XUÂN LÃO
Xuân đi xuân đến lại chào xuân
Thấp thoáng nhân sinh quá thất tuần
Thức ngộ bệnh đau theo số mệnh
Am tường lão hoại chuyển thời luân
Nhân duyên nghiệp quả, từng kinh nghiệm
Nhân nghĩa vô vi, cũng thấm nhuần
Một thoáng thiên đường hoan hỉ xả
Hòa đồng thiên hạ cảnh tình xuân.
(Phan Thượng Hải)
1/12/25
(*) Chú thích:
- Phật Giáo đưa ra giáo lý Tứ Diệu Đế để giải thoát Khổ (suffering). Tuy nhiên Phật Giáo cũng chia ra 3 loại Khổ và tự nhận rằng giáo lý (giác ngộ) chỉ giải thoát được Hành Khổ.
3 loại Khổ:
Khổ Khổ = Khổ do đau bệnh thương tật (Bệnh).
Hoại Khổ = Khổ do sự hủy hoại (Lão và Bệnh).
Hành Khổ = Khổ do Khổ Nghiệp từ nhân duyên (nhân quả nghiệp duyên); trong kiếp sống (Sinh) và tái sinh luân hồi (Tử).
- Nhân Nghĩa là giáo lý của Nho Gia và Nho Giáo.
- Vô Vi là giáo lý của Lão tử (Đạo Gia).
Tuy nhiên, ngoài giáo lý (= triết lý để giáo huấn), Phật Giáo còn là tôn giáo nên có thêm tín ngưỡng tôn thờ và cầu nguyện để giúp cho giải thoát tất cả 3 Khổ.
Thơ Họa:
ĐÓN CHÀO XUÂN
Xuân đến tưng bừng vui đón xuân,
Tuổi nay đang bước thất lao tuần.
Thân già ráng chịu cam phần số,
Cái lão phải đành theo thế luân.
Nghiệp quả do vay xây chất ngất,
Cơ duyên bởi kinh nghiệm chưa nhuần.
Ơn Trời ban phúc ai tâm đức,
Tết đến giao hòa hiệp tiếp Xuân.
*
Tâm bình thanh thản vẫn còn Xuân.
HỒ NGUYỄN
(13-01-2025)
XUÂN TÌNH
Bảy chục xuân qua vẫn đón xuân
Nồng nàn cuộc sống mới vào tuần
Nhớ thời đến sở ngày hai bận
Vui tuổi lãng hưu chuyện vãng luân
Dâu bể nào ngờ duyên bất tận
Đời người mơ tưởng nghiệp vun nhuần
Con trăng lạnh cuối năm vừa lặng
Lão ngỡ xuân về mãi với xuân…
Hải Rừng
13/1/2025
XUÂN LÃO
Xuân qua xuân lại…vẫn là xuân
Hưởng thọ dôi ra thất, bát tuần
Phận hóa tàn tro cùng mệnh chuyển
Đời thành phế tích với xa luân
Bi tâm thuở nọ còn xao xuyến
Thiện trí năm xưa hết nhuyễn nhuần
Xót cái thân già thường chẳng ngủ
Đêm dài vọng tưởng nụ tầm xuân
Lý Đức Quỳnh
13/1/2025
SUY CÙNG
Trả lờiXóaThơ họa:
Ngày tàn tháng lụi khởi đầu xuân
Chẳng mấy ai nào vượt ngưỡng tuần
Một kiếp trẻ già tuần tự chuyển
Chặng đường sinh tử thẳng đà luân
Duyên thời lý lẽ cần am hiểu
Nghiệp vốn căn cơ phải thấu nhuần
Tam khổ suy ra từ đấy cả
Tứ thời đích thị diễm vời xuân…
Mai Vân-VTT, 13/01/25.