NGUYỆT TRÀ
Vườn khuya trăng tỏa bóng toàn chân
Lấp loáng chung trà lộng sắc vân
Cung thỉnh đất trời nguồn phước lộc
Hòa nhiên mây nước cội thanh tân
Núi sông rộn rã mừng khai hội
Hoa lá an nhàn khéo chuyển luân
Nâng chén trầm hương thường lạc xứ
Đẹp dòng nhậm vận ngát huyền ân!
(Lê Khánh Hoàng)
7/5/23
Thơ Họa:
NGUYỆT TRÀ
Ngoạn nguyệt ngâm thi tứ thiện chân
Thiền tâm trà đạo hạ thiên vân
Mây Tần mộng đến Hàn Tương Tử
Lầu hạc mơ về Lữ Động Tân
Nguyệt lão xe tơ duyên giác ngộ
Nguyệt cầm nối nhịp chuyển thời luân
Thoát trần hoan lạc tình trăng mật
Tọa ẩm tiêu dao hưởng đặc ân.
(Phan Thượng Hải)
7/6/23
*Phần chú thích các điển tích đã dùng trong thơ họa, khá dài. Xin mời quý Anh Chị đọc ở cuối bài đăng.
NGUYỆT TRÀ
Hội ngộ cùng chàng gỗ một chân
Nguyệt trà đồng ẩm bóng tường vân
Trời cao hỉ hả đùa niên cựu
Đất rộng khề khà bỡn nhật tân
Trắng muốt hoa quỳnh, màu đạo nghĩa
Xanh rì ngọn liễu, sắc nhân luân
Dù không chuốc rượu trăng kiều diễm
Vẫn đắm xuân tình mộng ái ân.
Lý Đức Quỳnh
7/7/2023
THỀM TRĂNG ĐỐI ẨM
"Phong nguyệt nhàn ngâm thi hữu cốt
Vân
sơn nhập họa bút sinh hoa"
(Cổ ngôn)
Lãm nguyệt thưởng trà tiếp bạn chân,
Nước hòa lóng lánh sắc tinh vân.
Hương nồng quyện nghĩa trao bầu cảm,
Vị đượm giao tình chuốc khách tân!
Dạ sáng tường am duyên hạnh ngộ,
Lòng thành trân quý đạo thường luân.
Thanh tâm quả dục hồn tao nhã,
Thức niệm pháp tràng hưởng phước ân.
8-7-2023
Nguyễn Huy Khôi
TRÀ THẤM ĐAU
Nguyệt sáng tung lòe chặn bước chân,
Trà nhâm nhi luận chốn phù vân.
Thế nhân tranh chấp mong tìm lộc,
Trần tục đua giành giựt phước tân.
Mỏi mắt xa trông ghê bến đục,
Nhói đau cận xót kiếp trầm luân.
Thuyền tình lạc hướng chia lìa lối,
Tịnh nguyện cầu xin Phật bố ân.
HỒ NGUYỄN
(08-7-2023)
NGUYỆT DẠO
Tách trà thơm ngát bóng tròn chân
Nguyệt dạo đỉnh đầu toả ánh vân
Nàng phán thế trần nay quá loạn
Tranh dành chiếm đất nghịch đồ tân
Bao người ngã gục vì bom đạn
Nhận quả tiêu điều chịu chuyển luân
Sáng tỏ chị Hằng soi mọi lẽ
Mau lên tỉnh giấc hưởng hồng ân …
Yên Hà
8/7/2023
CẠN CHÉN QUAN HÀ
Trăng lưỡi liềm treo, “thiện, mỹ, chân”…
Cùng nhau đối ẩm, bước phong vân…!
Tạm dung lận đận, từng cay đắng
Tị nạn long đong trải khổ tân…!
Ảo ảnh cuộc đời nơi lữ thứ
Phù du một kiếp bể trầm luân
Nâng ly tiến tửu cùng tri kỷ
Cạn chén quỳnh tương với nghĩa ân…
MAI XUÂN THANH
San Francisco, July 08, 2023
NGUYỆT TỬU
Vương vấn kìa trăng bóng rõ chân,
Vi vu gió thổi lướt hồng vân.
Vui chơi nhấp rượu hoà men diệu,
Vớ vẫn chào hoa đượm nét tân.
Vườn trúc mơ màng thân tĩnh toạ,
Vần thơ hoài cảm chuyện trầm luân !
Véo von tiếng sáo mầu u tịch…
Viễn xứ chừng đang hưởng phúc ân !
Liêu Xuyên
TRÀ THIỀN
An bần lạc đạo giữ tâm chân
Mọi chuyện Có/Không như khuyển vân
Mộng huyễn tan mau thay đổi mãi…
Huỳnh kê thóang chốc cổ như tân
Giê Su giáng thế ban Nhân Ái
Đức Phật ra đời chuyển Pháp Luân
Quanh quẩn sáu đường ba ác nghiệp
Trà Thiền thanh thản với Sư Ân
Kiều Mộng Hà
Turtle Bay july08th2023
THƯỞNG NGUYỆT
Lung linh trăng sáng hiện toàn chân
Gió thoảng hương quỳnh đuổi áng vân
Giọt rượu tình quê nồng dĩ vãng
Ngụm trà ướp sói đượm lai tân
Ngâm bài “Tỉnh Dạ Tư “trầm nguyệt *
Hát khúc “Nghê Thường” luận nghĩa luân **
Ngắm ánh sao trời mơ Quãng thố
Bồng bềnh phiêu dật ngộ tri ân
Hưng Quốc
Dallas 7-8-2023
*tích Lý Bạch ôm trăng
** tích Đường Minh Hoàng loạn luân
TRĂNG THU THƯỞNG NGUYỆT TRÀ.
Trăng Thu chiếu rạng đỉnh non chân
Lồng lộng gió trêu nguyệt ẩn vân
Ngòi bút Thi văn còn đậm nét
Câu thơ toàn bích mãi thanh tân
Cờ Tiên nhàn rỗi vui cùng bạn
Nâng tách trà thơm mặc Thế luân
Áo vải hài gai không bợn tục
Đường Tu giữ vẹn hưởng Thiên Ân.
Mỹ Nga
09/07/2023 ÂL22/05/Quý Mão.
Chú Thích:
Điển tích "Mây
Tần" được viết rõ ràng nhứt trong Truyện Tàu "Đông Du Bát
Tiên". Nó có liên quan đến 1 trong Bát Tiên là Hàn Tương Tử với chú
của mình là Hàn Dũ, một Nho sĩ có tiếng.
Đây là nguyên văn trích từ truyện Đông Du Bát Tiên:
Hàn Tương Tử đời Đường, kêu Hàn Dũ bằng chú ruột. Tánh Hàn Tương Tử mộ đạo Tiên. Hàn Dũ ép học Nho mãi, Hàn Tương Tử nói: "Chú mộ công danh phú quí, còn tôi học đạo thần tiên". Hàn Dũ giận nạt lớn. Sau Hàn Tương Tử gặp Vân Phòng (Hớn Chung Ly) và Lữ Động Tân (2 vị trong Bát Tiên), dắt lên non hái đào chín. Hàn Tương Tử leo lên hái đào bị gãy nhánh, té xuống bỏ xác thành Tiên. Sau tính trở về độ chú.
Năm ấy trời hạn, Hàn Dũ đảo vũ không linh. Xảy nghe đạo sĩ rao rằng: "Ai muốn mua mưa mua tuyết ta bán cho?". Hàn Dũ rước vào đảo vũ. Giây phút mưa xuống tràn đồng, tuyết sa chất chất. Hàn Dũ nói: "Không chắc tại ai đảo vũ mà đặng mưa tuyết nầy, vì ta cầu hơn nửa ngày, có khi hậu được thành công thì phải?". Đạo sĩ nói: "Thiệt là mưa tuyết tôi cầu". Hàn Dũ hỏi: "Lấy cớ nào mà chắc?". Đạo sĩ nói: "Tuyết của tôi cầu có ba thước ba tấc mà thôi". Hàn Dũ đo lại, thiệt tuyết cao ba thước ba tấc, từ ấy mới tin thần tiên có phép mầu. Đạo sĩ ấy là Hàn Tương Tử biến hóa.
Đến ngày Hàn Dũ ăn lễ sanh nhựt, Hàn Tương Tử về chúc thọ cho chú. Hàn Dũ nửa mừng nửa giận hỏi rằng: "Bấy lâu nay ngươi học đạo thần tiên ra thể nào, làm một bài thơ nghe thử?". Hàn Tương Tử ngâm rằng:
Đã
quyết chí tu trì
Thành
tiên chẳng khó chi
Mây
xanh hằng cỡi hạc
Động
đá cứ ngâm thi
Đặt
rượu trong giây phút
Trồng
hoa nội tức thì
Lâu
dài ngàn tuổi thọ
Điều
độ kẻ tương tri.
Hàn Dũ nói: "Ngươi cướp quyền tạo hóa đặng sao, hãy đặt rượu trồng hoa xem thử?". Hàn Tương Tử đem ché không để giữa ghế, lấy mâm đậy lại, giây phút giở ra rượu ngon đầy ché! Rồi ra trước sân đào đất vun đống, tức thời mọc một cây mẫu đơn nở bông rất lớn! Trong bông có hai hàng chữ nhỏ:
Vân hoành Tần Lĩnh
gia hà tại (Mây giăng ngang núi Tần Lĩnh, nhà ở tại đâu)
Tuyết ủng Lam Quan
mã bất tiền. (Tuyết che lấp ải Lam Quan, ngựa không đi tới trước được)
Hàn Dũ đọc hoài không hiểu về sự gì! Hàn Tương Tử thưa rằng: "Ngày sau chú sẽ biết, bây giờ không dám lậu cơ trời". Ai nấy đều lấy làm lạ lùng. Tiệc rồi Hàn Tương Tử giã từ về núi.
Nói về vua Đường Hiến Tông tánh trọng
Phật. Bên Tây Vực dưng cốt Phật, vua muốn rước vào cung mà
thờ. Bá quan không dám gián. Hàn Dũ dưng sớ can rằng:
"Phật là nước di địch. Từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến vua Võ vua
Thang, vua Văn Vương, vua Võ Vương chưa có Đạo Phật thì thiên hạ thái
bình. Đến đời Hớn vua Minh Đế đạo Phật vào Trung Quốc thì nhà nước
chẳng lâu dài. Sau qua đời Lương vua Võ Đế thờ Phật hết lòng, đến
nỗi Hầu Kiển vây Võ Đế chết đói tại Đài Thành, sao Phật không
cứu! Như vậy thì chẳng nên tin, xin bệ hạ đãi chúng nó rồi truyền
quăng cốt Phật vô lửa, hoặc ném xuống sông, kẻo thiên hạ mê theo mà
lầm. Lẽ nào mang cốt khô ấy vào cung, mà bá quan không gián; xin bệ
hạ y tấu, nếu Phật có linh hiển thì làm họa cho tôi".
Khi ấy vua Hiến Tông xem sớ nổi giận, truyền giáng chức Hàn Dũ, đày ra Triều châu tức thì.
Hàn Dũ đi đến chốn nào không biết chẳng thấy nhà cửa ai, mây giăng trên chót núi mịt mù, tuyết xuống cả vừng ngựa đi không đặng. Xảy thấy có một người đạo sĩ, quét tuyết dọn đường, coi lại là Hàn Tương Tử! Lại chào chú mà hỏi rằng: "Chú nhớ hai câu thơ trong bông mẫu đơn ngày xưa chăng?". Hàn Dũ hỏi: "Chốn nầy là xứ chi?". Hàn Tương Tử thưa rằng: "Đây là ải Lam Quan, núi nầy tên là Tần Lĩnh". Hàn Dũ thở than rồi nói rằng: "Như vậy số trời đã định rồi, chạy đâu cũng không khỏi! Để ta nối thêm sáu câu nữa cho đủ bài". Nói rồi ngâm rằng:
Nhứt
phong triêu thấu cửu trùng thiên
Tịch
biến Triều Dương lộ bác thiên
Bổn
vị thánh minh trừ tệ chánh
Cảm
thương suy hủ tích tàn niên
Vân
hoành Tần Lĩnh gia hà tại
Tuyết
ủng Lam Quan mã bất tiền
Tri
như viễn tại ưng hữu ý
Hảo
thâu ngõ cốt táng giang san.
Ngâm thơ rồi đi với Hàn Tương Tử đến trạm Lam
Quan mà nghỉ. Hàn Dũ từ ấy mới trọng đạo và tin lời cháu nói chẳng
sai. Trong đêm ấy chú cháu bàn luận đạo đức.
Rạng ngày Hàn Tương Tử đưa một bầu thuốc cho chú mà nói rằng: "Chú uống một hườn thuốc nầy, thì khỏi sanh các bịnh. Không bao lâu chú cũng đặng phục chức về trào". Nói rồi từ giã. Hàn Dũ ngậm ngùi hỏi rằng: "Ngày sau chú cháu còn gặp nhau chăng?". Hàn Tương Tử thưa rằng: "Chú ở Triều Dương (Triều Châu) có sấu làm loạn, chú đặt văn tế đưa nó phải đi. Kế đặng phục chức. Sau tôi sẽ về độ chú, truyền phép tu luyện theo Tiên". Nói rồi kẻ đi người ở. Thiệt sau y như lời Hàn Tương Tử, một mảy không sai.
Chú thích:
Thời nhà Trần của Đại
Việt, Nguyễn Thuyên dùng chữ Nôm làm văn tế cá sấu ở sông Phú Lương (thuộc
Thăng Long). Theo sự tích của Hàn Dũ, Trần Nhân Tông đổi tên ông là Hàn
Thuyên.
Câu "Vân hoành Tần
Lĩnh gia hà tại" thường được Hoàng Hoa thi sĩ và thi sĩ Hán tự tiền bối
dùng trong thơ để tả nỗi nhớ nhà của người lữ khách tha hương, có khi
nói tắt là "Mây Tần".
{Phan
Thượng Hải}
*Từ 2 câu thơ:
Mây Tần mộng đến
Hàn Tương Tử
Lầu hạc mơ về Lữ
Động Tân
Tui xin viết về điển tích của câu thứ hai (Lầu hạc và Lữ Động Tân), sau khi đã viết điển tích của về câu thứ nhất (Mây Tần và Hàn Tương Tử).
LỮ
ĐỘNG TÂN VÀ HOÀNG HẠC LÂU
(Bs Phan Thượng Hải)
* Tiên và Hoàng Hạc Lâu
Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với một bài thơ của Thôi Hiệu (710-754), làm vào thế kỷ thứ 8. Có sách cũ viết là "Thôi Hạo". Bài thơ nầy gắn liền với Hoàng Hạc Lâu từ đó cho đến bây giờ, nó được coi là bài thơ tiêu biểu độc nhất tả Hoàng Hạc Lâu. Sau đó trong 1300 năm, có rất nhiều bài thơ khác vịnh Hoàng Hạc Lâu nhưng ít được quần chúng để ý tới.
HOÀNG HẠC
LÂU
Tích nhân
dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa
không dư Hoàng Hạc
lâu
Hoàng hạc
nhất khứ bất phục
phản
Bạch vân
thiên tải không du
du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương
thụ
Phương
thảo thê thê Anh Vũ
châu
Nhật mộ
hương quan hà xứ
thị
Yên ba
giang thượng sử nhân
sầu.
(Thôi
Hiệu)
Hoàng Hạc Lâu
là ngôi lầu được xây
dựng ở trên ghềnh đá "Hoàng Hạc" của núi Xà Sơn thuộc huyện Vũ Xương tỉnh
Hồ Bắc.
Có 3 truyền thuyết cho rằng có người
thấy Tiên cỡi hoàng hạc
Tiên
ông Vương Tử An (Wang Zi An) cởi hoàng hạc từ ghềnh đá nầy của núi Xà Sơn mà
bay lên trời.
Tiên
ông Phí Văn Vi (Fei Wen Yi) cởi hạc hạ cánh xuống nghỉ ở ghềnh đá nầy.
Tiên
ông Lữ Động Tân (Lu Dong Bin) trong Bát Tiên từ trời giáng hạ xuống Xà Sơn.
Do đó ngôi lầu nầy có tên là Hoàng Hạc Lâu.
Trong các vị Tiên nầy, Lữ Động Tân trong Bát
Tiên là phổ thông nhất trong Đạo Giáo, tín ngưỡng tôn thờ của người Trung
Hoa. Hai vị Tiên kia thì ít người biết đến.
* Tiên là Lữ Động Tân
Năm 1813, Nguyễn Du của nhà Nguyễn (vua Gia
Long) đi sứ sang Tàu cũng có ghé Hoàng Hạc Lâu. Sau khi đọc những
bài thơ đã có của những sứ thần nước Việt đến trước ông, Nguyễn Du chỉ khen bài
thơ của Lê Quang Định (1803).
Nguyễn Du bình bài thơ này:
Thôi
Hiệu thi thành, hậu nhân đáo thử cánh đạo bất đắc.
Thử cú tòng Trần Trung cấu
xuất tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ.
Dịch nghĩa:
Thôi
Hiệu thi thành, hậu nhân đáo thử cánh đạo bất đắc = Thôi Hiệu làm thơ xong,
người sau tới không viết được nữa. (Ý chỉ Lý Bạch).
Thử cú tòng Trần Trung cấu
xuất tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ = Những câu (thơ) này theo Trần Trung, tạo ra tứ mới lạ, xứng đáng thơ
vịnh lầu Hoàng Hạc vậy. (*)
(*) Chú thích:
Trần
Trung tức Trần Phu 陳孚, tự Cương Trung 剛中, có bài Ngạc chử vãn diểu 鄂渚晚眺 viết khi lên lầu Hoàng Hạc.
Thử
cú = (những) câu (thơ) nầy là bài thơ của Lê Quang Định.
Đây là bài thơ mà Lê Quang Định làm khi ông đi sứ sang Tàu cho vua Gia Long nhà Nguyễn để xin đổi quốc hiệu là Việt Nam (1803).
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hoàng Hạc
lâu đầu tượng ngoại khoan
Hán Dương thành quách nhiễu tình lan
Lữ tiên túy hậu trùng lai diểu (*)
Thôi Hiệu thi thành tái họa nan
Trần mộng vị tinh thanh thảo bạn
Hương tâm mỗi ký bạch vân đoan
Hàn phi tích cổ viêm tưu viễn (*)
Nhân cảnh tao phùng hữu thử quan.
(Lê Quang Định)
1759-1813
(*) Chú thích:
Lữ
tiên là tiên ông Lữ Động Tân, 1 trong Bát Tiên của Đạo Giáo.
Viêm
tưu = xứ nóng, ám chỉ xứ ở miền nhiệt đới như Việt Nam.
LÀM
KHI LÊN LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Trước
lầu cảnh tượng rộng thay
Hán Dương thành quách
nước mây bốn bề
Say xong tiên Lữ không về
Hoạ thơ Thôi Hiệu phẩm
đề, khó sao!
Mộng chưa tỉnh, cỏ xanh
màu
Gửi theo mây trắng nỗi
sầu quê hương
Chốn cổ tích xa viêm bang
Người may gặp dịp xem
quang cảnh này.
(Hoài Anh dịch)
Như vậy, ông Tiên thật sự có trong sự
tích của Hoàng Hạc Lâu và tên của Hoàng Hạc Lâu chính là Lữ Động Tân.
Ông Lê Quang Định ( 1 trong Gia Định Tam Gia,
học trò của ông Võ Trường Toản) là người Việt gốc Hoa ở Nam Kỳ. Truyện Tàu "Đông Du
Bát Tiên" của Nam Kỳ có ghi rõ sự tích của Lữ Động Tân và Hoàng Hạc Lâu
nguyên văn như sau:
Từ
ấy sắp sau Lữ Động Tân (đã thành Tiên, 1 trong Bát Tiên) qua châu Nhạc
Dương cho thuốc thí, tìm người lành mà độ tu hành, té ra độ không đặng ai, cứ
độ rượu tại quán Tân thị mãi! Lữ Động Tân uống chịu, Tân thị không
đòi, uống tới nửa năm, không trả một đồng điếu! Lữ Động Tân thấy Tân
thị không đòi bảo rằng: "Ngươi lấy vỏ quít tươi ra đây đặng ta dùng nó thế
mực vẽ con hạc vàng trên vách tường. Hễ có khách đến uống rượu thì
kêu huỳnh hạc xuống múa, vài năm như vậy ngươi thâu lợi quá trăm ngàn cái tiền
rượu, chắc làm giàu nổi". Chủ nhà vưng lời, trọng
đãi. Lữ Động Tân vẽ hạc, uống rượu rồi giã từ. Tân thị
thấy khách tới, kêu huỳnh hạc, thấy hạc vàng trên vách nhảy xuống múa
men. Đến khách về nó nhảy lên vách thì là hạc vẽ! Thiên
hạ dồn tới chật quán, nhờ bán đắt mà làm giàu.
Cách ít năm Lữ Động Tân đi ngang qua Tân thị mừng rỡ, rước vào đãi rượu tạ ơn. Lữ Động Tân hỏi: "Trừ đủ tiền chịu hay chưa?". Tân thị nói: "Quá lời quá vốn". Lữ Động Tân lấy ống sáo thổi ba bản, hạc vành trong vách bay ra, Lữ Động Tân cỡi hạc bay mất. Tân thị cất cái lầu lại đặt tên là Huỳnh Hạc, sau có kẻ đề thơ trên vách tường.
* Lữ Động Tân là Lư Sinh
Khác với Lý Bạch, sau khi khen bài thơ của Lê Quang Định, Nguyễn Du cũng có làm bài thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu.
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hà
xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng
Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
(Nguyễn Du)
1766-1820
Chú thích:
Lư
Sinh đời Đường đến 1 quán trọ, nằm đợi chủ quán nấu nồi kê (hoàng-lương),
ngủ quên, nằm mộng thấy lấy vợ, đẻ con, sinh cháu, giầu sang, vinh hoa, phút
tỉnh dậy thấy mất cả (Hoàng Lương Mộng / Giấc Mộng Kê Vàng của
Lư Sinh). (theo TĐ Đào Duy Anh).
Lư Sinh có tượng thờ trong Hoàng Hạc lâu.
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Xa
khuất thần tiên trải bấy lâu
Bến
sông dấu cũ vẫn bên lầu
Xưa
đi nay lại Lư còn mộng
Hạc
vắng lầu hoang Hiệu mấy câu
Ngoài
gác nước mây vời vợi thẳm
Trong
tầm cây cỏ vẫn xanh mầu
Ý
tình chan chứa cùng ai ngỏ?
Trăng
gió vô tình có biết đâu?!
(Hoàng Hoa Nguyễn Hoài Trung dịch)
Trước đó, sứ thần Phan Huy Ích của nhà Tây
Sơn (vào cuối thế kỷ 18) có viết bài văn xuôi tả lầu Hoàng Hạc với những câu:
"Truyền
thuyết Phí Văn Phi đắc đạo thành Tiên, thường cởi hạc vàng chơi ở đó".
"Nay
tầng thứ nhất thờ Phí Văn Phi. Tầng thứ nhì thờ Lữ Động Tân
cạnh là tượng thờ Lư Sinh".
"Cách
bờ là bến lớn sông Hán người đông đúc hàng hóa chất đầy".
"Núi Quì sơn, gác Tình Xuyên và bãi Anh Vũ thật là những cảnh đẹp trong trời đất".
Tại sao Nguyễn Du lại nhắc tới Lư sinh, một người không phải là Tiên và có trong sự tích "Giấc mộng Hoàng lương" sau khi Lê Quang Định nói đến Lữ Động Tân? Và Phan Huy Ích lại chú ý tới ông Tiên Lữ Động Tân và thư sinh họ Lư thờ kế bên nhau trong Hoàng Hạc Lâu?
Thật ra, trước khi theo học Hớn Chung Ly (1 trong Bát Tiên) để thành Tiên (cũng là 1 trong Bát Tiên), Lữ Động Tân chính là Lư sinh (thư sinh từ núi Lư sơn). Nhờ kinh nghiệm "Giấc Mộng Hoàng Lương" (Hoàng Lương Mộng) mà Lư sinh Lữ Động Tân mới tỉnh ngộ bỏ đường công danh Nho gia mà theo học đạo Tiên với Hớn Chung Ly. Giấc mộng Hoàng Lương cũng là phép Tiên của Hớn Chung Ly giúp cho Lư sinh Lữ Động Tân tỉnh ngộ. (Hớn Chung Ly tên thật là Chung Ly Vân Phòng, tục thế thường gọi là Hớn Chung Ly vì ông trước khi đi tu là Nguyên soái cầm quân của nhà Hớn).
Truyện Tàu "Đông Du Bát Tiên" viết
nguyên văn như sau:
Lữ
Động Tân 20 tuổi, xưng hiệu Thuần Dương không chịu cưới vợ. Đến khi
dạo núi Lư sơn gặp Huỳnh Long Chơn nhơn truyền gươm phép chém
yêu và dạy phép tu luyện. Lữ Động Tân thi đỗ khoa Tú tài, lại đỗ
khoa Cử nhơn, thi khoa Tấn sĩ lại rớt; 64 tuổi mà nhan sắc còn tơ.
Khi
về tới huyện Hàng Đang vào quán rượu gặp thầy đạo sĩ mặc áo
trắng. Khi ấy Lữ Động Tân thấy người thanh tân lấy làm phục lắm bái
và hỏi họ tên. Đạo sĩ mời ngồi nói rằng: "Ta là Vân Phòng tiên
sanh ở núi Triều Hạc, chàng muốn đi chơi với ta không?". Lữ
Động Tân còn lưỡng lự. Chung Ly Vân Phòng biết ý, vì chưa đỗ Tấn sĩ
nên còn muốn trổ danh tiếng với đời. Liền hối người (trong quán) nấu
huỳnh lương là bắp. Vân Phòng đưa gối cho Lữ Động Tân nằm, còn mình
ngồi chụm lửa cho mau chín. Chẳng Chung Ly Vân Phòng có làm phép
trong cái gối. Khi ấy Lữ Động Tân nằm chiêm bao thấy vía đi thi, ghé
nhà giàu kia gặp nàng nọ tuổi vừa hai tám dung nhan lịch sự trong đời, nói hứa
rằng: "Nếu chàng thi đỗ Trạng nguyên, thiếp chịu nâng khăn sửa
trắp". Lữ Động Tân vào khoa đỗ Trạng cưới nàng ấy, sau lại kiếm
hầu. Vua bổ ra làm chức Giám nghị, lần lần tới bốn mươi năm, làm
chức Thừa tướng mười năm nữa, có xuôi gia cũng bực quan lớn, cháu nội cháu
ngoại đông đầy! Sau bị nịnh thần vu oan giá họa, đến nỗi mắc tội,
vua tịch ký gia tài, bị đày qua núi Lãnh biển, cực khổ vô hồi; kế giựt mình
thức dậy! Vân Phòng cười lớn ngâm thơ:
Nồi
bắp hỡi còn ngòi
Chiêm
bao đà thấy cháu.
Lữ Động Tân lấy làm lạ hỏi rằng: "Thầy biết sự chiêm bao của tôi sao?". Vân Phòng nói: "Chiêm bao năm chục năm công việc cả muôn, thiệt không đầy một lát; đặng chẳng khá mừng, mất không nên thảm thiết, hết vinh tới nhục là lẽ thường". Bây giờ nói giấc Huỳnh Lương (giấc Hàng Đang) cũng là tích ấy. (Phương ngữ Nam Kỳ đọc "Hoàng" là "Huỳnh").
Chú thích:
Bát Tiên ở Bồng Lai Tiên Cảnh là: Lý Thiết Quải (Lý Thiết Quày), Hớn Chung Ly, Lữ Động Tân, Trương Quả Lão, Lâm Thể Hòa, Hà Tiên cô, Hàn Tương Tử và Tào Quốc cựu. (Quốc cựu = anh vợ hay em vợ của vua)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
https://battrangvn.vn/wp-content/uploads/2019/03/y-nghia-luc-binh-bat-tien-2-e1552895162846.jpg
Trả lờiXóaCảm ơn Fa.
XóaVâng, uống trà thưởng trăng là thú chơi tao nhã tự cổ chí kim. Thăm thi nhân đọc xướng họa như được thưởng trà vậy. Xin cảm ơn!
Trả lờiXóaCảm ơn bác LVG.
XóaKính chúc bác luôn được mạnh khỏe, an vui.