LẦN ĐẦU TIÊN LÀM CHUYỆN ẤY!
Sáng ngày 24/4 đi bầu Tổng thống Pháp. Sau khi làm bổn phận công dân, nhân viên phòng phiếu giữ lại thẻ cử tri và hỏi:
- Chiều nay nếu không có gì phiền, ông có thể đến giúp kiểm phiếu không? Tôi gật đầu không suy nghĩ.
Đây là lần đầu tiên tôi đóng vai kiểm phiếu và phải nói thực sự ấn tượng với các thủ tục kiểm phiếu của một thành phố nhỏ nơi tôi đang định cư. Dân số ở đây chỉ 24.000, nghĩa là bằng một cái phường ở Sàigòn. Nhân viên phòng phiếu chia chúng tôi làm 4 bàn, mỗi bàn 4 người.
Một người lo mở bao thư, một người đọc lá phiếu, hai người còn lại ghi số phiếu các ứng viên. Ban kiểm phiếu sắp xếp hai người cộng phiếu ngồi chéo nhau để bảo đảm tính chất độc lập. Hễ mỗi lần có phiếu trắng hoặc bất hợp lệ là ông thị trưởng và 3 nhân viên phải xúm vào ký tên lên lá phiếu đó.
Bàn của tôi được xếp đặt một cách ngẫu nhiên nhưng lý thú. Một bà người Pháp 100% (áo đỏ), một phụ nữ gốc Phi, một ông (trọc đầu) có gốc thuộc các lãnh thổ hải ngoại và tôi một thằng da vàng mũi tẹt, nghĩa là 4 người đều là quốc tịch Pháp nhưng đến từ 4 phương trời và 4 nguổn gốc khác nhau. Ngoài những chi tiết cực kỳ chuẩn xác để tránh gian lận, tôi để ý trên 4 bàn kiểm phiếu mỗi bàn có một ngọn đèn kiểu như đèn măng xông của VN ngày xưa nhưng nhỏ hơn. Tôi tò mò hỏi thì được giải thích lý do là rủi khi cúp điện thì có cái đèn phòng ngừa kẻ xấu thêm hoặc bớt phiếu lúc “tối lửa tắt đèn” ! Thật kinh ngạc khi biết rằng từ khi sang Pháp đến nay gần nửa thế kỷ, tôi mới thấy bị cúp diện đúng 1 lần. Vậy mà…
Nhìn bộ mặt của tôi, ông Tây đầu trọc hỏi:
- Hóa ra lần đầu tiên mày làm chuyện này à?
- Ừ, lần đầu.
Nó nhìn mái tóc bạc của tôi và tôi đoán ngay ra câu hỏi nên trả lời ngay:
- Ở VN tao có ai biết kiểm phiếu như thế nào đâu.
- Ơ, thế nó ăn gian thì sao? Bên Pháp này mọi khâu từ ghi danh, bỏ phiếu, kiểm phiếu đều có các đại diện ứng cử viên hoặc người dân giám sát. Mày cũng như tao, chính quyền chả biết là ai vậy mà cũng “năn nỉ” mời đi giám sát đấy.
Tôi nhìn thằng bạn và trả lời chậm rãi, sợ nó nghe lầm:
- Ở nước tao bầu là chuyện của dân, phần còn lại nhà nước lo tất.
Ông đầu trọc mắt trợn trắng, tưởng như lòi ra ngoài. Tôi chỉ cái đồng hồ trên tường, hỏi.
- Mày biết mấy giờ phòng phiếu đóng cửa?
- 20 giờ.
- Thế mấy giờ mình biết kết quả?
- Đúng 20 giờ luôn.
- Mày thấy có lạ không? Vừa đóng cửa xong là truyền thông loan báo kết quả không cần kiểm phiếu.
- Cái đó ở Pháp làm từ 6, 70 năm nay rồi đâu có gì lạ. Xác suất thống kê kết hợp với thăm dò ý kiến. Nhưng mắc mớ gì mày hỏi tao câu đó?
Tôi nhìn ông ta để “thưởng thức” sự ngạc nhiên mà ông ta sắp được nghe rồi nói một cách nghiêm túc và chậm rãi:
- VN tao văn minh hơn Pháp gấp trăm lần. Phòng phiếu đóng cửa lúc 21g. Đến 22g là có kết quả.
- Vớ vẩn! Tụi mày phải đợi cả tiếng sau mới công bố. Vậy thì hơn Pháp chỗ nào?
- Tao chưa nói hết. 22g, nhưng trước đó 1 tuần…
Phạm Minh Hoàng
Ong noi nay boi bac nha NUOC .....dang thuong
Trả lờiXóaCảm ơn Bạn đã đọc và ghi nhận xét.
XóaCai tua cua bai rat hap dan
Trả lờiXóaCảm ơn Anh.
XóaCó lẽ tác giả là người có tính hóm hĩnh.
Dang thuong cho dan toc CHXHCNVN!
Trả lờiXóaBầu cử đảm bảo được sự trung thực,là niềm mong ước cho người dân.
Xóa