Vài cảm nhận qua các bài họa “QUÊ NHÀ TRONG KÝ ỨC"
của Songquang (P. II)
Trở lại thêm các bài họa là bài thứ 11 của nhà thơ Liêu Xuyên trong bài “ Ký ức quê nhà “ đã cho chúng ta thấy được thời thơ ấu của tác giả cũng “ nằm cạnh bờ sông “ có những con nước lớn và ròng chảy trong ngày” với
Khoảng trời xanh ngát chim bay nhẹ
Khu đất mỡ mầu lúa thoảng nồng
và cũng nơi 2 bờ sông đó
Khoai sắn bên hè đầy củ ngọt
Khoảng vườn trước ngõ thắm hoa hồng
dù nơi ấy cũng
Kinh kỳ xa cách chừng đôi dặm
mà cũng
Khắc khoải đời đau nhớ ngập lòng
Cái hay và tình tế của nhà thơ là dùng mẫu tự “ K” để sử dụng trong 8 câu thơ họa của mình ,đấy cũng là một nghệ thuật tuyệt vời vậy
Bài họa thứ 12 nhà thơ nữ Phượng Hồng đã kể “ Có lần “ trong mơ đã nhìn thấy lại con sông bên nhà của thời thơ ấu
Có lần mơ gặp lại con sông
Thuở ấy thường hay đợi nước ròng
để làm gì đây nữ sĩ Phượng Hồng, chúng ta sẽ nghe chị kể
Để ngắm cá vàng đuôi vẫy quẩy
Hay nghe gió nhẹ tiếng ru nồng
“ Một lần mơ “ của nhà thơ sao mà thú vị quá và có lẽ chúng ta ai cũng muốn mơ một lần như vậy để nhắc nhỡ rằng
Hãy trở về đây thăm chốn cũ
mà đã :
Nhiều năm trôi dạt đến đau lòng !
Thêm một bài hoạ thứ 2 và cũng là bài thơ họa thứ 13 của nhà thơ Nguyễn Huy Khôi mà ở bài thơ trước vì “ Thương xót đời mẹ “ tác giả đã quên đi cái hiện tại trước mắt là “ Quê Mới” đã thay đổi những gì trong ký ức của tuổi thơ không còn nữa
Quê giờ lầu gác mọc ven sông
và nơi ấy cũng
Xuôi ngược đò ngang chẳng nệ ròng
Tuy vậy vẫn còn
Lá diều dìu dặt reo lưng núi
Thôi én rộn ràng dệt thảm không
Quê mới đã bừng sống dậy hết còn cảnh
Hết cảnh chiêm thua mùa đói hạt
Hương thôn bừng dậy xốn xao lòng
mà tất cả có được như vậy không nhà thơ ?vì cũng theo tin tức báo chí thì vẫn còn nhiều chỗ cần cứu trợ ,nhiều chỗ học sinh đi học vẫn còn phải đu dây qua sông hay đi trên những chiếc cầu đong đưa trên dòng nước lũ chảy xiết trên vùng cao ?
Trở lại bài thơ thứ 14 là “ Nhớ quê xưa “ của nhà thơ Phan Thượng Hải đưa chúng ta theo dòng ký ức của ông
Quê xưa vui sống cạnh bờ sông
mà nơi đó đã từng xảy ra
Thấy lụt dâng lên , thấy nước ròng
mà khi xưa đã từng
Một thuở ngây thơ xây mộng đẹp
Một thời tươi trẻ thắm tình nồng
Nhưng rồi
Cuốn theo quốc vận qua thành bại
Trôi nỗi nhân sinh hoá sắc không
Điều đó không riêng cho ai phải không các bạn khi mà vận nước còn nỗi trôi !
Với một “ Hồi tưởng” trong bài thơ họa lần thứ 15 của nữ sĩ Song Linh chúng ta xem nhà thơ đã hồi tưởng những gì nào?
Hồi tưởng quê nhà thiếu bến sông
mà có
Dòng tuyền trong suốt chảy ròng ròng
Có phải tác giả muốn nói đến những dòng suối chăng? Nơi đó cũng có
Chim muông ríu rít chuyền cành biếc
Ruộng lúa lao xao tỏa nhụy nồng
để rồi cũng mơ mộng như bao ký ức của mình theo dòng chảy của thời gian và kết luận hồi tưởng vậy
Chiều buông ngã bóng tranh thơ mộng
Thư thả mây trời lững vận không!
Một bài họa về ký ức thứ 16 rất đặc biệt của nhà thơ Hưng Quốc là “ Tắm sông”rất là sinh động các bạn ạ !
Thuở ấy mùa hè đi tắm sông
Màn chị con nước lớn hay ròng
miễn là vui với cảnh
Cành bần lắc nhẹ rung làm khỉ
Mặt nước tung tăng dịu nắng nồng
Và
Sảng khoái cười đùa vang bến vắng
Rồi nghe
Công phu Thiền Tự vọng thinh không
Ký ức ấy đến tận giờ
Bao giờ kỷ niệm mà quên được
Hình ảnh tâm tư khắc tận lòng
Những hình ảnh thả diều, tắm sông, bơi xuồng ,bắt cá….vào các dịp nghĩ hè luôn là những ký ức khó quên của một đời người khi về quê ngoại vậy!
Với bài họa thứ 17 nhà thơ nữ Mỹ Ngọc với bài “ Xóm sông” nhà thơ đã giới thiệu cho chúng ta
Ông ngoại an cư tại xóm sông
Nước trong thấy cá lúc đang ròng
để rồi
Chiều tà thả bộ hàng tre mát
Trưa nóng ngâm chân ánh nắng nồng
và ngắm
Hai ngọn lau thưa đùa ngọn gió
Đôi bờ bông dại ngát tầng không
rất đơn giản với cảnh thuyền câu thả lưới, tiếng sáo diều dìu dặt hoặc hoa bèo lục bình tím lờ lững trôi…cũng làm nữ sĩ não lòng mỗi độ hè về trong hai câu kết
Thuyền câu, diều sáo, hoa bèo tím
Mỗi độ hè qua nhớ não lòng!
Bao nhiêu đó tác già cho ta liên tưởng đến cảnh thanh bình của vùng quê ngoại của miền Nam thuở trước
Trong bài họa thứ 18 nữ thi sĩ Thanh Hòa thân thương vừa khỏi bệnh cũng ráng làm bài thơ cho chúng ta về “ Dòng sông thủy Tú “ của quê hương chị
Ru đậm hồn tôi , một nhánh sông
Bao năm thôn xóm nước lên, ròng
mà ở đây phong cảnh rất hữu tình mà nhà thơ đã đưa ra cho chúng ta thấy một bụi “hoa móng” đặc trưng của vùng quê chị
Ấm êm giọng hát bầy thôn nữ
Ngào ngạt hương đưa bụi móng nồng
và mỗi khi đêm về giữa trung tuần âm lịch sẽ thấy cảnh nên thơ biết bao
Những nhánh vầng trăng lồng đáy nước
Lững lờ mây trắng lượn tầng không
rồi giờ đây thì
Đời trôi vạn nẻo….xa quê cũ
thì làm sao tránh khỏi
Hình bóng làng xưa …gợn tấc lỏng !
Dòng sông Thuỷ Tú của nhà thơ Thanh Hoà rất đẹp và tuyệt vời phải không các bạn?
Nhà thơ Trần Đông Thành ít xuất hiện trong làng LP nhưng SQ được may mắn được thi sĩ gởi cho bài họa thứ 19 “ Bạn bên dòng sông “ với những hình ảnh quen thuộc của một làng quê
Quê tôi nỗi bậc một dòng sông
mà nơi đó :
Hàng gánh lên xuồng trước nước ròng
Cũng vẫn
Chùm lá khô khan trời lộng gió
Lục bình lạc lối nắng gay nồng
và
Cô đò thận trọng sào chóng chỏi
Xuồng nhỏ gắng công lái cũng không
Chúng ta không bàn đến niêm luật của bài thơ có lẽ tác giả đã quá say sưa với cảnh quê nhà và kết luận
Cuộc sống thủy triều mài khổ cực
mà …. Vẫn vui vẫn sống với hương lòng
Với một “ Quê tôi “ của nhà thơ Thiên Lý cho bài họa thứ 20 nữ sĩ đã dẫn chúng ta về thăm làng quê của chị
Quê tôi cũng có một dòng sông
Cứ đến mùa mưa nước chảy ròng
mà nơi đó
Dân chúng hai bờ vui cuộc sống
Đồng nương một dãi thắm tình nồng
khi mùa hè đến là mùa nghỉ hè thì rộn rịp hơn nữa bởi :
Mùa hè trẻ lội tung làn sóng
Gió lộng diều bay lướt khoảng không
Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức nhà thơ nên
Hình ảnh nhớ hoài đâu thể nhạt
Dù xa vẫn giữ mãi trong lòng
Đó là kết luận của chị Thiên Lý với một hình ảnh thân thương thì không riêng gì tác giả mà kẻ nầy cũng không thể quên vậy
Trong bài họa thứ 21 nhà thơ Trần Cẩm Thành thêm một nhà thơ cũng lạ ít thấy xuất hiện cho SQ một niềm vui dù nho nhỏ .Nơi nhà thơ ở “ Có những dòng sông “ là quê tác giả có rất nhiều dòng sông có lẽ đó là những nhánh sông đổ ra biển
Quê hương ven biển những dòng sông
Chiều xuống phù sa theo nước ròng
vì vậy mà :
Ruộng lúa trĩu bông cho vụ mới
Trái cây đầy chợ đón Xuân nồng
nơi đó cũng diễn ra những cảnh thông thường cười hỏi của người dân
Thuyền hoa rực rỡ mừng dâu rễ
Âm nhạc trầm cao vút khoảng không
và người dân con cháu không quên những chiến công vang dội đã ghi vào lịch sử của đất nước.SQ nghĩ quê hương của nhà thơ có dòng sông Bạch Đằng mà vị tướng Trần Hưng Đạo lập chiến công
Thủy chiến vang danh trang sử Việt
Bạch Đằng con cháu thuộc nằm lòng
SQ tưởng đã hết phần họa vừa tổng kết, bỗng sáng nay nhận được bài họa thứ 22 của nhà thơ Hải Rừng với một ký ức “Một tình không quên “ . Cuộc tình nầy diễn ra trên một bến sông của cô lái đò neo đậu thuyền đợi nước lớn. Chúng ta sẽ thấy:
Thuyền ai thấp thoáng bóng bên sông
Neo đậu bờ đê buổi nước ròng
Mà ngày xưa nhà thơ đã gặp khi còn ngồi ghế nhà trường rồi giờ đây đã gặp và vương vấn…
Xưa đó tuổi còn đang cấp sách
Giờ đây tình cứ vấn vương nồng
mà…
Đôi khi tiếng hò trong sâu thẳm
Chợt bỗng reo lên giữa cõi không
Mối tình đó đã đi vào ký ức của một thời đã yêu mà ông nhớ mãi.
Cô lái đò ơi ! Tôi nhớ mãi
Một thời yêu đã…vẫn bên lòng
Mối tình chung thủy và cao đẹp của một thời…nay vẫn nhớ thật đáng trân trọng vậy
Để kết cho bài cảm nhận nẩy SQ chân thành cám ơn các thi hữu đã họa và gởi 22 bài thơ cùng một ca khúc về ký ức “ Cánh diều tuổi thơ “ của thi nhạc sĩ Tuyết Phan đã gói ghém tâm tình và kỷ niệm của mình trong từng câu từng chữ đầy cảm xúc đó các bạn thơ của tôi ơi!
Trong bài cảm nhận “ Quê nhà trong ký ức “ dĩ nhiên có nhiều sơ xuất không đúng ý quý bạn thơ xin các bạn niệm tình tha thứ cho trong hạn hẹp của kiến thức và tuổi già.
Đây cũng là một kỷ vật khó quên trong cuộc đời của songquang. Mong rằng chúng ta sẽ có duyên trên trang giấy hay gặp gỡ nhau ngoài đời làm cho tình thơ thêm thắm đượm hơn
Ký ức mỗi người tô mỗi vẽ
Thắm tình thi hữu mãi trăm năm
Xin kính chào
Songquang
20230629
MT sang thăm anh. Tháng 7 mọi việc như ý anh nhé
Trả lờiXóaVâng, anh cũng chúc MT tháng 7 luôn thành tựu như ý nguyện.
Xóa