Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

LỜI CẢM TẠ CHÂN THÀNH -Nữ sĩ Như Thu



LỜI CẢM TẠ CHÂN THÀNH

Anh Chị thương mến,

Lời nói đầu tiên Như Thu thật lòng xin lỗi vì đã khiến cho quý Anh Chị mất thời gian và rối não hơi nhiều!!!

Ba thể loại (Toán Thi, Bát Vận Đồng Âm, Ngũ Độ Thanh) nằm chung vào một bài thơ thì phải tốn thời gian là điều không tránh khỏi. Do đó Như Thu không dám mời họa, chỉ muốn nhờ hai chủ vườn Lãng Phong và Đường Thi Quán đăng vào trang nhà để tránh bị mất bài. 

Tuy nhiên vài tiếng sau là thấy thơ mình đã được post rồi và có thêm bài họa của chủ vườn Thi Quán nữa, qua sáng ngày hôm sau là thơ họa của chủ vườn Lãng Phong, thật không gì vui hơn!  Xin cảm ơn lắm lắm!

Cũng nhờ hai vị đã giới thiệu đến mọi người, cho nên chưa đầy ba ngày mà thơ họa liên tục gửi về chứng tỏ tình thương của anh chị đã ưu ái tặng Như Thu quá nhiều. Anh Chị ơi xin gửi bài viết này tỏ lòng biết ơn, mong cả nhà chịu khó đọc nhé!

Trước hết là bài họa có tên THI CHUỘNG của thi sĩ Cao Bồi Già đã nhanh tay mở hàng tặng. Chắc chắn rằng mỗi người trong chúng ta đều đã đọc qua thơ trào phúng của nhà văn, nhà thơ Trần Tế Xương phải không nè?Tiếc thay bao lần hỏng thi đã khiến cho cuộc sống của Ông lâm vào cảnh túng thiếu đủ mọi mặt, nhưng ngòi bút sắc bén, lời lẽ kiên cường, không bao giờ khuất phục, đáng cho con cháu noi theo. 

Cũng giống như vậy, nhà thơ vừa có lối trào phúng lại vừa trữ tình chính là cụ Nguyễn Khuyến, ông có nhiều bài thi ca, văn tế hơn 300 bài thơ với nhiều thể loại khác nhau, rất ngưỡng mộ hai Ông. 

Ở đây Như Thu không bàn luận sâu thêm về hai Cụ nữa, mà muốn nêu lên điểm mạnh của thi sĩ Cao Bồi Già đã khéo léo gửi gắm sự tương phản qua hai câu thực của mình, đối nhau chan chát 

Tứ bận Trần Xương, rầu chả đỗ

Tam đầu Nguyễn Khuyến, rạng tuồng mơ

Còn nữa thi sĩ Cao Bồi Già đã tiết lộ thêm một điều thật thú vị đó là tác giả biết yêu thơ văn rất sớm 

Tám tuổi đà yêu vần rõ ngộ  

Và siêng năng rèn luyện thơ Đường mỗi ngày 

Đường thi, mỗi buổi luyện đôi giờ…

Hèn chi thi sĩ rất rành rọt tất cả các thể loại, niêm vần, đối thật chỉnh…Anh Chị có đồng ý không nào?

 

Bài họa thứ hai do nữ sĩ Cao Mỵ Nhân gởi tặng. Khi đọc đến tựa bài thơ ĐẾM THỬ ĐỘ SAI THÌ XIN LỖI, nghe thương thiệt là thương!

Chị Mỵ ơi! hai vườn thơ của chúng ta là hai sân chơi bổ ích, nếu năng rèn luyện cho trí não luôn bận rộn thì tâm hồn cảm thấy lạc quan và yêu đời. Chúng mình hiện diện cùng nhau ở nơi đây thì mọi người đều bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh và nơi chốn. Do đó chị hãy tự nhiên đừng lo lắng chi và cũng đừng quá khiêm nhường chị nhé!

Câu mở đề khiến em cười tủm tỉm vì lời than vãn.

Khổ quá Năm vần Ngũ độ thơ

Em thích nhất là hai chữ “Còn chơi” quá ư là dí dỏm

Còn chơi Bát vận mãi bơ thờ

Hai câu thực cũng tuyệt vời lắm chị Mỵ ơi!

Chàng thu Vạn thủa Vô tình ngỡ

Thiếp bảo Đôi thời Hữu sự lơ

Chàng đối với Thiếp, thu và bảo là động từ đối rất chỉnh. Vạn thủa đối với Đôi thời. Vô tình ngỡ đối với Hữu sự lơ. Tóm lại đây là cặp đối hoàn chỉnh, không phải bàn thêm gì cả. Ngưỡng mộ nữ sĩ lắm lắm nha!

 

Ở hai câu đề của bài họa NGŨ ĐỘ THƠ thi sĩ Lý Đức Quỳnh đã giới thiệu và so sánh thể Ngũ Độ Thanh đọc lên như khúc nhạc êm tai được phổ từ thơ. Xin mời Anh Chị hãy xem

Ngũ độ thanh là bản phối thơ

Trường thiên nhạc phổ, vẫn tôn thờ

Tuyệt vời quá!

Đa số mọi người cũng biết là thơ Đường Luật có nhiều thể loại thí dụ như Thất Ngôn Bát Cú, Lục Cú, Ngũ Ngôn, Tứ Tuyệt. Ngoài ra cũng có quá nhiều dạng khác nhau nữa như Thuận Nghịch Độc, Thủ Nhất Thanh, Tung Hoành Trục Khoán… Hay là khó tránh phạm lỗi như mạ đề, khổ độc, điệp từ, khắc lục, hạc tất…

Mặc dù thi sĩ có thừa khả năng sáng tác những thể loại trên, nhưng đôi lần cũng bối rối 

Bát vĩ đồng âm…vào nghẹn thở

Xoay qua sáng tác thể nhất vận có nhiều đêm mệt mỏi 

Từng đêm nhất vận…ngủ quên giờ

Nghe tội quá thi sĩ ơi!

 

Nữ sĩ Sông Thu chẳng bao giờ quên tặng quà cho Như Thu vì thế bài MÊ THƠ đã xuất hiện, xin cám ơn chị nhiều nhé! Nếu như thi sĩ Cao Bồi Già đã yêu thơ từ năm lên tám thì khi chín tuổi chị Sông Thu đã biết mơ mộng chép những dòng thơ ưng ý vào quyển vở rồi đấy! Anh Chị ơi! nữ sĩ miệt mài nắn nót từng con chữ không lơ là 

Vừa lên CHÍN tuổi đã làm thơ

Tập tễnh ĐÔI ngày khó thể lơ

Qua đến hai câu thực chúng ta sẽ thấy tác giả dùng chữ rất tuyệt vời, nhẹ nhàng quá đi thôi, đưa người đọc hiểu ngay đường thi (bảy chữ) và lục bát (hai vần). Điểm chính mà Như Thu muốn giới thiệu là cặp đối này thật hài hòa, có thể nói ngay là rất chỉnh thật sít sao 

BẢY chữ đường thi hoài gợi nhớ

HAI vần lục bát chẳng ơ thờ

Một lần nữa xin cám ơn món quà tinh thần dễ thương chị nhé!

 

Là con người ai ai cũng đều trải qua một lần yêu, dù yêu đơn phương hay được yêu lại. Họ đến với nhau bằng cả trái tim, thề non hẹn biển, sắt son trọn đời. Chưa hết họ còn dệt ra một tương lai rực rỡ, một gia đình êm ấm giòn giã tiếng cười bên đàn con dưới mái nhà xinh xắn. Nhưng than ôi cuộc tình chóng vánh phải rời xa vì không chung lối về, hai ngã rẽ ngược chiều 

Sài gòn ngày tháng tình tan vỡ 

Họ đã từng tay trong tay dìu nhau đi khắp phố phường, nhưng đến bây giờ kẻ chân mây người góc biển, bóng chim tăm cá. Buồn lắm người ơi!

Phố Huế dìu nhau biệt đến giờ 

Đây chính là lý do bài họa VIẾT BÀI THƠ được thổ lộ từ thi sĩ Yên Hà, rõ nét nhất ở hai câu đề 

Đau lòng từ đó viết bài thơ 

Khắc khoải ngày đêm, dạ rối bời bời đã gợi tâm hồn thi sĩ 

Trăm ý xốn xang dạ rối thờ

Niềm nhớ nhung da diết khôn nguôi!

 

Thêm bài họa có tên là MỘNG LÀM THƠ gồm hai khổ do thi sĩ Hồ Nguyễn sáng tác. Khổ thứ nhất tác giả chọn vần trắc và khổ thứ hai đổi qua vận bằng, thật hoàn hảo và không gì thú vị hơn phải không nà?  

Tuy vần có nhạt hay vận không nồng nhưng thi sĩ lỡ tôn thờ mất rồi, có phải đang hoài ấp ủ mộng làm thơ chăng? Thế là giấy mực sẳn sàng…

NĂM vần vận nhạt trót tôn thờ

Có phải một chút giận hờn vu vơ đã khiến cho con chữ xao động, tấc dạ bồi hồi, lắm lúc nghe hồn lạc lõng bơ vơ…

BẢY chữ giao hờn dạ lửng lơ

Sở thích nghe nhạc của mỗi người chúng ta đều khác nhau. Có người thích nhạc vui năng động, có kẻ thích nghe nhạc trữ tình, êm dịu. Riêng thi sĩ sống về nội tâm nên chỉ cần nghe vài bản nhạc buồn đã vấn vương hồn lưu luyến 

BA khúc nhạc buồn lưu mãi nhớ

Vì thế thi sĩ thầm

MUÔN điều trăn trở vẫn còn mơ!

Còn một điều nữa mặc dù thơ Đường luật có nhiều dạng, một trong những dạng đó là thất ngôn bát cú, nhưng thi sĩ lại có hướng đi riêng cho mình: kèm theo một hoặc hai câu sau bài thơ để nhấn mạnh thêm cho toàn bộ bài thơ. Quá ư là đặc biệt phải không Anh Chị?

 

Rất vui vì thấy bài họa có tựa đề giống bài xướng cùng tên là TẬP MẦN THƠ do nữ sĩ Kim Phú gởi tặng, cám ơn chị nhé!

Mỗi khi mình sáng tác thơ, có những lúc hồn thơ lai láng tuôn trào ghi chép không ngừng nghỉ và cũng có hôm cảm xúc dường như khô cạn, con chữ trắc bằng, niêm luật, nguồn thi hứng đâu rồi hở?

Lại MỘT HAI ngày cạn tứ thơ

Thế rồi mắt dõi đợi chờ…

BA THU BỐN HẠ cứ bơ thờ

Niềm đam mê thi tứ đã vận vào người thật khó lòng dứt bỏ được, cũng như con tầm nhả tơ không phân biệt thời gian hoặc không gian, cho dẫu Đường Thi hay dù Lục Bát chẳng lơ là

THẤT ngôn Đường Luật lòng luôn nhớ

BÁT cú từ chương dạ chẳng lơ

Gõ đến đây Như Thu bỗng khám phá 

một điều hay và lạ nữa, nhờ đọc kỹ thơ nhiều bận, tuy không áp dụng ngũ độ thanh nhưng chị đã đưa bốn mùa xuân hạ thu đông vào trong bài họa này, tuyệt vời quá nữ sĩ ơi!  

Như Thu yêu cả bốn mùa! 

 

Có thể nói không điều gì gây khó khăn cho nữ sĩ Lan được. Mặc dù mới TẬP TÀNH nhưng nữ sĩ tiết lộ là đã học làm thơ từ lúc lên sáu tuổi. Người ta thường nói “tuổi trẻ tài cao” thì Như Thu có thể khẳng định rằng nữ sĩ Lan là một trong những người học làm thơ sớm nhất vậy thì Anh Chị cũng đồng ý với Như Thu phải không nè?

Vô trường SÁU tuổi học làm thơ

Trọn buổi Hai tờ, trí ngẫn thờ

Một khi đã quyết học làm thơ thì nữ sĩ rất siêng năng cần mẫn, trau giồi liên tục và kết quả rất tuyệt vời!  Luôn tự nhắc mình

CHỤC bữa trau giồi nên phải nhớ

Trong thời gian học hỏi rất chăm chỉ tìm câu, lọc chữ, kiên trì chẳng dám lơ là

TRĂM ngày học hỏi khó mà lơ

Ngưỡng mộ quá đi thôi!

 

Trong nhóm thi đàn chúng ta có thể nói thi sĩ Mai Xuân Thanh có tâm hồn yêu thơ với niêm vần lai láng, ý tưởng dồi dào. Chính vì thế mỗi khi họa thơ với Như Thu không chỉ là một bài duy nhất mà anh gởi tặng hai hoặc ba bài, rất cảm động đó thi sĩ ơi!

Ở bài họa đầu tiên THI SĨ MỘNG MƠ tác giả cho chúng ta biết rằng vì mãi mê sách đèn, học hành vất vả cho những mùa thi đầy chông chênh nhiều thử thách, bơ phờ dáng vẻ 

MƯỜI năm đèn sách học bơ thờ

Chính vì vậy mà cho mãi đến năm sáu mươi tuổi anh mới đọc thơ, không trễ đâu thi sĩ ơi!

SÁU chục niên rồi mới đọc thơ

Qua đến bài họa thứ hai TUỔI GIÀ TÁM CHỤC, thì sao nè?

Từ sở thích đọc thơ, yêu thơ, thi sĩ lại thích làm thơ nữa, có lần tác giả lên tiếng hỏi:

Thơ Đường, BÁT cú ai còn nhớ?

Riêng đối với anh thì luôn luôn chú tâm

BẢY chữ MỘT câu bút chẳng lơ 

Bài họa thứ ba LÀM THƠ GIẢI TRÍ, chao ôi thích quá đi!

Dù tuổi đạt đến ngưởng cửa bách niên nhưng với tinh thần sáng suốt, minh mẫn lại thường xuyên 

BÁCH niên luyện trí nhớ làm thơ

Bên đại gia đình hạnh phúc đã thành công nơi xứ người

BẢY trai hiếu nghĩa bao tầm cỡ 

CHÍN cháu trung thành biết mấy giờ 

Xin chúc mừng thi sĩ nhé!

 

Thi sĩ Liêu Xuyên thân mến ơi! 

Cho Như Thu nói nhỏ điều này nha: Anh không cần phải TẬP LÀM THƠ đâu, vì trong nhóm thi đàn ai nấy cũng đều biết và rất ngưỡng mộ anh với nhiều bài thơ sắc bén hay nhẹ nhàng, lắm vần thơ da diết cõi lòng. Đa tài quá đi ạ! Cũng nhờ thi sĩ mà Như Thu biết thêm thể loại “thủ nhất tự”, xem thì đơn giản nhưng không dễ chút nào. 

Giỏi giang như thế nhưng lại cẩn thận tìm lời lọc ý, từng câu từng chữ 

Lựa ý tìm lời kết tứ thơ,

Lòng luôn cẩn trọng há ơ thờ

Hãy xem tiếp đây bằng trắc tuyệt vời tác giả đối rất chỉnh ở hai câu luận sít sao vô cùng

Lớ ngớ trắc bằng đau lắm cỡ,

Lờ mờ câu đối khổ bao giờ! 

Với tài năng như vậy mà anh còn than thở cùng chúng ta, thử hỏi ai mà dám nói gì nữa đây?  Thôi thì im lặng để thưởng thức những dòng cảm nhận kế tiếp nha Anh Chị. 

 

Ai ai cũng đồng ý với Như Thu là thi sĩ Liêu Xuyên rất nhuần nhuyễn về thể thơ Thuận Nghịch Độc, ít ai sánh bằng. Riêng về thi sĩ Mai Lộc cũng có biệt tài đã sáng tác nhiều thơ Ngũ Độ Thanh xuất sắc, vững vàng…

Chiều nay Như Thu rất tò mò muốn biết thi sĩ Mai Lộc gửi gắm lời tâm sự dùm ai đó qua bài họa MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI như thế nào mà đã khiến Như Thu phải đọc đi, đọc lại đôi lần mới ngộ ra rằng chỉ vì yêu người ấy để rồi 

Một thuở yêu người đẫm ý thơ

Thao thức từng đêm, u sầu bên gối lẻ, tâm sự ngổn ngang, giấc điệp không tròn, bơ phờ tướng mạo bởi nhiều đêm thức trắng 

Mười đêm mất ngủ mặt bơ thờ

Thi sĩ cũng cho biết đã ba lần gửi thiệp nhưng người ấy không nhận bao giờ. 

Nỗi buồn nhân đôi tím cả lòng!

Ba lần thiệp tỏ nàng không rớ 

Nếu như một cặp tình nhân yêu nhau thật sâu đậm bước đi cuối cùng là họ sẽ nắm tay hân hoan về chung mái nhà. Tuy nhiên tình yêu và hôn nhân không đơn giản tí nào, cho dẫu trải qua một thời gian dài yêu nhau thắm thiết, nhưng than ôi khi đối phương cầu hôn đã bị từ chối thẳng thừng

Bảy lượt hôn cầu mắt cũng lơ

Có lẽ tình cảm chưa đủ lớn nên màn cầu hôn bị thất bại ê chề!  Tội nghiệp quá đi!

Mong rằng câu chuyện này chỉ là tưởng tượng thôi nhé! 

 

Như Thu cảm thấy mình thật may mắn vì được nữ sĩ Thiên Lý gửi bài họa TẬP THƠ ĐƯỜNG. Đọc câu mở đề nghe thương chị làm sao!

Mặc dù chị đã đóng góp nhiều bài thơ ngọt ngào nhưng vì tính khiêm nhường, cũng vì yêu thơ chị mới phân trần ra công chịu khó học hỏi. Thời gian 10 năm không phải là ngắn nhưng chứng tỏ chị nhẫn nại rất nhiều đã rèn luyện trí não 

MƯỜI năm khổ não luyện Đường thơ

Thể thơ Đường luật là khó nhất trong các loại thơ, đúng là nỗi đoạn trường ai có qua cầu mới hay.  Học hỏi làm được một bài Đường thi rất nhiêu khê phải giữ đúng niêm luật, cách gieo vần, không phạm lỗi khắc lục vì đó là điều tối kỵ khi họa thơ. Nếu như đối không chỉnh, thất vận, sai luật…tất nhiên coi như bài thơ hỏng

BẢY chữ cân bằng chưa thật nhớ

HAI câu thực đối cũng ơ thờ

Tính tình chị hiền lành, siêng năng, chịu lắng nghe không ngại lời góp ý, thật đáng để Như Thu bắt chước 

Suốt cả NĂM tuần sai chẳng sợ

Hâm mộ nữ sĩ quá đi nè!

 

Bài họa tiếp theo có tên là ƯỚC CÒN MƠ do nữ sĩ Phượng Hồng ưu ái gửi tặng, xin cảm ơn người miền xa nhiều nhé!  Không điều gì có thể gây khó khăn cho nữ sĩ được, không kể thơ Đường luật mà chị còn có tài sáng tác nhiều thể loại khác nhau nữa đấy!

Sống cùng với niềm đam mê thi tứ, dù đang ở hoàn cảnh nào, không kể không gian, thời gian…Bỗng chợt khi thấy giữa đóa hồng nhung còn đọng hạt sương đêm hoặc nghe sóng biển rì rào hay nhìn ánh trăng tròn trĩnh khiến lòng dạ âm thầm lưu luyến 

MƯỜI lăm phút lặng chỉ vì thơ

CHÍN cả lòng ta dạ quẫn thờ

Chưa chấm dứt nơi này bởi vì năm lần bảy lượt vấn vương vương vấn khôn nguôi 

Tỉnh rót NĂM lần quên vẫn thở

Mơ màng BẢY bận khóc tình lơ

Thương quá đi! 

 

Ban đầu cứ ngỡ mình đã làm phiền đến Anh Chị nhưng bây giờ mới biết nữ sĩ Minh Thúy đã tạo thêm sự bất ngờ nhưng thú vị lắm nhen! Chẳng những sáng tác ba thể loại mà thêm một thể về màu sắc nữa, tuyệt quá trời! Nếu Anh Chị không nhận ra thì để Như Thu dẫn chứng qua bài CẠN THƠ này nhé!

Hồn thơ dào dạt sẳn có, cộng thêm nhiều sắc màu rực rỡ như trắng, vàng, tím, hồng, đỏ, xanh, bạc và xám trải đều trọn vẹn suốt bài thơ, hay quá đi!

Hạ trắng mây ngàn cảm ngẫm thơ 

Màu hoa phượng đỏ, mây trời bao la bát ngát…hình ảnh thật sống động đang xảy ra trước mắt, dễ thương chi lạ

Phượng đỏ năm cành bay những mớ 

Trời xanh bốn ngả lượn bao giờ 

Cho dù tuổi hạc, da mồi tóc trắng nhưng đến khi vần thơ con chữ trào dâng dám hỏi có cạn nguồn không vậy nàng ơi?

Hàng ba bạc tóc vần im mở 

Mai này hổng dám múa rìu qua mắt bạn hiền đâu!  

 

Thi sĩ Hưng Quốc cũng không quên gửi tặng bài họa MÊ LÀM THƠ, anh đã bày tỏ niềm đam mê làm thơ và nghĩ rằng nội trong ba ngày sẽ hoàn thành 

NHẤT định BA ngày sẽ gởi thơ 

Trong đời sống hằng ngày con người chúng ta thường hay bị chi phối về hai mặt yêu và ghét, tình cảm Yêu và Ghét này đôi khi khiến cho ta mất ăn mất ngủ ngày đêm khắc khoải, phiền não vây quanh. Lắm khi nó đưa con người đi vào chốn tận cùng khổ đau đôi lúc ta muốn buông xuôi mặc cho con tạo đẩy đưa, đưa đẩy. Riêng đối với thi sĩ Hưng Quốc hai trạng thái Yêu và Ghét thể hiện rạch ròi. Chúng ta hãy xem cặp đôi yêu và ghét của thi sĩ nè!

Yêu vì THẤT luật lòng than thở

Ghét bởi KHÔNG đồng não lịm lơ

Không bị tình cảm này san sẻ 

Hãy xem tiếp câu cuối, anh đã khéo léo dùng danh từ con số “bốn”, còn chữ “lục” vừa là tính từ vừa là động từ. 

BỐN chữ sau cùng LỤC nửa giờ 

Tuyệt vời quá! 

 

Nhân dịp này Như Thu xin khẳng định là không việc gì có thể gây trở ngại cho thi sĩ Song Quang được đâu. Tuy nhiên anh đã gởi bài họa TẬP TỂNH HOẠ THƠ, rất phục tánh khiêm nhường, hãy đọc thêm lời tâm sự của anh 

Mấy buổi đau đầu mãi hoạ thơ

Có lẽ anh nói cho vui phải không? nhiều khi được thưởng thức nhiều thể loại thơ khác nhau do anh sáng tác, rất khâm phục. Giờ đây bài thơ có năm vần thôi, chỉ là chuyện nhỏ không là gì cả, đừng lo sợ nhé thi sĩ ơi!

Người gieo bảy chữ , trông đà sợ

Kẻ hoạ năm vần , thấy đã lo

Đọc thêm câu này 

Nàng thơ “Út nữa” xem cười chộ 

Cám ơn thi sĩ chịu khó giải thích cho mọi người hiểu từ “Út nữa” thật vui!

 

Tuy tựa bài họa chỉ có một từ CHỞ thôi, nhưng đã làm cho Như Thu thắc mắc ghê! Đọc chầm chậm bài thơ của thi sĩ Võ Ngô, mới phát hiện ra chính là lỗi của mình để cho thi sĩ còn lúng túng về thể thơ Ngũ Độ Thanh, xin lỗi tác giả nhé!

Chúng ta đã từng sáng tác thơ dù cho thỉnh thoảng hay thường xuyên, đều hiểu rằng khi bất chợt có một vần thơ hay vài ba con chữ len lén đi vào trong tâm tưởng không ngừng nghỉ, nhưng chúng ta chưa sẵn sàng bút mực hay bàn phím để rồi qua mấy canh giờ sau lòng tiếc nuối đợi chờ vần thơ trở lại, nhưng nào có thấy đâu?

Gõ bàn phím, ngừng chốc lát rồi lại gõ tiếp nhưng hồn thơ, niêm luật đã trốn đâu mất tiêu rồi? Ngỡ ngàng hụt hẫng…

Hai tay mò phím nguồn chưa có

Bốn mắt dò niêm chữ cứ lơ

Thi sĩ lại than phiền kêu lên 

Diễn đạt tám vần độc vận khó 

Trăm ngàn nghĩa chở vạn niềm mơ

“Chở vạn niềm mơ” chính là đáp số phải không thi sĩ ơi!

 

Nếu như có ai hỏi lứa tuổi nào là đẹp nhất? Như Thu không ngần ngại trả lời ngay đó là tuổi thơ. Đây là tuổi đẹp nhất vì tuổi thơ rất vô tư, hồn nhiên, không lo lắng hay phiền muộn. Tuổi thơ chỉ biết học hành, chơi đùa, ăn no rồi ngủ…Cho đến bây chừ ai mà không NHỚ TUỔI THƠ nữ sĩ Kiều mộng Hà cũng không ngoại lệ. Nhớ thì có nhớ, nhưng không thể quay về bằng chứng là nữ sĩ nhớ da diết từng con lộ, miếu thờ…ở nơi quê quán Cần Thơ (xin lỗi chị nếu không phải). Sau một thời gian dài xa quê, thế mà những hình ảnh đẹp khó phai nhòa trong tâm khảm

BỐN BA năm nhớ quá Cần Thơ

Cuối lộ HAI Mươi có miếu thờ 

Thời xưa rất nhiều gia đình bố mẹ thường đặt tên con theo thứ tự như Cả, Hai, Ba, Tư…Ở năm học đầu tiên nữ sĩ có hai người bạn là con Năm và thằng Bảy, điều đáng nói ở đây là chị nhớ từng chi tiết, nhớ cả thói quen của bạn mình 

Con NĂM bên cạnh cả lăm, đớ

Thằng BẢY ngồi sau cứ hỏi giờ

Không biết bây giờ họ ở đâu chị nhỉ?

 

Có một lần nữ sĩ Mỹ Ngọc nói với Như Thu là chị làm thơ rất chậm. Chị không lẻ loi một mình đâu đừng lo lắng nữa nha vì có người đang bước đồng hành với chị đây. Bây giờ Như Thu xin tự thú nha: khi làm một bài thơ Đường luật Như Thu rất khổ sở vì tìm chữ cho hai cặp đối nghe hồn chán nản, nhiều khi thao thức cả đêm cũng không làm được.  Còn nói về họa cũng thế, lỗi lớn nhất của Như Thu là hay đi lạc đề so với bài xướng, nhưng cũng tự an ủi mình ên vui là chính

Bài họa KIẾM CHỮ HỌA THƠ cũng chứng minh lời nói của chị là đúng

Kiếm mãi DĂM từ để họa thơ,

Tìm BA buổi trọn tóc bơ thờ

Thương quá nữ sĩ ơi!

Điểm này rất giống Như Thu 

NHIỀU câu ý cạn nên dùng đỡ

LẮM chữ văn cùn chịu bỏ lơ

Nói thì như vậy nhưng chị em mình không làm sao buông bỏ niềm đam mê thi tứ phải không chị?

 

Dạo này nữ sĩ Phương Hoa rất bận, nhưng cũng nhín chút thời gian gửi bài họa XIN LIỀU HOẠ THƠ nghe thương quá đỗi người ơi!

Nếu như nữ sĩ thích liều họa thơ tặng thì xin cứ tự nhiên…”liều” bao nhiêu phát cũng được và Như Thu sẳn sàng đưa tay đón nhận, không từ chối bao giờ 

Xin liều MỘT phát để hòa thơ!

Được nữ sĩ tặng đến năm mươi sáu chữ thật quý vô vàn 

“BẢY chữ tám câu” luật phải… thờ!

Hai câu luận cũng không kém phần thú vị, nữ sĩ chọn từng con chữ rất hài hòa, dí dỏm làm sao

Người ra NHẤT vận êm làn thở

Tớ nặn ĐÔI phen loạn múi giờ

Anh Chị xem kỹ nè: “Người ra” đối cùng “tớ nặn” đối nhau chan chát. Vui quá! 

 

Từ lâu lắm rồi Như Thu rất ngưỡng mộ 

nữ sĩ Thy Lệ Trang vì chị rất đa tài đã sáng tác nhiều thể loại thơ như Lục bát, Đường luật, Lưỡng đầu xà, Thuận nghịch độc tứ đối, Thủ nhất tự v.v…

Ngoài ra chị còn viết văn, có nhiều bài thơ được phổ nhạc, và đặc biệt nhất là chị vẻ tranh rất đẹp. Có thể nào chị chia cho em một chút tài lẻ được hôn?

Trong mấy tháng gần đây nữ sĩ rất bận vì phải chăm sóc vườn hoa, rau quả…nên cứ ngỡ chị ngừng thơ thẩn một thời gian. Không ngờ chị thương đứa em này cũng tặng thơ, vì vậy mới có lời than vãn LẠI MẦN THƠ, em hiểu mà! 

Rõ nét nhất thể hiện ngay ở câu đầu 

Đã dặn trăm lần “quẳng gánh thơ”

Không bao giờ chị Trang dễ dàng buông bỏ hoàn toàn được đâu, em chắc chắn là như vậy rồi sẽ tiếp tục quảy gánh thơ... 

Có nhiều đêm thao thức, trăn trở 

Ngàn đêm khắc khoải lại bơ thờ

Câu luận đầu tiên đáng yêu vô cùng: một chút lãng mạn, một chút nhẹ nhàng với khoảnh khắc chờ mong dạ mãi mong chờ 

Nẻo mộng… Nga chờ qua bốn ngõ

Hễ nhắc đến Hằng Nga mà quên chú Cuội đấy là một điều thiếu sót, do đó ở câu luận thứ hai đã xuất hiện 

Đường trăng …Cuội đợi đến không giờ

Mỏi mòn ngóng đợi, chua xót bẽ bàng!!!

Thương quá chị Trang ơi ! 

 

Lời kết:

Giống như những bài cảm nhận trước kia vì khác múi giờ nên thơ họa có thể không theo thứ tự trước sau. Còn nữa là Như Thu viết theo chủ quan, nếu không vừa ý mong Anh Chị xí xóa bỏ qua nhé!

Một lần nữa Như Thu xin cảm ơn rất nhiều đến 21 Anh Chị đã thương mến gửi tặng 23 bài họa, mỗi bài một vẻ, ý tưởng khác biệt hoàn toàn. 

Xin chúc cả nhà vui khỏe và tâm an lạc. 

Thương lắm lắm! 

Như Thu 

06/04/2024

***

Kính mời xem:

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

*Đăng nhận xét,các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.
Chú ý:đường link hình ảnh phải đặt cuối cùng.
*Cảm ơn các bạn đã thăm và chia sẻ!