Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

CẢM TRUNG THU- Như Thị và Thơ Họa.


CẢM TRUNG THU

Truyền thuyết đã nghe kể Chị Hằng*
Dẫu gì phải biết lúc chơi trăng
Nhìn Tàu bôi mặt làm ông địa
Thấy Hán kết bờm hiện chú lân*
Văn hóa ăn theo ôi hớn hở
Phong tư  nô dịch ngỡ tiềm tàng
Ngàn năm lệ thuộc mòn thần thái
Cởi ách bây giờ quả khó khăn
Như Thị

*Tất cả truyền thuyết người Trời toàn hiện ở đất Trung Hoa : Hằng Nga ,Hậu Nghệ,Ngưu Lang ,Chức Nữ cho đến đoàn thỉnh kinh (Tây Du Ký) cũng là người Trời xuống đất Tàu.
**Múa lân  là một môn nghệ thuật múa dân gian có nguồn gốc từ Tàu thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết nguyên đán và  Trung Thu, vì ba con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông,...Múa lân thường được biểu diễn trong dịp tết và các lễ hội truyền thống, văn hóa và tôn giáo khác của Trung Hoa. Nó cũng có thể được thực hiện tại các dịp quan trọng như sự kiện khai trương kinh doanh, lễ kỷ niệm đặc biệt hoặc lễ cưới hoặc có thể được sử dụng để tôn vinh những vị khách đặc biệt của cộng đồng Trung Hoa.

Bài Họa:

HOÀI NIỆM

Phá cỗ trào vui đón nguyệt Hằng
Khi rằm tháng tám Tết ông trăng
Chào quanh khắp ngõ vang rồng rắn
Đến tận muôn nhà dậy trống lân
Khoáng đãng bung trời trong trí hiện
Ngây thơ rót mật giữa tâm tàng
Tiếng cười tuổi bé vô tư rộn
Chẳng đỏ,xanh,vàng nhuộm sắc khăn.
Lý Đức Quỳnh
  10/9/2019

CẢM TRUNG THU

Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to,
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ...
Các con dế mèn. Suốt trong đêm khuya;
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ !...
Nhạc sĩ LÊ THƯƠNG

Nước Việt nên ta gọi Chị hằng,
Thường Nga phương bắc trốn cung trăng.
Dế mèn hát xẩm nên nghèo xác,
Trẻ nhỏ vui trăng lại múa lân.
Thằng Cuội già ôm mơ một mối ...
Lê Thương trẻ viết nhạc tiềm tàng...
Bi quan chớ vội hao thần trí,
Cố giữ lấy lề chẳng khó khăn !...
Đỗ Chiêu Đức

* CHỊ HẰNG : là từ đã được Việt hóa, là của TA ! Người Trung Hoa gọi rất trịnh trọng là Thường Nga 嫦娥, Hằng Nga 姮娥, Thuyền Quyên 嬋娟... Chớ không gọi bằng từ "CHỊ" vừa thân thương, vừa gần gũi vừa kính trọng, như Tản Đà đã gọi :
Đêm thu buồn lắm CHỊ HẰNG ơi !
Trần thế em nay chán nữa rồi ...
* Văn học cổ Trung Hoa gọi mặt trăng là Ngọc Thố 玉兔 (Thỏ Ngọc), là Thiềm Thừ 蟾蜍 (Cóc ghẻ), là Quế Cung 桂宮 (Cung Quế) vì họ bảo là cung trăng có cây Quế... Còn ta thì nói là Cung trăng có Thằng Cuội, có Cây Đa, có Dế mèn ...
* Tục lệ múa lân là của người Hoa, nhưng họ chỉ múa trong dịp Tết Nguyên Đán với ý nghĩa Lân Chỉ Trình Tường 麟趾呈祥 (dấu bước chân của con lân đi đến đâu thì điềm lành cũng xuất hiện ở nơi đó), họ không múa lân ở Tết Trung Thu, chỉ ở VN ta mới múa lân trong dịp Tết Trung Thu mà thôi !
* Tiết Trung Thu là lễ tiết Đoàn Viên của người Hoa, còn VN ta Tết Trung Thu là Tết Nhi Đồng !

Thiết tưởng 竊想 (trộm nghĩ) : Sao ta không dùng những cái CÓ RIÊNG của mình để làm thơ, mà dùng chi những cái của Trung Hoa rồi lại đâm ra bi quan cho nền văn hóa dân tộc ?!
Xin thứ lỗi cho "thầy đồ dõm" hay "nhiều chuyện và đa sự". Chỉ là ... góp ý cho vui để rộng đường học tập mà thôi !
Thành kính,
Đỗ chiêu Đức

ÁNH TRĂNG THU

Nguyệt lãng nên thương bóng dáng Hằng
Một rằm nhung nhớ mãi ngàn trăng
Ấu thơ chị vẫn mơ chơi cỗ
Niên thiếu em thường thích phá lân
Lãng đãng quê người quên chú cuội
Lênh đênh đất mẹ ngó đa tàng
Vời trông tháng tám anh về lại
Nước mắt chờ người đã ướt khăn ...
      Hawthorne  17- 9 – 2019
CAO MỴ NHÂN

4 nhận xét :

  1. Trả lời
    1. Sao không có ý kiến,mà cười rồi về?
      Chúc lành DVD nhé.

      Xóa
    2. Đọc bài đăng của anh về Trung Thu ở trên, DVD lại nghĩ đến thể loại thơ Đường Luật, và kế tiếp là nghĩ đến vô số những vấn đề khác, nên đành cười trừ, vì kiến văn của DVD hạn hẹp quá, chẳng biết phải ý kiến như thế nào!
      :)

      Xóa
    3. Vâng,một vấn đề được nêu lên,hẳn nhiên có nhiều quan điểm khác nhau.Cái entry trên cũng nhằm đưa ra những ý kiến để chúng ta cùng suy xét.
      Cảm ơn DVD !

      Xóa

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!