầy chỉ được viết từ những thời đại khác hàng mấy ngàn năm sau đó nên không thể có thật mà chỉ là hoang đường tưởng tượng?

Thần Nông cũng như Tam Hoàng và Ngũ Đế không biết sống vào thời gian nào.  Sử Trung Hoa về thời Tiền sử không hề có nhân vật Đế Minh làm vua phương Nam và phương Bắc.  

         Phương Bắc là Miền Bắc của Trung Quốc ngày nay.  

         Phương Nam là Miền Nam của nước Trung Quốc và Miền Bắc nước Việt Nam ngày nay.  

         Ranh giới thiên nhiên giữa Phương Bắc và Phương Nam là sông Trường Giang (sông Dương Tử), hồ Động Đình và dãy núi Ngũ Lĩnh. 

Đã không có Đế Minh thì khó có thể có Kinh Dương Vương và Hồng Bàng thị. 

Hơn nữa Đại Việt Sử Ký lấy tài liệu ở đâu mà định năm cho Hồng Bàng thị và Kinh Dương Vương bắt đầu từ năm 2879 tr CN? Ngay cả Sử Trung Quốc chỉ đoán là các Vua của nhà Hạ trong thời Tiền sử bắt đầu từ khoảng năm 2070 tr CN. 

* Giải đáp Nghi vấn từ Lĩnh Nam Trích Quái 

Về sự tích của Đế Minh và Kinh Dương Vương, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã lấy tài liệu từ sách Lĩnh Nam Trích Quái (Lĩnh Nam Chích Quái), một sách dã sử của tác giả người Việt tên là Trần Thế Pháp.  Sách Lĩnh Nam Trích Quái viết vào thời nhà Trần.

Lĩnh Nam Trích Quái - Truyện Hồng Bàng Thị viết: 

         Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua.  Lộc Tục cố nhường cho anh.  Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc (Nước Xích Quỷ).

* Nhận xét

Như vậy, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại giống như của Lĩnh Nam Trích Quái nhưng có thêm năm bắt đầu của Kinh Dương Vương là năm 2879 tr CN.  Thời điểm này là một tự sáng tạo đầu tiên của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. 

b) Lạc Long Quân 

* Chi tiết lịch sử từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trong Kỷ Hồng Bàng thị (Kỷ về Họ Hồng Bàng) viết tiếp:

         Vua (Kinh Dương Vương) lấy con gái Động Đình Quân gọi là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.

         Lạc Long Quân: Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại viết thêm một cách mơ hồ về cuộc hôn nhân giữa Kinh Dương Vương và con gái của Động Đình Quân (gọi là Thần Long). 

         Xét: Đường Kỷ chép: thời Kinh Dương Vương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên (?), bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân.  Thế thì Kinh Xuyên (?) với Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi.

(?) Có lẽ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết lộn là Kinh Xuyên thay vì là Kinh Dương?

* Nghi vấn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 

Cũng như nghi vấn về Đế Minh và Kinh Dương Vương, lai lịch của Lạc Long Quân có từ tài liệu nào?

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân nối ngôi Kinh Dương Vương.  

         Đại Việt Sử Ký không giải thích rõ ràng tại sao Lạc Long Quân cũng là vua (= vương) nhưng không có tước Vương như cha của mình là Kinh Dương Vương và như con cháu của mình là các vua Hùng Vương mà có tước hiệu là Long Quân (= vua rồng)?

         Long Quân là "Vua Rồng".  Theo Đạo Giáo (có từ thế kỷ thứ 3 tr CN), mỗi biển (như biển Nam Hải), mỗi con sông và mỗi hồ lớn (như hồ Động Đình) đều được thống trị bởi một "Vua Rồng" (= Long Vương, Long Quân).  Long Quân hay Long Vương có lâu đài ở sâu dưới nước gọi là "thủy phủ".  Như vậy Lạc Long Quân là một "Vua Rồng", thống trị một biển hoặc một con sông hoặc một cái hồ lớn nào đó?  Động Đình Quân là Long Quân ("Vua Rồng") của hồ Động Đình.  Do đó con gái của Động Đình Quân gọi là Thần Long ("Rồng làm Thần").   

* Giải đáp Nghi vấn từ Lĩnh Nam Trích Quái

Lai lịch và danh hiệu Long Quân của Lạc Long Quân cũng được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép từ Lĩnh Nam Trích Quái.

Lĩnh Nam Trích Quái - Truyện Hồng Bàng Thị viết tiếp:  

         Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.  Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quần thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn.  Dân lúc nào có việc thời kêu Lạc Long Quân: "Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta" (Người phương Nam gọi Cha bằng Bố, gọi Quân bằng Vua là tự đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.

Như vậy, Lạc Long Quân vừa là Rồng (= Long) của hồ Động Đình và là Vua (= Quân) của nước Xích Quỷ.  Lạc Long Quân sống ở thủy phủ dưới nước ở hồ Động Đình và lên đất liền lo việc nước của nước Xích Quỷ khi được dân cần đến. 

* Nhận xét

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lai lịch của Lạc Long Quân 

         là giống Tiên vì bà nội là Tiên (con gái Vụ Tiên): Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương.

         là giống Rồng vì mẹ là Thần Long: Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân gọi là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.

Từ Lĩnh Nam Trích Quái, Lạc Long Quân vừa là Vua của nước Xích Quỷ và vừa là Rồng hay vua Rồng của hồ Động Đình. 

Như vậy từ Lạc Long Quân nên người Việt chúng ta là "dòng giống Lạc Hồng" và "con rồng cháu tiên".  Họ Hồng Bàng bắt đầu từ Kinh Dương Vương, cha của Lạc Long Quân.   

* Nhận xét thêm 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại viết thêm một cách mơ hồ về cuộc hôn nhân giữa Kinh Dương Vương và con gái của Động Đình Quân (gọi là Thần Long). 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết:

         Xét: Đường Kỷ chép: thời Kinh Dương Vương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên (?), bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân.  Thế thì Kinh Xuyên (?) với Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi.

(?) Có lẽ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết lộn là Kinh Xuyên thay vì là Kinh Dương?

Điều này không có viết trong Lĩnh Nam Trích Quái.  

Có Sử gia ngày nay (như Liam Kelly) nghĩ rằng nó chỉ là sự tưởng tượng thêm của Ngô Sĩ Liên lấy nguồn gốc từ "Lưu Nghị truyện" viết vào thời nhà Tống ở bên Tàu (960-1279). Truyện nầy kể lại thư sinh Lưu Nghị vào đời Đường Cao Tông (649-683) trên đường tới huyện Kinh Dương thì gặp một thiếu phụ con gái của Long quân của Động Đình hồ.  Thiếu phụ nầy có chồng trước là Long vương của sông Kinh đã ngược đãi bà.   Kết cuộc là Lưu Nghị kết duyên với thiếu phụ nầy.  Câu chuyện nầy giống câu chuyện của Kinh Dương Vương kết duyên với con gái của Động Đình quân trong Hồng Bàng kỷ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. 

c) Âu Cơ và Lạc Long Quân 

* Chi tiết lịch sử từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trong Kỷ Hồng Bàng thị (Họ Hồng Bàng) viết tiếp:

         Vua (Lạc Long Quân) lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.  

         Một hôm vua (Lạc Long Quân) bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó".  Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

* Nghi vấn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Lai lịch và sự sinh đẻ của Âu Cơ không rõ ràng: 

         1. Âu Cơ là con gái của Đế Lai.  Đế Lai là ai?

         2. Âu Cơ sinh ra 100 người con trai (tương truyền sinh ra 100 trứng)? Có nghĩa là Âu Cơ sinh ra 100 trứng rồi 100 trứng nở ra 100 người con trai? Chuyện này không thể xảy ra theo khoa học và y học của con người cho đến ngày nay!

         3. Âu Cơ là giống Tiên?  Căn cứ vào đâu mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: Lạc Long Quân nói "Nàng (Âu Cơ) là giống Tiên". 

* Giải đáp Nghi vấn từ Lĩnh Nam Trích Quái

Câu chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lấy từ Lĩnh Nam Trích Quái.

Lĩnh Nam Trích Quái - Truyện Hồng Bàng Thị viết tiếp:

         Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại.  Đế Lai chu du khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh; Đế Lai ái mộ quá quên cả ngày về.

         Nhân dân nước Nam (nước Xích Quỷ) khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Lạc Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

         - Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.

         Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tú mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang tới hành tại.  Âu Cơ trong thấy mà lòng cũng ưng theo; Lạc Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang.  Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ.  Lạc Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng.  Đế Lai trở về phương Bắc truyền ngôi cho Đế Du Võng.  Đế Du Võng truyền lại cho Xi Vưu cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền và Trác Lộc không hơn nên tử trận.  Họ Thần Nông bèn mất. 

         Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ngoài đồng nội, hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; bà đem về nuôi nấng, không cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dõng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

Lạc Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về nước ở phương Bắc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Lạc Long Quân:

         - Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ!

         Lạc Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dã; Âu Cơ nói:

Thiếp vốn người phương Bắc, cùng ở một nơi với Quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ một mình vò võ.

         Lạc Long Quân bảo:

         - Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng lấy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.  Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ; năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

         Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giả ra đi.  Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương. 

* Nhận xét

1

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại từ Lĩnh Nam Trích Quái nhưng có tự thay đổi:

         Thay vì viết Âu Cơ là vợ trước của Đế Lai như Lĩnh Nam Trích Quái thì Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại viết Âu Cơ là con của Đế Lai và không giải thích Đế Lai là ai.

Theo Lĩnh Nam Trích Quái, 

         Đế Lai là con của Đế Nghi, nối ngôi làm vua Phương Bắc.  Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương Lộc Tục, nối ngôi làm vua Phương Nam.  

         Đế Nghi và Kinh Dương Vương là hai anh em cùng cha khác mẹ.  Mẹ của Kinh Dương Vương là con của Vụ Tiên.  

         Cha của Kinh Dương Vương và Đế Nghi là Đế Minh.  Đế Nghi và Đế Minh không có thuộc dòng dõi Tiên hay Rồng (Long). 

Như vậy, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đã là vợ của người anh bà con chú bác với mình là Đế Lai.  Lĩnh Nam Trích Quái theo Đạo Giáo nên không bị bó buộc bởi "luân thường" của Nho Giáo.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn có theo Nho Giáo nên phải sửa lại là "Âu Cơ là con của Đế Lai" và không dám viết lai lịch của Đế Lai vì nếu thố lộ ra thì Lạc Long Quân lấy cháu của mình là Âu Cơ làm vợ!  Điều này lại không đúng với luân thường đạo lý của Nho Giáo. 

2.

Lĩnh Nam Trích Quái viết rõ ràng về chuyện sinh 100 con trai của Âu Cơ:

         Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ngoài đồng nội, hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; bà đem về nuôi nấng, không cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dõng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

Đại Việt Sử Ký chép lại nhưng chỉ viết vắn tắt là "sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng)".  Như vậy Đại Việt Sử Ký cũng không tin câu chuyện "phản khoa học tự nhiên" này của Lĩnh Nam Trích Quái. 

3. 

Lĩnh Nam Trích Quái cũng cho rằng Âu Cơ là giống Tiên qua lời của Lạc Long Quân, nhưng cũng không giải thích.

* Nhận xét thêm

Nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" thường dẫn từ câu của nói của Lạc Long Quân với Âu Cơ.

         "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó" (trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

         "Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng lấy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu" (trong Lĩnh Nam Trích Quái)

Tuy nhiên nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" của người Việt thật sự là từ Lạc Long Quân.

Theo Lĩnh Nam Trích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lạc Long Quân: 

         là dòng giống Tiên vì bà nội là Tiên (con gái Vụ Tiên): Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương.

         là dòng giống Rồng vì mẹ là Thần Long: Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân gọi là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.

Về nguồn gốc của Hùng Vương và nước Văn Lang có sự khác biệt khi Đại Việt Sử Ký chép lại từ Lĩnh Nam Trích Quái.

- Theo Lĩnh Nam Trích Quái, Hùng Vương và nước Văn Lang có từ Âu Cơ.

Lĩnh Nam Trích Quái viết:

         Lạc Long Quân bảo:

         - Ta là loài Rồng sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng lấy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.  Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ; năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

         Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giả ra đi.  Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.

- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hùng Vương và nước Văn Lang có từ Lạc Long Quân.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: 

         Một hôm vua (Lạc Long Quân) bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó".  Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha (Lạc Long Quân) về miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.   

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhà Lê theo Nho Giáo nên Hùng Vương là người con trai trưởng phải làm vua từ người Cha là Lạc Long Quân.

Lĩnh Nam Trích Quái của nhà Trần lúc chưa có trọng Nho Giáo nên viết theo địa lý và Đạo Giáo.  Rồng (Lạc Long Quân) phải ở dưới nước còn Tiên hoặc con người (Âu Cơ) ở trên đất nước.

d) Họ Hồng Bàng

* Nhận xét và Nghi vấn

 Danh hiệu "Hồng Bàng" của thị tộc của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương là một nghi vấn không có giải đáp.

         Lịch sử của Đế Minh, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân và Âu Cơ được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết thành một đoạn có tựa đề là Kỷ Hồng Bàng thị.  Do đó sử gia hậu thế suy ra rằng thị tộc bắt đầu với Kinh Dương Vương là họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị).  Họ Hồng Bàng là họ của vua Kinh Dương Vương, vua Lạc Long Quân và các vua Hùng Vương.

         Thật ra truyện của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và vua Hùng Vương đầu tiên được viết trước đó trong một chương của Lĩnh Nam Trích Quái với tựa đề là Truyện Họ Hồng Bàng (Hồng Bàng Thị Truyện).  Đó là nguồn gốc "danh hiệu" họ Hồng Bàng của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, từ Lĩnh Nam Trích Quái.  

         Lĩnh Nam Trích Quái không hề giải thích nguồn gốc danh hiệu "Hồng Bàng" của tựa đề "Truyện Hồng Bàng Thị" và không hề viết Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và vua Hùng Vương có họ là Hồng Bàng. 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Bài viết này là trích đoạn từ bài "Sử Việt - Nước Văn Lang và Vua Hùng Vương" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com mục Lịch Sử và Thơ Văn phần Thời Thượng Cổ và Thời Bắc Thuộc. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!